Đó là lời của nghệ sĩ trẻ Lai Thượng Hưng khi được hỏi về nguồn cảm hứng tạo nên tác phẩm thơ “Trên từng bước chân đi" trong khuôn khổ dự án nghệ thuật cộng đồng Tiếp Bước Tiến.
Việc “mở cửa" với thế giới, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại đã sớm tạo điều kiện thúc đẩy Việt Nam giao lưu, phát triển và nuôi dưỡng niềm tự hào văn hoá. Cũng như Hưng, những nghệ sĩ còn lại, với những sáng tạo tuy ở đa dạng thể loại, chủ đề như bóng đá, nữ quyền, thủ công… nhưng cùng hướng đến niềm tự hào và tiếp bước văn hoá - thể thao Việt Nam.
Vietcetera giới thiệu đến bạn 9 tác phẩm từ 9 nghệ sĩ trẻ thuộc dự án Tiếp Bước Tiến, mang đến góc nhìn đầy sáng tạo của người trẻ về văn hoá - thể thao.
BT Studio - Hoàng Hiếu - Bóng đá của chúng ta
BT Studio là “ngôi nhà chung" của các nghệ sĩ tài năng và nhiệt huyết. Nghệ sĩ Hoàng Hiếu, đại diện cho BT Studio đã mang đến Tiếp Bước Tiến tác phẩm “Bóng đá của chúng ta", xuất phát từ tình yêu bóng đá thuần tuý.
Qua tác phẩm, Hoàng Hiếu muốn dậy lên lòng tự hào, không phải chỉ bởi thành tích mà bóng đá đã đạt được, mà bởi bóng đá đã đi vào đời sống, đã tự lúc nào trở thành món ăn tinh thần và kéo mọi người xích lại gần nhau hơn.
Tác phẩm không chọn bối cảnh sân vận động quen thuộc mà chọn hình ảnh một con phố nơi hai vận động viên nam-nữ vươn cao lá cờ Tổ Quốc chạy về trước, ngay phía sau và xung quanh họ là sự cổ vũ nồng nhiệt từ tất cả người dân Việt Nam
Lai Thượng Hưng - Trên từng bước chân đi
Lai Thượng Hưng là một người viết thơ. Anh muốn dùng thơ để kể những câu chuyện về thế hệ của mình theo góc nhìn riêng. Là một người lạc quan, anh thường chọn góc nhìn này cho những tác phẩm của mình.
“Trên từng bước chân đi" cũng là một bài thơ như vậy. Nó kể về hành trình tiến bước của niềm tự hào qua lăng kính của một cậu bé đang lớn: từ “Học” - niềm tự hào được chỉ dạy trên hàng ghế nhà trường, đến “Hiểu” - niềm tự hào tự trái tim cảm nhận được từ những điều giản đơn, gần gũi qua từng chuyến đi, và cuối cùng “Là một phần của nó” - niềm tự hào neo đậu lại nơi cội nguồn, chính là gia đình, cộng đồng, nơi ta được sinh ra.
Ti Du - Olympic city
Tidu là một nghệ sĩ tạo hình nhân vật. Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất các đạo cụ hay sản phẩm phục vụ cho các dự án thương mại, Ti Du còn tự thiết kế và cho ra mắt những dòng art toy của riêng mình.
Với Ti Du, bước tiến Olympics không chỉ là giành lấy huy chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước, mà còn tạo ra tác động tích cực trong cộng đồng, khiến mọi người nhận ra tầm quan trọng của thể thao trong sinh hoạt thường ngày.
Tác phẩm “Olympic city", với phần chóp của chiếc cúp chính là tượng đài của bốn vận động viên từng giành huy chương Olympics, đã truyền cảm hứng đến vũ trụ người trẻ được khắc hoạ ở phần trung tâm của tác phẩm về việc chơi thể thao trong đời sống hàng ngày.
Yenjii Vu - Sen
Yenjii Vu là một Gen Z nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ tài năng trang điểm nổi trội và mang đậm phong cách riêng biệt, không đi theo lối mòn giống nhiều nghệ sĩ trang điểm khác. Kết hợp cùng tài năng hội hoạ và gu thẩm mỹ ấn tượng, mỗi tác phẩm họa mặt của Yenjii đều nhận được sự quan tâm không nhỏ.
Với “Sen", Yenjii muốn ví phụ nữ Việt Nam như những đóa sen vừa tinh khiết, kiêu sa vừa mạnh mẽ, quyết đoán. Dẫu có bị bùn lầy rắp tâm vấy bẩn, cố kéo mình xuống lại nơi bùn sâu, thì hoa sen vẫn vươn lên và tỏa hương ngọt ngào, cũng như cách mà phụ nữ đã, đang và sẽ luôn vượt qua những tác động xấu hay định kiến của xã hội để làm được điều họ muốn.
Quỷ Cốc Tử - Thay đổi ở chính ta
Quỷ Cốc Tử (Ngô Trần Hải An) là một blogger du lịch nổi tiếng có 20 năm khám phá khắp Việt Nam và hơn 40 quốc gia trên thế giới ở 5 châu lục. Anh cũng là đại sứ tham gia nhiều hoạt động xã hội, bảo vệ thiên nhiên và môi trường.
Với An, bước tiến du lịch chẳng nằm ở danh lam thắng cảnh mà ở chính ta, chính suy nghĩ của những người đi du lịch. Du lịch ngày nay đã khác xưa nhiều. Đi là để khám phá bản thân, để tìm hiểu về văn hoá, về vùng đất, về con người ở nơi mà mình đặt chân đến. Đi còn để vì những mục đích tốt đẹp như bảo vệ môi trường. Điều này đã được thể hiện rõ nét trong tác phẩm “Thay đổi ở chính ta" của anh.
