4 Điều về cải lương NSND Kim Cương muốn nói với bạn | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

4 Điều về cải lương NSND Kim Cương muốn nói với bạn

"Cải lương đã trở thành nghệ thuật sân khấu Việt Nam được đông đảo khán giả yêu thích."
4 Điều về cải lương NSND Kim Cương muốn nói với bạn

Nguồn: Bobby Vũ/Trăm Năm Sân Khấu

Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương (Nguyễn Thị Kim Cương) lên sân khấu từ khi còn trong bụng mẹ, nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam. Bà có vai diễn cải lương đầu tiên trong đời với vở Quan Âm Thị Kính khi mới chỉ hơn mười ngày tuổi. Và rạp hát cũng chính là nơi bà học đánh vần những chữ cái đầu tiên, do cha là nghệ sĩ Phước Cương dạy.

Lớn lên trong bầu không khí nghệ thuật và cải lương là vậy nhưng NSND Kim Cương từng bị mẹ và dì cấm đoán, không cho đến rạp hát. Bà có 10 năm không “dính" đến sân khấu nhưng rồi vẫn làm nghề ở nhiều vị trí khác nhau như diễn viên, soạn giả, biên kịch, trưởng đoàn kịch... NSND Kim Cương ghi dấu ấn mạnh mẽ trong mảng kịch nói, giữ kỷ lục là người viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam, khoảng 80 vở.

Mới đây, NSND Kim Cương xuất hiện trong series podcast Trăm Năm Sân Khấu, nơi hun đúc tình yêu với nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là cải lương. Từ những lời kể lại của má (NSND Bảy Nam) và những trải nghiệm với nghề, bà đã tái tạo một lược sử về nghệ thuật sân khấu cải lương cho khán giả hôm nay.

Cải lương = cải cách

Trong cuốn Nghệ thuật sân khấu Việt Nam (1987), tác giả Trần Văn Khải viết: cải lương có nghĩa là sửa đổi cho tốt hơn. “Từ xưa ở Việt Nam không có lối diễn tuồng nào khác hơn là hát chèo và hát tuồng (miền Bắc) và hát bội (ở miền Trung và miền Nam.) Đến năm 1917, khi cải lương ra đời, khán giả thấy điệu hát này có vẻ tân tiến hơn hát bội, nên cho đó là một việc cải thiện điệu hát xưa cho tốt đẹp hơn. Cũng theo tác giả Trần Văn Khải, “tiếng cải lương gốc ở câu cải lương phong tục mà ra.”

NSND Kim Cương cũng khẳng định, cải lương nghĩa là cải cách điệu hát cũ cho mới hơn. Khởi đầu của cải lương là hát bội. Theo thị hiếu khán giả, cải lương sau này mới thêm “điều này điều kia.” Ở đây, nghệ sĩ Kim Cương muốn nói đến những yếu tố định hình nên nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp như cốt truyện, kịch bản, trang phục…

Cha của NSND Kim Cương - nghệ sĩ Phước Cương đã có những đóng góp lớn cho cải lương bằng những cải cách chưa ai làm hồi đó. Ông mang những vở kinh điển của nước ngoài về Việt Nam biểu diễn. Trước đó, hát bội hay cải lương thường dựa những điển tích của Trung Quốc để xây dựng câu chuyện. Các vở cải lương cũng được chia thành các hồi với sự “bình dân" khiến mọi khán giả thích thú thưởng thức.

alt
NSND Kim Cương trong podcast Trăm Năm Sân Khấu cùng host Bình Bồng Bột. | Nguồn: Bobby Vũ.

Một cải cách khác chính là về trang phục. Ngày xưa, diễn viên thường mặc trang phục truyền thống gồm áo dài, khăn đóng khi biểu diễn. Tuy nhiên, NSND Kim Cương cho biết “sau này diễn tuồng gì thì mặc đồ đó. Hát tuồng Tây thì bận đồ đầm; Hát tuồng Tàu thì bận đồ Tàu…” Nghệ sĩ Phước Cương cũng chủ trương mua lại những trang phục của những đoàn biểu diễn của Hồng Kông khi họ sang Việt Nam biểu diễn.

Theo NSND Kim Cương, ông Phước Cương có đóng góp rất lớn cho nền sân khấu cải lương chuyên nghiệp. Các nghệ sĩ bắt đầu được trả lương theo tháng thay vì trả theo đêm diễn trước đó. Hay việc thành lập trường học về nghệ thuật sân khấu, các Hội nghệ sĩ… trở nên cần thiết khi nhiều rạp hát được xây dựng, các đoàn hát ra đời.

Cải lương = ca phải ra bộ

Trước kia, rải rác trong các tỉnh miền Nam thường có những ban đờn ca tài tử trong các cuộc lễ tại tư gia, tân hôn, thăng quan… Nhưng không bao giờ có đờn ca trên sân khấu hay trước công chúng. Đến khoảng năm 1912, cải lương được đưa lên trình diễn trên các sân khấu với bài trí đơn giản. Các tài tử mặc Quốc phục nghiêm trang ngồi trên bộ ván đánh đàn và có người ca cải lương.

Theo trí nhớ và được mẹ kể lại, NSND Kim Cương cho biết khởi đầu của cải lương là hát bội. Mấy ông thợ hớt [cắt] tóc mê nhạc tài tử sau khi làm việc xong thường đem đờn [đàn] ra đánh. Sau đó, họ chọn những đứa trẻ có giọng ca hay để soạn nhạc, viết lời và tập hát cho họ. Các nghệ sĩ Phùng Há, Năm Phỉ bắt đầu học hát từ khoảng 14, 15 tuổi.

alt
Nguồn: Bobby Vũ/Trăm Năm Sân Khấu.

