3 Bài học trước khi quyết định trốn khỏi thực tại | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

3 Bài học trước khi quyết định trốn khỏi thực tại

Những tưởng chỉ cần nghỉ việc, đến nơi khác sống thì mọi thứ sẽ ổn. Thế nhưng, thực tế có thể khắc nghiệt hơn và chúng ta cũng cần chuẩn bị cho cuộc “trốn” của mình.
3 Bài học trước khi quyết định trốn khỏi thực tại

Nguồn: TVN

Theo phân tích đến từ Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (viết tắt là APA), escapism hay còn gọi là chủ nghĩa thoát ly thực tại được xem là xu hướng mà ở đó con người muốn “rời bỏ” thế giới hiện thực đầy khắc nghiệt, hướng đến một thế giới tưởng tượng mang cho họ cảm giác tự do, an toàn, thoải mái nhất. Có nhiều cách để thoát ly thực tại như chìm đắm vào một bộ phim, một playlist nhạc, một chuyến du lịch ngắn ngày, một trải nghiệm công việc tay chân, một khóa digital detox… Bài viết này sẽ đề cập đến hội những người muốn thoát ly thực tại bằng cách nghỉ việc ở thành phố và tìm kiếm chân trời mới ở một vùng đất khác.

Đôi khi, chạy trốn thực tại giúp chúng ta ổn định lại tinh thần và hỗ trợ tìm ra giải pháp cho vấn đề. Tuy nhiên, nếu chúng ta không nhận thức được bản thân, chúng ta sẽ trở thành nô lệ của các chiến lược thoát ly của mình khi đưa bản thân đến sự nuông chiều thái quá. Một bài viết trên Psychology Today nhận định rằng Chủ nghĩa thoát ly giúp tăng cường hạnh phúc nếu được thúc đẩy bởi sự tự mở rộng chứ không phải sự tự kìm nén. Chúng ta cũng cần chuẩn bị và nhìn nhận việc đi trốn một cách có chủ đích để không chìm vào cảm giác tự lừa dối mình.

Dưới đây là ba câu chuyện cùng với bài học để chúng ta có thể chuẩn bị trước những chuyến đi trốn trong tương lai.

Bài học 1: Luôn tỉnh táo trước “ảo ảnh” về sự tự do

Thực tại của việc đi làm từ 9h sáng đến 5h chiều, việc nhàm chán, các mối quan hệ phức tạp, nhiều nỗi lo là chuyện không của riêng ai. Đặc biệt, làn sóng sa thải dẫn đến một tương lai mà không ai muốn nghĩ tới. Escapism giờ đây không chỉ là trốn khỏi những gì đang trải qua mà sâu xa hơn là tìm kiếm cảm giác về sự tự do.

Nguồn: Unsplash

Chúng ta liên tục tìm tự do tài chính, tự do trong công việc và tự do làm những gì mình muốn. Tuy nhiên, đi trốn thực tế là chuyển chúng ta từ thực tại này sang thực tại khác. Và ở hoàn cảnh mới thì vẫn sẽ luôn có niềm vui, nỗi buồn. Đơn cử như không ít người chọn nghỉ việc và lên vùng đất nào đó trốn vài tháng nhưng chỉ mới được vài tuần đã thấy khó chịu, suốt ngày nghỉ ngơi trong khi xung quanh ai cũng làm việc.

Tâm trí đã bớt háo hức vì rời khỏi thị thành, thay vào đó là trăn trở về cuộc sống kế tiếp. Nhạc sĩ Bob Dylan từng phát biểu thế này “Tôi nghĩ về anh hùng là một người hiểu được mức độ trách nhiệm đi kèm với sự tự do của mình.” Chúng ta (người thường hay không-bình-thường) dù ở thực tại nào cũng có thứ gì đó để lo, để phải chu toàn.

Tác giả, diễn giả Steven Savage nói rằng chủ nghĩa trốn chạy là khi chúng ta làm tê liệt nỗi đau hoặc khi chúng ta trốn tránh mọi thứ. Trong khi đó, tự do là khi chúng ta có khả năng – kỹ năng, nguồn lực và cơ hội – để đưa ra quyết định và làm theo những gì chúng ta muốn.

Chúng ta rất dễ bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Chủ nghĩa trốn chạy không mang lại tự do vì không liên quan đến việc lựa chọn hoặc đối mặt với các vấn đề. Cố lờ đi những “đau đớn” không giải quyết được nguyên nhân gây ra sự việc. Chúng có thể giúp bạn nghỉ ngơi, nhưng sẽ không giải phóng bạn khỏi những gì đang gặp phải.

Bài học 2: Có nên thỏa hiệp năng lực bản thân và cuộc sống an nhàn?

Một thời, câu hát nổi tiếng trong “Bài này chill phết” của Đen Vâu “cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau” được nhiều người yêu thích. Xu hướng về quê hay tìm đến những nơi xa phố thị giờ đây đã không còn là điều mới mẻ. Tuy nhiên, sự dịch chuyển này cho thấy tồn tại những thỏa hiệp. Khi về quê đồng nghĩa với mức sống và thu nhập cũng sẽ thay đổi.

