3 Khác biệt giữa bar Hà Nội & Sài Gòn có thể bạn chưa biết | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
26 Thg 04, 2023
Nightlife

3 Khác biệt giữa bar Hà Nội & Sài Gòn có thể bạn chưa biết

Nếu mỗi thành phố là một loại cocktail, thì ly của Sài Gòn và Hà Nội sẽ có vị gì?
3 Khác biệt giữa bar Hà Nội & Sài Gòn có thể bạn chưa biết

Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera.

Tanqueray x Vietcetera | Cởi Mở Happy Hour

Có thể bạn là một người Sài Gòn muốn thử chơi đêm tại Hà Nội, hoặc người Hà Nội muốn mở quán bar trong Sài Gòn - sự khác biệt văn hóa giữa hai miền luôn mang lại nhiều trải nghiệm thú vị. Bên cạnh văn hóa, thì khí hậu, nhịp sống, và con người cũng tạo nên hai kiểu đi bar rất riêng của giới trẻ hai miền.

Có thật ở Sài Gòn luôn “chơi quên lối về” còn Hà Nội thì rất nề nếp lễ nghi?

Để tìm hiểu xem mình hợp với văn hóa đi bar nào, cũng như tiềm năng để ta mở một quán bar ở hai miền Nam - Bắc, khách mời Thịnh Lê ở tập 9 của Cởi Mở Happy Hour sẽ giúp bạn lý giải qua trải nghiệm thực tế của chính anh.

alt
Bartender Thịnh Lê cùng kinh nghiệm thực tế khi là một người miền Nam ra Hà Nội lập nghiệp | Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera.

Thịnh đã dành 3 năm sinh sống và mở 2 quán bar tại Hà Nội, hiện anh đang là chủ của Instincts Bar tại trung tâm Sài Gòn. Từ góc nhìn của người từng trải, thì Hà Nội và Sài Gòn - đâu sẽ là điểm hẹn lý tưởng cho những ngày “phố lên đèn, tôi lên đồ” của bạn?

3 điểm khác biệt giữa văn hóa đi bar Hà Nội và Sài Gòn

Hương vị: Nếu mỗi ly cocktail là một kiểu tính cách?

Ly cocktail ở Sài Gòn sẽ cởi mở và nhẹ nhàng với mùi hương thiên về ngọt thanh và tròn vị. “Ngọt” là một trong những vị cocktail được yêu thích của giới trẻ nơi đây, phối hợp với các loại thảo mộc làm nên một tổng thể đa sắc.

Sự hài hòa này cũng đại diện cho tính cách hòa nhã của người Sài Gòn, song vì tất cả hòa quyện nên ta khó chỉ tên điểm mặt nguyên liệu chính qua lần uống đầu tiên.

Ly cocktail Sài Gòn sẽ có nét phóng khoáng và gần gũi, với vị ngọt thanh là "best seller" tại các quán | Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera.

Trái lại, ly cocktail mang âm hưởng Hà Nội sẽ đậm đà hơn, đặc trưng hơn theo từng hương vị cụ thể. Bartender Thịnh Lê kể rằng phần đông khách Hà Nội của anh sẽ yêu cầu pha “vị nào ra vị nấy”.

Nếu khách muốn uống chua, đó sẽ là một ly cocktail thuần chua, với vị chua át gần như tất cả mùi hương còn lại. Gừng ra gừng, quế ra quế, “gu” thưởng rượu này cũng nói lên một phần về sự trung thành và kỹ lưỡng của khách Hà Nội khi chọn bar.

Đặc trưng này cũng dẫn đến sự khác biệt trong sở thích chọn quán của những dân chơi Hà Nội và Sài Gòn. Nếu bạn nhận được chiếc kèo “Tối mai lên bar”, bạn sẽ muốn uống ở một nơi như thế nào? Chọn bar thân thuộc gần gũi, hay tác chiến quán mới thử càng nhiều càng tốt?

Uống chỗ lạ hay quán quen?

Không phải tự nhiên mà Sài Gòn được mệnh danh là “thành phố không ngủ”. Với nhịp sống sôi động, không quá khó để thấy các quán bar Sài Gòn liên tục được khai trương.

Host Dustin còn chỉ ra một đặc trưng thú vị rằng, ở Sài Gòn ta sẽ dễ bắt gặp một địa chỉ liên tục đổi chủ, từ một quán cafe, tháng sau đã biến thành nhà hàng, quán bar, hay tiệm quần áo.

alt
"Từ một nhà hàng, tháng sau đã thành cửa hàng quần áo. Đó là chuyện thường ngày ở trung tâm Sài Gòn" | Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera.

