Bức ảnh thay đổi cách loài người nhìn nhận Trái đất nay đã tròn 50 tuổi | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Bức ảnh thay đổi cách loài người nhìn nhận Trái đất nay đã tròn 50 tuổi

Cái tên "The Blue Marble" (Hòn Bi Ve Xanh) khiến ta tưởng tượng Địa cầu có thể nằm gọn trong bàn tay của nhân loại. Nhưng con người, không phải Trái đất, mới thực sự nhỏ bé.
Bức ảnh thay đổi cách loài người nhìn nhận Trái đất nay đã tròn 50 tuổi

Nguồn: NASA

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Ngày 7 tháng 12 năm 2022, cộng đồng yêu thiên văn học trên toàn thế giới đã kỉ niệm 50 năm ngày bức ảnh "The Blue Marble" (Hòn Bi Ve Xanh) được chụp bởi các phi hành đoàn tàu vũ trụ Apollo 17 trên đường tới Mặt Trăng.

Với ký hiệu AS17-148-22727 của NASA, The Blue Marble là hình ảnh hành tinh xanh được chiếu sáng đầy đủ, chụp từ phía có giới hạn là từ biển Địa Trung Hải cho tới Nam Cực. Bức ảnh được chụp vào ngày 7 tháng 12 năm 1972, lúc 5:39 giờ sáng EST, tức là khoảng 5 giờ 6 phút sau khi phi thuyền được phóng lên từ Trung tâm Không gian Kennedy ở Florida.

Cả 3 phi hành gia trên Apollo 17 đều được công nhận là tác giả của bức ảnh, vì trong suốt chuyến bay, họ đều cùng chụp rất nhiều ảnh Trái đất và vũ trụ từ máy phim Hasselblad khổ 70mm chuyên dụng lúc đó. Có nhiều bằng chứng để lại cho thấy Jack Schmitt là phi hành gia đã chụp bức ảnh nổi tiếng này.

httpsvietceteracomuploadsimages08dec2022schmitt2jpg
Ảnh chụp phi hành gia Harrison "Jack" Schmitt trong sứ mệnh Apollo 17 | Nguồn: NASA

The Blue Marble là bức ảnh được tái sử dụng nhiều nhất trong lịch sử nhiếp ảnh. Nó chiếm vị trí quan trọng trong thiên văn học, và trong cả chính trị, triết học, giải trí, v.v. vì thay đổi hoàn toàn quan niệm của con người về tinh cầu mình thuộc về.

2. Vì sao The Blue Marble quan trọng đến vậy?

Thực tế, khi bức hình lần đầu được công bố vào Giáng sinh năm 1972, nó không nhận được mấy sự quan tâm của công chúng. Khi ấy, sự tập trung của dư luận đổ dồn vào cuộc Chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là vào sự kiện Tập kích bằng máy bay B52 đánh phá thủ đô Hà Nội của Richard Nixon nhằm đảo ngược thế trận (và thất bại). Công chúng cũng quan tâm tới cái chết của cựu tổng thống Mỹ Harry Truman hay sự việc những người sống sót phải ăn thịt người trong chuyến bay 571 gặp tai nạn của không quân Uruguay.

httpsvietceteracomuploadsimages08dec2022gicubgqkmxeycregvegomvdrqvfrtj34ojktx7nhu11jpg
Bức hình gốc chụp bằng máy Hasselblad 70mm, tiêu cự ống kính 80mm | Nguồn: NASA

Nhưng điều đó cũng có nghĩa là sự nổi tiếng của The Blue Marble không phải là bất chợt. Nó nhanh chóng nhận được sự chú ý của các phong trào bảo vệ môi trường và hoà bình thế giới nổ ra ở các nước phương Tây vào thập niên 70. Các nhà vận động xã hội nhấn mạnh rằng Trái đất chỉ có MỘT và là ngôi nhà chung của TẤT CẢ. Từ đó, họ yêu cầu chấm dứt các cuộc chiến tranh và các hành động tàn phá trái đất khác.

Bức ảnh cũng đánh dấu lần đầu tiên nhân loại được chứng kiến hình ảnh trái đất trọn vẹn đến vậy. Trước đó, chúng ta chỉ có thể tưởng tượng ra tinh cầu của mình thông qua kỹ thuật vẽ bản đồ với nhiều sai số, hoặc biết về trái đất như sản phẩm của các vị thần trong thần thoại của các dân tộc. Trong ý niệm của chúng ta chưa có một hình ảnh Trái đất của chung, với toàn bộ lịch sử, văn hoá, đạo đức, các dã tâm chính trị và sự tham lam của con người.

httpsvietceteracomuploadsimages08dec2022226821jpg
Một bức hình khác được chụp trong sứ mệnh Apollo 17 | Nguồn: NASA

Nhưng, là một vật phẩm văn hoá có thể được in ấn, sao chép hoàn toàn, in lên sách báo, thư từ, cài đặt làm màn hình điện thoại... The Blue Marble lại gợi ý tiếp rằng Trái đất là của riêng con người, do con người sở hữu, thay vì ngược lại. 50 năm lịch sử bức hình, chúng ta nói nhiều hơn về các sứ mệnh khai phá văn minh và tài nguyên toàn cầu, dẫn đến thêm các cuộc chiến tranh và huỷ diệt toàn cầu khác.

