Các nhóm nhạc K-Pop kiếm tiền như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Các nhóm nhạc K-Pop kiếm tiền như thế nào?

Sự phát triển thần kỳ của ngành công nghiệp K-Pop đã mang lại doanh thu khổng lồ. Vậy các nhóm nhạc K-Pop kiếm tiền thế nào để có lợi nhuận khủng như vậy?
Các nhóm nhạc K-Pop kiếm tiền như thế nào?

Các nhóm nhạc Red Velvet, NCT, BTS, BlackPink

2 thập kỷ qua, sự tăng trưởng liên tục của kinh tế Hàn Quốc có sự đóng góp đáng kể của ngành công nghiệp giải trí. Làn sóng văn hóa Hàn Quốc trên toàn thế giới, nhất là âm nhạc, đã vực dậy hình ảnh và kinh tế nước này, đặc biệt sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Đón đầu sự phát triển của Internet và dịch chuyển của thị trường tài chính, cùng những bước đi đầy tính toán về thẩm mỹ, sản xuất, tiếp cận công chúng, K-Pop ngày nay như một món ăn tinh thần của người trẻ và con gà đẻ trứng vàng cho nền kinh tế.

Hãy cùng Vietcetera đi tìm hiểu câu trả lời đằng sau sự giàu có, xa hoa và tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp tỷ đô này nhé.

Phần trăm từ doanh thu của album

Đây có thể coi là một trong những nguồn thu ổn định nhất của các nhóm nhạc K-Pop hiện nay. Với mỗi đợt comeback và lượng album cứng bán ra, tỷ lệ ăn chia của các công ty và nhóm nhạc thường sẽ là: Công ty chủ quản 90-95% - Nghệ sĩ 5-10%.

Album bán chạy nhất tại Hàn Quốc tính đến năm 2021 là “Map of the Soul: 7” của nhóm nhạc nam này, với 4.1 triệu bản được bán ra trong vòng chưa đầy một tháng. BTS cũng là nghệ sĩ sở hữu nhiều album bán được hơn 1 triệu bản nhất, với 9 album.

BTS đang là nhóm nhạc sở hữu thành tích bán album tốt nhất hiện nay với Map of the Soul: 7 lên đến hơn 4 triệu bản.

NCT Dream - nhóm nhạc của SM Entertainment đạt thành tích 1.7 triệu đơn đặt trước album mới "Hot Sauce". Thành tích của “Hot Sauce” tăng 243% so với album trước đó là "Reload" ra mắt năm 2020. (Nguồn: scmp.com)

EXO với album “Don't Fight the Feeling” phát hành đầu năm 2021 và bán được 1.9 triệu bản. “Taste of Love”, TWICE đạt kỷ lục doanh số bán album ngày đầu tiên cao nhất trong số các nhóm nhạc nữ Kpop comeback năm 2021 với hơn 500.000 bản đặt trước. Hay Lisa của BlackPink comeback lần gần nhất với album của mình cũng thu về hơn 800.000 bản theo số liệu ở Hanteo.

Nếu tính trung bình giá một mini album K-Pop vào khoảng 350.000 VND, full album là 450.000 VND thì công ty có thể bỏ túi khoảng 100 - 400 tỷ VND cho mỗi lần comeback của gà nhà. Các nghệ sĩ sẽ nhận khoảng 5-10% trong số đó và chia đều cho các thành viên trong nhóm.

Đại sứ thương hiệu, đại diện nhãn hàng

K-Pop không chỉ là âm nhạc, K-Pop còn là xu hướng và cảm hứng cho những làn sóng mới trong thời trang, phụ kiện, làm đẹp.

Cùng với sự nổi lên của giới nhà giàu châu Á và dịch chuyển thị trường tiêu thụ của các nhãn hàng, idol K-Pop đang là những cái tên tiềm năng và sáng giá cho các chiến dịch quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

BlackPink là gương mặt quen thuộc trên các chuyên trang lớn nhỏ cùng các nhãn hàng, thương hiệu cao cấp về thời trang, làm đẹp, tiêu dùng.

“Tình đầu quốc dân” Suzy từ lâu đã là gương mặt được nhiều nhãn hàng tin tưởng nhờ vẻ đẹp thanh thuần, tinh khiết. Hình ảnh quảng cáo của Suzy luôn phủ sóng khắp các trung tâm thương mại. Năm 2017, chỉ tính riêng tiền quảng cáo, Suzy đã bỏ túi hơn 60 triệu USD.

