1 Năm trước, Hà Nội giãn cách xã hội lần thứ tư | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

1 Năm trước, Hà Nội giãn cách xã hội lần thứ tư

Dịch Covid mới kéo dài hơn 2 năm, nhưng cảm giác như thể 1 thập kỷ đã khép lại. Ta cần suy tư những gì ở khoảng trống giữa bình thường cũ và bình thường mới?
1 Năm trước, Hà Nội giãn cách xã hội lần thứ tư

Nguồn: Vũ Hoàng Long

Mấy tờ “tem phiếu” này được phát tới gia đình tôi trong đợt Hà Nội giãn cách xã hội lần 4 xảy ra tròn 1 năm trước. Vào một buổi tối mát mẻ ngày 23/7/2021, tôi cùng mấy người đồng nghiệp nhận tin dữ. Khi ấy chúng tôi là những vị khách duy nhất của một quán cafe nhỏ đang chực chờ đợi ngày phá sản.

Thái độ của chúng tôi trước tin vắn được phát qua loa phường - “Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 06h00 ngày 24/7/2021 trên phạm vi toàn Thành phố…” - là một sự bẽ bàng. Còn điều gì tệ hơn có thể xảy ra hay sao? Hơn 1 năm dịch bệnh tính đến lần giãn cách ấy dài như cả thập kỷ.

Trong thập kỷ tưởng tượng ấy, người Việt Nam đã quen thuộc với một số thói quen mới nhưng thật ra là cũ, ví dụ như chào đón sự trở lại của chế độ tem phiếu. Ngày xưa, người ta dùng tem phiếu để khoán số lượng lương thực được phép mua hàng ngày. Còn trong đại dịch, “thẻ vào chợ” được phát hành để khoán số lần người dân được phép đi chợ nhằm kiểm soát dòng người di chuyển.

httpsvietceteracomuploadsimages20jul20221373746011312815402739804753007939588439931ominjpeg
Sổ mua lương thực thời bao cấp của một gia đình Hà Nội | Nguồn: Vũ Hoàng Long

Sự trở lại của tem phiếu thời đại dịch không phải hiện tượng duy nhất khiến ta cảm thấy thế giới mình sống không còn “bình thường” nữa…

Khi nhà riêng đồng thời là công sở, trường học, và nhà tù

Thời bình thường cũ, ở nhà đối với Gen Z là một hành động đáng xấu hổ. Khi phụ huynh được hỏi “Con anh chị đang làm ở công ty nào?” mà câu trả lời là “Con tôi làm việc ở nhà” thì giả định đầu tiên của người hỏi sẽ là con nhà này thất nghiệp hay thất học.

Đó là lý do vì sao giãn cách xã hội biến thành một cú sốc khổng lồ. Khi dịch bệnh tràn đến, tất cả mọi người đều bị nhốt tại nhà (nếu như họ có nhà). Với một người đã quen bận rộn cùng nhiều lịch trình trong một ngày, viễn cảnh phải ở nhà liền tù tì nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần làm tôi thở dài. Tiếng thở mang theo sự mòn mỏi của con chim trong lồng.

Tôi nhìn vào căn phòng sẽ khoá chặt mình trong hàng chục ngày tới, và nhận ra mình chưa từng gắn bó với nó về mặt thời gian. Bố mẹ nói tôi coi phòng mình như một cái trọ: làm việc, học hành cả ngày ở bên ngoài, còn về nhà tôi chỉ biết ngả lưng. Trong những ngày tiếp theo, căn phòng ngủ ấy sẽ đóng vai văn phòng, lớp học, và thậm chí cả… nhà tù.

httpsvietceteracomuploadsimages20jul2022img69791jpg
Khu dân cư bị khoá kín thời giãn cách xã hội 2021 | Nguồn: Vũ Hoàng Long

Giãn cách xã hội mang lại một vấn đề không ngờ tới, đó là việc phải gặp mặt gia đình quá nhiều. Đây là vấn đề xảy ra với một người bạn của tôi, một người vô cùng hướng nội và quen dành thời gian một mình.

Người bạn ấy không có thù hằn gì với gia đình. Nhưng việc phải gặp người thân liên tục mà gần như không có khoảng lặng xen giữa khiến cậu cảm thấy không gian của mình luôn bị xâm phạm. Trong những tháng ngày giãn cách, cậu thấy mình như một người tù luôn tìm cách né tránh những người tù khác.

Đó chính là tình thế lưỡng nan của trạng thái giãn cách xã hội. Không gian sống của chúng ta bỗng chốc phải gánh thêm nhiều trọng trách khác, phải là nơi làm việc, nơi ngủ nghỉ, nơi sinh hoạt và vui chơi của không chỉ một người mà cả một gia đình. Điều này ắt khiến ngôi nhà trở nên tù túng, và khiến mỗi người trong nhà thấy bản thân tù tội.

Từng ngày, tôi nhớ mong lối sống cũ của mình và khóc thương cho những kế hoạch bị “con Cô-vi” phá hỏng. Thế nhưng khi đợt giãn cách kết thúc, khi cuối cùng cũng được bước ra khỏi “cái hang” giam giữ bản thân, tôi thấy cuộc sống xưa kia sao xa lạ đến thế. Thay cho sự mòn mỏi lối sống cũ là những suy nghĩ và băn khoăn mới về một thời kỳ vô tiền khoáng hậu trong lịch sử.

