5 Nỗi sợ phi lý đang cản trở bước tiến của bạn | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
09 Thg 10, 2024
Chất Lượng Sống

5 Nỗi sợ phi lý đang cản trở bước tiến của bạn

Chúng ẩn mình trong tâm trí, bóp méo cách nhìn nhận cuộc sống và âm thầm thiêu đốt năng lượng của bạn.
5 Nỗi sợ phi lý đang cản trở bước tiến của bạn

Nguồn: Pexels

Càng lớn con người càng bị ám ảnh bởi nhiều nỗi sợ khác nhau. Khi còn nhỏ thì sợ làm phật lòng cha mẹ, sợ bị họ bỏ rơi, sợ không còn được yêu thương. Khi vị thành niên thì sợ không hòa nhập với bạn bè cùng lớp, sợ không đạt điểm cao ở trường. Rồi tới lúc trưởng thành lại lo kiếm sống, lo sự nghiệp, giữ gìn hạnh phúc gia đình, lo lắng cho sức khỏe, tình yêu...

Trong tự nhiên, động vật cũng cảm thấy sợ hãi. Nhưng khác ở chỗ khi nguy hiểm qua đi chúng sẽ rủ bỏ sự sợ hãi và tiếp tục sống. Còn con người thì xếp nỗi sợ đó vào “ngân hàng” ký ức.

Cho dù các nguyên nhân gây ra nỗi sợ tưởng chừng biến mất, ở tận sâu trong nội tâm, chúng vẫn nằm im đó, chờ tới lúc nào đó sẽ lại trỗi dậy. Chúng âm thầm bóp méo cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống, phóng đại các mối đe dọa từ đó làm hạn chế tiềm năng và âm thầm thiêu đốt năng lượng của chúng ta.

Trong bài viết này mình sẽ cùng bạn nhận diện 5 nỗi sợ nhiều khi rất phi lý nhưng bạn vẫn vô thức bấu víu vào nó.

* Trích nội dung podcast 6 Nỗi sợ phi lý đang kìm hãm sự phát triển của bạn trên kênh @hoangthoughts.

1. Sợ phải cô đơn

Ba mẹ mình chia tay từ khi mình còn nhỏ, mình ở với bà ngoại và thường xuyên chơi một mình. Rồi lớn lên mình quen với cảm giác một mình và nghĩ rằng một mình cũng ổn. Nhưng dù có tự lập như thế nào đi chăng nữa, mình cũng không thể chối bỏ tính chất xã hội đã tồn tại sẵn trong gen của con người trong nhiều thế kỷ, đó là sợ cô đơn.

Nó tấn công mỗi khi mình cảm thấy bị bỏ rơi trong cuộc sống, vào lúc gia đình không ủng hộ, lúc chia tay người yêu, lúc đồng nghiệp không hỗ trợ... Nó như một cái hố đen ngòm chực chờ nuốt chửng mình, dẫn dắt mình tới những hành vi tệ hại với hy vọng có thể chống lại cảm giác đơn độc đó. Nhưng tất cả chỉ tạo thành một vòng lặp: cô đơn - hành vi sai trái - cảm thấy tội lỗi - (lại) cô đơn.

Để thực sự thoát khỏi vòng lặp này, điều đầu tiên cần làm là hãy gọi tên cảm xúc. Dõng dạc nói lên thành tiếng: “Mình đang cảm thấy cô đơn”! Chắc bạn cũng từng nghe câu “nếu chúng ta có thể học cách làm bạn với chính mình, chúng ta sẽ không còn cảm thấy cô đơn nữa”. Mình cũng có những buổi hẹn hò với chính mình đúng như vậy: tắm rửa, mặc đẹp, tới quán rượu, gọi đồ uống, và tự tâm tình với bản thân.

Mình học cách nhận biết những mối quan hệ độc hại, để dù có cảm thấy cô đơn mình cũng không đâm đầu vào chúng. Bên cạnh đó, mình sẽ chủ động nói chuyện với những người có năng lượng tích cực.Và đôi khi, nói chuyện với người lạ về sự cô đơn của mình, hay của họ cũng thật sự hiệu quả.

2. Sợ bị người khác ghét

alt
Nguồn: Pexels

Đây là cảm giác thường đi kèm với nỗi sợ cô đơn mình vừa nhắc tới. Sợ bị người khác ghét là biểu hiện ra ngoài, còn gốc rễ bên trong đến từ mong muốn được mọi người chấp nhận.

Có thể vì mình bị sự chi phối bởi nỗi sợ phải ở một mình, bị kỳ thị là người miền Trung khi vừa vào TP. HCM, nên mình từng muốn làm hài lòng nhiều người nhất có thể. Nhưng điều này chỉ khiến mình cảm thấy mệt mỏi, và thường xuyên kiệt sức. Thậm chí đôi khi mình phải khoác lên người một vỏ bọc lạ lẫm với bản thân chỉ để làm người khác thấy thích thú. Rồi tối về lại tự hỏi, nếu họ biết bản thể thật của mình liệu họ có còn thích mình nữa hay không?

Vậy nên, mình tập làm quen với việc từ chối những yêu cầu nằm ngoài khả năng của mình, hoặc những điều vốn dĩ chính người yêu cầu có thể tự làm được. Mình chọn làm những việc mình thích, đúng với quan điểm sống của bản thân, và xem sự đánh giá từ người khác là 1 góc nhìn khác chứ không phải là chân lý. Và mình tin, những người vẫn thích mình sau khi biết con người thật của mình thì đó mới là những mối quan hệ đáng để giữ gìn.