Việc kinh doanh ở Sài Gòn luôn diễn ra với tốc độ chóng mặt, vì thế đem lại nhiều lựa chọn hơn cho khách muốn đến bar. Vì đa dạng concept, loại hình, tầm giá, do đó tâm lý đi bar của người dân nơi đây cũng thiên hướng khám phá, tìm tòi, trải nghiệm. Họ hiểu rằng vì số lượng quán nhiều nên sẽ có nơi hợp, nơi không, và tiếp tục thử nghiệm chỗ lạ để tìm ra “chân ái” cuối cùng. Song vì vậy mà khả năng quay lại của khách Sài Gòn là không quá cao.

Đối với Hà Nội, tâm lý này có phần trái ngược khi họ cần độ an toàn và tính chắc chắn nhất định khi lựa chọn điểm đến. Với số lượng bar không nhiều như miền Nam, song các quán tại Hà Nội làm rất tốt khía cạnh “story-telling”, đằng sau mỗi quán bar là một câu chuyện, concept sáng tạo với gu thẩm mỹ ấn tượng.

Những yếu tố này góp phần xây dựng độ trung thành (brand loyalty) của khách khi liên tục quay lại quán quen. Họ thậm chí sẽ chọn quán của người nhà để đảm bảo uy tín.

alt
Khả năng xây dựng câu chuyện (story-telling) cho quán là một trong những điều bar Hà Nội làm rất tốt | Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera.

Khách Hà Nội cũng có thể chọn thức uống quen trong quán mới. Với những vị khách sành uống, họ am hiểu về từng loại rượu nền và nguyên liệu thảo mộc đi kèm để yêu cầu bartender pha đúng khẩu vị họ muốn.

Ngoài gu thưởng thức, văn hóa “Happy Hour” (Giờ Hạnh Phúc) nơi hội công sở dừng chân thư giãn sau giờ làm ở hai miền Nam - Bắc cũng khác biệt. Đó là những khác biệt nào?

Happy Hour: “Chơi” sớm hay về muộn?

Là chương trình kéo dài 1 tiếng duy nhất vào chiều tối, Happy Hour xuất phát từ văn hóa ưu đãi giá cocktail đặc biệt cho khách hàng đến sớm từ 5-6 giờ tối. Hình thức Happy Hour rất phổ biến ở những quán bar Sài Gòn, song lại không xuất hiện quá rộng rãi ở Hà Nội.

Với những quán bar Hà Thành, đôi lúc Happy Hour sẽ bắt đầu chậm hơn Sài Gòn khoảng 1 tiếng, nghĩa là về đêm khoảng 8-9 giờ tối người trẻ mới bắt đầu “đổ bộ” đến bar.

Bàn về giờ giới nghiêm, Leo kể lại trải nghiệm làm bartender ở Hà Nội khi anh từng hồi hộp lo lắng “Tại sao 8 giờ rưỡi hơn rồi vẫn không một khách nào ghé bar?”.

alt
Bartender Leo cùng "cú shock đầu đời" khi làm bar Hà Nội đã 8 giờ 30 vẫn không có khách | Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera.

Nếu nhân viên văn phòng Sài Gòn có thể vô tư “tấp” ngay vào bar sau giờ hành chính giữ nguyên giao diện đồ công sở, thì bạn trẻ Hà Nội sẽ từ tốn về nhà, ăn uống và chăm chút lên đồ hơn trước khi xuống phố.

Dù có thể tan làm về sớm và bắt đầu nightlife từ 6 giờ chiều, Sài Gòn lại là nơi các bạn ở lại bar khuya hơn, về trễ hơn so với mặt bằng chung miền Bắc. Host Minh Trang lý giải vì họ chọn uống Happy Hour sớm, họ sẽ sớm kết thúc “tăng 1” ở quán đấy để bắt đầu tăng 2 ở một nơi “xập xình” hơn.

Ở góc độ người đi bar, hương vị cocktail hay concept quán là những vấn đề cần lưu tâm đến. Vậy còn những người mở bar, họ cần lựa chọn thế nào giữa Hà Nội và Sài Gòn trước quyết định đầu tư kinh doanh?

alt
Có nhiều lý do để Sài Gòn trở thành "thành phố không ngủ", khi nightlife luôn diễn ra thâu đêm với đa dạng sự lựa chọn | Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera.

Để kinh doanh bar, Hà Nội hay Sài Gòn là miền đất hứa?