BTS - nhóm nhạc nổi tiếng nhất hiện nay, được tiết lộ là kiếm được khoảng hơn 950 tỷ VND mỗi năm cho các quảng cáo của họ. Theo TMI News, phí làm người mẫu quảng cáo của BTS là khoảng 59 tỷ VND trên cơ sở hợp đồng một năm. Phí quảng cáo của McDonald, người hưởng lợi lớn nhất từ “hiệu ứng BTS”, được biết là khoảng 208.2 tỷ VND.

Ngoài ra, 4 mẩu của BlackPink cũng là những gương mặt rất được săn đón của làng quảng cáo. Các thành viên như Jennie, Lisa, Jisoo hay Rosé đều là đại sứ toàn cầu của các thương hiệu lớn như Chanel, Tiffany & Co., Dior, YSL hay Celine.

Bên cạnh đó, họ cũng là gương mặt quen thuộc từ các CF của bánh quy, giày dép, bia rượu, thực phẩm,... Các hợp đồng đại diện, quảng cáo mang về cho nhóm nhạc nữ này vài chục đến cả trăm tỷ won mỗi năm.

Suzy với độ phủ sóng các quảng cáo từ lớn đến nhỏ khắp Hàn Quốc trong một khoảng thời gian dài.

Chỉ cần được xuất hiện trên phương tiện truyền thông xã hội, các món đồ mà thần tượng sử dụng, dù là trên sân khấu hay ở sân bay, đều được người hâm mộ lùng mua. Điều này đã mang lại cho các nhóm nhạc K-Pop nguồn tài nguyên khổng lồ từ quảng cáo.

Những cái tên phủ sóng khắp xứ sở Kim Chi có thể kể đến như Irene (Red Velvet), Kai (EXO), Cha Eun Woo (Astro), Hwasa (MAMAMOO), Taeyong (NCT), G-Dragon (Big Bang),.. đều mang về hàng chục tỷ won từ các hợp đồng của mình.

Đóng phim, làm MC, tham gia chương trình thực tế

Bên cạnh phát hành các sản phẩm âm nhạc và đóng quảng cáo, các idol K-Pop còn nhiều tài lẻ khác như đóng phim, làm MC cố định trong các chương trình và khách mời của game show. Nguồn thu này thường đến từ các nhóm nhạc, cá nhân nổi bật và nhiều sức hút.

Theo tiết lộ của người trong ngành, các idol K-Pop thường yêu cầu mức thù lao thấp hơn so với giới diễn viên, điều này là một trong những lý do chính họ thường được các nhà sản xuất săn đón. Mức cát-xê của họ rơi vào khoảng hơn 103 triệu VND, bất chấp họ là các thần tượng ở nhóm nhạc hàng đầu cho mỗi tập.

YoonA (SNSD) đang là một trong những idol khá thành công trong việc lấn sân sang diễn xuất

Với lượng fan đông đảo ủng hộ họ trong mọi hoạt động, khi chuyển sang đóng phim, ngoài lượng khán giả phim ảnh, tác phẩm còn thu hút thêm được một lượng lớn người hâm mộ của chính thần tượng đó.

Một số cái tên thành công có thể kể đến như YoonA (SNSD), Taecyeon (2PM), Krystal (F(x)), Jinyoung (GOT7)...Ngoài ra, các thần tượng còn có thể cá kiếm thêm từ các bản nhạc phim OST và hiệu ứng từ phim mang lại.

Ngày nay, một số idol cũng lấn sân sang DJ, MC của các chương trình. Có thể kể đến Key (SHINee), TaeYeon (SNSD) là dàn cast cố định của Amazing Saturday. Wendy (Red Velvet) làm DJ cho SBS Young Street. Hay Sungchan (NCT), Yuna (Itzy) và Jihoon (Treasure) là bộ 3 MC của Inkigayo,...

Key (SHINee) và Taeyeon (SNSD) là những gương mặt quen thuộc trên các chương trình, gameshow thực tế của Hàn Quốc.

Cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các show thực tế, trường trình âm nhạc hành tuần và các bộ phim cũng như điện ảnh, các idol K-Pop ngày càng củng cố tài năng và sự ảnh hương của mình với khán giả.

Sự góp mặt của thần tượng không chỉ thu hút sự chú ý cùng lượt xem, nghe tăng cao mà còn giúp họ bỏ túi một khoản tiền cố định hàng tháng.

Lượt theo dõi và stream từ các kênh nghe nhạc trực tuyến

Trong thời đại của Youtube và các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến, K-Pop hiện là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la. Theo Forbes Hàn Quốc, năm 2021, BTS đứng đầu bảng doanh thu với số lượng video lên đến 1589 video, thu về 57.1 triệu người theo dõi và số lượng lượt xem là 12.4 tỷ.

