5 Dụng cụ hỗ trợ "cứu rỗi" cột sống bất ổn | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
06 Thg 10, 2022
Chất Lượng Sống

5 Dụng cụ hỗ trợ "cứu rỗi" cột sống bất ổn

Hãy cùng tìm hiểu xem những dụng cụ hỗ trợ có vai trò ra sao trong việc giữ cột sống của chúng ta khỏe mạnh.
5 Dụng cụ hỗ trợ "cứu rỗi" cột sống bất ổn

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Hiện nay chúng ta dễ dàng bắt gặp những sản phẩm với lời quảng cáo có thể sửa chữa những lỗi lầm mà ta đã gây ra cho cột sống.

Thể loại mặt hàng thì vô cùng đa dạng, từ tầm giá vài trăm ngàn như những bộ đai đeo lưng, khung cố định cổ,... cho đến vài triệu như những bộ bàn ghế công thái học, hay thậm chí là vài chục triệu như những khóa tập luyện thay đổi vóc dáng,...

Nhưng câu hỏi đặt ra là “Liệu chúng có thật sự 'cứu' được cột sống của mình hay không?” Trong bài viết này, hãy cùng xem thử các nghiên cứu nói gì về yếu tố then chốt nhất để thay đổi cột sống và cách mà các dụng cụ góp phần hỗ trợ chúng ta.

Nguyên tắc để cứu rỗi cột sống

…có thể được tóm tắt ngắn gọn trong 1 câu đó là “Thẳng lưng lên!”

Dù bạn có tìm kiếm phương pháp gì thì chắc chắn nó sẽ dựa trên nguyên lý này. Bởi vì cột sống của chúng ta không bỗng nhiên quằn quại sau cú vỗ vai của đồng nghiệp hay một cú ngã bất ngờ. Chúng ta từ từ uốn nắn cột sống thành một hình thù bất thường qua việc điều chỉnh tư thế hằng ngày, y hệt như việc uốn nắn một cây cảnh bonsai vậy.

Tuy nhiên điểm khác biệt đó là chúng ta không dành cả ngày chăm chăm điều chỉnh tư thế để uốn nắn cột sống. Khi làm việc, đi lại, chuyện trò, tư thế của chúng ta tự điều chỉnh trong vô thức. Nếu điều kiện môi trường xấu, chúng ta sẽ ép cột sống mình thích nghi vào tư thế sai mà không hề nhận ra.

2 yếu tố quan trọng nhất để phục hồi cột sống bất ổn là:

  • Tạo điều kiện để cột sống có thể duy trì ở tư thế khỏe mạnh
  • Chú ý đến việc điều chỉnh cột sống theo tư thế khỏe mạnh

Các dụng cụ hỗ trợ phổ biến trên thị trường giúp gì cho ta?

1. Đai lưng

alt
Đai lưng có tác dụng tăng cảm nhận của phần lưng.

Tác dụng của đai lưng là dùng lực kéo để tăng cảm nhận của phần lưng (tương tự như khi có một ai đó chạm hay mát xa vùng lưng). Thông thường chúng ta thường rất khó cảm nhận được vùng cơ này cho đến khi nó bắt đầu có triệu chứng đau mỏi.

Để có thể cải thiện tư thế, trong giai đoạn đầu chúng ta cần thường xuyên chủ động thực hiện các động tác điều chỉnh để cột sống trở về tư thế đúng. Điều này nghĩa là đai lưng chỉ làm nhiệm vụ nhắc nhở, còn người kiểm soát và thực hiện chính vẫn là bạn.

Một số loại đai lưng y tế sẽ có phần khung kim loại để cố định luôn tư thế của cột sống. Tuy nhiên chỉ nên dùng trong những trường hợp có chỉ định của bác sĩ (thường là có tổn thương xương vùng ngực, cột sống). Bởi vì nó sẽ hạn chế rất nhiều khả năng cúi, gập,... trong các hoạt động thường ngày.

2. Gậy tập luyện

Đây là một dụng cụ hỗ trợ tập luyện, rất hiệu quả trong việc giữ tư thế lưng đẹp. Đối với một số trường hợp tư thế đã bị thay đổi trong thời gian quá dài, việc tự điều khiển cơ lưng, vai,... để điều chỉnh cột sống có thể rất khó khăn. Đó là lúc chúng ta cần đến dụng cụ này để hỗ trợ luyện tập.

alt
Gậy tập luyện hiệu quả trong việc giữ tư thế lưng đẹp.

