Cái chết của em bé 12 tuổi và câu hỏi lớn về quyền định đoạt sự sống | Vietcetera
Billboard banner

Cái chết của em bé 12 tuổi và câu hỏi lớn về quyền định đoạt sự sống

Ai là người có quyền quyết định khi nào một sự sống không đáng để tiếp tục?
Cái chết của em bé 12 tuổi và câu hỏi lớn về quyền định đoạt sự sống

Nguồn: PA Wires

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Vào ngày 6/8, cậu bé người Anh Archie Battersbee qua đời tại Bệnh viện Hoàng gia London khi mới chỉ 12 tuổi. Cái chết của em là dấu chấm hết cho vụ kiện giữa gia đình của Archie và bệnh viện về việc có hay không tiếp tục duy trì sự sống cho một bệnh nhân không còn khả năng hồi phục.

Trước đó, Archie nhập viện vào ngày 7/4 năm nay trong tình trạng nguy kịch. Mẹ của cậu bé cho rằng cậu đã tham gia một thử thách (challenge) nguy hiểm trên mạng xã hội. Sau một số xét nghiệm, các bác sĩ tuyên bố em đã chết não và đi tới kết luận rằng Archie không còn khả năng phục hồi dù em còn nhịp tim.

08aug2022skynewsarchiebattersbeearchie5853050jpg
Archie và người thân trong bệnh viện. | Nguồn: Sky News

Bệnh viện đã đề xuất ngừng hỗ trợ sự sống cho Archie nhưng không đạt được đồng thuận từ gia đình của em, vốn mong muốn Archie tiếp tục tồn tại cho tới khi chết một cách “tự nhiên.” Trước tình hình đó, đại diện Bệnh viện Hoàng gia London đã gửi yêu cầu ngừng sự sống của Archie lên toàn án địa phương và được chấp thuận.

2. Gia đình Archie và tòa án nói gì?

Mẹ của em cũng như gia đình cho rằng việc ngừng hỗ trợ sự sống cho Archie đi ngược lại với nguyện vọng của em, và gia đình em nên là những người đưa ra quyết định. Trước đó, gia đình đã thử nhiều cách để đảo ngược quyết định của tòa án và bệnh viện.

Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã dựa trên kết quả y tế để kết luận rằng em đã hoàn toàn chết não từ ngày 31/5, và rằng việc điều trị chỉ trì hoãn cái chết và kéo dài cơn đau của bệnh nhân. Đối với bệnh viện và các tòa án, cái chết chính là sự giải thoát nhiệm màu cho Archie.

08aug20220archiebattersbeecourtcasejpg
Cha và mẹ của Archie Battersbee. | Nguồn: The Mirror via PA Wires

Trước sự ra đi của con mình, mẹ Archie không đưa tuyên bố gì mới về quyết định của tòa án hay thái độ của bà với bệnh viện. Bà chỉ nói một cách giản dị: bà tự hào vì được làm mẹ Archie.

3. Vụ việc đặt ra những câu hỏi gì cho chúng ta?

Đằng sau toàn bộ vụ việc của Archie là những câu hỏi quan trọng về sự sống con người, những yếu tố cấu thành sự sống và sự chết, cũng như ai có thể đại diện cho quyền lợi của trẻ em. Những câu hỏi này nằm trên ranh giới giữa pháp luật, khoa học, và đạo đức; vì thế chúng không có câu trả lời rõ ràng.

Mâu thuẫn lớn trong vụ việc là giữa người bảo hộ của bệnh nhân và đơn vị điều trị. Khi bệnh viện và các bậc cha mẹ không tìm thấy tiếng nói chung cho những câu hỏi trên, một bên thứ ba (thường là tòa án) sẽ đứng ra phân xử. Tòa án đưa ra phán quyết thông qua việc trả lời các câu hỏi trên, qua đó xác định hành động tốt nhất và phù hợp nhất với tình trạng của bệnh nhân.

4. Đã từng có những vụ việc tương tự xảy ra chưa?

Đây không phải lần đầu tiên nước Anh dậy sóng vì một tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức trong lĩnh vực y tế. Vào năm 2018, nước Anh chia làm hai nửa trước quyết định tháo ống thở của Alfie Evans - một em bé sơ sinh mắc chứng thoái hóa thần kinh.

Tương tự như vụ việc của Archie và Alfie Evans là em bé Alta Fixsler với triệu chứng tổn thương não bẩm sinh trầm trọng. Các bác sĩ và tòa án đưa ra kết luận tương tự: Alta không còn khả năng phục hồi, và chấm dứt sự sống cũng là chấm dứt đau đớn cho em.

5. Liệu Tiktok và các kênh nội dung số có đang hủy hoại trẻ em?

Chúng ta cần lưu ý rằng thứ gây ra tình trạng của Archie là một thử thách trên mạng mang tên “blackout challenge,” trong đó người thực hiện tự siết cổ tới khi bất tỉnh. Thử thách này lan truyền trên Tiktok, và nhắm vào trẻ em ở độ tuổi vị thành niên.

Cách đây chưa lâu, nhiều kênh truyền thông tại Việt Nam đồng loạt đưa tin về những video nhảm nhí và có ảnh hưởng xấu trên Youtube. Bên cạnh những Baby Shark là những video xúi giục trẻ em làm các hành vi nguy hiểm như nhét đồng xu vào khe cắm sạc của ổ sạc điện thoại, tự ngã và tiếp đất bằng đầu,...

Vai trò của các bậc phụ huynh và người giám sát là rất quan trọng trong việc phát hiện và ngăn chặn các em làm điều dại dột vì vài video nhảm nhí trên Tiktok. Ta cần để ý những dấu hiệu khác biệt về thể chất và tâm lý của trẻ để sớm nhận ra nguy hiểm trước khi quá muộn.