3 Động lực giúp mình chủ động học mọi thứ | Vietcetera
Billboard banner
08 Thg 03, 2024
Cuộc SốngChất Lượng Sống

3 Động lực giúp mình chủ động học mọi thứ

Tìm động lực học tập như thế nào cho bền vững?
3 Động lực giúp mình chủ động học mọi thứ

Nguồn: cottonbro/Pexels

Hồi còn đi học, mình đã từng là đứa rất ghét học, vì cảm giác chỉ đi học vì người lớn bảo thế. Rồi đến khi lớn hơn, ở giai đoạn buộc phải chọn một sự nghiệp để tập trung phát triển, thì mình cắm đầu học, nhưng học có chọn lọc. Tức là học những thứ có giá trị trực tiếp lên công việc, để từ đó tăng số tiền kiếm được hàng tháng.

Trải qua 2 giai đoạn đó, mình nhận ra muốn tự học hiệu quả đòi hỏi phải có những động lực lành mạnh hơn. Vì nếu chỉ học để kiếm tiền thì việc học có thể sẽ sớm dừng lại khi mình tự nghĩ bản thân đã "đủ giỏi".

Nhưng khi đã chọn dừng lại việc học, ta cũng chấp nhận mình đi thụt lùi với thời đại. Song dù biết là tự học rất quan trọng, nhưng không phải lúc nào cũng có động lực để học.

Bài viết này mình nói về 3 động lực đã giúp mình duy trì việc tự học như một thói quen.

1. Mình tự học để luôn tự tin

Trong tập podcast “Tự tin thế nào nếu mình chỉ ‘bình thường’?”, mình có nói về khái niệm của sự tự tin mà với mình thì đó là sự tự tin vừa lành mạnh, vừa bền vững.

Nếu bạn nào muốn biết thêm chi tiết thì có thể nghe tập podcast đó, còn ở đây thì mình chỉ giải thích ngắn gọn đó là sự tự tin bởi thái độ của bản thân. Nó là cách mà chúng ta có thể nói với bản thân mình: “Tôi không biết làm cái này, nhưng tôi tin tưởng sau khi học xong tôi sẽ làm được.”

Chính thái độ này đã thật sự giúp mình rất nhiều trong hành trình phát triển sự nghiệp. Công việc đầu tiên của mình là thiết kế web, với mức lương 4 triệu.

Nhưng chỉ mới làm được 1 tháng sau thì mình thấy một mẫu tin tuyển dụng “thiết kế web và app”, với mức lương khởi điểm là $600, đâu đó tầm 13 triệu đồng, nghĩa là hơn gấp 3 lần mức lương hiện tại. Thú thật lúc đó mình còn không chắc là có đang hoàn thành tốt việc mình đang làm hay không nữa, chứ nói chi là việc có yêu cầu gấp 3 lần như vậy.

Thế nhưng, mình vẫn tự tin nộp hồ sơ, và may mắn được mời đi phỏng vấn.

Đương nhiên là năng lực của mình lúc đó gần như không phù hợp với bất cứ yêu cầu nào của công ty. Tuy nhiên may mắn là sau 3 tuần từ buổi phỏng vấn đó, mình đã nhận được email đồng ý nhận vào làm. Dù mức lương thấp hơn so với mẫu tin tuyển dụng, nhưng vẫn là được nhận.

Sau này mình có hỏi sếp, cũng là người trực tiếp phỏng vấn mình hôm đó, vì sao anh lại nhận em vào làm. Ảnh đã trả lời “Tao thấy mày tự tin quá, bảo là sẽ học để làm được, nên là cho mày một cơ hội”. Anh sếp này là anh Khoa, mà mình có nhắc tới trong tập podcast “Chọn việc vì tiền, kinh nghiệm hay niềm vui?”, và cả trong cuốn sách đầu tay của mình. Đó một người mà mình luôn biết ơn.

Chính nhờ tin tưởng vào khả năng tự học mà mình luôn tự tin là có thể làm được nhiều thứ, dù đó là những thứ mình chưa từng làm.

2. Mình tự học để tích lũy

Năm ngoái, có một buổi sáng đã làm mình nhận ra rất nhiều điều.

7 giờ sáng, mình nghe tiếng gõ cửa phòng. Nghe tiếng gõ đầu tiên mình đã tỉnh giấc, nhưng còn ngái ngủ khó chịu. Ở lần thứ 2, tiếng gõ cửa đi kèm với giọng thều thào “Con ơi, đưa mẹ đi cấp cứu” thì mình đã ngay lập tức bật dậy.

