Phim nhạc kịch: Phim gì mà "hát hoài vậy?" | Vietcetera
Billboard banner
06 Thg 01, 2022
Sáng TạoĐiện Ảnh

Phim nhạc kịch: Phim gì mà "hát hoài vậy?"

Ngoài La La Land hay The Greatest Showman, phim nhạc kịch vẫn là một trong những thể loại bị “ghẻ lạnh” ở Việt Nam. Nhưng vì sao thể loại này vẫn có chỗ đứng lớn trong văn hóa Mỹ?
Phim nhạc kịch: Phim gì mà "hát hoài vậy?"

Nguồn: Lợi Phan cho Vietcetera

Năm 2012, bước ra khỏi rạp sau khi xem xong Les Miserables (Tom Hooper), tôi đã nghe lời than từ một khán giả: “Phim gì mà toàn hát”.

Năm 2021, gần 1 thập kỷ sau đó, ở phân cảnh xúc động nhất của West Side Story (Steven Spielberg) - bộ phim dẫn đầu phòng vé Bắc Mỹ khi vừa ra mắt và đạt giải Golden Globe - tôi vẫn nghe một tiếng cười khúc khích vang lên trong khán phòng.

La La Land hay The Greatest Showman là những phim nhạc kịch hiếm hoi gây được tiếng vang lớn tại Việt Nam. Còn lại, đây được biết đến như thể loại kén khán giả tại Việt Nam nhất.

Nhưng vì sao thể loại này vẫn có chỗ đứng rất vững chắc trong văn hóa đại chúng Mỹ? Giữa cao trào, các nhân vật cất giọng hát và phô diễn vũ đạo là vì sao?

Âm nhạc dẫn lối cho hình ảnh

Khi nhắc đến điện ảnh, chúng ta đều biết “hình ảnh” là yếu tố tiên quyết và chủ đạo. Suy cho cùng, từ “movie” cũng là viết tắt của “moving images” (những hình ảnh chuyển động). Và xét theo lịch sử, hình ảnh ra đời trước âm thanh.

Âm thanh chỉ là một thành tố hỗ trợ cho hình ảnh. Âm thanh phải chạy theo hình ảnh. Âm thanh đắp thêm ý nghĩa cho hình ảnh.

Ngày đó, để những thước phim câm có cảm xúc và khán phòng không phải chịu đựng sự im lặng nhạt nhẽo, âm nhạc trong phim được soạn và tấu lên bởi những dàn nhạc gầm sân khấu (pit orchestra). Lúc bấy giờ, âm nhạc chỉ có duy nhất một chức năng: hỗ trợ về cảm xúc cho thước phim.

Chiacutenh acircm nhạc lagrave thứ để caacutec giatildei bagravey của những nhacircn vật trong West Side Story được tỏa saacuteng Nguồn The New York Times
Chính âm nhạc là thứ để các giãi bày của những nhân vật trong West Side Story được tỏa sáng | Nguồn: The New York Times

Tuy nhiên, sự ra đời của phim nhạc kịch đã dần dà đặt ra những câu hỏi mang tính phản biện về mối quan hệ thứ bậc giữa hình ảnh và âm thanh.

Trong nghiên cứu Dreams of Difference, Songs of the Same: The Musical Moment in Film (2009), Amy Herzog đã định nghĩa những khoảnh khắc các nhân vật trong phim ảnh có sự hồi đáp với âm nhạc, tương tác được với âm nhạc và trở thành một phần của âm nhạc là những “khoảnh khắc âm nhạc” - the musical moment. Đây là lúc hình ảnh mất đi vị thế của mình và nhường bước cho âm thanh, âm nhạc.

Khi một bài hát được vang lên, các nhân vật đang gần như làm chủ khung hình và tạo nên một thực tại dưới góc nhìn của họ.

Khoảnh khắc âm nhạc vượt ra ngoài những logic của thế giới thường đã mang đến sự thoát ly. Câu thoại bỗng có giai điệu, bước đi trở nên nhịp nhàng và thế giới xung quanh bùng nổ với lời ca. Họ hát nên những tâm tư và kiểm soát không - thời gian xung quanh mình.

Trong một khoảnh khắc nhạc kịch, họ có thể di chuyển khắp nơi, hoặc thậm chí là du hành về quá khứ chỉ trong một khuông nhạc. Phim nhạc kịch là tập hợp những khoảnh khắc này.

Khi Anita haacutet cocirc đang viết necircn một thực tại mới cho migravenh Nguồn Variety
Khi Anita hát, cô đang viết nên một thực tại mới cho mình | Nguồn: Variety

Lấy ví dụ là bài hát America trong West Side Story phiên bản 2021 của đạo diễn Steven Spielberg. Khi nhân vật Anita hát, cô đang viết nên một thực tại mới cho mình, một thực tại mà những người phụ nữ như cô đều cất vang câu hát để ca ngợi “giấc mơ Mỹ” trong tâm tưởng dân nhập cư.

