Hồi công việc của tôi chủ yếu là phỏng vấn nhân vật, tôi từng nghĩ sự thật là thứ bị che giấu khỏi mình. Việc phỏng vấn lúc đó, với tôi là hiểu một “sự thật” về họ, và sắp xếp lại thành một thứ tự mà sự thật đó có thể được truyền tải mạch lạc nhất đến người đọc.
Tôi từng nghĩ sự thật tồn tại dưới dạng “bí mật” mà mình phải đi tìm. Hiểu sự thật hay được tô vẽ như một chuyến hành trình “khám phá” hoặc “lật tẩy”, theo nghĩa tích cực hoặc tiêu cực. Giống như nhà thám hiểm đi tìm đảo giấu vàng, tôi tìm thứ nhân vật muốn giấu khỏi người hỏi.
Tôi đã sai. Đó không phải cách làm việc với con người. Nói về bí mật, một khi người ta đã biết ai có bí mật thì dường như bí mật đó là thứ ai cũng biết. Nó giống như một sự thật mười mươi bị lộn ngược qua gương thôi, và chẳng có gì thú vị nằm ở nó.
Khi sự hiện diện của con người bị đánh bóng dưới sự thú vị, nó bị chằng néo vào một thứ bí mật mà ai cũng biết, nhưng không ai nói ra. Tuy vậy, với tôi điều thú vị thực sự là cái tôi không thể nhìn ngay cả khi người trước tôi đã phô tỏ.
Sự thật bị chính con mắt của kẻ đi tìm làm cho mờ đi. Ta cố đi tìm thứ đằng sau chủ thể mà quên mất bản thân chủ thể. Khi nhân vật cảm thấy không hứng thú với câu hỏi của mình, không phải họ sợ khi bị “phơi sáng” trước kẻ đối diện, mà kẻ đối diện không nói đúng “ngữ pháp” của nhân vật.
Mắt ta chỉ bớt mờ và tai bớt điếc khi nhân vật không giải thích bản thân họ bằng cách phủ định, “tôi không phải điều bạn nghĩ”, mà khẳng định, thông qua những hình thức bộc phát nhất của đời sống, như tự sự.
“Hôm nay tôi ra chợ mua mớ rau, đang đi thì gặp một cái Vinmart, tôi ghé vào mua hộp thịt xay và có một tảng thiên thạch rơi xuống Trái Đất”.
Và khi sự đối thoại là những trò chơi chữ liên miên, sự thật cũng liên tục dịch chuyển, khiến hai kẻ lạ gặp nhau ở quán quen thấy cái quán đó cũng lạ sau cuộc trò chuyện. Cuộc phỏng vấn thành công khi tôi không lấy được bao nhiêu chất liệu cho chủ đề mình muốn viết, nhưng lại được nhân vật rủ mình đi chợ mua rau và cùng xem thiên thạch rơi.
Và tôi đổi chủ đề phỏng vấn.