Chị Sylvia Nguyễn, Giám đốc điều hành mảng Khách sạn của Tập đoàn Alphanam chia sẻ về những trở ngại mà ngành dịch vụ tại Việt Nam đang phải đối mặt trong năm 2020.
Khoảnh khắc nổi bật nhất của thị trường nói chung và đội ngũ của chị nói riêng trong năm 2019 là gì?
Đối với tôi, trong năm 2019, điểm sáng không phải là một sự kiện nhất thời mà là quá trình tăng trưởng ổn định dài hạn trong mảng kinh doanh khách sạn của Alphanam Group. Các khách sạn đã đi vào hoạt động với sức chứa đạt 80% và chúng tôi đã cung cấp cũng như đào tạo nghiệp vụ về du lịch cho rất nhiều sinh viên.
Ngay cả khi sức chứa tại khách sạn đạt mức 90%, chúng tôi vẫn cố gắng giữ lượng phản hồi tiêu cực ở mức tối thiểu, và cố gắng cải thiện doanh nghiệp mỗi ngày. Luôn luôn học hỏi và cải thiện là một tinh thần quan trọng cần có. Thành công trong ngành dịch vụ không đến trong một ngày; nó cần sự chỉn chu ở từng khâu, với từng khách hàng, mỗi ngày.
Trước tình hình kinh tế kém lạc quan như hiện tại, lĩnh vực dịch vụ sẽ cần điều chỉnh thế nào để thích nghi với những thay đổi của năm 2020?
Tôi không thể không thừa nhận 2020 là một năm chông gai của ngành dịch vụ. Tình hình thế giới buộc chúng tôi phải thay đổi thường xuyên, luôn giữ tinh thần làm việc cao độ vì các diễn biến trong và ngoài nước lại mỗi ngày một khác đi. Năm nay, xu hướng tổng quát sẽ là hệ thống điều hành chỉn chu, đào tạo liên phòng ban và hạn chế tối đa những nguồn lực dư thừa.
Khi kinh tế phát triển tốt, một số tiêu chuẩn thường sẽ bị bỏ qua. Giờ là lúc bám sát những tiêu chuẩn đó. Những phương pháp nào không cho ra kết quả sẽ phải được lược bỏ. Chúng tôi cũng cố gắng thực hiện nhiều khâu kiểm tra hơn để cả khách hàng và nhân viên cảm thấy an tâm, vì thời điểm này tinh thần của họ là thứ chúng tôi đặt lên hàng đầu.
Đại dịch COVID-19 là một lời cảnh tỉnh cho các địa điểm du lịch vì khách hàng của họ sẽ không còn như xưa, và chúng ta cần sáng tạo hơn trong việc tìm ra các thị trường mới và khẳng định lại bản thân. Để thực hiện điều này, ngành du lịch sẽ đóng vai trò lớn trong việc quảng cáo các điểm đến cũng như tạo ra một điều kiện nghỉ dưỡng phù hợp cho du khách, như việc dọn dẹp các bãi biển hay các động thái cải thiện môi trường khác.
Tổng hợp các chia sẻ từ 5 chuyên gia về xu hướng kinh doanh tại Việt Nam 2020 tại đây.
Đọc chia sẻ về xu hướng kinh doanh của Mary Tarnowka tại đây.
Đọc chia sẻ về xu hướng kinh doanh của James Vương tại đây.
Đọc chia sẻ về xu hướng kinh doanh của Quang Thái tại đây.
Hồ sơ khách hàng của chị sẽ được điều chỉnh thế nào để phù hợp với tình hình hiện tại?
Việc cấm đi lại giữa các nước đã chứng minh độ phụ thuộc của chúng ta đối với thị trường quốc tế. Các quốc gia có thị trường du lịch nội địa hoạt động sôi nổi ban đầu không bị ảnh hưởng nghiêm trọng lắm, và chỉ khi chính sách giãn cách xã hội được Chính phủ ban hành thì họ mới bị tác động trực tiếp mà thôi. Bắt đầu từ năm nay, hồ sơ khách hàng của chúng tôi sẽ trở nên đa dạng hơn, bao gồm cả những nguồn thu từ khách du lịch địa phương.
Bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực của chị trong năm 2020 sẽ là gì: tích cực, tích cực một cách cẩn trọng hay tiêu cực? Sau đại dịch, lĩnh vực này có khả năng vực dậy không?
Tôi luôn là một người lạc quan nhưng cẩn trọng, dù là ở thời điểm nào đi nữa! Với vai trò vừa là thành viên ban quản trị, vừa là ban điều hành mảng kinh doanh Khách sạn, tôi luôn tìm cách để kiểm soát các rủi ro.
Ngành du lịch sẽ chứng kiến những sự vực dậy nào sau đại dịch?
Nhiều bạn bè của tôi đã bắt đầu lạc quan hơn và lên kế hoạch cho những chuyến du lịch tiếp theo. Tôi nghĩ du lịch là một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại. Con người luôn muốn làm nhiều hơn, cảm nhận nhiều hơn, và khám phá nhiều hơn là dừng lại ở thói quen hàng ngày của họ. Nhu cầu này cao đến mức nó trở thành nguồn sống cho một thị trường riêng. Khi tình yêu dành cho du lịch chỉ có tăng lên chứ không giảm đi, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho cú vực dậy này một khi đại dịch qua đi.
Từ đại dịch này, sẽ có những loại hình kinh doanh hay phong cách lãnh đạo nào khởi sinh?
Những tháng gần đây là một trải nghiệm thú vị đối với một lãnh đạo như tôi. Chắc chắn là mọi thứ rất áp lực, nhưng tôi nhận về được những bài học vô giá. Những nhà lãnh đạo vươn lên từ khủng hoảng này sẽ là những người có tính tỉ mỉ, phong thái lạc quan nhưng cũng rất khiêm nhường. Tôi tin rằng khủng hoảng này sẽ buộc các lãnh đạo phải dốc toàn lực và hành động hết mình, cũng như đảm đương nhiều vai trò khác nhau. Tôi cũng tin rằng tính nguyên bản và lòng trắc ẩn sẽ càng được đề cao, đặc biệt là sau khi xem xét các buổi diễn thuyết từ các nhà lãnh đạo toàn cầu như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị. Một người lãnh đạo tốt trong thời điểm khủng hoảng sẽ có những đức tính như: khiêm tốn, sự đồng cảm–khả năng thấu hiểu sự khó khăn của mọi người–và lòng trung thực.
Xem thêm:
[Bài viết] A Working Woman: Sylvia Nguyễn Ngọc Mỹ – Gắn kết trách nhiệm xã hội với doanh nghiệp
[Bài viết] How I Manage: Rakesh Singh — Tổng Giám đốc Điều hành tại Havas Media