Bé trai lọt trụ bê tông 35m: Chạy đua với thời gian để tạo ra phép màu | Vietcetera
Billboard banner

Bé trai lọt trụ bê tông 35m: Chạy đua với thời gian để tạo ra phép màu

Ở thời điểm hiện tại, việc quy trách nhiệm xem lỗi thuộc về ai không phải là ưu tiên hàng đầu. Mạng người mới là điều quan trọng nhất.
Bé trai lọt trụ bê tông 35m: Chạy đua với thời gian để tạo ra phép màu

Nguồn: PLO

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Trưa ngày 31/12/2022, em Thái Lý Hạo Nam ở xã Phú Lợi, tỉnh Đồng Tháp cùng ba người bạn tiến vào công trường để nhặt phế liệu. Tại công trường, em bất ngờ lọt xuống trụ bê tông rỗng đã đóng xuống đất với độ sâu 35m. Đây là một vụ tai nạn hi hữu, bởi miệng của trụ bê tông rất hẹp với đường kính chỉ 25cm, rộng hơn gang tay người lớn một chút.

Các bạn của Nam chạy đi tìm sự trợ giúp của người lớn, và không lâu sau đó đội cứu hộ đã xuất hiện tại hiện trường. Theo những người có mặt ở hiện trường, em vẫn có thể kêu cứu và giao tiếp với những người ở trên trong một thời gian ngắn. Nhưng tới chiều cùng ngày, tiếng kêu của em đã không còn, và đội giải cứu không thể giao tiếp với em nữa.

03jan2023dongthap16725061101672506121825844401672512828jpg
Lực lượng cứu hộ tập trung hết sức để giải cứu nạn nhân. | Nguồn: VnExpress

Lực lượng chức năng cùng các nhân viên thi công và nhân viên cứu hộ đang chạy đua với thời gian để giải cứu nạn nhân. Không chỉ người nhà của em nhỏ, người dân trên cả nước đều đang theo dõi vụ việc và cầu nguyện cho sự an nguy của Hạo Nam.

2. Phương án giải cứu là gì?

Việc đầu tiên mà lực lượng chức năng thực hiện là bơm oxy xuống trụ bê tông để duy trì sự sống cho nạn nhân. Trong khi lên kế hoạch hành động và chờ đợi các máy móc, trang thiết bị tới hiện trường, đội ngũ cứu hộ đã gia cố miệng hố để ngăn đất đá rơi, đưa nước xuống cho nạn nhân, và tìm cách xác định vị trí của Nam bằng ống nhòm và camera hồng ngoại.

Tuy nhiên việc này không thành công do ống sâu, hẹp, đồng thời đất cũng rơi xuống trong quá trình nạn nhân lọt vào trụ. Những người tham gia ứng cứu đưa ra một số phương án khác nhau, tuy nhiên hầu hết đều không đạt yêu cầu do sự phức tạp của địa hình, địa chất, và của bản thân tình huống tai nạn.

Phương án cuối cùng mà đội giải cứu nhất trí thực hiện là khoan cọc xung quanh cột bê tông để tạo điều kiện nhổ cột lên. Phương án này vẫn có một số rủi ro, tuy nhiên đây là lựa chọn khả thi nhất trong hoàn cảnh hiện tại.

03jan20233201934345490667939282401353496249691672718347jpg
Phương án giải cứu. | Nguồn: VnExpress

Tính tới trưa ngày 3/1/2023, các công đoạn chuẩn bị đã hoàn thành, và dự kiến hoàn tất việc kéo trụ bê tông trong buổi chiều cùng ngày. Sau khi nhổ cọc lên, lực lượng cứu hộ sẽ dùng thiết bị dò tìm để xác định vị trí nạn nhân và cắt ông để đưa nạn nhân ra ngoài.

3. Đã từng có vụ việc nào tương tự?

Khi sự việc xảy ra, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên bởi tính chất hi hữu của nó. Nhưng nếu tìm lại những mẩu tin cũ, ta sẽ thấy rằng đâu không phải lần đầu tiên tai nạn kiểu này xảy ra.

Trước vụ tai nạn của Hạo Nam hơn một tuần, vào ngày 20/12/2022 tại Đồng Nai, một bé gái 5 tuổi bị rơi xuống hố cọc ép bê tông sâu 15m trong khi đang đi chơi cùng bạn bè tại khu vực thi công khu đô thị. Chiếc hố chỉ rộng 40cm, vừa đủ thân hình một đứa trẻ. May mắn thay, đội cứu hộ đã đưa được em lên mặt đất chỉ sau khoảng 20 phút bằng cách sử dụng dây đai.

03jan2023giaicuu16715007164jpg
Giải cứu thành công bé gái tại Đồng Nai. | Nguồn: Báo Lao động via Anh Lộc

Sự việc gần tương tự xảy ra vào năm 2015 tại Bình Dương, một bé gái 7 tuổi rơi xuống hố sâu chừng 80m ở cạnh đường ống giếng khoan. Sau 10 giờ nỗ lực đào đất, đội cứu hộ đã cứu được em và tiến hành cấp cứu kịp thời.

4. Phản ứng của dư luận có gì đặc biệt?

Tâm trạng chung của mọi người khi đối diện với sự việc này là lo lắng và ngỡ ngàng. Ai cũng mong phép màu sẽ xảy ra như những vụ việc trong quá khứ, và nạn nhân sẽ sống sót qua vụ tai nạn này.

Như mọi vụ tai nạn khác, bên cạnh việc theo dõi tiến độ giải cứu, nhiều người cũng lên tiếng đề xuất một số phương pháp ứng cứu mà họ cho mà phù hợp. Một số khác thì lại có tâm lý phê phán, chỉ trích nạn nhân đã bất cẩn, hoặc chỉ trích đơn vị thi công không đảm bảo an toàn xây dựng dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Một bộ phận công chúng cực đoan có lẽ do quá nôn nóng và lo lắng cho an nguy của nạn nhân nên đã trách móc đội ngũ giải cứu năng lực kém, phản ứng chậm, sử dụng phương án không hợp lý.

5. Truyền thông nên đưa tin thế nào?

Sự chỉ trích không đáng có của một bộ phận công chúng có sự hậu thuẫn lớn của truyền thông và cách truyền thông đưa tin về sự việc này. Cụ thể, nhiều kênh truyền thông tìm cách xác định nguyên nhân của vụ việc nên đã đưa nhiều thông tin về gia cảnh của nạn nhân hay về tình hình thi công. Tuy nhiên, một bộ phận công chúng đã bám vào những thông tin này để đổ lỗi cho các bên.

Có lẽ không cần nói, chúng ta cũng hiểu rằng hành động đổ lỗi này là rất không cần thiết ở thời điểm hiện tại. Cách đưa tin và cập nhật dòng tin tức của truyền thông là một yếu tố quan trọng để điều hòa cảm xúc của đại chúng, giúp họ tránh những cảm xúc tiêu cực quá đà và hướng tới thành công cuối cùng.

Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần tập trung vào khi nói về vụ việc là sự toàn vẹn về thể xác, tinh thần, và cả nhân phẩm của người bị nạn, đồng thời tránh quy trách nhiệm cho bất cứ ai khi sự việc chưa ngã ngũ.