Từ lâu, những khuôn mẫu về tình yêu dị tính đã thống trị nền điện ảnh đại chúng. Thế giới đã sản xuất và tiêu thụ rất nhiều tác phẩm điện ảnh lãng mạn, nhưng đến năm 2017 chúng ta mới có “Moonlight" – bộ phim đầu tiên về đề tài tình yêu đồng giới thắng giải “Phim xuất sắc nhất” trong lịch sử gần một trăm năm của Oscar.
Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu 10 tựa phim mở ra lăng kính mới về tình yêu đồng giới trong 30 năm qua.
1. Happy Together (1997, Wong Kar-wai)
“Happy Together” nói về những tháng ngày hạnh phúc hữu hạn. Bộ phim cũng miêu tả sự cô đơn của một tình yêu nhiều sóng gió. Với những khung hình lãng mạn, không khí phim độc đáo, “Happy Together” để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử điện ảnh thế giới nói chung và phim về tình yêu đồng giới nói riêng.Được yêu mến bởi khán giả Việt nhiều thế hệ, “Happy Together” (Xuân quang xạ tiết) là một bộ phim kinh điển về tình yêu đồng giới. Phần lớn đặt bối cảnh tại Buenos Aires, thủ đô của Argentina, bộ phim nói về mối quan hệ nồng nhiệt và bi đát của Lê Diệu Huy (Lương Triều Vỹ) và Hà Bảo Vinh (Trương Quốc Vinh).
2. Tropical Malady (2004, Apichatpong Weerasethakul)
“Tropical Malady” khai thác đề tài tình yêu như một sự giao thoa giữa ý niệm, phong tục và thần thoại. Câu chuyện và kỹ thuật làm phim lạ kỳ của Apichatpong hé lộ cho người xem một thông điệp vừa giản đơn, vừa xúc động, vương vấn rất lâu sau khi bộ phim kết thúc.“Tropical Malady” bắt đầu như một bộ phim tình yêu thông thường khi Keng (Banlop Lomnoi) – một người lính đang làm nhiệm vụ – đem lòng cảm mến Tong (Sakda Kaewbuadee) – một chàng trai địa phương. Thế giới trong “Tropical Malady” rẽ lối huyền ảo khi Keng tiến vào rừng để truy tìm mãnh thú chuyên giết hại gia súc, cũng chính là Tong trong hình hài một con mèo rừng.
3. Carol (2015, Todd Haynes)
“Carol” lột tả tài tình sự bức bách trong một giai đoạn lịch sử ở Hoa Kỳ, một không khí càng đặc biệt khắc nghiệt với người đồng tính. Tình yêu trong “Carol” không phải một ngọn lửa giải phóng, mà như một đốm cháy âm ỉ. Nó mạnh mẽ, day dứt và bất chấp.Được chuyển thể từ tiểu thuyết “The Price of Salt” của tác giả Patricia Highsmith, “Carol” là câu chuyện về Therese (Rooney Mara) – một cô gái trẻ làm ở quầy thu ngân cửa hàng tạp hóa, và Carol (Cate Blanchett) – một người phụ nữ thượng lưu đã có gia đình. Đây là một bộ phim tuyệt đẹp với những khung cảnh New York thập niên 50 được tái hiện một cách hoàn mỹ.
4. Moonlight (2016, Barry Jenkins)
“Moonlight” kể về quá trình lớn lên của Chiron (Ashton Sanders) – một thanh niên đồng tính da đen. Câu chuyện của Chiron phác họa một cuộc đời biến động với ba giai đoạn rõ nét, từ những trải nghiệm ấu thơ, sự giằng xé nội tại và hành trình khám phá về tình yêu, giới tính khi trưởng thành.Các tác phẩm của đạo diễn Barry Jenkins mang đậm ảnh hưởng của điện ảnh Á Đông và châu Âu. Về mặt thị giác, “Moonlight” gợi nhắc đến những thước phim của Vương Gia Vệ. Bài nhạc Cucurrucucú Paloma trong phim cũng từng xuất hiện trong “Happy Together”.
5. The Handmaiden (2016, Park Chan-wook)
“The Handmaiden” có nhiều tính bất ngờ với những cú plot-twist choáng ngợp. Song, giá trị của bộ phim đến từ bối cảnh tuyệt đẹp, không khí phim ấn tượng, một kịch bản tài tình và tinh tế. Trích lời của nhà phê bình Kate Muir, bộ phim “vừa khêu gợi, vừa bạo liệt, một tác phẩm thị giác tuyệt vời về niềm đam mê và sự phản bội".Dưới bàn tay của đạo diễn Park Chan-wook – tác giả của những bộ phim táo bạo như “Old Boy”, “Lady Vengeance” – “The Handmaiden” là một trải nghiệm đầy mỹ cảm. Chuyển thể từ tiểu thuyết “Fingersmith” của nhà văn Sarah Waters, “The Handmaiden” được đặt trong bối cảnh Hàn Quốc và Nhật Bản những năm 1930. Câu chuyện xoay quanh một người hầu gái được thuê để trợ giúp một tên lừa đảo chiếm đoạt tài sản thừa kế của một phụ nữ Nhật ngây thơ xinh đẹp.
