20Học là series học mọi thứ trong 20 giờ.
Bản thân tôi rất thích tự mình may sửa quần áo. Từ bé, tôi đã tập tành đơm những chiếc cúc áo và vá những chiếc áo bung chỉ. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể tự may cái gì, cho đến khi biết câu chuyện của Yến Nguyễn.
Yến có một đam mê lớn với đồ thủ công, luôn tự mày mò và liên tục thực hành may vá. Năm 2015, Yến cùng người bạn thân mở thương hiệu Mèo Tôm Handmande với sứ mệnh tái chế và hồi sinh những món đồ jeans cũ thành những chiếc túi mới. Nhưng chiếc túi đầu tiên đã được Yến may tay, và chỉ mất tròn một ngày.
Câu chuyện của Yến khiến tôi — một tay mơ với hộp kim chỉ sơ cấp — không khỏi thích thú. Tôi hỏi Yến câu đơn giản: Yến đã tự may chiếc túi đầu tiên thế nào?
Vì sao lại là học may?
Với Yến, may được một chiếc túi khiến cô thấy mình như một người họa sĩ vẽ tranh. Việc chiếc túi có hình dáng thế nào, màu sắc ra sao và có bao nhiêu ngăn đựng, đều do người may quyết định. Nhưng hạnh phúc nhất vẫn là biến một ý tưởng vô hình thành một vật hữu hình, và được cầm nắm, sử dụng nó mỗi ngày.
May vá không chỉ kích thích sáng tạo, mà còn giúp giảm căng thẳng bởi nó khiến bạn phải hoàn toàn tập trung vào từng chi tiết trong đường may của mình.
Cái khó của may tay là bạn không thể tự nhiên mà may được một đường chỉ thẳng như máy. Nhưng may tay sẽ cho bạn cảm giác chinh phục cao hơn, khiến bạn làm từng công đoạn một cách tỉ mỉ và cẩn thận.
Nếu tập trung và luyện tập đủ nhiều, đôi tay của bạn sẽ càng lúc càng tiến gần đến đường tiệm cận ‘thẳng tăm’. Nói cách khác, may vá cũng là một hình thức thực hành chánh niệm, khi thế giới lúc này chỉ còn bạn, ý tưởng trong đầu cùng đôi tay đan khâu nhịp nhàng.
Từng tự hạn chế chính mình
Người ta cứ hay cho rằng, để may được cái gì đó, bạn phải có 10 ngón hoa tay, cùng sự khéo léo và tính tỉ mỉ bẩm sinh. Nhưng về cơ bản, may vá cũng giống như chơi xếp hình. Bạn chỉ cần dùng một chút logic và đôi tay để tạo ra thành phẩm từ những mảnh ghép đã được bày sẵn trên bàn.
Yến kể, mình đã tự cắt vải và may chiếc túi đầu tiên theo trí tưởng tượng riêng. Yến không làm theo bất kỳ trình tự nào, và tháo ra làm lại mỗi khi may sai. Lúc đó, Yến hào hứng và miệt mài cắt, may đến mức không để ý thời gian nữa.
Cứ vài lần tháo ra rồi làm lại, đến cuối ngày, chiếc túi đầu tay cũng được hoàn thành.
Và đó cũng là một trong những bài học đầu tiên của Yến: Đừng từ bỏ chỉ vì bạn nghĩ mình không khéo. Đúng là không phải ai cũng biết may, nhưng chắc chắn, may là kỹ năng ai cũng có thể học.
Hãy biết mình muốn gì
Yến nói, để tự may được một chiếc túi, bạn phải xác định được hai điều. Đầu tiên là phải định hình được form túi, dù nó dị biệt tới mức nào. Bởi mỗi thiết kế sẽ cần một thứ tự và cách may khác nhau. Việc lên kế hoạch cho từng công đoạn sẽ cần thiết để bạn không ‘lạc lối' và bỏ cuộc giữa chừng.
Thứ hai là phải chọn loại vải phù hợp. Để may một chiếc túi, bạn không chỉ dừng lại ở việc xỏ chỉ và ghép vải vào nhau, mà còn cần cảm nhận nguyên liệu của mình để có được thành quả như mong muốn.
Yến thuần thục kỹ năng này nhờ mỗi ngày, cô lại tiếp xúc với những món đồ jeans cũ-mà-mới từ khắp nơi gửi về. Cụ thể:
- Nên chọn những phần vải còn tốt và chọn những loại vải ít co giãn, tránh bị bai hay nhão trong quá trình may.
- Những bộ phận trên quần như túi, đai, cạp quần hay mác da đều có thể dùng để điểm xuyết cho chiếc túi của mình.
- Với những chiếc túi nhỏ, có thể sử dụng quần short, quần ngố. Tương tự, với những mẫu túi to, balo thì quần dài, yếm se là sự lựa chọn tuyệt vời.
Học may túi ở đâu?
Để may một chiếc túi thì mất khoảng 1 ngày, nhưng để may được 1 chiếc túi đẹp, bạn sẽ phải luyện tập 1 tháng hoặc lâu hơn. Có những thiết kế phức tạp hơn, như balo, thì cần luyện tập thường xuyên và chuyên tâm hơn nữa.
Nhưng đừng quá lo vì bạn luôn có thể tìm đến YouTube và Google. Với vài từ khoá như ‘tự may túi' hay ‘may tay túi thế nào', bạn sẽ có muôn vàn nội dung hướng dẫn để tham khảo và thực hành theo.
20Học là series học mọi thứ trong 20 giờ.