Thiên An, một bạn trẻ rời Sài Gòn lên Đà Lạt sinh sống cho biết thời gian đầu cô bị sốc vì sự chênh lệch trong việc trả công. Đơn cử như nghề của An tại Sài Gòn là làm nội dung, quay chụp liên quan ẩm thực và thu nhập tốt. Nhưng khi lên Đà Lạt thì hầu hết mọi người không có khái niệm trả nhiều tiền để làm quảng cáo cửa hàng. An cũng có bạn bè là bartender cũng chấp nhận mức thu nhập bị giảm trầm trọng để đổi lại là một “Cuộc sống chill chill không nặng đầu”.

Cân nhắc trước khi nghỉ việc để có cuộc sống an nhàn | Nguồn: Unsplash

Không ít người trẻ đã chọn cách thỏa hiệp với mong muốn có thể sống ở một nơi an bình, dễ chịu hơn và sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn khả năng của mình. Còn nếu không thỏa hiệp thì vẫn phải nhận thêm việc làm từ xa.

Những câu chuyện bỏ phố về đảo sống luôn tạo ra cảm giác thoát ly thực tại. Nhưng có một chi tiết mà nhiều người thường bỏ qua đó là hầu hết nhân vật trong các câu chuyện trên đều sống bằng tiền tiết kiệm sau thời gian đi làm. Nghĩa là những gì chúng ta thấy đều ở giai đoạn “trăng mật” hậu nghỉ việc.

Từ những điều trên, chúng ta cần tự đặt những câu hỏi xa hơn việc chỉ tạm xa lánh cuộc đời đơn thuần. Chúng ta sẽ đi trốn trong bao lâu và kế hoạch phát triển bản thân thế nào. Nếu chỉ là trải nghiệm sống ở một nơi xa ngắn ngày (từ 1- 2 tháng), việc thỏa hiệp sẽ là giải pháp tạm thời để duy trì sinh hoạt tối thiểu. Nhưng nếu bạn chọn định cư lâu dài thì sẽ cần nghĩ đến việc có nên thỏa hiệp hay không. Bởi nó ảnh hưởng để kế hoạch phát triển bản thân.

Những câu hỏi bạn có thể đặt ra là năng lực của tôi có thể phát triển ở nơi đây không? Nếu sau một thời gian cảm thấy không còn phù hợp, tôi có thể trở lại thành phố và cạnh tranh được với nhân sự ở đó hay không?

Bài học 3: Đừng phức tạp hóa việc đi trốn

Với nhiều người, thoát ly thực tại đồng nghĩa với một chuyến du lịch, những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Phương tiện truyền thông gần như tạo ra một “khuôn mẫu” cho việc đi trốn: nghỉ việc, ra đảo hoặc lên núi, ở tại đó nhâm nhi café, thiền, yoga, hoạt động ngoài trời. Bản thân những hoạt động trên không có vấn đề gì, nhưng nó không phải là cách duy nhất để chúng ta có thể thoát ly thực tại.

Nhà tâm lý học Daniel Kahneman, tác giả cuốn sách Tư duy, nhanh và chậm cho biết chúng ta có xu hướng đánh giá quá cao mức độ hạnh phúc của mình trong một môi trường mới. Ta mong đợi sẽ hạnh phúc hơn với nơi mới do yếu tố khí hậu, văn hóa. Thực tế, ở bất kì nơi đâu thì chúng ta cũng phải đối mặt với vấn đề.


Bạn có thể "tạm trốn" những mệt mỏi theo nhiều cách thức đơn giản | Nguồn: Unsplash

Thậm chí nhà báo, cây bút Melody Warnick viết trên tờ Rolling Stone rằng sống ở bất kỳ nơi nào đủ lâu cũng khiến bạn hiểu rõ những yếu kém của nó. Khi đó, bạn nên tự đặt cho bản thân câu hỏi rằng với tình trạng của mình, bạn cần đi trốn thế nào? Có nhất thiết bỏ hẳn mọi thứ để ra đi hay chỉ đơn giản là một ngày nghỉ phép và không làm gì?

Bạn còn có thể tìm cách nâng cấp chất lượng của những cách thoát ly cơ bản nhất như việc xem phim, đọc sách, nấu ăn… Đi đến một thư viện chưa từng đặt chân đến, đến rạp phim vào những khung giờ vắng người nhất, thay vì đọc, bạn có thể tự viết sách…

Tuy nhiên, thoát ly thực tại hay tìm một nơi tạm trốn cũng chỉ là một cách giải quyết tức thời cho những vấn đề bên trong chúng ta. Như Haruki Murakami đã viết trong Kafka bên bờ biển: “Nhắm mắt cũng chẳng thay đổi được gì. Sẽ không có gì biến mất chỉ vì bạn không thể nhìn thấy những gì đang diễn ra”. Nếu những vấn đề sâu bên trong chưa được giải quyết thì dù chúng ta có trốn đến đâu, xa đến cỡ nào thì cũng khó thể giải thoát mình khỏi những ưu tư này.