Trong thực tại đó, Anita là nhân vật chính, những cô gái xung quanh là dàn đồng ca và vũ công chuyên nghiệp. Họ ùa xuống phố xá New York và khiêu vũ trong một phân cảnh hoành tráng, hay còn gọi là “spectacle”, một yếu tố quan trọng của phim nhạc kịch.

Những spectacle này vừa thoát ly khỏi thực tại vừa làm khán giả cảm thấy “sướng mắt” nhưng không quên đào sâu vào tâm lý nhân vật để dọn lối cho sự phát triển về sau.

Trong trường hợp của Anita, bài hát về “giấc mơ Mỹ” của cô sẽ tương phản với lòng thù hận nước Mỹ của cô sau này khi những người mình yêu thương đã ra đi mãi mãi.

Đây cũng là lúc chúng ta sẽ bàn về chức năng của các bài hát trong một phim nhạc kịch và tầm quan trọng của việc đặt để các bài hát để tạo nên những thông điệp xuyên suốt.

Nếu không hát thì không có câu chuyện trọn vẹn

Nếu một bộ phim cắt bỏ đi những musical moment mà câu chuyện không bị ảnh hưởng nặng nề, thì đó không phải là một phim nhạc kịch. Nó đơn thuần là một phim drama có yếu tố âm nhạc.

Trong phim nhạc kịch, để từng bài hát có thể tạo thành một đường dây logic là vô cùng quan trọng. Có thể nói, từng nhịp của cấu trúc ba hồi (three-act structure) quan trọng ra sao thì từng bài hát của phim nhạc kịch cũng quan trọng không kém.

Bài hát mở màn (Opening number) và bài hát “I want” (Tôi muốn) có thể xem là 2 bài hát quan trọng nhất trong một bộ phim nhạc kịch.

Đoạn haacutet mở magraven của La La Land coacute nhiều yacute nghĩa hơn lagrave chỉ một bagravei haacutet Nguồn Variety
Đoạn hát mở màn của La La Land có nhiều ý nghĩa hơn là chỉ một bài hát | Nguồn: Variety

“Opening number” là bài hát mang tính giới thiệu tác phẩm. Ngoài việc giới thiệu bối cảnh và nhân vật, opening number còn định hình tinh thần chủ đạo cho cả tác phẩm, gợi mở một vài thông điệp chủ đề bề nổi.

Trong La La Land, opening number - Another Day Of Sun - còn mang tính tiên dự (foreshadowing) về những gì sẽ xảy ra trong câu chuyện. Bởi bài hát nói về một cuộc tình chóng vánh, cũng như mong muốn theo đuổi ước mơ của một cô diễn viên và một chàng nhạc công.

Tác giả của In The Heights, Lin-Manuel Miranda, đồng thời cũng là đạo diễn của tick, tick…BOOM! (2021) đã chia sẻ rằng opening number là bài hát “thiết lập luật chơi”: bộ phim mô tả thế giới quan của nhân vật.

Trong thế giới đó, họ có quyền định hình mọi quy luật. Họ có quyền cất giọng hát để kể chuyện, và khán giả sẽ phải sẵn sàng để chấp nhận quy luật đó.

Ngoài opening number, bài hát “I want” cũng là một bài hát có chức năng quan trọng trong các bộ phim nhạc kịch. Với những bộ phim hoạt hình nhạc kịch của Disney, bài hát “I want” còn là vũ khí lợi hại nhất trong quá trình quảng bá bộ phim, là bài hát dễ trở thành hiện tượng nhất và đọng lại nhiều dư âm nhất.

Trong cấu trúc 3 hồi, nếu hồi 1 kết thúc bằng một biến cố để “mở lối”, tạo động lực cho nhân vật bước vào hồi 2, bài hát “I want” sẽ được đặt ở trước hoặc sau biến cố.

Về định nghĩa, bài hát “I want” là bài hát cho phép nhân vật hát lên khát khao mãnh liệt nhất của mình, cũng như cho thấy sự sẵn sàng của họ trong việc đi theo tiếng gọi của khát khao đó.

Từ rất nhiều năm trước Nagraveng Tiecircn Caacute đatilde phải cất tiếng haacutet để tỏ rotilde nỗi lograveng Nguồn Disney
Từ rất nhiều năm trước, Nàng Tiên Cá đã phải cất tiếng hát để tỏ rõ nỗi lòng | Nguồn: Disney

Moana muốn ra khỏi hòn đảo của mình để được nhìn thấy đại dương bao la trong bài hát “How far I’ll go”. Nàng tiên cá Ariel muốn có được đôi chân để tự do bước đi trên thế giới loài người trong bài hát “Part of your world”. Hay gần đây nhất, Mirabel mong muốn được trở thành một phần của gia đình hoàn hảo của mình trong bài hát “Waiting on a miracle”.

Vì tính chất dễ nghe, dễ cảm, các bài hát “I want” được nhiều người biết đến và dễ làm bài hát quảng bá cho phim. Ở hồi 2 và 3 của phim, bài hát “I want” còn có thể được lặp lại (reprise) để khẳng định một lần nữa khát khao từ đầu của nhân vật, hoặc để bày tỏ một sự thay đổi tâm lý rõ rệt.