Tiếp đó là BLACKPINK đứng ở vị trí thứ 2 với thu nhập từ YouTube lên đến 11.6 triệu USD. Đặc biệt, kênh YouTube của 4 cô gái này chỉ có 233 video nhưng vẫn thu về lượng theo dõi vô cùng lớn 64.6 triệu với lượt xem là 19.2 tỷ.

Thu nhập, lượt đăng ký và lãi hàng tháng của 6 nhóm nhạc với lợi nhuận khủng từ Youtube của K-Pop | Nguồn: K-Crush Động

Hai nhóm nhạc của SM Entertainment là NCT Dream và Aespa lần lượt đứng sau với khoảng 1.9 triệu USD và 1.2 triệu USD lợi nhuận. Các nhóm nhạc từ công ty nhỏ hơn khác như Seventeen, MAMAMOO, WJSN cũng thu về hàng triệu USD chỉ trong vòng một năm.

Không phải lúc nào càng nhiều video được đăng tải hay tổng lượt view càng cao thì sẽ tương đương với thu nhập càng cao. Thu nhập các kênh Youtube phải dựa vào rất nhiều yếu tố khác, quan trọng nhất là sức ảnh hưởng của nghệ sĩ.

Cùng với đó là sự đa dạng hoá nội dung video, thu hút những lượt tương tác, thảo luận khủng đang giúp các nhóm nhạc K-Pop ngày càng khẳng định vị thế của mình ở địa hạt Youtube.

Nguồn thu từ các ứng dụng tương tác trực tiếp cùng fan

Dịch vụ chính của Dear You là Dear You Bubble, một nền tảng để người hâm mộ trao đổi tin nhắn với các nghệ sĩ dưới dạng trò chuyện trực tiếp. Dịch vụ đã được ra mắt vào 2020 và tỷ lệ người dùng ở nước ngoài đạt 68%. Hiện tại, 13 công ty, bao gồm SM và JYP với hơn 150 nghệ sĩ tham gia dịch vụ này.

Giá của dịch vụ này hiện là 3.49 USD/ nghệ sĩ/ tháng (khoảng 80.000 VND). Trong Bubble, bạn có thể chọn mua phòng chat với nghệ sĩ mà bạn yêu thích. Các idol K-Pop hiện nay có thể bỏ túi hoàn toàn khoản tiền từ ứng dụng nhắn tin này mà không phải chia cùng công ty. Như vậy, càng nhiều lượt người đăng ký sử dụng, các thần tượng càng kiếm được nhiều tiền hơn.

Weverse và Bubble đang là 2 ứng dụng hái ra tiền của các công ty giải trí và nhóm nhạc

Bên cạnh Bubble và Lysn, một nền tảng tương tác khác cũng rất được ưa chuộng là Weverve với các nghệ sĩ như BTS, BlackPink, SEVENTEEN, GFRIEND, TXT,...Tính đến tháng 9/201 số lượng người dùng Weverse đã vượt 150 triệu người và thu về gần 590 tỷ VND. Sau đó tăng vọt lên hơn 2.100 tỷ VND chỉ trong nửa đầu năm 2020.

Với sự đa dạng và tận dụng các nền tảng công nghệ khác nhau, nguồn thu của các nhóm nhạc K-Pop ngày nay cũng dồi dào và tăng trưởng mạnh hơn rất nhiều so với các thế hệ trước đó.

Các concert, tour âm nhạc

Thời đại dịch, khi các sự kiện đông người bị hạn chế, các công ty giải trí của Hàn Quốc và các nhóm nhạc đã vượt qua bằng các đêm nhạc online và thu về lợi nhuận khủng.

Tháng 1/2021, BlackPink kiếm được hơn 10.5 triệu USD nhờ đêm nhạc trực tuyến đầu tiên The Show. Đây là thông tin được NME trích đăng dựa trên thông cáo của YG Entertainment.

Giá vé concert trung bình của EXO rơi vào khoảng 150$ cho chỗ đứng bình thường.

Cùng với BlackPink, một nhóm nhạc khác cũng cá kiếm không kém trong mùa dịch từ concert online là BTS. Fan meeting BTS 2021 Muster Sowoozoo diễn ra trong 2 ngày 13-14/6 của BTS đã thu hút hơn 1,33 triệu người xem, mang lại doanh thu hơn 67.2 triệu USD.

