20 Chú mèo bị "đánh bả": Giết chóc chưa bao giờ nên là giải pháp | Vietcetera
Billboard banner

20 Chú mèo bị "đánh bả": Giết chóc chưa bao giờ nên là giải pháp

Có 3 cách nhìn nhận động vật và điều này tác động lên cách chúng ta hành xử.
20 Chú mèo bị "đánh bả": Giết chóc chưa bao giờ nên là giải pháp

Nguồn: Unsplash

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Tuần vừa qua, vụ việc chủ nhà hàng bán đồ Âu tại một chung cư ở Sài Gòn đã đặt bả thuốc, giết chết 20 con mèo hoang gây nhiều tranh cãi. Nguyên nhân của hành động này xuất phát từ vấn đề vệ sinh và chất thải của mèo không có ai dọn dẹp.

alt
Nhiều bé mèo con bị bỏ lại | Nguồn: Team16 - Tiếng Gọi Từ Trái Tim

Trước đó, chị Y là người thường xuyên chăm sóc các bé mèo đã đàm phán với chung cư và bỏ tiền ra để thuê người dọn dẹp trong thời gian liên hệ với các bên cứu hộ. Tuy nhiên, chủ quán lại âm thầm đưa ra cách giải quyết là giết các bé mèo hoang.

2. Phản ứng trước sự việc là gì?

Chủ quán đồ Âu trước phản ứng của dư luận đã lên tiếng xin lỗi về hành động của mình. Tuy nhiên trước làn sóng phản đối, quán ăn này đã đóng cửa.

Trong quá khứ, tác động của cư dân mạng cũng đã từng giúp đòi lại được công lý cho động vật bị giết hại tàn bạo. Vụ việc này đã từng được dựng lại thành bộ phim tài liệu Don’t F*** With Cats nổi tiếng một thời trên Internet.

Sự việc ít nhiều làm nhiều người nhớ lại sự việc tiêu hủy 13 chú chó mèo theo chủ về quê trong dịch COVID dù không cần phải làm vậy. Đáng tiếc thay khi con người đứng trước tình huống có khả năng gây hại cho bản thân, họ lại chọn giải pháp cực đoan: tiêu diệt tận gốc thứ mà họ cho là có vấn đề.

3. Tại sao cách ta nhìn nhận động vật quan trọng?

Mối quan hệ giữa con người và động vật vẫn luôn là câu hỏi gây tranh cãi nhiều năm. Sự phân biệt đẳng cấp loài vẫn xảy ra khi chúng ta yêu quý, cưng nựng thú nuôi mắc tiền nhưng lại ngoảnh mặt làm ngơ trước thú hoang. Đây chỉ là một phần nhỏ trong cách con người nhìn nhận động vật.

alt
Phân biệt đối xử động vật dựa trên loài vẫn xảy ra | Nguồn: Unsplash

Trong bài viết của The Conversation về lý do Tại sao chúng ta tàn bạo với động vật? đã chỉ ra 3 cách mà con người nhìn nhận động vật:

Chúng ta coi động vật như một vật, tồn tại để con người sử dụng và đó là lý do chúng không quan trọng. Để lấy ví dụ, tác giả bài viết nhắc tới ngành công nghiệp bắt cá đã thả lưới bắt cả những sinh vật không tiêu thụ được và rồi để chúng chết đi.

Tương tự, đây cũng là lý do một số người chọn giết động vật khi chúng phạm phải quyền lợi cá nhân của họ.

Cách thứ 2 là chúng ta coi sự tồn tại của động vật quan trọng đối với chúng, nhưng đồng thời những sinh mạng này có thể thay thế cho nhau. Ví dụ như chúng ta chọn giết con vật có bệnh để bảo vệ những con còn lại trong đàn. Đây chính là lối suy nghĩ thực dụng.

Góc nhìn thứ 3 thì cho rằng sự tồn tại của động vật quan trọng đủ để chúng có quyền như được sống hay được tự do.

Cho tới hiện tại, thì sự thống nhất duy nhất được đại đa số đồng tình và đấu tranh chính là animal welfare (nhân đạo động vật). Qua đó động vật có quyền được chăm sóc và sống mà không thống khổ.

