Tôi là một kẻ ba phải, đôi khi thấy độc thân sao tuyệt vời, đôi khi lại vô cùng cần cảm giác có người ở bên. Khác với tôi, một vài người bạn rất quyết tâm sẽ độc thân trọn đời. Nhiều số khác thì đồng ý có thể tìm bạn đời, nhưng nhất quyết sẽ không tính đến chuyện sinh con.
Sau những cuộc tranh luận về quan điểm, chúng tôi thường kết thúc bằng một tràng cười và câu chốt “Để rồi xem!”. Thế nhưng, chỉ mới năm ngoái thôi, tôi giật mình nhận ra chuyện mình độc thân, đẻ hay không đẻ là chuyện đại sự, đến cả chính phủ cũng muốn can dự.
Tôi cùng những người bạn gái của mình biết rằng chúng tôi vẫn còn trẻ để ai đó có thể giục đẻ. Nhưng tôi vẫn thắc mắc, giả sử không chỉ dăm ba người mà cả bộ phận lớn của một thế hệ chọn lối sống độc thân, hoặc ít nhất là không con cái, điều gì sẽ xảy ra?
May mắn là tôi chẳng phải tưởng tượng gì to tát, vì viễn cảnh có vẻ cực đoan đó đã xảy ra ngoài đời thực.
Không phải độc thân, mà là “siêu độc thân”
Theo số liệu điều tra dân số của chính phủ Nhật Bản, vào giữa những năm 1990, chỉ có một trong số 20 phụ nữ khi bước sang tuổi 50 là chưa từng kết hôn. Nhưng đến năm 2015, tỷ lệ này đã tăng lên thành 1/7.
Người ta còn ước tính rằng, đến năm 2040, số người độc thân sẽ chiếm gần một nửa dân số của Nhật Bản. Xu hướng sống độc thân (người trẻ không kết hôn, người già sống một mình) gia tăng với tốc độ mạnh mẽ, khiến hệ thống ngôn ngữ của họ phải tạo ra một cái tên để gọi hiện tượng này là “ohitorisama”. Tên tiếng Anh là “super solo”, tạm dịch là “siêu độc thân”.
Nhiều cơ sở kinh doanh đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, chuyển đổi từ mô hình phục vụ theo nhóm sang phục vụ cho những người tiêu dùng đơn lẻ, đặc biệt là phụ nữ.
Chẳng hạn như phòng karaoke cho một người, nhà hàng chỉ đón các thực khách đi một mình, khu chung cư nhắm đến phụ nữ muốn tự mua hoặc thuê nhà, studio cho thuê váy cưới và chụp ảnh cho các “cô dâu” độc-thân. Hay thậm chí là dịch vụ cho thuê “người yêu” trong khoảng thời gian cố định.
Nhiều quốc gia khác cũng đang chứng kiến xu hướng tương tự, như Hàn Quốc, Brazil, các nước Đông và Nam Âu.
Xu hướng độc thân, vì đâu mà có?
Sự xuất hiện của xã hội “siêu độc thân” được đánh giá một phần là do nhân khẩu học đang thay đổi nhanh chóng, bao gồm tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh giảm.
Năm ngoái, số trẻ sơ sinh tính trên bình quân mỗi phụ nữ Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trên thế giới, còn 0.84, so với một năm trước đó là 0.92. Đây cũng là mức thấp nhất trong số hơn 180 quốc gia thành viên của Ngân hàng Thế giới, và thấp hơn nhiều so với con số 1.42 ở Nhật Bản, 1.73 ở Hoa Kỳ và 2.034 ở Việt Nam.
Có nhiều lý do để giải thích cho xu hướng giảm này, như khó khăn về tài chính, hạn chế cơ hội gặp người khác giới. Nhưng sự thay đổi về vị trí của người phụ nữ trong xã hội dường như là một trong những yếu tố lớn nhất.
Tỷ lệ phụ nữ đi làm ở Hàn Quốc, hay Nhật Bản đang cao hơn bao giờ hết, nhưng các chuẩn mực văn hóa vẫn chưa bắt kịp. Họ vẫn phải đảm việc nhà, trong khi cũng mong muốn đảm việc nước. Quá chán ngán với tiêu chuẩn kép, họ chọn hoàn toàn không kết hôn, tập trung vào công việc như một cách giải thoát cho bản thân.
Tuy không xảy ra tới mức độ như các quốc gia phát triển, nhưng tôi tin nếu bạn đang sống tại các thành phố lớn ở Việt Nam, có lẽ bạn cũng đã gặp không ít những người bạn, người chị, hay người anh của mình đang chọn lối sống này.
Tuy nhiên, tờ Hapskorea cũng cảnh báo về việc lãng mạn hoá cuộc sống độc thân. Nhiều người độc thân không phải vì được lựa chọn, mà vì tình thế bắt buộc.
Tại Hàn Quốc, việc sống độc thân phân cực rõ rệt theo giới tính và thu nhập. “Trong khi hầu hết những người độc thân ở độ tuổi 30 đến 40 là nam giới, thuộc tầng lớp trung lưu, thì có một số lượng phụ nữ ở độ tuổi 60 đến 80 đang sống trong cảnh nghèo đói khủng khiếp.”
Khi chính phủ lo bạn độc thân hơn cả bố mẹ bạn
Việc bạn độc thân hay không có quan hệ khắn khít đến tỷ lệ sinh, mà tỷ lệ sinh liên quan mật thiết đến lực lượng lao động tương lai.
Khi tỷ lệ người lao động thấp, đất nước khó duy trì được đà tăng trưởng tích cực. Nền kinh tế bị thu hẹp cũng sẽ trở nên dễ bị ảnh hưởng hơn bởi áp lực từ thị trường tài chính nước ngoài và ngày càng không có khả năng giảm thiểu tác động của những biến động thị trường trong ngắn hạn.
Dân số giảm nhanh cũng sẽ thu hẹp các thị trường trong nước, khiến chúng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư tiềm năng. Đồng thời, các chương trình phúc lợi xã hội cũng phải gánh thêm nhiều áp lực hơn khi người già nhiều lên, còn người trẻ thì ít đi.
Đây có thể là viễn cảnh của bất kỳ quốc gia nào, bao gồm cả Việt Nam. Cuối năm 2020, kết quả của Tổng Điều tra cũng cho thấy, dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Cả nước có 11.4 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 12% tổng dân số, và chỉ số già hóa tăng từ khoảng 36% vào năm 2009 lên 49% vào năm 2019.
Do đó, có thể nói khi đưa ra thông tư khuyến khích người trẻ sinh con, chính phủ Việt Nam đang lo lắng cho một tình huống xấu có thể xảy ra trong một tương lai rất gần.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là giục đẻ có tạo thêm trẻ?
Một thế giới đang ít đi trẻ con
Nếu chỉ dùng một biện pháp khuyến khích, câu trả lời chắc chắn sẽ là giục đẻ không tạo thêm đủ trẻ để bù đắp cho khoảng hụt lực lượng lao động. Thậm chí có nhiều cũng chưa chắc đã hiệu quả.
Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, chính phủ của hai quốc gia này đã đứng ra thực hiện rất nhiều biện pháp. Ví dụ như làm “ông mai bà mối”, tổ chức các buổi gặp mặt, tặng tiền cho các cặp vợ chồng mới cưới, hay chi hàng tỷ đô la mỗi năm cho trợ cấp chăm sóc trẻ em, hỗ trợ nghỉ thai sản (như Thuỵ Điển đã từng làm và thành công). Thế nhưng, họ vẫn chưa thể đảo ngược lại xu hướng giảm của tỷ lệ sinh.
Tréo ngoe hơn là, thậm chí trong vài năm gần đây tại Thuỵ Điển, một nơi có các chính sách phúc lợi xã hội đủ tốt để phụ nữ có thể sinh con thoải mái, nhưng tỷ lệ sinh cũng đang giảm từ từ.
Theo giáo sư Gunnar Andersson (Đại học Stockholm), nguyên nhân có thể xuất phát từ việc mọi người đang lo lắng về một tương lai bất định. Các phương tiện truyền thông thì liên tục đưa tin về tội phạm. Mối đe dọa của biến đổi khí hậu thì được thảo luận ngày càng nhiều. Đến cuối cùng, mọi người bớt quan tâm hơn đến các chỉ số kinh tế.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, vẫn có một điểm sáng cho Hàn Quốc hay các quốc gia cũng đang đối mặt với nguy cơ già đi trước khi giàu như Trung Quốc, Thái Lan. Đó là tập trung phát triển công nghệ, để tăng năng suất hoặc/và thay thế lao động con người.
Sung Won Sohn, một nhà kinh tế tại Đại học Loyola Marymount ở Los Angeles, cũng khẳng định: “Đây là cơ hội để Hàn Quốc bù đắp những tác động tiêu cực của việc dân số ngày càng giảm.”
Kết
Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế-xã hội đã tạo ra nhiều áp lực cũng như tự do khiến nhiều người dân tại nhiều quốc gia đang chọn lối sống độc thân. Và ngược lại, chính lối sống độc thân, không kết hôn, không con cái lại tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế-xã hội theo hướng đặt ra nhiều thách thức mới.
Nếu xét trên bình diện vĩ mô, đó có thể là một cuộc đại suy thoái của loài người. Nhưng có lẽ đối với Trái Đất, đây không hẳn là một điều quá xấu. Như điều mà bà Jane Goodall, nhà nhân chủng học, kiêm sứ giả hoà bình của Liên Hợp Quốc mong muốn, xu hướng độc thân có thể là cách "không đau đớn giúp giảm dân số trên hành tinh này".