Todd Huỳnh - The Deity-like
Todd Huỳnh là một nhà thiết kế đồ hoạ hoạt động chính trong lĩnh vực thiết kế nhận diện thương hiệu và bao bì tại Sài Gòn. Ngoài công việc trong studio sáng tạo, Todd còn là nhà sáng tạo đồng hành và tổ chức các triển lãm như Sợi Mắc Sợi Mành, Xôn Xao In Saigon, Midnight In The Mangroves.
Todd nhận thấy trong hành trình học hỏi và sáng tạo của những nhà sáng tạo, một bước tiến bền vững là sự song hành của chất liệu đời sống bản địa trong từng thiết kế của người Việt. “The Deity-like” là một hình tượng viễn tưởng đại diện cho niềm tin vào sự sung túc, phát triển gắn liền với những chất liệu văn hoá, đời sống bản địa trong lĩnh vực thiết kế đồ hoạ.
Tác phẩm ở dạng tranh như một tấm gương, khi phân mảnh có thể ghép thành một thực thể, điều này thể hiện sự kết nối giữa kỹ thuật - công cụ - chất liệu và ý niệm. Mỗi phân mảnh mô tả các yếu tố được chọn ngẫu nhiên trong đời sống của người dân Việt như tục thờ cá Ông, thực vật, lửa, mây…
Loan Cao - Wall of evolution
Là một người yêu nghề thủ công từ khi còn nhỏ, Loan Cao đã sớm nuôi dưỡng ước mơ giúp các làng nghề thủ công phát triển hơn bằng cách nghiên cứu nâng cao chất lượng nguyên liệu và cải tiến quy trình tạo tác sản phẩm. Cô cũng là chủ một xưởng nghiên cứu vật liệu đất sét và các kỹ thuật làm gốm độc bản, với hy vọng bám nghề và truyền lửa cho các bạn trẻ trong nước, đồng thời giới thiệu nền thủ công nước nhà đến bạn bè quốc tế.
“Wall of evolution" là một “bức tường” được ghép từ những mảnh đất sét đỏ, trên bề mặt thể hiện năm chất liệu là gốm, gỗ, lụa, cây mây, kim loại, đại diện cho nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam.
Tác phẩm khái quát nghề thủ công qua các giai đoạn từ sơ khai đến hiện tại, cùng với tất cả giá trị của nghề từ công năng phục vụ đời sống đến thẩm mỹ, văn hoá. Đặc biệt, trung tâm tác phẩm mô phỏng phòng thí nghiệm nhằm lột tả quy trình nghiên cứu, tìm tòi, làm việc miệt mài trong xưởng của các nghệ nhân trẻ để tìm ra chất liệu mới, công cụ mới, kỹ thuật mới, góp phần tiến hoá thủ công truyền thống.
Tùng Chu - Trong mỗi chúng ta đều có một người cá
Tùng Chu là một nhiếp ảnh gia đã làm việc trong lĩnh vực nhiếp ảnh nhiều năm. Anh quan niệm vẻ đẹp không chỉ đơn thuần đến từ ngoại hình mà còn từ nội tại và thái độ sống. Tùng Chu mang đến dự án Tiếp Bước Tiến tác phẩm “Trong mỗi chúng ta đều có một người cá".
Nhân vật người cá, từ góc nhìn của Tùng Chu như một ý niệm tượng trưng rằng bên trong mỗi chúng ta đều là một bản thể riêng biệt, không thể trộn lẫn. Dù bản thể ấy có lạ lùng và hẳn sẽ thu hút nhiều ánh nhìn hiếu kỳ thì nét đẹp độc nhất ấy luôn xứng đáng được trân trọng. Anh cho rằng chỉ cần mình chủ động cập nhật kiến thức thì cái đẹp sẽ được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh hơn.
Chú Môi - Nhập hội - Hội nhập
Chú Môi hiện đang là một hoạ sĩ, nhà thiết kế tự do với hai trường phái chính là Collage Art (nghệ thuật cắt giấy) và Abstract Art (tranh trừu tượng). Là người làm sáng tạo, Chú Môi tin rằng bước tiến hội nhập hiện diện rõ trong cuộc sống và trong sự phát triển cá nhân của mỗi người.
Khi đất nước “mở cửa” và bắt tay với bạn bè quốc tế, sẽ ngày càng có nhiều cơ hội trong nghệ thuật nói riêng và văn hoá nói chung để các nghệ sĩ học hỏi, trau dồi và áp dụng mỗi ngày. Lựa chọn trường phái hội hoạ abstract (trừu tượng) và cách phác thảo ngẫu hứng , Chú Môi mong muốn thể hiện góc nhìn mới lạ, đa chiều về bước tiến hội nhập dựa trên những từ khoá nổi bật như “mở cửa”, “bắt tay”, “quả địa cầu”, “đa phương”, “tiền tệ”, “đa văn hoá”…
Tiếp Bước Tiến là dự án nghệ thuật, sáng tạo tập thể, cũng như cảm hứng tôn vinh 40 năm Việt Nam tiến bước dưới góc nhìn của người trẻ. 40 nghệ sĩ tạo ra 40 tác phẩm với góc nhìn độc đáo và tự hào về 40 bước tiến của Việt Nam. Tiếp Bước Tiến khởi xướng bởi Biti's đồng hành cùng Vietcetera, Dentsu Redder, C+P Consulting, La La Land, Westa Production, The Lab SG.
Xem toàn bộ dự án tại tiepbuoctien.vn.