6. God’s Own Country (2017, Francis Lee)
Ban đầu, "A God's Own Country" gợi nhắc đến không khí của “Brokeback Mountain” (2005), song bộ phim là một câu chuyện về tình yêu cảm động và thấm thía. Như lời của nhà phê bình David Lewis, đây là một câu chuyện “về tình yêu muôn thuở, về việc hiến dâng trọn vẹn bản thân mình, kể cả khi trái tim tưởng như đã hoàn toàn vụn vỡ”.Đặt bối cảnh tại vùng nông trại phía Bắc nước Anh, bộ phim khắc họa mối tình giữa Johny (Josh O’Connor) và chàng trai lao động nhập cư người Romania tên là Gheorghe (Alec Secăreanu).
7. A Fantastic Woman (2017, Sebastián Lelio)
Đạo diễn Sebastián Lelio khai thác một chủ đề nhạy cảm với sự cẩn trọng và niềm cảm thông thấu đáo. Nhân vật Marina, thủ vai bởi diễn viên chuyển giới Daniela Vega, là một trong những vai diễn đáng nhớ của điện ảnh thế giới năm 2017.Bộ phim kể câu chuyện về Marina, một phụ nữ chuyển giới và ca sĩ hộp đêm. Khi người tình của Marina là Orlando (Francisco Reyes) qua đời, cô bị bỏ lại một mình với những câu hỏi. Nếu câu hỏi của gia đình Orlando và cảnh sát chất vấn quyền của Marina với tư cách một con người, thì những câu hỏi cô đặt ra cho chính mình lại xoay quanh nhân dạng, giá trị và tính nữ.
8. Song Lang (2018, Leon Quang Lê)
“Song Lang” được thực hiện như một bộ phim kép, trọn vẹn vở cải lương “Mỵ Châu – Trọng Thuỷ” diễn ra song song với mạch phim chính. Tình yêu đồng giới trong “Song Lang” được khắc họa rất ý nhị. Điểm mạnh của bộ phim nằm ở bối cảnh công phu, hình ảnh thẩm mỹ và kịch bản khéo léo. Nhờ vậy mà “Song Lang” đã đoạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 21.Song lang là một loại nhạc cụ để giữ nhịp trong nhạc tài tử Nam Bộ, cải lương hay ca Huế. Mượn tên của loại nhạc cụ này, bộ phim kể câu chuyện về Linh Phụng (Isaac) và Dũng “Thiên Lôi" (Liên Bỉnh Phát) – hai con người đối lập nhưng lại tìm thấy sự đồng điệu trong tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống.
9. Portrait of a Lady on Fire (2019, Céline Sciamma)
“Portrait of a Lady on Fire” là một bộ phim đầy nội lực; đẹp như một bức tranh, sống động và day dứt như một ngọn lửa cháy. Phim được đề cử giải Palme d’Or tại liên hoan phim Cannes 2019.Lấy bối cảnh tại Pháp vào cuối thế kỷ 18, Marianne (Noémi Merlant) được thuê để vẽ chân dung đám cưới cho Héloïse (Adèle Haenel). Bởi tất cả những người từng được thuê vẽ Héloïse đều thất bại, gia đình cô muốn Marianne giả làm một người bạn để quan sát Héloïse vào ban ngày rồi bí mật vẽ lại cô vào ban đêm. Xuyên suốt bộ phim là một ánh nhìn dài. Ánh nhìn của một người họa sĩ, ánh nhìn của một người tình.
10. Thưa mẹ con đi (2019, Trịnh Đình Lê Minh)
“Thưa mẹ con đi” là một bộ phim về tình yêu, chứ không ngặt nghèo là về tình yêu đồng giới. Ở đó, cảm xúc và sự đấu tranh nội tâm diễn ra một cách chân thành, không gượng ép. Sự khác biệt thế hệ và những giá trị đối lập cũng được khắc họa một cách từ tốn và chân phương. Cái kết của phim là một sự gợi mở, mời gọi những thay đổi có thật đang diễn ra trong xã hội Việt Nam hiện đại. Trích lời đạo diễn Phan Đăng Di, bộ phim ngắn đầu tay của Trịnh Đình Lê Minh là dành cho “nỗi đoạn trường của yêu mà cũng phải thưa". Đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện đại, khi Văn (Lãnh Thanh) đưa Ian (Gia Huy) từ Mỹ về thăm gia đình cũng là lúc anh phải đối mặt với những rào cản về hệ giá trị gia đình, niềm tin và sự thừa nhận.
Xem thêm:
[Bài viết] 6 Tựa phim Hàn khắc họa trải nghiệm của các hội chứng tâm lý
[Bài viết] 'Trưởng thành không đáng sợ' - Thông điệp khác biệt từ các tác phẩm điện ảnh