Bạn có thực sự trả lời được câu hỏi "Đồng tính luyến ái từ đâu mà có"? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpLET’s GO

Bạn có thực sự trả lời được câu hỏi "Đồng tính luyến ái từ đâu mà có"?

Tại sao tình dục đồng giới có mặt trên đời, nếu mục đích của tiến hóa là để giống loài tồn tại?
Bạn có thực sự trả lời được câu hỏi "Đồng tính luyến ái từ đâu mà có"?

Nguồn: Unsplash

Để bắt đầu, bạn có thể chọn một trong những câu trả lời sau:

A. Đồng tính luyến ái do đẻ ra đã có

B. Đồng tính luyến ái do nuôi dạy mà thành

C. Đồng tính luyến ái là do cả yếu tố sinh học và môi trường cộng hưởng

Chuyện xưa như Trái Đất

Đồng tính luyến ái, hay đơn giản hơn là hành vi hấp dẫn tính dục giữa các cá thể cùng giới tính không phải là một hiện tượng mới lạ. Điều này diễn ra thường xuyên ở cả loài vật lẫn con người. Từ xa xưa, dù không hẳn lúc nào cũng là tình yêu sâu sắc, quan hệ tình dục đồng giới vẫn luôn là một phần của cấu trúc xã hội của nhiều nền văn minh, từ Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, đến Lưỡng Hà...

Một bức tranh từ thời Hy Lạp cổ miecircu tả caacutec cặp đồng tiacutenh đang becircn nhau Nguồn talesoftimesforgottencom
Một bức tranh từ thời Hy Lạp cổ miêu tả các cặp đồng tính đang bên nhau. | Nguồn: talesoftimesforgotten.com

Trong nhiều bối cảnh xã hội như tại Afghanistan, nam nữ sống cách biệt đến mức tình cảm thương mến, ân cần, chăm sóc hầu như chỉ có thể nảy nở giữa những người đàn ông với nhau.

Chuyện thậm chí trở nên tức cười khi năm 2002, một đơn vị lính Mỹ đổ bộ tới vùng Pashtun để săn lùng khủng bố Taliban. Taliban thì không thấy đâu, chỉ thấy các anh lính Tây đẹp trai ngời ngời sợ hãi khi liên tục bị các nhóm đàn ông Afghan móng vuốt đỏ chót năn nỉ đòi… sơn móng tay, vuốt tóc, sờ má, sờ môi.

Một người đàn ông Afghan khi được giải thích làm thế nào để có con với vợ mình đã thành thực thốt lên: “Làm sao tôi có thể mê đắm vợ tôi được? Thượng Đế chẳng đã tạo ra phụ nữ là giống loài không sạch sẽ đó sao?”.

Những người đàn ông giàu có và quyền lực thường sắm cho mình một cậu bé xinh đẹp để nhảy múa và đêm về "vần vò", gọi là halekon hay bacha. Vùng Kandahar và Pashtun nổi tiếng bởi những bài thơ ca tụng các thiếu nam da mặt mịn màng. Dân tình đồn rằng ở đây, trên trời những con chim bay chỉ cần một cánh. Cánh còn lại, chúng nó bận che lỗ hậu môn.

(Trích đoạn từ cuốn "Con Đường Hồi Giáo" của Nguyễn Phương Mai)

Tội lỗi và trừng phạt

Cuộc sống nhục dục ở Trung Đông cứ mặn chát một cách yên ả như vậy dưới thời Ottoman, cho đến khi các nước phương Tây nhảy vào đô hộ và gọi tên các hành động của dân bản xứ là homosexuality (tình dục đồng tính) để phân biệt với heterosexuality (tình dục nam nữ).

Thế là bao kẻ tự dưng thành tội phạm, vì chẳng ai chịu nhận mình là người đồng tính cả. “Làm sao mà tôi lại gay được? Tôi lúc nào cũng nằm trên!”. Kẻ đáng xấu hổ là kẻ đóng vai đàn bà nằm dưới.

Gọi mặt chỉ tên hai năm rõ mười xong thế là một “nét văn hóa” bỗng trở thành tội lỗi. Thế là thành ác mộng. Thế là thành vô số các phương pháp “chữa trị” vô dụng như sốc điện, đánh đập, cưỡng dâm, thậm chí khâu nhỏ lỗ hậu môn lại để chỉ còn cảm giác đau đớn khi giao hợp.

Một neacutet văn hoacutea bỗng trở thagravenh tội lỗi vagrave mọi người phải đấu tranh cho quyền bigravenh đẳng Nguồn Unsplash
Một nét văn hóa bỗng trở thành tội lỗi, và mọi người phải đấu tranh cho quyền bình đẳng vốn đã có | Nguồn: Unsplash

Ở những xã hội không bỏ tù hoặc treo cổ người đồng tính thì có luật rừng để kỳ thị, bao gồm cả những nhục hình tra tấn man rợ, hoặc bị hãm hiếp bởi chính những gã cai tù đói tình dục.