Đối với những người mà cột sống còn chưa quá “bất ổn” không cần đến dụng cụ này để có thể thẳng lưng thì vẫn có thể sử dụng như một dụng cụ giúp giãn cơ, hỗ trợ các buổi tập luyện điều chỉnh tư thế.

3. Nẹp cổ

Không cần phải giải thích quá nhiều về cơ chế hoạt động của dụng cụ hỗ trợ này (cũng như ánh mắt khó hiểu của những người xung quanh khi chúng ta sử dụng). Câu hỏi được đặt ra chính là: Liệu nó có thật sự hiệu quả không và phải mang đến bao giờ?

alt
Nẹp cổ hỗ trợ ở thời gian đầu để làm quen lại với cảm giác ở tư thế đúng.

Dụng cụ này có tác dụng tương tự như gậy giúp thẳng lưng ở trên. Ở một số trường hợp khi tư thế cổ bị khòm đã quá lâu, chúng ta có thể sẽ cần đến dụng cụ hỗ trợ này ở thời gian đầu để làm quen lại với cảm giác ở tư thế đúng.

Tuy nhiên về lâu dài thì bản thân chúng ta phải là người chủ động điều khiển tư thế ở vùng cổ. Dần dần khiến tư thế thẳng lưng, thẳng cổ trở thành tư thế mặc định.

4. Bàn công thái học

Khái niệm “công thái học” để chỉ việc bàn làm việc có thể điều chỉnh độ cao (hoặc cả độ rộng) để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ngày nay, thậm chí ta còn có những lựa chọn tích hợp cả thảm đi bộ, máy đạp xe,... Mục đích chính là giúp chúng ta có thể vận động, thay đổi tư thế ngay tại bàn làm việc, giảm thời gian ngồi liên tục.

alt
Bàn công thái học điều chỉnh được chiều cao và độ rộng từ đó giúp ta thay đổi tư thế ngay tại bàn làm việc, giảm thời gian ngồi liên tục.

Chiều cao và độ rộng của bàn là điều mà chúng ta nên chú ý khi lựa chọn bàn làm việc, bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến tư thế khi làm việc (chiều cao của bàn sẽ ảnh hưởng tới vị trí đặt tay, chiều rộng ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh khoảng cách từ màn hình tới mắt,...)

5. Ghế/ tựa lưng công thái học

Đã có bàn thì chắc chắn không thể thiếu ghế. Nếu bàn công thái học nổi lên với khả năng thay đổi độ cao thì ghế công thái học lại được biết đến với khả năng điều chỉnh từng bộ phận để tạo ra tư thế ngồi đúng và thoải mái nhất. Đặc biệt chính là khả năng hỗ trợ phần lưng dưới (nếu chi phí bỏ ra cho một chiếc ghế công thái học là quá cao, chúng ta có thể cân nhắc những chiếc đệm lưng dưới bán rời).

alt
Ghế công thái học lại điều chỉnh từng bộ phận để tạo ra tư thế ngồi đúng và thoải mái.

Trong trạng thái lý tưởng bao gồm cột sống khỏe và chỗ ngồi được thiết kế tối ưu, chúng ta có thể tự mình duy trì tư thế đúng. Tuy nhiên một khi thói quen ngồi sai tư thế đã hình thành thì chúng ta sẽ cần sự hỗ trợ để giữ cột sống trong “vùng an toàn”. Bởi khi tập trung làm việc chúng ta rất dễ để cơ thể “trượt” vào những tư thế sai trong vô thức.

Đôi lời nhắn nhủ…

Những dụng cụ này đều có tác dụng hỗ trợ chúng ta trong quá trình điều chỉnh tư thế. Nhưng hãy nhớ rằng người có quyền điều khiển cột sống chính là bản thân chúng ta.

Nguyên nhân chính dẫn đến một “cột sống bất ổn” chính là điều kiện làm việc hằng ngày. Đừng quên kiểm tra lại góc làm việc của mình xem có những điểm nào đang góp phần khiến chúng ta sai tư thế để điều chỉnh ngay nhé.