1. Chuyện gì đang xảy ra?
Từ giữa dịch Covid-19 cho tới nay, lĩnh vực y tế toàn cầu phải đối diện với nhiều khó khăn. Trong khi ngành y tế tại Việt Nam đang cố gắng giải quyết thực trạng thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị và thuốc, thì tại Úc các nữ bác sĩ và y tá tại đây đang cùng lúc đối mặt với hai vấn đề nghiêm trọng là mức lương thấp và những định kiến về giới và tình dục tại nơi làm việc.
Cả hai vấn đề này đều xuất hiện trong email mới nhất mà các nữ y tá và bác sĩ bang New South Wales nhận được từ Hội Y tá và Hộ sinh vùng New South Wales (Nursing and Midwifery NSW Council). Email này cảnh báo các nhân viên y tế không được sử dụng nền tảng OnlyFans để kiếm thêm thu nhập do lo ngại sẽ ảnh hưởng tới sự chuyên nghiệp và sự tương tác với bệnh nhân.
2. Nội dung chi tiết của email là gì?
Hội Y tá và Hộ sinh vùng New South Wales thông báo rằng nếu một y tá “là người sáng tạo nội dung [trên OnlyFans], sau đó có bệnh nhân nhận ra y tá đó hoặc người đó có ảnh đang mặc y phục” thì có thể sẽ bị báo cáo hành vi không chuẩn mực, bị coi là không chuyên nghiệp. Sau đó, đơn vị này cũng quy chiếu tới một số quy tắc dành cho nữ y tá và hộ sinh để duy trì giới hạn chuyên nghiệp (professional boundaries) tại nơi làm việc.
Điểm gây tranh cãi nhất trong email này là khi đơn vị đưa ra ba trường hợp làm ví dụ cho những vấn đề mà một y tá có thể gặp nếu sản xuất nội dung người lớn. Chúng tôi xin dịch và trích y nguyên ba trường hợp này:
- Một bệnh nhân nhận ra một y tá thông qua trang Onlyfans rồi đề cập với những bệnh nhân khác và những đồng nghiệp của cô về các nội dung Onlyfans [mà cô thực hiện]. Việc này tạo ra một tình huống khó xử tại nơi làm việc. Một đồng nghiệp báo cáo y tá này với giám sát viên vì tin rằng những việc mà cô làm là dưới chuẩn mực với một y tá chính thức, và những hành vi ấy có thể mang lại tiếng xấu cho ngành [y tế].
- Một quản lý cấp cao (senior manager) nhận ra một cấp dưới trên Onlyfans và ưu tiên sắp xếp ca làm cho cô này. Vị quản lý sau đó gửi tin nhắn cho cô trên Onlyfans để đòi hỏi được trả ơn. Nữ y tá báo cáo đồng nghiệp với cấp quản lý.
- Một y tá quảng bá trang Onlyfans của mình tại nơi làm việc cho các bệnh nhân và đồng nghiệp. Điều này tạo ra mâu thuẫn trong nơi làm việc. Các đồng nghiệp báo cáo cô với cấp quản lý.
Độc giả có thể xem toàn bộ nội dung email tại đây.
3. Vấn đề của email này là gì?
Theo VICE, cách đặt vấn đề của ba trường hợp trong email dựa trên ba tiền giả định: rằng việc người lao động tình dục bị quấy rối tại nơi làm là điều chắc chắn xảy ra, rằng việc đăng những hình ảnh riêng tư lên OnlyFans làm ảnh hưởng tới hình tượng nhân viên y tế, và rằng một người không thể vừa làm ngành y vừa là lao động tình dục.
Tất cả những giả định này thể hiện sự thiếu cảm thông đối với người lao động tình dục và sự kiểm soát cơ thể nữ giới. Việc viện dẫn những quy định công sở và chuẩn mực xã hội để phân biệt đối xử với những nhân viên y tế có thu nhập từ OnlyFans có thể được coi là slut-shaming, tức việc sỉ nhục phụ nữ bằng cách liên kết họ với những hành vi tình dục lệch lạc.