Mình ra khỏi phòng và thấy mẹ mình nằm trên sofa. Lúc đó mình vẫn chưa biết tại sao, nhưng sau này thì mình biết là bà bị rối loạn tiền đình không thể đứng dậy, hay di chuyển. Bình thường thì cách nhanh nhất là gọi taxi, nhưng vì mẹ mình không thể đứng dậy để đi ra thang máy và xuống sảnh, nên cách này là không thể.

Lúc đó mình buộc phải gọi xe cấp cứu. Dù xung quanh nhà mình có tận cái 3 bệnh viện, nhưng sau khi liên tục gọi 115 cho cả 3 thì kết quả là tất cả các nơi đều hết xe cấp cứu để điều phối, phải chờ ít nhất là 30 phút.

Sau khi cúp máy, mình ngồi xuống ghế ở ngay cửa nhà, tự nhủ cần phải bình tĩnh để xử lý tình huống này. Mình nhớ lại từng đọc được những tips xử lý khi trong gia đình có người thân cần phải gọi cấp cứu. Tip đó nói là: hãy hỏi người trực tổng đài có dịch vụ gọi cấp cứu riêng có thể nhanh chóng tiếp cận để xử lý tình huống hơn không, vì đôi khi những nguồn lực miễn phí có thể bị quá tải.

Nhớ lại điều này, mình nhanh chóng gọi lại cho người mà khi nghe qua giọng nói họ thể hiện sự quan tâm nhất. Kết quả là 5 phút sau đó, xe tới, 15 phút sau đó, mẹ mình đã được nằm trên giường cấp cứu ở bệnh viện để các bác sĩ chẩn đoán và điều trị.

Mình không muốn bàn kỹ hơn về các vấn đề khác, nhưng chính nhờ sự tích lũy những kiến thức trước đó đã giúp mình có thể xoay xở trong tình huống rất ngặt nghèo này, và may mắn là mọi chuyện đã qua đi ổn thỏa.

Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó nếu chẳng may bạn bị rắn cắn, bạn sẽ làm gì trong tình huống này? Nếu trước đó, nhờ sự tò mò mà bạn đã tìm hiểu được thông tin, thì bạn sẽ biết cách xử lý, và ngược lại nếu không biết phải làm gì sẽ dẫn tới kết quả tồi tệ xảy ra.

Chính nhờ sự tò mò, luôn duy trì việc không ngừng học hỏi những kiến thức mới đã giúp mình có thể tích lũy, và sử dụng những kiến thức này khi cần thiết.

Nguồn Arthouse Studio Pexels
Nguồn: Arthouse Studio/ Pexels

3. Mình tự học để “sống nhiều” hơn

Phương châm sống hiện tại của mình là “Tôi không muốn sống tốt hơn, tôi muốn sống nhiều hơn”. Nếu bạn muốn hiểu hơn về câu nói này, có thể nghe tập podcast “Sống nhiều để làm gì?” của mình.

Nói nhanh qua thì sống nhiều hơn không phải là sống thọ, sống lâu hơn, mà “nhiều hơn” nghĩa là mình hy vọng có thể trải qua được nhiều cung bậc cảm xúc, trải nghiệm cuộc sống và học được nhiều bài học để đời sống phong phú hơn.

Và vì mình biết đời sống vật chất này còn nhiều hạn chế, không đủ điều kiện để có thể đi khắp nơi, trải nghiệm các cách sống khác nhau, thế nên đọc sách đối với mình là một cách tiết kiệm để làm được điều này.

Gần đây nhất, nhờ một cuốn sách mà mình đã thay đổi hoàn toàn góc nhìn về bệnh trầm cảm, đó là cuốn “Lý do để sống tiếp” của nhà văn Matt Haig, cũng là tác giả của cuốn “Thư viện nửa đêm” mà mình nhắc tới trong bài viết trước đó “Dù là ai, sự tồn tại của bạn cũng có ý nghĩa với người nào đó ngoài kia”.

Nhờ những cuốn sách như vậy, mà mình có thể liên tục củng cố, sửa đổi và xây dựng những niềm tin đúng đắn đối với thế giới này.

Vì thế với mình, tự học hỏi không ngừng, chính là để mình có thể sống trọn vẹn hơn.