Ngoài ra còn nhiều loại và công thức bài hát khác trong phim nhạc kịch như bài hát của cặp đôi (duet/ love theme), bài hát của phản diện, bài đồng ca của cộng đồng…

Khi tiếng hát ghi dấu lịch sử

Năm 2009, khi phim 3D lần đầu được đưa về Việt Nam với bom tấn Avatar của James Cameron, cả khán phòng đã vỡ òa trong lăng kính ba chiều. Những đôi tay cố gắng chạm vào điều không có thật giữa khoảng không của rạp chiếu… là phép màu mà công nghệ điện ảnh đã mang lại cho con người.

Nhiều năm trước, một phép màu tương tự đã xuất hiện: giây phút những nhân vật trên màn ảnh cất giọng.

Nguồn Baacuteo Quốc Tế
The Jazz Singer (Alan Crosland) đặt dấu chấm hết cho thời đại của phim câm |

Năm 1927, The Jazz Singer (Alan Crosland) đặt dấu chấm hết cho thời đại của phim câm (silent film) để mở ra kỷ nguyên phim nói (talkies). Tuy nhiên, điều gây thương nhớ trong lòng khán giả ra rạp ngày đó lại chính là những bài hát.

Trước khi có The Jazz Singer, âm nhạc trong phim được hỗ trợ bởi một dàn nhạc live trong mỗi khán phòng, tạo nên sự tách bạch rõ ràng về thế giới trong phim và âm nhạc hỗ trợ ngoài phim.

Khi các nhân vật có thể cất lên tiếng hát và di chuyển theo điệu nhạc cũng là lúc âm nhạc xóa nhòa ranh giới giữa thế giới bên trong và bên ngoài khung hình, tạo nên những nhân vật sống động nhất.

Hollywood đã nhận ra cuộc chơi mới trong một kỷ nguyên mới. Các rạp phim trên toàn nước Mỹ đã được nâng cấp và trang bị hệ thống âm thanh tiên tiến nhất lúc bấy giờ. Âm thanh và âm nhạc trong phim ảnh không chỉ là một xu hướng mà còn là một tiến trình tất yếu. Mọi thứ được làm ra lúc ấy đều chỉ có một mục tiêu: gây ấn tượng về thính giác.

Các nhân vật buộc phải hát. Họ hát để kể chuyện, vì nếu không có câu chuyện sẽ chẳng có thước phim.

Năm 1929, cuộc Đại suy thoái đã khiến nhiều sân khấu và nhà hát Broadway đóng cửa. Giữa lúc tiếng hát đang lên ngôi, nhiều nghệ sĩ nhạc kịch đi theo tiếng gọi của nền kinh tế thị trường. Các ông bầu sân khấu sẵn sàng bán quyền chuyển thể tác phẩm của mình cho các hãng phim, trong khi các nhạc sĩ và kịch sĩ cũng thả mình theo sự chuyển dịch này.

Từ đây, nhạc kịch (musicals) ồ ạt đi từ sân khấu lên phim, và trở thành khái niệm phim nhạc kịch (film musical).

Nguồn JigSaw
Nguồn: JigSaw

Sau khi đã định hình nên một thời hoàng kim của Hollywood với những huyền thoại The Wizard of Oz (1939), An American In Paris (1951), Singin’ In The Rain (1952), phim nhạc kịch bắt đầu thoái trào vào những năm 60 để nhường bước cho sự ra đời của các auteur (tác giả) - một làn sóng mới.

Ngày nay, dẫu không còn là thể loại thịnh hành nhất, phim nhạc kịch vẫn được xem là một thể loại có đối tượng khán giả rõ ràng.

Sự tồn tại và phát triển của phim nhạc kịch là biểu tượng lịch sử điện ảnh thế giới và của văn hóa đại chúng Mỹ, gắn liền với Broadway.

Khi nào các sân khấu Broadway vẫn còn sáng đèn, giải Tony vẫn là một trong các giải thưởng quan trọng của văn hóa đại chúng và Hamilton vẫn là một dấu ấn của nhạc kịch đương đại, thì phim nhạc kịch vẫn sẽ có chỗ đứng nhất định.

Kết

Cuối cùng, nếu sau này bạn gặp câu hỏi “phim nhạc kịch là phim gì mà hát hoài vậy?”, hãy nhớ 3 điều đã được nêu ra trong bài viết này.

Phim nhạc kịch là một dấu ấn văn hóa, đánh dấu thời kì tiếng hát trên phim thay đổi nền điện ảnh mãi mãi. Phim nhạc kịch là một thể loại ít nhiều lật ngược lại vị thế giữa hình ảnh và âm thanh, tạo ra những thực tại thoát ly hoành tráng rất đặc trưng. Phim nhạc kịch là một câu chuyện được kể bằng âm nhạc và những bài hát được đặt để xuyên suốt với những chức năng khác nhau.

Hiểu được những tính chất trên của thể loại nhạc kịch, có lẽ chúng ta sẽ dần dà mở rộng cánh tay để đón nhận thể loại này hơn và biết đâu tạo nên tiền đề để có những bộ phim nhạc kịch thuần túy “made in Vietnam” trong tương lai.