Bạn bè cưới hết rồi, làm sao để bớt áp lực? | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Bạn bè cưới hết rồi, làm sao để bớt áp lực?

Thiệp cưới liên tục được trao đến tay bạn. Còn bạn thì vẫn độc thân.
Bạn bè cưới hết rồi, làm sao để bớt áp lực?

Nguồn: Unsplash

Bài viết này thuộc series Nền Kinh Tế Độc Thân
Người độc thân nuôi sống cả thế giới.
Khám phá

Tháng vừa rồi tôi đi tận… 8 cái đám cưới. Nói chuyện với một vài người bạn cùng tuổi, tôi nhận ra mọi người đều đã kế hoạch kết hôn vào năm sau. Có người cưới vì được tuổi, có người cưới vì thời gian yêu đã quá lâu.

Bạn có nhận ra đến một thời điểm nhất định trong cuộc sống, bạn bè xung quanh bạn bỗng “rủ nhau" lập gia đình hết? Bạn bỗng nhiên bối rối không biết đón nhận điều này như thế nào. Bạn vui cho hạnh phúc của những người bạn quanh mình nhưng những cảm xúc như lo lắng, xấu hổ, áp lực bắt đầu kéo đến bên bạn.

Đâu là lý do khiến bạn cảm thấy áp lực khi bạn bè lập gia đình?

1. “Peer pressure”

Nếu bạn cảm thấy lo lắng khi thấy bạn mình kết hôn, bạn có thể đang gặp phải “peer pressure" - áp lực đồng trang lứa. Trong suốt thời gian đi học hoặc đi làm, cuộc sống của chúng ta và bạn bè có nhiều điểm tương đồng khiến chúng ta luôn cảm thấy được an ủi, thấu hiểu. Nhưng khi cuộc sống của họ bắt đầu trở nên khác với chúng ta - bằng việc họ kết hôn - chúng ta sẽ thường cảm thấy như mình bị bỏ lại và lo sợ bị mất đi người bạn đó.

alt
Nguồn: Unsplash

Đặc biệt với những người coi trọng việc ở trong một nhóm bạn, việc cả nhóm đã kết hôn trong khi bạn vẫn độc thân sẽ khiến bạn cảm thấy FOBLO (fear of being left out) - nỗi sợ bị loại khỏi nhóm - vì bạn không đạt được điều tương tự với những người còn lại trong nhóm.

2. Bạn bị gia đình, họ hàng, bạn bè và cả xã hội… giục cưới

Đến giờ tôi vẫn không hết ngạc nhiên vì nếu ngày trước, mọi người trong gia đình chỉ quan tâm đến chuyện học hành của tôi thì bây giờ, câu hỏi thường trực mỗi khi gặp mặt gia đình sẽ là: “Bao giờ con/cháu/em/chị cưới nhỉ?”. Cảm giác áp lực này giống hệt khi mọi người hỏi tôi là: “Bao giờ kiếm đủ tiền mua nhà, mua xe nhỉ?”.

Nếu bạn cũng nghe câu hỏi kia nhiều đến mức ngủ mơ cũng nghe thấy thì xin chúc mừng, bạn không hề cô độc. Chúng ta đều nghe thấy nhiều hơn một lần câu “Đã đến lúc ổn định rồi đấy" khi chúng ta ở độ tuổi 22 - 30.

Việc chưa kết hôn đúng “kế hoạch" sẽ không thể khiến mọi người ngừng đặt câu hỏi, từ đó trong chúng ta dễ sinh ra cảm giác căng thẳng, thất vọng và thiếu tự tin vào bản thân. Bên cạnh đó, chúng ta còn có thể bị so sánh với một người bạn nào đó mới kết hôn. Chính điều đó càng khiến chúng ta áp lực hơn vì chúng ta đã hình thành sự “so sánh xã hội” từ sớm khi được nuôi dạy trong nền văn hoá tập thể.

Không chỉ dừng lại ở gia đình, bạn bè, dường như cả xã hội cũng đang giục chúng ta - những người độc thân có quan hệ khăng khít đến tỷ lệ sinh và lực lượng lao động của xã hội - kết hôn và đẻ con sớm. Điều này đến từ việc thế giới đang ngày càng ít trẻ con và dân số thì già đi trông thấy.

3. Bạn sợ kết hôn

Chẳng gì áp lực hơn việc chứng kiến bạn bè lần lượt hạnh phúc kết hôn còn bạn thì luôn sợ hãi và lảng tránh mỗi khi nhắc đến hôn nhân. Không phải ai cũng hiểu cho nỗi sợ này của bạn. Và theo thời gian, người độc thân còn lại là bạn sẽ liên tục bị giục giã trong khi chính bạn không thể chia sẻ hoặc vượt qua nỗi sợ kết hôn của mình.

alt
Nguồn: Unsplash

Áp lực vậy, biết phải làm sao?

