Vì sao nhiều sinh viên chọn khởi nghiệp khi mới ra trường? | Vietcetera
Billboard banner
28 Thg 05, 2019

Vì sao nhiều sinh viên chọn khởi nghiệp khi mới ra trường?

Hiện nay Việt Nam có đến 3.000 công ty khởi nghiệp. Chỉ số tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam cũng đứng đầu thế giới, đặc biệt là thế hệ gen Y. Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu lý do nhiều sinh viên chọn khởi nghiệp khi mới ra trường.

Vì sao nhiều sinh viên chọn khởi nghiệp khi mới ra trường?

Việt Nam hiện đứng đầu thế giới về ‘Chỉ số tinh thần khởi nghiệp’ (AESI) và đứng thứ 2 về ‘Thái độ tích cực đối với khởi nghiệp’. Trong đó, những người thuộc thế hệ gen Y (sinh từ năm 1980 đến 1995) cũng là nhóm có tinh thần khởi nghiệp cao nhất so với những nhóm khác. Điều này thúc đẩy số lượng công ty khởi nghiệp lên tới con số 3.000, tăng gần gấp đôi so với năm 2015.

Vậy tại sao chỉ số này lại tăng cao như vậy, hãy cùng Vietcetera tìm hiểu các lý do vì sao ngày càng nhiều sinh viên lựa chọn con đường khởi nghiệp khi mới ra trường.

Đam mê không phải lúc nào cũng xuất phát từ năng khiếu mà đam mê còn được tìm thấy qua trải nghiệm và môi trường sống Nguồn Internet
Đam mê không phải lúc nào cũng xuất phát từ năng khiếu, mà đam mê còn được tìm thấy qua trải nghiệm và môi trường sống. | Nguồn: Internet


1. Nhiều ý tưởng hơn nhờ trải nghiệm phong phú

Đam mê không phải lúc nào cũng xuất phát từ năng khiếu, mà đam mê còn được tìm thấy qua trải nghiệm và môi trường sống. Khác với thế hệ ông bà cha mẹ ngày xưa, đa phần các bạn trẻ hiện nay được sống trong một xã hội phát triển hơn.

Cơm áo gạo tiền không chi phối cuộc sống, các bạn trẻ có thêm cơ hội và thời gian để khám phá, tiếp cận những mô hình mới từ nhiều quốc gia và nền văn hoá khác nhau. Nhờ đó, họ nảy ra những ý tưởng khởi nghiệp mới, hoặc học tập những mô hình đã thành công ở nước ngoài. Chẳng hạn như Luxstay cũng là một mô hình kinh tế chia sẻ tương tự như cái tên Airbnb đã nổi tiếng toàn cầu.

Động lực khởi nghiệp cũng có thể bắt nguồn từ người thân trong gia đình, hoặc được thúc đẩy từ điều kiện gia đình. Điển hình như ông Nguyễn Xuân Phú, chủ tịch tập đoàn Sunhouse chuyên kinh doanh dụng cụ nhà bếp, đã từng trải qua những năm tháng tuổi thơ phụ giúp mẹ chuyện bếp núc trong khi mẹ ông bận bịu kiếm tiền. Điều này đã giúp ông nuôi dưỡng ý tưởng sản xuất những vật dụng nhà bếp có thể giúp công việc nấu nướng trở nên dễ dàng hơn.

Ông Nguyền Xuân Phú CEO của tập đoàn Sunhouse Nguồn sunhousecomvn
Ông Nguyền Xuân Phú, CEO của tập đoàn Sunhouse. | Nguồn: sunhouse.com.vn


2. Mạng xã hội phát triển mạnh, tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp

Năm 2018 vừa qua cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội. Tại Việt Nam, có tới 55 triệu người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook, YouTube, Zalo và Instagram. Thậm chí, Việt Nam còn trở thành một trong mười nước có số người sử dụng YouTube cao nhất thế giới.

Ngoài chức năng chia sẻ thông tin, mạng xã hội còn là một nền tảng quan trọng cho các ý tưởng khởi nghiệp hiện đại với lợi thế sẵn có về số lượng người dùng.

Ngoài các ý tưởng bán hàng online, hình thức trở thành YouTuber hay Instagram reviewer ngày càng trở nên phổ biến. Các YouTuber, Instagram-er trẻ tự xây dựng thương hiệu cá nhân, sau đó thu hút các nhãn hàng, nhà tài trợ trả tiền để họ “bán tầm ảnh hưởng của mình” tới người dùng sản phẩm trên mạng xã hội.