3. Sợ niềm tin sụp đổ

Chúng ta làm gì, nghĩ gì, nói gì phần lớn đều xuất phát từ việc ta tin vào điều gì. Niềm tin gần như là nền tảng của tất cả mọi thứ. Thế nên giây phút ai đó tỏ ra hoài nghi niềm tin của bạn, hay là thậm chí bác bỏ nó, thường sẽ có 2 kịch bản xảy ra. Một là ta điên cuồng tấn công họ để bảo vệ niềm tin và hai là ta rơi vào tuyệt vọng cùng cực, tạo cơ hội cho sự cô đơn trỗi dậy.

Mình cũng từng kể về một khoảnh khắc “niềm tin bị bẻ gãy”. Khi đó mình đã rất quyết tâm đi học trở lại với chuyên ngành thiết kế. Nhưng điểm môn vẽ luôn ở mức trung bình, làm mình mất hết sự tự tin, và hoài nghi thứ mình đang theo đuổi có phải là điều đúng đắn không? Bạn có thể mở lại bài viết đó để biết trong phần sau của câu chuyện mình đã vượt qua nỗi sợ này thế nào.

Còn ở thời điểm hiện tại, nỗi sợ này không còn xuất hiện nhiều ở mình, vì mình bây giờ thậm chí còn không tin vào thuyết trái đất tròn hay phẳng nữa. Mình học cách điều chỉnh niềm tin từ từ theo những kiến thức chọn lọc, không mù quáng, không bảo thủ, nhưng luôn có chính kiến.

4. Sợ phải thay đổi

alt
Nguồn: Pexels

Giáo dục trong các gia đình Châu Á thường hướng con cái về sự ổn định. Cộng hưởng với lộ trình xã hội xây dựng cho các cá thể cũng nhắm tới sự ổn định này: đi học thì phải học giỏi, đi làm thì phải có công việc ổn định, tới tuổi thì phải lập gia đình, có con, mua nhà, mua xe...

Lộ trình này ít nhiều đã ăn sâu vào tư tưởng của chúng ta. Ban đầu có thể bạn sẽ kháng cự dữ dội. Nhưng rồi khi mọi chuyện không như kỳ vọng, cộng thêm gia đình, bạn bè xung quanh tác động, việc nhìn ai cũng như thế khiến bạn bắt đầu suy nghĩ lại có phải mình cũng nên như thế. Sống vậy cũng vui mà, có sao đâu, càng ổn định càng ít rủi ro.

Chúng ta sợ phải thay đổi, vì không đoán được kết quả của sự thay đổi đó. Nhưng sự thật là ở yên một chỗ rủi ro còn cao hơn là có sự thay đổi.

Dù trong sự nghiệp hay chuyện tình cảm, chúng ta sẽ có nguy cơ bị tụt hậu nếu không tiếp tục phát triển. Thế nên, mình biết là nếu không có mình, cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn. Nhưng mình quyết định sẽ sống quyết liệt hơn, làm nhân vật chính kiêm luôn vai trò đạo diễn của bộ phim mang tên "Khi cuộc sống có mình".

Việc mình cần làm sẽ là mài dũa tầm nhìn, nhận ra các khả năng, tập trung năng lượng vào những thứ mà mình có thể kiểm soát. Thất bại hay thành công chỉ là những tập phim khác nhau, và dù kết quả có như thế nào - mỗi tập cũng luôn là một kết thúc mở để chờ đón những tình tiết không ngờ trong tập tiếp theo.

5. Sợ đối diện với sự thật

Sự thật ở đây, chính là những sự thật chỉ ra sự tệ hại của bản thân mình. Nó gây tổn hại trực tiếp tới cái tôi, xúc phạm lòng tự ái và sự tự tin của chúng ta.

Ngày xưa, ở thế kỷ 16, người trong tôn giáo đã phớt lờ những phát hiện khoa học mới đi ngược lại niềm tin của họ. Mình đã từng có chút bức xúc khi đọc được thông tin đó. Nhưng nghĩ lại, chính mình cũng đã từng có những khoảnh khắc như vậy.

Mình không chịu thừa nhận sự cẩu thả trong lúc làm thiết kế đã dẫn tới những lỗi sai ngớ ngẩn khi sản phẩm được lập trình. Mình từng nghĩ rằng mình chỉ cần giỏi chuyên môn là đủ, không cần tới những kỹ năng khác, nhưng đó chỉ là sự né tránh bởi mình kém những kỹ năng đó.

Nhưng sự thật thì vẫn là sự thật. Nó tồn tại ở đó dù mình có chọn tảng lờ và cố nhìn nó ở góc nhìn tích cực hơn. Rồi một lúc sự thật sẽ xuất hiện đủ đấy, chính xác ngay trước mặt mình một cách xấu xí hơn. Như lúc nhỏ khi ta lỡ vô tình làm bể chiếc bình hoa yêu quý của mẹ, dù dấu nó đi thì vẫn sẽ bị phát hiện và ăn đòn.

Thế nên sợ đối diện với sự thật chỉ là một sự trì hoãn, lãng phí thời gian. Và mình phải học cách cố gắng đối diện với những sự thật khó chịu càng sớm càng tốt, dù chẳng dễ dàng nhưng cần vượt qua để tâm trí tự do hơn.

Kết

Cùng nhìn lại 5 nỗi sợ phi lý này, bạn sẽ thấy chúng tựa như những vướng mắc vô hình níu chân ta lại chẳng thể tiến bước. Thế nhưng đừng vội né tránh, hãy coi đó là cơ hội để làm sáng tỏ một phần góc khuất trong bản thân. Dù bạn đang đấu tranh với nỗi sợ nào thì hãy tin là mỗi lần bạn vượt qua một nỗi sợ sẽ có thêm một chương mới đầy hứa hẹn mở ra trong cuộc sống. Mình mong bạn sẽ sớm giải phóng bản thân và tự tin hơn để phát triển.