Lối sống cũ trong bình thường mới

Người ta thường chỉ hồi cố lại quá khứ khi quá khứ ấy đẹp, hoặc khi họ nghĩ rằng nó đẹp. Còn tôi thì hay hồi cố về cái thời điểm đầy mong manh và đáng sợ của dịch bệnh. Một phần vì tôi không thể nhớ được cuộc sống cũ của mình trước khi Covid-19 tràn đến, phần khác vì tôi tin rằng ta có thể học được nhiều thứ khi trải qua thảm hoạ.

Nhắc đến đại dịch và giãn cách, ta thường chỉ nghĩ tới những điều tiêu cực. Bản thân việc phải đảo lộn lối sống và hủy bỏ hàng loạt kế hoạch cả ngắn hạn lẫn dài hạn đã là một cơn ác mộng. Các mặt hàng y tế như khẩu trang, bộ xét nghiệm, nước muối sinh lý… đều ít nhiều bị nâng khống giá giữa đại dịch.

Bên cạnh đó, bạo lực gia đình và nhiều tiêu cực xã hội khác xảy ra khi ruột thịt buộc phải ở chung một mái nhà. Vấn đề tâm lý tràn lan khi những giao tiếp xã hội cũ bị đình trệ… Từ góc nhìn này, giãn cách xã hội là một giai đoạn xấu xí đáng để ta quên lãng.

Nhưng hãy thử nghĩ xem, trước cơn đại dịch, việc con người kiếm lời bất chấp nỗi khổ của người khác, rồi bạo lực, bệnh tâm lý và nhiều vấn đề khác vẫn xảy ra như cơm bữa. Đại dịch chỉ là cú hích để ta có cái nhìn thẳng thắn trước tiêu cực, và nghĩ đến chuyện đi tìm giải pháp.

Nhiều tháng trời bị khoá kín tại gia, tôi thấu hiểu đặc quyền của bản thân khi ít nhất còn có một chốn nương thân, thứ nhiều người ngoài kia không có, trước và cả trong đại dịch. Tôi từng sợ hãi trước âm thanh của sự im lặng tuyệt đối khi đường phố không có xe cộ lưu thông, cho đến khi nhận ra trong khoảng không tĩnh mịch ấy có nhiều tiếng động mà ở bình thường cũ mình không hề nghe thấy.

httpsvietceteracomuploadsimages20jul2022img69241jpg
Phố Hà Nội không người vì đại dịch | Nguồn: Vũ Hoàng Long

Giữa cái yên ắng của đại dịch, vô vàn cuộc đời vẫn sống tiếp. Vậy nên ta không thể mãi ôm lấy quá khứ đẹp đẽ “trước đại dịch” và hi vọng rằng khi tiêm đủ 4 liều vaccine, thì lối sống cũ, kế hoạch cũ, lợi ích cũ… sẽ được “reset.”

Nếu “lối sống cũ” thực sự còn sống phần nào sau đại dịch, thì chúng không phải một món đồ cũ có thể lôi ra, phủi bụi và xài lại. Chúng là những giá trị cốt lõi mà tôi mong rằng, sẽ không thay đổi, dù dòng chảy của thời gian có xiết đến mấy. Đó tình thương, là sự đùm bọc, là sự sẵn sàng cùng nhau vượt qua thảm cảnh và cùng nhau hưởng thụ sự đủ đầy.

Tạm kết: khi bất thường biến thành bình thường

Ngày hôm nay nhìn lại, ta dễ có tâm lý thở phào: mọi điều tệ nhất đều đã nằm lại ở sau lưng, giờ đây mọi thứ có thể quay về trạng thái cũ. Ta nhìn cơn đại dịch như một sự kiện có thời điểm khởi đầu và thời điểm kết thúc.

Thực tế, mầm mống đẩy nhân loại đến một cơn đại dịch thảm kịch đã ngấm ngầm tồn tại trong cuộc sống của ta từ lâu. Con người tách mình khỏi thiên nhiên và khai thác thiên nhiên đến kiệt quệ. Để rồi khi văn minh của ta ngủ quên trên đỉnh cao của sự phát triển, thì ta bị những chú dơi ở Vũ Hán cười cho vào mặt.

Và cơn đại dịch vẫn chưa hề kết thúc, Covid-19 vẫn đang tiến hóa từng ngày. Thông tin biến chủng BA.5 càn quét Mỹ và châu Âu đã phủ kín mặt báo, mặc cho các doanh nghiệp lạc quan tuyên bố chế độ chấm vân tay đã quay trở lại văn phòng.

Bình thường cũ sẽ không bao giờ quay trở lại, và chúng ta cần thẳng thắn đối mặt với điều đó để xây dựng bình thường mới. Covid-19, giãn cách xã hội, hay cuộc chiến tranh của năm 2020+2 không phải những biến cố bất ngờ chen ngang vào dòng chảy phát triển của con người. Nguyên nhân sâu xa của thảm hoạ luôn ở đó, trong tư duy rằng chỉ có duy nhất một lối sống và một giải pháp tốt.