8 Điều bạn cần biết về tài khoản định danh điện tử | Vietcetera
Billboard banner

8 Điều bạn cần biết về tài khoản định danh điện tử

Sau căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh điện tử là bước chuyển đổi số tiếp theo của chính phủ Việt Nam.
8 Điều bạn cần biết về tài khoản định danh điện tử

Nguồn: Báo Thanh niên

“Định danh điện tử” đang là từ khóa nóng bởi những tiện ích mà nó có thể mang lại cho người dân Việt Nam. Cùng Vietcetera tìm hiểu về công cụ này và “quyền lực” của nó.

1. Tài khoản định danh điện tử là gì?

Tài khoản định danh điện tử là tài khoản thuộc ứng dụng VNeID do Bộ Công an phát triển. Hiểu đơn giản, tài khoản này tích hợp nhiều loại giấy tờ tùy thân vào một ứng dụng để hiển thị chung, giống như một loại “ví giấy tờ điện tử” cho người dân tiện sử dụng.

2. Đã có CCCD có cần tạo tài khoản định danh điện tử?

Nhiều người đặt câu hỏi rằng, căn cước công dân có gắn chip cũng có khả năng tích hợp tương tự như tài khoản định danh, vậy chúng khác gì nhau?

Sự khác nhau giữa hai loại giấy tờ tùy thân này là tài khoản định danh là phiên bản điện tử, số hóa của căn cước công dân. Ta cũng có thể coi tài khoản định danh như một loại “căn cước điện tử.”

Hiện tài khoản định danh điện tử không phải là thứ bắt buộc, và căn cước công dân vẫn có thể "đảm đương" nhiệm vụ tích hợp giấy tờ. Tuy nhiên trong tương lai, có thể tài khoản định danh sẽ có nhiều lợi ích khác.

3. Ai có thể đăng ký tài khoản này?

Mọi cá nhân từ 14 tuổi trở lên đều có thể đăng ký định danh điện tử. Trẻ em chưa đủ 14 tuổi sẽ đăng ký theo tài khoản định danh của cha, mẹ, hoặc người giám hộ.

Người nước ngoài đủ 14 tuổi cũng có thể đăng ký định danh điện tử trong thời gian ở tại Việt Nam. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức thành lập trong nước hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam cũng có thể thiết lập tài khoản này.

4. Đăng ký định danh điện tử có lợi gì?

24oct2022huongdancaidatvanhungtienichkhisudungvneidjpg
Nguồn: VnEconomy

Là sự tích hợp nhiều-trong-một các loại giấy tờ tùy thân khác nhau, những người đăng ký định danh điện tử thành công có thể ra đường mà không phải mang bất cứ một loại giấy tờ gì ngoài chiếc điện thoại di động có thể truy cập mạng.

Đó là bởi tất cả những loại giấy tờ cơ bản nhất như căn cước công dân, bảo hiểm y tế, bằng lái xe,... đều có thể hiển thị trên tài khoản định danh.

Tài khoản còn là một trợ thủ đắc lực khi thực hiện các dịch vụ công bởi người dân chỉ cần đưa tài khoản định danh chứ không cần phải điền đủ mọi loại giấy hay biểu mẫu khác nhau để xác định danh tính. Trong tương lai, tài khoản định danh còn có thể thanh toán các loại hóa đơn điện tử, điện, nước hay các chi phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Người dân cũng có thể khai báo y tế hoặc cung cấp các thông tin về người giám hộ, người phụ thuộc thông qua tài khoản, hay khai báo lưu trú mà không cần qua cơ quan công an. Thậm chí, tài khoản còn có thể được sử dụng để kiến nghị, góp ý với cơ quan công quyền, hoặc phản ánh các vấn đề an ninh trật tự một cách bảo mật và an toàn.

Với người nước ngoài, định danh điện tử có thể được sử dụng để thay thế hộ chiếu hay các văn bản thông hành quốc tế.