3. The Blue Marble có phải bức hình chụp trái đất từ ngoài không gian đầu tiên?

Không phải vậy. Tầm quan trọng của The Blue Marble nằm ở việc nó chụp lại Trái đất một cách đầy đủ trên phim màu. Chi tiết hơn, nó là bức ảnh đầy đủ của Trái đất duy nhất được chụp bởi con người, thông qua một chiếc máy ảnh cơ, khi họ thực hiện sứ mệnh đưa người lên mặt trăng cuối cùng cho đến ngày hôm nay.

Trước đó, con người đã liên tục tạo ra những bức selfie của Trái đất qua khinh khí cầu khí tượng, máy bay và vệ tinh nhân tạo. Máy ảnh cũng chủ yếu được điều khiển từ xa thay vì được người thật ấn nút. Không đạt đủ độ cao để chụp toàn bộ trái đất, các nhiếp ảnh gia chụp nhiều tấm và ghép lại theo hình dạng của đường chân trời.

httpsvietceteracomuploadsimages08dec20221152pxsmallstepspanoramajpg
Bức ảnh được quân đội Mỹ chụp từ tên lửa V2 vào 07/03/1947 | Nguồn: Johns Hopkins Applied Physics Laboratory
httpsvietceteracomuploadsimages08dec2022atsiii10nov67153107jpg
Bức ảnh màu chụp đầy đủ Trái đất đầu tiên qua vệ tinh ATS-3, ngày 10.11.1967 | Nguồn: NASA

4. Vì sao chiếc máy ảnh cũng là người hùng?

Chiếc Hasselblad 70 và tên tuổi của các phi hành gia là các chi tiết khiến bức hình "ăn điểm." Nó chứng thực được với công chúng rằng đây là trái đất "có thật" được chụp bởi "người thật" trên một tấm phim nhựa "analog" (thu tín hiệu tương tự so với thế giới vật lý) mà bạn có thể tìm thấy tại các kho tư liệu và bảo tàng.

httpsvietceteracomuploadsimages08dec2022k4ar4bh6w54d762jptmjzl7tpijpg
Chiếc máy ảnh cơ Hasselblad được phi hành gia Mỹ sử dụng phổ biến trong các sứ mệnh Apollo | Nguồn: Stan Horaczek

Chiếc máy cơ học là bằng chứng phổ biến để phủ nhận các học thuyết âm mưu, như thuyết Trái đất phẳng và các thuyết sáng thế trong tôn giáo.

5. Một mái nhà chung, vì sao con người không ngừng tàn phá?

Nếu so sánh các thảm hoạ môi trường và nhân đạo đương đại với các thảm hoạ của thời Chiến tranh Lạnh, chúng ta có thể dễ dàng bi quan phát biểu rằng The Blue Marble không có tác động nhiều tới tốc độ khai thác, tiêu thụ và xả thải của con người. Với bom hạt nhân, cái chết xảy ra ngay lập tức; với công nghiệp hoá, cái chết đến từ từ.

Dưới góc độ xã hội học, thông điệp "mái nhà chung" của The Blue Marble có thể phản tác dụng. "Hòn bi ve xanh" mang tên trái đất, có thể cầm nắm trong một bức ảnh duy nhất khiến nền văn minh này ngạo mạn gây chiến với nền văn minh khác, và với thế giới tự nhiên, để tuyên bố rằng mình là chủ nhân duy nhất của Trái đất.

Khi ấy "Trái đất" (Earth) được đánh đồng với "Thế giới" (World) - theo quan điểm của nhà xã hội học John Law. Trái đất - một khối vật chất mà toàn bộ thành quả của chúng ta nằm trên đó - chỉ là một điểm chung rất nhỏ giữa con người với nhau. Còn Thế giới là tập hợp của cả các trải nghiệm, niềm tin, và tri thức của từng nhóm người. Như vậy, trong khi Trái đất chỉ có một, thì Thế giới có nhiều hơn một.

Sự đánh đồng giữa hai khái niệm này khiến chúng ta liên tục rơi vào các cuộc chiến sở hữu tài nguyên. Chúng ta quy mọi vấn đề của con người về tư hữu tài sản mà quên mất rằng vẫn còn nhiều cách làm người kiểu khác, không "khoa học" nhưng nỗ lực tồn tại hài hoà với thiên nhiên. Tìm điểm chung, và tôn trọng sự khác biệt mới là chiếc chìa khoá đầy đủ dẫn đến việc chúng ta có thể tiếp tục tồn tại ở tinh cầu này thêm một vài nghìn năm nữa.

Bằng không, nhân loại sẽ chỉ thuộc về một chiếc ngăn kéo của sự tiếc nuối, khi một nền văn minh tiên tiến khác tình cờ tìm thấy Trái đất và khảo cổ hoá thạch của chúng ta hàng triệu năm nữa.