Chất lượng dịch vụ là thứ có thể thay đổi và nằm trong kiểm soát của một bartender, tuy nhiên các yếu tố như khí hậu, địa lý, nguồn cung sản phẩm hay đặc trưng mặt bằng lại mang tính khách quan, buộc chủ quán phải tìm hiểu đủ sâu trước khi bắt đầu đặt nền móng.

Đối với Sài Gòn, những “mảnh đất vàng” trung tâm Quận 1, Quận 3 luôn là đích đến hấp dẫn cho các chủ doanh nghiệp nhà hàng và đồ uống. Tuy nhiên, dưới đây là các yếu tố mà founder Instincts Bar khuyên bạn cần lưu ý khi chọn mở quán ở vị trí cạnh tranh Sài Gòn:

  • Giá thuê mặt bằng: Nếu Sài Gòn có Bùi Viện thì Hà Nội có khu phố Tạ Hiện, song nhìn chung mặt bằng Sài Gòn vẫn thuộc hàng đắt đỏ, dễ thành gánh nặng thua lỗ nếu kinh doanh bất ổn.
  • Tốc độ cạnh tranh: Theo Thịnh Lê, không khó để thấy 3-4 quán bar được mở ở trung tâm Sài Gòn chỉ trong 1 tháng. Hãy nghiên cứu kỹ các đối thủ để tạo nên lợi thế khác biệt cho quán mình ở từng khu vực.
  • Giao thông mùa lễ hội: Các khu Lê Lợi, Nguyễn Huệ hay Hàm Nghi ở Sài Gòn thường xuyên bị chặn vào các dịp đặc biệt như Countdown giao thừa, Lễ Tết, hay lễ hội âm nhạc. Hãy lưu ý các mốc thời gian này vì chúng khiến lượng khách đến quán và biết quán giảm đáng kể.
alt
Từng kinh doanh bar ở cả Hà Nội và Sài Gòn, Thịnh Lê cho biết anh quyết định thử sức ở thị trường miền Bắc vì một "tiếng gọi con tim" đặc biệt | Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera.

Đối với Hà Nội, đôi lúc quán bar hình thành từ “đất nhà trồng”. Chủ doanh nghiệp tận dụng ngay đất nhà để cải tạo thành bar, vì thế thuận lợi hơn rất nhiều so với việc thuê mặt bằng mỗi tháng.

Ngoài ra, chi phí thuê cao cũng ảnh hưởng lên chất lượng sản phẩm đầu ra nếu người chủ chưa biết cách cân đối chi tiêu vào sản xuất. Đây sẽ là những thử thách khi bạn chọn mở bar ở vị trí đắc địa ở cả hai miền.

Nếu mùa nồm là rào cản với khí hậu Hà Nội, thì chủ bar Sài Gòn cũng đau đầu với chi phí mặt bằng. Nhìn chung, Thịnh Lê cho biết việc kinh doanh chỉ dễ dàng hơn khi ta thực sự hiểu “mảnh đất” mình trồng. Là một người miền Nam kinh doanh ở đất Bắc, Thịnh chứng minh ta có thể lập nghiệp ở bất kỳ đâu, miễn rằng ta biết rõ đặc trưng địa lý, con người và văn hóa nightlife ở mỗi nơi ta đến.

Văn hóa nightlife Hà Nội và Sài Gòn cũng thế. Tuy mỗi nơi một vẻ, trải nghiệm lên bar sẽ hoàn hảo nhất nếu khách hàng tìm hiểu kỹ bar trước khi đến đến.

Bất kể Sài Gòn hay Hà Nội, nhờ một “thổ địa” dẫn dắt để hạ cánh an toàn nơi quán yêu thích cũng là một lời khuyên hữu ích từ các host, đó là cách ngắn nhất dẫn ta đến với quán bar “tủ” hợp khẩu vị và hợp gu hơn.

VỀ TANQUERAY GIN

TANQUERAY London Dry Gin là rượu gin nguyên chất, có hương vị nồng nàn của quả bách xù. Được biết đến với vỏ chai xanh lá đặc trưng với con ấn màu đỏ, TANQUERAY London Dry Gin là một trong những loại rượu gin đoạt nhiều giải thưởng nhất thế giới. Những cái tên như TANQUERAY London Dry Gin, TANQUERAY No. TEN Gin, TANQUERAY MALLACA Gin đã góp phần tạo nên danh tiếng của TANQUERAY tại Việt Nam.
Tìm hiểu thêm về thương hiệu rượu gin TANQUERAY tại http://www.tanqueray.com.

#Tanqueray #drinkresponsibly18+