Không chỉ hát, cải lương nghĩa là "ca phải ra bộ" - tức nói đến cả việc diễn xuất trong đó nữa. Đôi khi, chỉ cần nét diễn xuất và cách hát một chữ như "bớ", "hả" mà khiến công chúng ấn tượng khó phai. Nhiều nghệ sĩ ghi dấu ấn và được nhớ đến bởi cách diễn và cách hát độc đáo của họ.

NSND Kim Cương nhớ lại, đoàn Việt Nam trong đó có nghệ sĩ Năm Phỉ và Phước Cương từng tham dự và đoạt giải nhất một hội diễn (đấu xảo) tại Paris (Pháp.) Khi nghệ sĩ Năm Phỉ hát, “đầm [khán giả nữ] không hiểu nhưng vẫn khóc như mưa.”

Vì vậy, NSND Kim Cương cho rằng, chính cách diễn xuất và tâm hồn của người nghệ sĩ đã tạo nên phản ứng đặc biệt ở người xem. Người nghệ sĩ khi lên sân khấu có thể chinh phục được trái tim của khán giả.

Nghệ sĩ Năm Châu từng nói với NSND Kim Cương, 100 năm về trước và 100 năm về sau sẽ không có một người thứ hai như má Năm Phỉ. NSND Kim Cương dạy tiếng Việt cho nghệ sĩ Năm Phỉ vì bà không biết chữ. Nhưng chỉ cần bước ra sân khấu, bà Năm Phỉ luôn diễn ra cái "chất" của nhân vật, dù nhà quê hay công chúa…

Cải lương = phải biết marketing

Cải lương là loại hình nghệ thuật sân khấu, khác với đờn ca tài tử trước đó thường không diễn trên sân khấu hay trước công chúng đông người. Vì thế, những câu chuyện về thời cuộc để phát triển cải lương cũng đồng nghĩa với câu chuyện tạo nên "thị trường" phát triển.

Chính cải lương cũng đã thay đổi ít nhiều về chuyện "phòng vé" tại Việt Nam. Nghe NSND Kim Cương kể lại mới thấy người xưa có cách marketing và bán vé nghe cải lương rất tài tình.

Trước đây, mỗi "vé" xem cải lương thường có giá 10 xu và đồng hạng. Tuy nhiên, ông Phước Cương đã bắt đầu bán các hạng vé khác nhau trong cùng một suất diễn. Có vé Hạng nhất, Hạng hai… với số tiền và vị trí ngồi khác nhau. Cũng vì thế, khán giả bắt đầu đi xem cải lương một cách nề nếp, quy củ hơn.

alt
Nguồn: Bobby Vũ/Trăm Năm Sân Khấu.

Theo NSND Kim Cương, nghệ sĩ cải lương ngày xưa thường đi hát bằng ghe. Khi tới một tỉnh nào đó, phải 3 hay 4h chiều mới lên bờ đi uống cà phê, đi thăm thú. Nhưng đó cũng là một hình thức quảng cáo cho đêm diễn cải lương.

Do đó, ông Phước Cương thường bắt họ (các nghệ sĩ) phải mặc đồ đàng hoàng để còn… tiếp thị. Câu nói, "đi theo mấy ghe hát" cũng từ đây mà ra đời.

Cải lương = chọn đạo mà đi

“Ai coi thường nghề hát. Ai coi thường cải lương nhưng những người sống chết với nghề phải hiểu được trách nhiệm, hiểu cái thiêng liêng của nghề.” NSND Kim Cương chia sẻ, “Một người bác sĩ dở có thể chết một mạng người. Một người lãnh đạo dở chết một nước. Một người làm văn hoá dở sẽ giết chết một thế hệ. Do đó phận sự của người nghệ sĩ rất thiêng liêng, không chỉ mua vui bán buồn cho khán giả.”

Cũng theo NSND Kim Cương, những nghệ sĩ tiền phong của cải lương đã phải đánh đổi nhiều thứ, vượt qua chông gai để xây dựng nên một loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo như vậy.

alt
Nguồn: Bobby Vũ/Trăm Năm Sân Khấu.

“Ông ngoại biết má Năm Phỉ đi theo ca hát nên giận lắm. Ông ngoại từ mặt mẹ luôn, không cho gia đình nhắc đến cái tên Năm Phỉ trong nhà. Những nghệ sĩ tiền phong như Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam.. đạp lên chông gai, đổi bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu hạnh phúc để đến được với sân khấu; để có được con đường thênh thang rộng mở của cải lương sau này."

Theo NSND Kim Cương, để trở thành một người nghệ sĩ cần hai yếu tố thiên tư và sự khổ luyện. Khổ luyện mà không có thiên tư thì khó thành công. Trái lại, có thiên tư mà không chịu khổ luyện cũng khó mà thành nghệ sĩ giỏi.

Nghệ sĩ chính là việc chọn đạo - đi theo con đường nào để cuộc đời mình đẹp hơn, tốt hơn. Đó cũng là lý do NSND Kim Cương chuyển qua kịch nói. Bà muốn đi thẳng vào giáo dục và kịch nói là cách tốt nhất để hướng khán giả và mọi người đi theo con đường đời đẹp hơn.