Trong trường hợp này, việc có tài khoản OnlyFans bị coi là một biểu hiện lệch lạc, mặc dù suy cho cùng OnlyFans cũng chỉ là một mạng xã hội. Từ góc nhìn này, ta nhận ra những định kiến vẫn còn bám lấy những người lao động tình dục. Ở trong nhiều xã hội và nhiều nền văn hóa, điều họ đang làm vẫn là sự cấm kỵ, sự lệch lạc, chứ không được nhìn nhận như một người lao động.
Bên cạnh đó, VICE cũng chỉ ra rằng mức lương khởi điểm của nữ y tá và hộ sinh tại vùng New South Wales là không cao, và đây là một lý do khiến nhiều người phải kiếm thêm thu nhập từ OnlyFans. Thật khó hiểu khi các đơn vị chức trách không giải quyết vấn đề lương bổng mà lại có hành động phân biệt đối xử với những cá nhân làm OnlyFans.
4. Có thể coi người làm OnlyFans là lao động tình dục?
Khi OnlyFans ra mắt vào năm 2016, người ta đã tranh luận về việc những người làm OnlyFans có là người lao động tình dục truyền thống. Một số người định nghĩa “lao động tình dục” là người thực hiện bất kỳ hành động tình dục hoặc khiêu dâm để kiếm tiền, tức bao gồm cả những nhà sản xuất nội dung trong phim khiêu dâm hay OnlyFans.
Một số khác trung thành với một định nghĩa hẹp hơn, trong đó “lao động tình dục” là những người trực tiếp quan hệ để kiếm tiền. Như vậy, những diễn viên phim khiêu dâm hay những người làm nội dung người lớn có trả phí nằm ở ranh giới giữa một lao động tình dục và một internet influencer - hay còn gọi là “sexfluencer.”
Với những người lạc quan thì sexfluencer là một dạng lao động tình dục mới trong thời đại số. Còn những người không đồng tình thì cho rằng những chàng trai, cô gái nấp sau chiếc camera điện thoại của mình và thiếu đi trải nghiệm quan hệ với khách hàng cùng với những rủi ro tiềm ẩn đi kèm thì không thể đặt ngang hàng với những người trực tiếp dùng cơ thể mình để mưu sinh.
5. OnlyFans có ảnh hưởng thế nào tới lao động tình dục?
Theo ông Phillip Hammack - giáo sư tâm lý học, giám đốc Phòng nghiên cứu về đa dạng giới và tính dục tại Đại học California Santa Cruz - các nền tảng như OnlyFans có thể thay đổi góc nhìn xấu về các lao động tình dục.
Người làm nội dung có một sự kết nối thân mật với những người trả phí. Do đó, hoạt động này không hẳn là một sự bóc lột về mặt tình dục như nhiều người vẫn nghĩ, mà là một hoạt động trao đổi mà qua đó cả hai bên đều thu về những giá trị và ý nghĩa riêng cho mình. OnlyFans cho thấy rằng sự thân mật về thể xác và tinh thần có thể được chuyển hóa thành tiền bạc và của cải một cách đồng thuận, ít rủi ro, và hiệu quả.
Nhưng cũng có những lo ngại, rằng chính nền tảng này có thể làm hại những người lao động tình dục truyền thống. Đại dịch Covid-19 đã thay đổi cách nhìn và cách ta tìm kiếm sự thân mật. Nó bình thường hóa việc tiêu thụ nội dung 18+ trên không gian số, nhưng cũng khiến những sự tiếp xúc thân mật trực tiếp thêm phần cấm kỵ.
Bên cạnh đó, thế giới nội dung người lớn không hoàn hảo. Những định kiến và khoảng cách về giai cấp, sắc tộc tồn tại trong ngành công nghiệp tình dục truyền thống cũng xuất hiện trên các nền tảng như OnlyFans dưới dạng thuật toán và thiên kiến người dùng.
Nhưng dù thay đổi theo hướng tích cực hay tiêu cực, OnlyFans vẫn thành công trong việc thương mại hóa tối đa cơ thể người. Tất cả những bộ phận trên cơ thể đều có thể được khai thác và sẵn sàng chào bán, dù là để làm mẫu cho một đoạn phim quảng cáo, hay là để cho một cộng đồng người xem “tự thỏa mãn” vào một tối thứ 6 nhàn rỗi.