5. Có mấy cấp độ định danh điện tử?

Có hai cấp độ định danh điện tử, lần lượt là cấp độ 1 và cấp độ 2. Tài khoản cấp độ 1 sẽ bao gồm các thông tin: số định danh cá nhân, họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, ảnh chân dung. Tài khoản cấp độ 2 bổ sung thêm vân tay của chủ tài khoản.

Chúng ta cần lưu ý rằng tài khoản cấp 1 chỉ có giá trị hiển thị và xác minh các thông tin cơ bản của một người dân trong các hoạt động hay giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Chỉ có tài khoản cấp 2 mới có giá trị tương đương căn cước công dân và có khả năng thay thế các loại giấy tờ tùy thân.

6. Đăng ký tài khoản cấp độ 1 thế nào?

Để đăng ký tài khoản định danh điện tử cấp 1, ta cần làm theo các bước sau:

  • Cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại
  • Nhập số định danh cá nhân (tức số căn cước công dân) và số điện thoại hoặc thư điện tử
  • Cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng VNeID. Bạn có thể quét mã QR trên căn cước công dân để tự động điền các thông tin này.
  • Chụp ảnh chân dung theo hướng dẫn của ứng dụng
  • Gửi yêu cầu cấp tài khoản

Khi yêu cầu được giải quyết, một tin nhắn thông báo sẽ được gửi tới điện thoại hoặc hòm thư điện tử của người đăng ký trong tối đa 7 ngày.

7. Đăng ký tài khoản cấp độ 2 thế nào?

Khác với cấp độ 1, ta cần phải mang căn cước công dân tới cơ quan công an để đăng ký tài khoản định danh cấp độ 2. Các bước thực hiện lần lượt là:

  • Thông báo với cán bộ về việc cấp tài khoản định danh cấp độ 2
  • Khai báo các thông tin liên quan. Người dân có thể tiến hành tích hợp các giấy tờ như bằng lái xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Nếu muốn tích hợp các loại giấy tờ này, hãy nhớ mang bản gốc đi để đối chiếu nhé!
  • Các chú công an sẽ chụp ảnh chân dung và lấy vân tay của bạn để đối chiếu với cơ sở dữ liệu, sau đó sẽ thông báo qua tin nhắn SMS hoặc hòm thư điện tử trong tối đa 7 ngày khi đăng ký tài khoản thành công.

8. Vì sao nhiều người chưa đăng ký tài khoản định danh?

Chưa có nhiều người tiến hành đăng ký tài khoản, không chỉ vì không biết về thông tin này, mà còn bởi quá trình đăng ký có nhiều vướng mắc. Hiện tại, sau một thời gian đưa vào vận hành, ứng dụng VNeID đang gặp một số lỗi. Các vấn đề nổi bật có thể kể tới bao gồm:

  • Ứng dụng không nhận diện được khuôn mặt khi chụp chân dung
  • Ứng dụng không quét được mã QR trên căn cước
  • Người dân đã làm định danh điện tử nhưng khi kích hoạt tài khoản thì ứng dụng vẫn báo “chưa định danh”
  • Hệ thống báo lỗi khi nhập thông tin cá nhân
  • Hệ thống báo lỗi khi đăng nhập
  • Ứng dụng không hiển thị các giấy tờ đã tích hợp với tài khoản cấp 2.

Ngoài ra, ứng dụng còn có một lỗ hổng rất “giời ơi đất hỡi” liên quan tới việc cấp lại mật khẩu. Giả sử bạn đã đăng ký thành công tài khoản cấp 1, nhưng sau đó làm mất điện thoại và quên mật khẩu. Bạn mua điện thoại mới và lấy lại mật khẩu, nhưng ứng dụng yêu cầu phải… đăng nhập trên điện thoại cũ thì mới có mã đăng nhập. Lỗi này khá buồn cười, nhưng hiện vẫn chưa được khắc phục.