Chuyện kể rằng một người đồng tính ở Palestine bị bắt đứng trong hố phân ngập đến cổ, rồi bị lột hết quần áo và bắt ngồi lên chai Coca Cola với cái cổ chai cắm ngập sâu vào giữa mông. Khi xác kẻ tội đồ bị ném trả về nhà, hậu môn của anh bị lèn đầy keo đặc.

Ở Việt Nam, 30% người được hỏi vẫn cho đồng tính luyến ái là một căn bệnh. Nhiều bậc cha mẹ xấu hổ, hành hạ, ép buộc con cái chữa "bệnh", thậm chí lừa con gái mình uống thuốc để đàn ông hiếp dâm, hòng mong cô gái có mùi đàn ông mà khỏi "bệnh".

Tuy nhiên, trong một thử nghiệm xã hội của viện ISEE, dù bị coi là bệnh, nhưng khi một nhân viên đưa ra giấy chứng nhận bác sĩ để được chữa trị thì không một sếp nào chấp nhận cho nhân viên của mình đi chữa. Điều đó chứng tỏ chữ "bệnh" được dùng không phải với ý cảm thông cho một tình trạng sức khỏe cần chăm sóc.

Chữ “bệnh” có hàm ý khinh miệt cho một tính cách, phẩm chất và lối sống mà cá nhân đó tự lựa chọn.

Vì sao có đồng tính trên đời?

Các nhà khoa học từ thời Darwin đã luôn cố gắng giải thích cho hiện tượng tình dục đồng giới trong tự nhiên, bởi nó dường như là một nghịch lý phản lại lý thuyết tiến hóa. Nếu mục đích của tiến hóa là để giống loài tồn tại, thì tại sao tình dục đồng giới có mặt trên đời? Vì có đứa trẻ nào sinh ra từ những mối quan hệ ấy đâu?

Nếu mục điacutech của tiến hoacutea lagrave để giống loagravei tồn tại thigrave tại sao tigravenh dục đồng giới coacute mặt trecircn đời Nguồn The Pink Choice Maika Elan
Nếu mục đích của tiến hóa là để giống loài tồn tại, thì tại sao tình dục đồng giới có mặt trên đời? | Nguồn: The Pink Choice - Maika Elan

Có khá nhiều giả thuyết giải thích cho điều này.

Giả thuyết thứ nhất có tên là “helper at the nest” - những cô dì chú bác, những bà cô không chồng có nghĩa vụ yêu thương chăm sóc đàn con cháu của anh chị em trong nhà. Việc họ không có con, về mặt tổng thể, lại có lợi cho nguồn gien của chính họ khi những đứa cháu (chia sẻ gien) được có thêm một bàn tay bảo vệ, che chở và chu cấp trong cuộc sống.

Giả thuyết thứ hai có tên là “sexy sisters”. Điều này được phát hiện ra khi các nhà khoa học nhận thấy những người đàn ông mang trong mình các gien liên quan đến tình dục đồng giới thì những chị em gái của họ cũng mắn đẻ hơn. Tức là, các gien tuy bị gọi là “đồng tính” nhưng thực chất có hai tác dụng khác nhau, tùy từng cá thể trong gia phả.

Tuy có nguyên nhân khác nhau nhưng hệ quả của giả thuyết này cũng tương tự như giả thuyết thứ nhất. Việc một người mang gien đồng tính, về tổng thể, lại có lợi cho nguồn gien của chính họ khi chị em ruột thịt của họ được ban cho khả năng có nhiều con cái hơn.

Giả thuyết thứ ba có tên là "big brother effect". Bé trai càng có nhiều anh trai lớn trong gia đình thì càng có khả năng cao (33%) trở thành người đồng giới. Khi bà mẹ mang thai, proteins (H-Y antigens) trong quá trình phát triển giới tính nam bị cơ thể của bà mẹ coi như một “vật thể lạ” và kích hoạt một chuỗi các phản ứng phản vệ. Chuỗi phản ứng này được luyện tập để trở nên mạnh mẽ hơn sau mỗi lần một bé trai ra đời để bảo vệ sức khỏe sinh sản của bà mẹ, và cũng khiến cho bé út dễ trở nên đồng tính nhất.