Trước đại dịch, với các concert offline, giá vé trung bình của các nhóm nhạc hàng top như BTS, NCT127, BlackPink, Red Velvet, EXO vào khoảng 150-200 USD/ vé. Theo Touring Data, các nhóm nhạc có thể bỏ túi vài chục tỷ won cho một đêm diễn ở các quốc gia khác nhau. Doanh thu có thể tăng khi các công ty kết hợp bán các sản phẩm lưu niệm đi kèm.

Năm 2019, ví dụ với Red Velvet, tour diễn vòng quanh thế giới mang tên "REDMARE" của 5 cô gái nhà SM với 19 đêm có 37.872 người tham gia, thu về hơn 122 tỷ VND. World tour "TWICELIGHTS" của TWICE có 42.418 khán giả tham dự, thu về hơn 130 tỷ VND với tổng 22 đêm diễn.

Red Velvet là một trong những nhóm nhạc nữ có giá vé concert đắt nhất K-Pop và tỉ lệ sold out nhanh nhất K-Pop hiện nay.

Trong khi đó "WINNER Everywhere Tour" của nhóm nhạc WINNER có 30 đêm diễn họ đã hoàn thành 10 với lượng khán giả là 34.699 người, bỏ túi khoảng hơn 102 tỷ VND.

Dù là hình thức online hay offline, doanh thu từ concert, tour diễn vẫn là một trong những nguồn thu khủng với lợi nhuận khổng lồ cho các nhóm nhạc K-Pop. Với tỷ lệ ăn chia phổ biến hiện nay: công ty chủ quản 50-70% - nghệ sĩ 30-50% thì sau World Tour và concert, mỗi nhóm nhạc có thể bổ sung vài chục tỷ cho tài khoản của mình.

Tham gia sự kiện, quảng bá trong và ngoài nước

Độ phủ sóng của ngành công nghiệp K-Pop không chỉ ở mọi lĩnh vực thời trang, công nghệ, ẩm thực, du lịch, làm đẹp mà ngày nay còn ở cả văn hoá, chính trị, thể thao. Mỗi sự kiện có sự xuất hiện của các nhóm nhạc K-Pop nổi tiếng, không chỉ thu hút sự chú ý của truyền thông, người hâm mộ mà còn mang về những lượt tương tác, theo dõi khủng.

Theo Theqoo, năm 2019, với mức cát-xê từ 200-400 triệu VND, các sự kiện của nhãn hàng có thể mời những cái tên như ASTRO, DIA, Weki Meki, Up10tion, CLC, Nine Muses, WJSN, Pristin.

TWICE là gương mặt quen thuộc thường biểu diễn tại các sự kiện, chương trình trong và ngoài nước.

Các nhóm nhạc tên tuổi hơn như Red Velvet, WINNER hay iKON, EXID, con số sẽ rơi vào khoảng 600-800 triệu VND. Cao hơn nữa là khoảng 1 tỷ VND cho các nhóm nhạc như TWICE, BlackPink, BTS, NCT,...

Tỷ lệ ăn chia phổ biến hiện nay của các nhóm nhạc khi tham gia sự kiện là Công ty quản lý 60% - nghệ sĩ 40%, các hoạt động quảng bá ở nước ngoài là Công ty quản lý 30% - nghệ sĩ 70%. (Nguồn: channel.korea.com)

Như vậy, với mỗi lần xuất hiện của mình ở các sự kiện quảng bá hay hội thảo, chương trình, mỗi nhóm nhạc K-Pop có thể thu về vài chục đến vài trăm triệu.

Kết

Hình ảnh thương hiệu quốc gia của Hàn Quốc đã được phổ biến hơn nhiều nhờ K-Pop. Càng ngày càng có nhiều người nước ngoài quan tâm hơn đến việc học ngôn ngữ Hàn Quốc, và K-Pop cũng đã được quảng bá khắp thế giới. Bên cạnh đó, K-Pop còn khai thác rất nhiều hướng đi mới để đóng góp phát triển cho nền công nghiệp.

Việc “xuất khẩu văn hoá" của Hàn Quốc vẫn luôn được ca ngợi là một nước đi thông minh của chính phủ nước này cũng như niềm tự hào của xứ sở Kim chi. Tiếp thu và tiêu thụ sản phẩm của làn sóng Hallyu có thể đem đến nhiều lợi ích và tạo nên một thị trường giải trí lành mạnh, đa dạng phát triển hơn.

Nhưng đồng thời cũng phải tỉnh táo, chọn lọc và hiểu rằng mình đang đón nhận điều gì và nên đón nhận như thế nào.