AASYP Digital Dialogues: Nâng cao chất lượng thảo luận về bình đẳng giới cho thế hệ trẻ | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpLET’s GO

AASYP Digital Dialogues: Nâng cao chất lượng thảo luận về bình đẳng giới cho thế hệ trẻ

Trong bối cảnh cả thế giới đang từng bước phục hồi sau đại dịch, các bạn trẻ đến từ các quốc gia ASEAN và Úc đã cùng bàn luận và đưa ra giải pháp cho những vấn đề cấp bách trong xã hội hiện nay.
AASYP Digital Dialogues: Nâng cao chất lượng thảo luận về bình đẳng giới cho thế hệ trẻ

Thế hệ trẻ có ý thức xã hội cao, nhận thức rõ nhiều vấn đề như công bằng chủng tộc và đa dạng giới, đồng thời có trách nhiệm hơn với môi trường. | Nguồn: Pexels

Tại các quốc gia ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), hiện có hơn một nửa dân số là người trẻ dưới 35 tuổi, tương đương với khoảng 380 triệu người. Khi con số này tăng lên trong tương lai gần, vai trò lãnh đạo và các vị trí then chốt sẽ dần thuộc về người trẻ Millennials và Gen Z.

Thế hệ trẻ ngày nay có ý thức xã hội cao, nhận thức rõ nhiều vấn đề như công bằng chủng tộc và đa dạng giới, đồng thời có trách nhiệm hơn với môi trường. Nhờ sự bùng nổ của số hóa, người trẻ ngày càng chủ động thúc đẩy sự thay đổi của thế giới theo cách mà họ mong muốn.

Cuộc sống của thế hệ trẻ đã có nhiều xáo trộn sau sự xuất hiện của đại dịch COVID-19: từ thay đổi tính chất công việc, cho đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần và biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh cả thế giới đang từng bước phục hồi sau đại dịch, việc người trẻ trong khu vực có cơ hội tham gia vào các cuộc thảo luận ở mọi cấp độ và lĩnh vực đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nhận thấy giới trẻ hiếm khi có cơ hội góp mặt và bảy tỏ tiếng nói trong quá trình đưa ra quyết định chính sách, tổ chức phi lợi nhuận ASEAN-Australian Strategic Youth Partnership (AASYP) đã triển khai chương trình Digital Dialogues, mở ra nền tảng và diễn đàn thảo luận dành cho thế hệ lãnh đạo tương lai của khu vực.

Thông qua Digital Dialogues, AASYP thúc đẩy người trẻ đến từ các quốc gia ASEAN và Úc cùng tham gia thảo luận và đưa ra giải pháp cho các vấn đề cấp bách nhất hiện nay. Tại đây, họ có cơ hội nêu lên quan điểm về những vấn đề mà các quốc gia ASEAN và Úc phải đối mặt, phát triển kỹ năng hoạch định chính sách, và tạo dựng các mối quan hệ.

AASYP đã chọn ra 60 đại diện trẻ với thành tích xuất sắc (trong độ tuổi từ 18-29) tham gia chương trình. Các bạn trẻ sau đó cùng thực hiện bản báo cáo chính sách về lộ trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, đưa ra 29 khuyến nghị xoay quanh 3 chủ đề chính: Đa dạng và Bình đẳng (Balancing Diversity), Phục hồi Xanh (Green Recovery), và Các nền Kinh tế mới nổi (Emerging Economies).

Bản báo cáo được xem như một nguồn thông tin hữu ích, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu thuộc khung Hợp tác phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UNSDCF) giai đoạn 2022-2027.

alt
Nguồn: ASEAN-Australian Strategic Youth Partnership

Bất bình đẳng giới trong giáo dục

Bất bình đẳng giới vẫn là một vấn đề nan giải, gây cản trở sự phát triển của khu vực. Những quan điểm cố hữu như nam giới phải thành đạt và là trụ cột kinh tế của gia đình, còn nữ giới chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ chăm sóc việc nhà, vẫn tồn tại đến ngày nay.

Bất bình đẳng giới còn hiện diện ở một số cộng đồng thuộc các quốc gia ASEAN và Úc. Điều này đã hạn chế, không chỉ của cá nhân mà của cả một quốc gia, khả năng tiếp cận cơ hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau: từ giáo dục, nơi làm việc, đại diện truyền thông, gia đình, đến an ninh.

Theo bà Lê Thanh Hằng, Giám đốc Điều hành Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam Hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với nhiều tiêu chuẩn kép.

“Xã hội kỳ vọng người phụ nữ phát huy hoàn hảo vai trò “xây tổ ấm” mà không cần nhiều hỗ trợ từ bạn đời của họ, đặc biệt trong việc nội trợ và chăm sóc con cái. Đồng thời, người phụ nữ cũng cần đi làm để đóng góp kinh tế cho gia đình, do cả nhà không thể chỉ dựa vào một khoản thu nhập duy nhất.”

Trên phạm vi toàn khu vực, các đại diện tham gia chương trình AASYP Digital Dialogues nhận thấy có nhiều trẻ em gái buộc phải đi làm từ độ tuổi còn khá nhỏ. Các em làm những công việc có thu nhập thấp và không được đánh giá cao, chẳng hạn như giúp việc, để chu cấp cho bản thân và gia đình. Vì thế, các em cũng không có cơ hội phát triển con đường học vấn.