Giả thuyết thứ tư có tên là “sociosexual hypothesis”. Con người, cũng như nhiều loài động vật khác, làm tình với nhau không chỉ với mục đích duy nhất là để có con. Sex, cũng giống như mọi hoạt động mang tính xã hội như tám chuyện, đi chơi, thiết lập các hội đoàn, hình thành luật lệ, hay thậm chí tín ngưỡng... đều nhằm mục đích đẩy mạnh các kết nối xã hội (social bonding). Kết nối xã hội mạnh mẽ sẽ đem lại lợi ích cho cả cá nhân và tập thể và nâng cao khả năng sinh tồn của giống loài.

Giả thuyết này cũng giải thích tại sao đồng tính là một PHỔ. Tức là có người đồng tính 100%, nhưng cũng có người chỉ "hơi hơi đồng tính", hoặc thậm chí không coi mình là đồng tính, mà chỉ có những "trải nghiệm tình dục đồng giới". Điều này cũng phù hợp với tinh thần của giả thuyết coi sex là một công cụ để tăng cường kết nối xã hội.

Như vậy, 93% đàn ông và 87% phụ nữ tự cho mình là thẳng (straight), còn lại, 4% đàn ông và 10% phụ nữ cho rằng mình "hầu như" là thẳng. Chỉ 0.5% đàn ông và 1% phụ nữ song tính luyến ái (bisexual), 0.5% đàn ông 0.5% phụ nữ "hầu như" là đồng tính (mostly homosexual), 2% đàn ông và 0.5% phụ nữ thấy mình hoàn toàn đồng tính.

Người đồng tiacutenh suy cho cugraveng dugrave khocircng tạo ra sự sống nhưng lại lagrave một moacuten quagrave của cuộc sống Nguồn The Pink Choice Maika Elan
Người đồng tính, suy cho cùng, dù không tạo ra sự sống nhưng lại là một món quà của cuộc sống. | Nguồn: The Pink Choice - Maika Elan

Khoa học vẫn tiếp tục tìm hiểu và có lẽ nhiều giả thuyết mới sẽ còn ra đời. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là việc chấp nhận và tôn trọng cộng đồng LGBTQ+ không khiến cho số người đồng tính tăng lên. Họ vẫn sẽ chiếm từ 2-10% dân số, bất kể xã hội có khắt khe cấm đoán hay tự do nhìn nhận như thế nào. Họ sẽ chỉ bộc lộ hoặc che giấu tốt hơn mà thôi.

Nếu chúng ta thấy sự xuất hiện của họ nhiều hơn trong cuộc sống, đó là bởi vì họ đã trở nên dũng cảm hơn, dám thể hiện bản thân và không còn e sợ. Điều đó cũng có nghĩa là chính chúng ta đã trở nên nhân văn hơn trong việc để yên cho họ sống.

Và nếu nhìn từ khía cạnh sinh học tiến hóa, để yên cho họ sống cũng tức là chúng ta đã khôn ngoan hơn, đã hiểu rằng tiến hóa tạo ra họ để kẻ khác có thêm cơ hội duy trì giống nòi. Người đồng tính, suy cho cùng, dù tạo hoá không muốn cho họ cơ hội tạo ra sự sống, nhưng cũng như tất cả chúng ta, đều là một món quà của cuộc sống.

Hẳn nhiên, việc nhìn vấn đề đồng tính từ góc độ khoa học tiến hoá không có nghĩa là "vì đồng tính có vài trò trong tiến hoá" nên họ mới cần phải được tôn trọng. Cũng như phụ nữ và đàn ông dị tính không cần phải được tôn trọng vì họ đẻ ra con. Người đồng tính không có giá trị chỉ vì họ giúp kẻ khác tăng khả năng sinh sản. Tiến hoá là một quá trình vô thức. Quá trình ấy chỉ có một mục đích là giúp con người tồn tại. Nó không quan tâm đến liệu ta có hạnh phúc và được tôn trọng hay không. Tiến hóa không những vô thức mà còn vô tình.

Nhưng CON NGƯỜI không phải là tiến hoá. Chúng ta quan tâm đến hạnh phúc của nhau và sự tôn trọng lẫn nhau. Dù biết đó là ý đồ của tiến hóa, không ai chủ đích mong đợi một bà cô ông cậu đồng tính chăm con cho mình, không cô gái nào vui vì anh trai mình đồng tính nên mình mắn đẻ. Vì con người không vô tình như tạo hoá, nên ta sẽ chú trọng vào việc làm thế nào để người đồng tính hạnh phúc và được tôn trọng như người dị tính. Đó là khi khoa học hiện đại giúp các cặp đồng tính có con, giúp họ thay đổi cơ thể, giúp xã hội giảm thiểu định kiến... Nhiệm vụ của khoa học là hiểu ý đồ của tiến hoá. Nhiệm vụ của mỗi người chúng ta là nhân văn hoá quá trình "vô thức đến thành vô tình" ấy, để ta có thể đối xử với nhau trong vị thế của con người chứ không phải vị thế của tiến hoá.