Facebook YouTube Zalo và Instagram là những lựa chọn phổ biến nhất của các bạn sinh viên muốn khởi nghiệp Nguồn Internet
Facebook, YouTube, Zalo và Instagram là những lựa chọn phổ biến nhất của các bạn sinh viên muốn khởi nghiệp. | Nguồn: Internet


Một ví dụ cho trường hợp này chính là food blogger Mai Khanh, được biết đến qua trang review đồ ăn tebefood trên Instagram. Tận dụng khả năng kết nối và chia sẻ hình ảnh trên Instagram, Mai Khanh đã xây dựng trang Instagram của mình như một cuốn “food-book” nhằm chia sẻ sở thích ăn uống và gợi ý các món ngon ở khắp Việt Nam. “Nhờ có công việc này, mình có thể tự trang trải cuộc sống mà không cần quá lo cho việc đi làm thuê ở công ty để kiếm tiền,” Mai Khanh bật mí.

Khi đã tạo được hình ảnh cá nhân và tầm ảnh hưởng riêng, một số người còn tận dụng để xây dựng một thương hiệu sản phẩm cho riêng mình. Chẳng hạn như thành công của các beauty blogger Việt Changmakeup, Quách Ánh và Châu Bùi, không chỉ là thành công về doanh thu mà còn phát triển tên tuổi lên một tầm cao mới.

3. Hệ sinh thái khởi nghiệp được quan tâm hơn trước

91% người Việt cho biết bắt đầu kinh doanh là một cơ hội nghề nghiệp đáng ao ước. Không thể phủ nhận hàng loạt những câu chuyện khởi nghiệp thành công đã truyền cảm hứng giúp tinh thần khởi nghiệp tăng cao.

Mơ về tương lai thành công và giàu có của các bạn sinh viên mới ra trường cũng là một lý do để khơi nguồn “tinh thần khởi nghiệp”. Tuy nhiên, liệu tinh thần này có giúp các bạn trở nên mạnh mẽ hơn khi bị phá sản ngay từ lần đầu khởi nghiệp, hay sẽ “cuốn theo chiều gió” cùng với sự thất bại đó?

Mơ về tương lai thành công và giàu có của các bạn sinh viên mới ra trường cũng là một lý do để khơi nguồn “tinh thần khởi nghiệp” Nguồn Internet
Mơ về tương lai thành công và giàu có của các bạn sinh viên mới ra trường cũng là một lý do để khơi nguồn “tinh thần khởi nghiệp”. | Nguồn: Internet

Khởi nghiệp là một trận chiến trường kỳ. Ngoài ý tưởng thì kiến thức, kinh nghiệm và nguồn vốn cũng rất quan trọng. May mắn là các bạn trẻ đang ngày càng có nhiều phương tiện hơn để tiếp cận thông tin và học hỏi kinh nghiệm. Không chỉ gói gọn qua báo đài, sách vở như trước, mà nay các bạn còn có cơ hội gặp gỡ những nhà cố vấn, nhà sáng lập tại các buổi training, workshop đào tạo kỹ năng, diễn đàn, hội thảo và cuộc thi khởi nghiệp.

Song song đó, các chương trình gọi vốn như Shark Tank, các quỹ đầu tư 500 Startups Việt Nam, SVF hay các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp như BSSC đã phần nào giải quyết mối lo về vốn và mạng lưới kết nối với các nhà đầu tư. Giờ đây, việc mà các bạn trẻ cần làm chính là tôn trọng số liệu, bình tĩnh phân tích thị trường, chủ động tìm hiểu bản thân và dấn thân nhiều hơn.

Kết

Có rất nhiều lý do để khởi nghiệp, nhưng không phải lúc nào bạn muốn khởi nghiệp là sẽ thành công. Hãy luôn giữ vững tinh thần mạnh mẽ, tự chủ, bước ra khỏi vùng an toàn để học hỏi và tìm hiểu về lĩnh vực mà bạn sẽ theo đuổi.

Bài viết được thực hiện bởi Lan Phạm.

Xem thêm:

[Bài viết] Vì sao bạn nên đi làm từ khi còn ngồi ở giảng đường đại học?

[Bài viết] Tại sao hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam chưa bứt phá?