1. Wordle meme là gì?
Đây là loạt ảnh chế ăn theo trò chơi đoán từ Wordle. Tiếp nối Candy Crush, Flappy Bird hay 2048, Wordle trở thành tựa game tiếp theo gây nên “cơn sốt” trong cộng đồng mạng.
Các trò chơi giải đoán ô chữ dạng này không mới. Nhưng có lẽ phải đến Wordle mới tạo thành một trào lưu trên mạng xã hội, thậm chí có hẳn một dòng meme xoay quanh.
2. Nguồn gốc của Wordle meme?
Wordle do lập trình viên Josh Wardle sáng tạo vào giữa năm 2021, với mục đích giải trí cùng bạn gái trong thời gian dịch bệnh. Sau khi được gia đình và bạn bè khuyến khích, anh quyết định công khai trò chơi vào tháng 10/2021.
Luật chơi của Wordle như sau: Mỗi ngày, một từ tiếng Anh 5 chữ cái bất kỳ sẽ được chọn để bạn đoán trong vòng 6 lượt chơi. Sau mỗi lượt đoán, mỗi chữ cái được đánh dấu bằng màu xanh lá cây, vàng hoặc xám. Chữ màu xanh lá nghĩa là nó ở đúng vị trí, chữ vàng tồn tại trong từ nhưng ở sai vị trí, còn chữ xám không tồn tại trong từ.
Nhờ cách chơi đơn giản, không cần tải ứng dụng hay quảng cáo rườm rà, Wordle nhanh chóng được yêu thích. Về khía cạnh tâm lý, lượng dopamine được giải phóng khi đoán từ thành công cũng khiến ta “nghiện” trò chơi và háo hức chờ tới ô chữ tiếp theo.
Nhưng chỉ có vậy thì chưa đủ để Wordle được chế meme. Xét về cách chơi, nó tương đồng với gameshow Lingo đã có mặt cách đây khá lâu. Yếu tố thực sự khiến Wordle trở nên viral chính là tính năng chia sẻ kết quả bằng emoji hình vuông màu xanh, vàng và đen tương đương với kết quả đoán từ.
Ngay khi được thêm vào tháng 12/2021, tính năng này khiến số lượng người chơi Wordle tăng phi mã. Từ khoảng 90 người chơi vào tháng 11, Wordle giờ có hơn 2.2 triệu người chơi trên toàn cầu, cùng với hơn 200,000 lượt share kết quả mỗi ngày trên Twitter. Không chỉ vậy, tính năng này còn tạo cảm hứng cho cư dân mạng sáng tạo ra một loạt ảnh chế.
3. Vì sao Wordle meme được yêu thích?
Việc dùng emoji để “mã hóa” kết quả là một nước đi khá mới lạ trong thế giới game. Nó giúp thể hiện thông tin một cách đơn giản, vui nhộn. Không chỉ dừng lại ở 3 màu xanh, vàng và đen, những hình vuông này còn được chế thành meme về những chủ đề thức thời khác:
Chỉ cần gõ một loạt emoji vuông là tạo ra một hình ảnh với thông điệp hài hước. Theo cách này, ai cũng có thể chế meme Wordle mà không cần sử dụng phần mềm chỉnh ảnh. Nó vừa giúp chúng ta giải toả căng thẳng, lại dễ dàng đồng cảm trong thời kỳ dịch bệnh căng thẳng.
Bên cạnh đó, Wordle còn có một dòng meme khác xuất phát từ những cảm xúc mà nó khơi dậy. Vui mừng vì đoán trúng, bối rối vì từ khó, căng thẳng vì chỉ còn 1 lượt, thất vọng vì giải sai và nóng lòng chờ tới ô tiếp theo để “phục thù”. Chúng khiến người chơi thích thú, rồi liên tưởng đến những khoảnh khắc trên phim mà nhân vật rơi vào tình huống hoặc có biểu cảm tương tự: