Bạn có đang để ước mơ “bóp nghẹt” chính mình? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Bạn có đang để ước mơ “bóp nghẹt” chính mình?

Bằng việc mãi chờ đợi một cơ hội hoàn hảo đến để thực hiện "ước mơ"?
Bạn có đang để ước mơ “bóp nghẹt” chính mình?

Nguồn: Cris Trung/Unsplash

Tại sao không nên chờ đợi cơ hội (công việc, học tập, mối quan hệ...) trong mơ tới thì mới bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình? Bài viết này nêu ra 2 lý do thực tế nhất, dựa vào cuộc hành trình nhiều năm thăng trầm theo đuổi “công việc trong mơ” của mình tại đất Mỹ.

Đôi khi “ước mơ” hoá ra không phải điều bạn thực sự muốn

Những bức ảnh chụp từ xa một cảnh vật nào đó thường tỏa ra một nét đẹp hùng tráng, nhưng bạn có thể sẽ không còn thấy chúng đẹp nữa khi nhìn lại gần. Ước mơ đôi khi cũng vậy. Chúng lấp lánh vì bạn đang không sống trong thế giới đó.

Do vậy, thay vì ngồi chờ đợi “một ngày nào đó” chạm vào được giấc mơ của mình, bạn hãy từ từ đến gần, tìm hiểu về giấc mơ đó xem nó có thực sự như những gì bạn đang hình dung. Hãy bước ra ngoài thử trải nghiệm và đôi khi là để đón nhận lấy thực tế phũ phàng, từ đó mới biết cơ hội nào mới là cơ hội đúng cho mình.

Mình nhớ cách đây khoảng 4, 5 năm, khi mới bắt đầu chương trình tiến sĩ, mình biết bản thân muốn trở thành người làm nghiên cứu ở bậc đại học, mình muốn giảng dạy cho sinh viên đại học, cao học ở Mỹ.

Thời điểm đó mình cũng vừa kết hôn sau một thời gian dài yêu xa (một người ở miền Nam, một người miền Bắc nước Mỹ). Chồng mình đã phải sang nhượng lại nhà hàng đang hoạt động tốt của anh để đến sống cùng mình, vì theo chương trình học bổng tiến sĩ, mình phải làm việc tại khoa mình đang học, không thể di chuyển sang nơi khác.

Vì vợ chồng mới kết hôn nên tiềm lực tài chính chưa nhiều, cộng với việc còn chưa hiểu nhau vì chưa sống cùng nhau bao giờ, nên cả hai đều đồng ý rằng sẽ rất áp lực nếu chồng mình mở lại nhà hàng vào lúc này. Do vậy, bọn mình đã quyết định khi nào mình tìm được “công việc trong mơ” là giảng dạy tại một trường đại học thì chồng mình sẽ mở nhà hàng mới.

Địa điểm sẽ là một thành phố nào đó, vì bọn mình tin cuộc sống ở thành phố sẽ vui hơn cho cặp vợ chồng trẻ. Mặt khác, mình nghĩ, vì chồng đã hy sinh từ bỏ công việc nhà hàng khi kết hôn, nên nếu mình thực hiện được công việc trong mơ của mình thì mình cũng phải làm cách nào đó để anh ấy cũng thực hiện được công việc trong mơ của anh, là mở nhà hàng ở một thành phố lớn.

Do vậy, khi việc viết luận án tiến sĩ bắt đầu thì mình cũng rục rịch thu thập dữ liệu và thử nộp hồ sơ cho một số trường đại học ở những thành phố lớn như Los Angeles, Chicago, San Francisco,... Dù khi đó, mọi người đều nói rằng chỗ trống cho vị trí Giáo sư đại học tại Mỹ đang ngày càng hạn hẹp, nếu muốn có cơ hội mình phải nộp cả ở những thành phố nhỏ, nhưng vì ám ảnh với mục tiêu phải đến được thành phố lớn, mình đã ngồi yên nhìn nhiều cơ hội lướt qua.

Nỗi ám ảnh ấy đè nặng cả mùa hè của mình. Rồi áp lực đến dồn dập khi tất cả hồ sơ của mình ở các thành phố lớn đều bị từ chối. Nguyên nhân một phần vì kinh nghiệm của mình còn khá non. Phần khác là vì có nhiều nhà nghiên cứu khác được cho là phù hợp với nhịp sống ở thành phố lớn hơn vì họ chưa có gia đình.

Để giải tỏa áp lực, hai vợ chồng mình đã lái xe thực hiện một chuyến đi chơi xa. Ngồi trên xe, theo dòng tâm sự mình nói với chồng rằng: Tưởng tượng một ngày nào đó nếu em nhận được việc ở trường đại học New York thì anh có thể mở nhà hàng ở đây, sẽ rất vui.

Nhưng ngạc nhiên thay, anh chỉ lắc đầu, nói rằng “không thể”, ít nhất là lúc này.

Times Square New York City Nguồn Andreas KruckUnsplash
Times Square, New York City. | Nguồn: Andreas Kruck/Unsplash

Trong chuyến đi đến New York đó, hai vợ chồng đã đi ăn uống ở nhiều nhà hàng. Mình đã không để ý rằng anh đã quan sát nhiều thế nào để có nhận định thẳng thắn kia. Ở đây tiền thuê mặt bằng lớn, chưa kể đã có nhiều nhà hàng nổi tiếng, cạnh tranh rất khốc liệt. Nếu muốn mở nhà hàng, mọi thứ cần phải thật “xuất sắc”. Mặt khác, an ninh khu vực cũng không thực sự tốt, trong khi đó, bọn mình lại đang muốn có em bé.

Nghe anh phân tích xong mình đã gần như gào lên, “Trời ơi! Sao anh không nói sớm hơn?! Gần một năm nay em đã chỉ nộp hồ sơ ở các thành phố lớn…”

Anh không giải thích gì thêm và mình cũng hiểu, thật ra anh cũng chỉ mới nhận ra những điều trên thông qua một chuyến đi đến gần với “giấc mơ” của cả hai. Nếu tụi mình ngồi im một chỗ, không hỏi han những người xung quanh, không có quan sát thực tế, có lẽ mình sẽ phí hoài thêm hàng năm trời nữa để chờ đợi một công việc “thật đúng ý” ở thành phố lớn.

Từ trải nghiệm đó mình tin rằng, nếu bản thân có bất kỳ giấc mơ nào, mình nên thử nghiệm nó ở một phiên bản nhỏ chưa hoàn hảo. Hãy đi làm, thực tập ở công việc đó. Hãy nói chuyện với người đang làm công việc bạn mơ ước. Hãy đến tham quan trước ít nhất là vài ngày ở nơi bạn muốn gắn bó trong vài tháng hay vài năm tới.

Giấc mơ của bạn có thể không thay đổi, nhưng thế giới luôn đổi thay

Nguồn Kate TrifoUnsplash
Nguồn: Kate Trifo/Unsplash

Trong lúc bạn bám lấy lý tưởng trong tâm trí của mình, chờ đợi một cơ hội hoàn hảo thì thế giới ngoài kia đang thay đổi liên tục. Điều đó có nghĩa là một ngày khi cơ hội hoàn hảo của bạn thật sự tới, thì có thể nó đã không còn phù hợp với cuộc sống cá nhân của bạn hay bối cảnh hiện tại của xã hội.

Sau chuyến đi đến New York cùng chồng, mình đã xác định sẽ chọn một thành phố tầm trung nào đó ở Mỹ. Nhưng vào thời điểm mà mình nghĩ rằng bản thân đã sẵn sàng để nộp hồ sơ tiếp thì mình có bầu và sinh em bé. Có em bé là một phần trong kế hoạch của mình, nhưng mình đã không lường trước được hết những khó khăn về mặt thể chất và cả tinh thần.

Cơ thể mình quá yếu để di chuyển sang thành phố khác nhận việc! Công việc làm giáo sư đại học tại Mỹ với ngành học của mình lại có tính chất khá đặc biệt. Mình không thể ở lại giảng dạy tại chính ngôi trường mình theo học tiến sĩ.

Mặt khác đó còn là đổi thay của xã hội. Năm 2020, đại dịch COVID bùng nổ, tất cả hồ sơ làm giảng viên mình nộp đều bị huỷ hết. Bởi chính các trường đại học cũng đang thất thu vì sinh viên huỷ đăng ký học, họ không thuê thêm người mới. Nếu mình vẫn cố thủ, chỉ nộp vào công việc làm ở trường đại học thì tình thế sẽ vô cùng khó khăn cho cả gia đình.

Mình vẫn mơ về công việc giáo sư, nhưng thời thế thay đổi khiến mình không thể ngồi chờ. Mình đã có gia đình, mình muốn có sự ổn định. Do vậy mình quyết định ở lại Đại học Penn State, ở lại thị trấn nhỏ mà mình học tiến sĩ để làm công việc chuyên viên phân tích dữ liệu trong hai năm. Khoảng thời gian hai năm đó mình xem như một bước đệm để nuôi ước mơ lớn hơn là làm giáo sư đại học.

Vậy bạn có thể áp dụng bài học này của mình như thế nào? Giả sử bạn đang học đại học vì muốn trở thành kỹ sư chẳng hạn. Đến năm thứ hai nếu có cơ hội bạn hãy thử làm các công việc liên quan để quan sát sự thay đổi của môi trường làm việc, cũng như kiểm chứng khoảng cách giữa thực tế và ước mơ.

Kết

Chúng ta vẫn thường hiểu phải tập trung, đôi khi đến mức ám ảnh về ước mơ của mình thì mới thực hiện được kỳ vọng. Nhưng mình nghĩ rằng, ước mơ đôi khi lại là thứ quay ngược trở lại trói buộc chúng ta. Nếu không thể thực hiện ngay ước mơ của mình, bạn có thể làm công việc khác và vẫn dành thời gian phấn đấu cho mục tiêu lớn!

Đừng chờ cơ hội hoàn hảo đến. Đừng bao giờ chỉ có một kế hoạch và để chính ước mơ bóp nghẹt bản thân.