4. Nghiên cứu về nhận thức của động vật có gì thay đổi?

Góc nhìn và luật pháp xoay quanh việc đối xử với động vật thay đổi theo thời gian. Gần đây nhất là sự kiện chính phủ Anh quyết định cải tổ dự luật bảo vệ động vật trước nghiên cứu bạch tuộc cũng có tri giác.

Marta Halina, giảng viên cao cấp về triết học khoa học nhận thức tại Đại học Cambridge, cho rằng chúng ta dễ rơi vào thiên kiến khi nghiên cứu về động vật có tri thức không phải con người (non human intelligent).

Thiên kiến này chính là Hiệu ứng đèn đường (Streetlight effect), khi các nhà khoa học chỉ nghiên cứu dựa trên những tài liệu đã có. Quay lại với những nghiên cứu về nhận thức của động vật, đa phần các nhà khoa học lại đặt những hiểu biết về cách con người hoạt động và áp dụng nó trên những loài không phải con người.

Vậy nên, Marta Halina nói rằng cô muốn tạo ra một khuôn khổ mới để nghiên cứu bằng cách tạo ra một “bản tuần hoàn hóa học" nhưng dành cho động vật. Qua đó ta có thể xếp loại động vật dựa trên trí khôn, cấu tạo não bộ, cách giải quyết vấn đề,... từ đó đối chiếu chúng với nhau thay vì đặt con người là trung tâm như trong quá khứ.

Bằng cách này, những nhà lập pháp hay cả nhà khoa học có thể tìm ra những cách tốt hơn để hoàn thiện bộ luật dành cho động vật.

5. Bạn có thể làm gì khi bắt gặp động vật hoang?

Trong khi chờ đợi những thay đổi lớn và vĩ mô, mỗi người chúng ta vẫn có thể tạo ra thay đổi dù nhỏ nhất. Chó mèo hoang luôn nằm trong vòng tròn quan tâm của những người yêu động vật, tuy nhiên không phải ai cũng nghĩ vậy. Có nhiều hơn một cách chúng ta có thể áp dụng thay vì cho động vật hoang ăn bả.

Dừng cho ăn và di chuyển nơi trú ẩn

Nếu trong trường hợp không muốn để chó hay mèo hoang trong khu vực nhà mình, bạn có thể cắt nguồn thức ăn của chúng hoặc di dời nơi trú ẩn của động vật. Tuy nhiên, cách làm này chỉ có thể giúp được bạn chứ không phải những sinh vật lang thang ngoài đường.

alt
Di chuyển nơi trú ẩn hoặc không cho ăn chỉ là giải pháp tạm thời | Nguồn: Unsplash

Sau đây là một số cách khác có thể tác động và giúp thay đổi đời sống của chó mèo cơ nhỡ:

Liên hệ với trạm cứu hộ

Vietcetera đã từng có danh sách các trạm cứu hộ tại Sài Gòn và cả Hà Nội. Liên hệ tới tổ chức chuyên nghiệp thường là cách làm được ưu tiên nhất. Tuy nhiên, các trạm cứu hộ cũng thường gặp phải tình trạng quá tải.

Đăng bài viết ở các hội nhóm

Với sự gia tăng của những hội nhóm yêu động vật thì việc đăng bài viết giải cứu có thể nhận được rất nhiều tương tác. Đây cũng là cách mà nhiều vật nuôi hoang tìm được chủ mới.

Thu nhận và nuôi dưỡng

Nếu không có khả năng nuôi dưỡng lâu dài, bạn vẫn có thể tạm thời chăm vật nuôi cho đến khi tìm được chủ mới cho chúng. Tuy nhiên, khác với thú cưng ở nhà việc nhận nuôi chó/mèo hoang cần sự cẩn trọng nhất định. Vậy nên, bạn cần có nhiều sự chuẩn bị từ tinh thần, chỗ ở cho tới việc chăm sóc y tế nếu có ý định này.

Hỗ trợ triệt sản động vật

Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công quản lý vấn nạn chó mèo hoang nhờ vào mô hình triệt sản. Bạn vẫn có thể áp dụng việc này cho chó mèo hoang ở khu vực mình sinh sống.

Tuy nhiên đây là phương pháp có khả năng gây “đau ví" cao vậy nên rất cần sự hỗ trợ và chung tay của cộng đồng những người xung quanh.