1. Đối mặt với áp lực

Bạn không thể trì hoãn đám cưới của người khác, cũng không thể bảo mọi người dừng hỏi han và thúc giục bạn. Đừng trốn tránh gia đình và bạn bè của bạn chỉ vì bạn sợ rằng ai đó sẽ hỏi về việc kết hôn của bạn. Lảng tránh sẽ không giải quyết được vấn đề, thay vào đó, hãy chia sẻ với mọi người.

Nếu bạn đang muốn tận hưởng cuộc sống tự do và chưa muốn vướng bận, hãy chia sẻ. Nếu bạn nhận thấy điều kiện kinh tế chưa cho phép để kết hôn, hãy cũng thành thật chia sẻ. Những người thân thiết bên bạn chắc chắn sẽ có sự ủng hộ bạn hoặc gợi ý những giải pháp cho vấn đề của bạn. Còn nếu là người lạ và họ cố tình không hiểu thì bạn có thể “bẻ lái" hoặc giữ im lặng mỗi khi bị “hối cưới".

2. Tập trung vào bản thân

"Bạn có thể yêu bản thân dù có hay không có một mối quan hệ tình cảm. Thay vì nói thời gian bạn ở một mình là "cô đơn", hãy coi chúng như là thời gian "với bản thân mình".

Bạn có thể tận dụng khoảng thời gian độc thân này để học cách yêu và hiểu bản thân nhiều hơn. Tập thể dục, đọc sách, đi du lịch… hãy làm những điều khiến bạn hạnh phúc. Ngay hôm nay, bạn có thể nấu một bữa ăn ngon và tạo ra bầu không khí ấm cúng trong ngôi nhà của mình. Thi thoảng, bạn cũng có thể tự tạo ra một buổi hẹn hò lý tưởng dành riêng cho mình.

Bên cạnh đó, cũng giống như khi bạn nhìn thấy quá nhiều cô người mẫu với thân hình hoàn hảo trên mạng xã hội và bạn trở nên tự ti vào bản thân, việc liên tục nhìn thấy những tấm hình cưới của bạn bè và những người xung quanh có thể khiến bạn càng trở nên áp lực. Bạn hãy giảm bớt thời gian sử dụng mạng xã hội và dành thời gian cho bản thân nhiều hơn.

alt
Nguồn: Unsplash

Đây cũng là khoảng thời gian bạn có thể tận hưởng các mối quan hệ mà không có trách nhiệm, cam kết hay áp lực của hôn nhân.Từ những trải nghiệm này, biết đâu bạn có thể đưa ra những quyết định về hôn nhân sáng suốt hơn?

3. Nhớ rằng, kết hôn không phải là một cuộc đua với bạn bè

Việc kết hôn, sinh con, mua nhà hay bất kể cột mốc quan trọng nào trong cuộc sống không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự hạnh phúc hay hài lòng. Việc kết hôn không phải là một cuộc đua với bạn bè của bạn. Bạn đang theo đuổi con đường của riêng mình và con đường đó sẽ không giống với bất kỳ một ai khác.

Đầu tiên, hãy hỏi bản thân rằng bạn muốn kết hôn ngay bây giờ, theo đuổi sự nghiệp hay học tập. Ở thời điểm hiện tại, bạn có thể ưu tiên sự nghiệp hơn và điều đó chẳng có gì sai. Đạt được thành công trong sự nghiệp sẽ cho bạn một nền tảng ổn định hơn nếu bạn quyết định kết hôn trong tương lai. Bước vào một cuộc hôn nhân với một sự nghiệp ổn định cũng sẽ giúp giảm bớt một số căng thẳng về thu nhập và chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Cuối cùng, việc kết hôn nên được nhìn nhận ra sao?

Bốn mươi năm trước, 100% số người ở độ tuổi 20 được dự đoán sẽ kết hôn trong cuộc đời của họ. Hiện nay, con số này chỉ còn 52%. Nếu thế hệ trước coi việc lập gia đình là quan trọng nhất thì giới trẻ hiện đại đam mê tự do, sự nghiệp… hơn sự ràng buộc hôn nhân.

alt
Nguồn: Unsplash

Kết hôn, suy cho cùng, cũng chỉ là một lựa chọn trong cuộc sống. Không có gì đáng xấu hổ nếu bạn chờ đợi thêm vài năm hoặc quyết định bạn không muốn kết hôn. Vì cuộc sống này là của bạn, bạn có quyền theo đuổi những gì mình mong muốn.

Không có lựa chọn nào là đúng hay sai, quan trọng là một khi đã lựa chọn, bạn nên có kế hoạch cho mình. Nếu kết hôn, hãy suy nghĩ và chọn cho mình người bạn đời phù hợp. Nếu chọn độc thân, hãy vạch rõ kế hoạch tài chính cho tương lai khi chỉ có một mình.