Ngoài ra, tại vùng nông thôn thuộc các quốc gia ASEAN và Úc, do thiếu hụt giáo viên cũng như điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, trẻ em gái và phụ nữ càng gặp khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục chất lượng. Hơn nữa, môi trường giáo dục hiện vẫn củng cố các giá trị xã hội - văn hóa và định kiến, dẫn đến sự bất bình đẳng ngày một trầm trọng.

Các bạn nữ trẻ khi lớn lên tiếp tục phải đối mặt với những rào cản về độc lập tài chính, phải dựa vào gia đình hoặc chồng về quản lý tài chính, không có khả năng kiểm soát tương lai cũng như thân thể của chính mình. Nếu trình độ học vấn thấp, họ cũng không có cơ hội làm công việc thu nhập cao.

alt
Môi trường giáo dục hiện vẫn củng cố các giá trị xã hội - văn hóa và định kiến, dẫn đến sự bất bình đẳng ngày một trầm trọng. | Nguồn: Shutterstock

Thiếu hỗ trợ về tinh thần và thể chất

Trên toàn khu vực nói chung vẫn thiếu hụt trầm trọng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần hiệu quả và toàn diện. Một số nguyên nhân chủ yếu có thể kể đến là: ý thức xã hội về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần còn thấp, khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe tâm thần không bình đẳng, thiếu năng lực văn hóa trong các dịch vụ chăm sóc, đặc biệt tại khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa.

Tại Việt Nam nói riêng, tâm lý kỳ thị bệnh tâm thần đã tồn tại từ lâu đời, khiến cho việc trò chuyện và bàn luận về vấn đề này luôn khó khăn hơn bao giờ hết.

Bên cạnh sức khỏe tâm thần, các đại diện AASYP cũng nhấn mạnh rằng khả năng tiếp cận và nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục trên phạm vi toàn khu vực còn chưa đầy đủ. Dù một trong những quyền cơ bản của con người là được phổ cập toàn diện về sức khỏe sinh sản và tình dục, nhưng chỉ 60% phụ nữ Đông Nam Á biết đến và được tiếp cận các biện pháp tránh thai.

Tại Việt Nam, người trẻ thuộc nhóm đặc biệt dễ tổn thương trước vấn đề này. Theo báo cáo thực hiện bởi Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, có tới 30% phụ nữ Việt không được tiếp cận các biện pháp tránh thai hiện đại, và cứ 1000 trẻ em gái thì có 11 em sinh con ở tuổi vị thành niên. Tình trạng này diễn ra phổ biến tại các vùng dân tộc thiểu số, nơi phụ nữ và trẻ em gái không được phổ cập thông tin cũng như tiếp cận các dịch vụ đầy đủ và toàn diện.

Thiếu hụt cơ sở hạ tầng cũng dẫn đến những rào cản trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục. Trong đó bao gồm thiếu phòng khám và nhà cung cấp dịch vụ y tế tại các vùng nông thôn, cũng như sự kỳ thị và định kiến đối với phụ nữ tìm đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục.

Không chỉ thành thị mà ở cả nông thôn và vùng sâu, vùng xa, phụ nữ và con trẻ đều cần có không gian an toàn, được hỗ trợ phòng chống bạo lực trên cơ sở giới một cách hiệu quả và chất lượng.

alt
Nguồn: ASEAN-Australian Strategic Youth Partnership

Hướng đến sự bình đẳng và đa dạng

Bình đẳng giới không phải là vấn đề bên lề, mà là cốt lõi để tạo nên chất lượng và tiến bộ lâu dài của phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Thông qua việc thu hẹp khoảng cách giới, những lợi ích phát sinh sẽ càng thấm sâu, củng cố các cộng đồng và khu vực trong và ngoài nước.

Triển khai công tác bình đẳng giới trong xã hội giúp giảm tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, tạo dựng các cộng đồng gắn kết và chấp nhận lẫn nhau, cũng như tăng năng suất kinh tế. Nhận thức rõ điều này, các nhà lãnh đạo tương lai trên toàn khu vực đã cùng đưa ra giải pháp và khuyến nghị cho những vấn đề nêu trên.

Để đạt được cân bằng giới trong giáo dục đòi hỏi cam kết về một nền giáo dục hòa nhập, dễ tiếp cận và chất lượng. Thông qua phương pháp giảng dạy, các nhà giáo dục và nhà cung cấp dịch vụ giáo dục cần chủ động hơn nữa trong việc tạo ra môi trường thúc đẩy nhạy cảm giới.

Một trong những việc cần làm là nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục giới tính, có thể bắt đầu từ việc đào tạo sâu các nhà giáo dục, xây dựng chương trình giảng dạy về sức khỏe sinh sản và tình dục, về sự đồng thuận và các phương pháp tránh thai.

Đây là những biện pháp có thể được lồng ghép vào chương trình giảng dạy tại trường, đặc biệt cần nhấn mạnh nhận thức và vai trò của học sinh nam trong những vấn đề kể trên. Từ đó, chúng ta không chỉ tăng cường lòng tự trọng và nâng cao khả năng đưa ra lựa chọn của phụ nữ, mà còn công nhận vai trò thiết thực của nam giới trong quá trình bình đẳng giới.

Các tổ chức chính phủ và phi chính phủ cần phối hợp trong việc tạo ra diễn đàn đối thoại về tầm quan trọng và lợi ích của giáo dục hòa nhập trong nhà trường và cộng đồng. Hiện tại chính là lúc chúng ta cần thực sự thay đổi để hướng đến mục tiêu bình đẳng giới, bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và các biện pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần và sinh sản.

Bài viết được biên dịch bởi Thảo Vân