Chán Tinder, dân tình quay sang tìm người yêu qua AirDrop? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Chán Tinder, dân tình quay sang tìm người yêu qua AirDrop?

Làm thế nào một chức năng chuyển file bằng bluetooth lại biến thành trào lưu hẹn hò mới toanh của giới trẻ Hàn Quốc?
Chán Tinder, dân tình quay sang tìm người yêu qua AirDrop?

Nguồn: Koreaboo

1. Chuyện gì đang xảy ra?

TikToker Steph Ahn (@stephanieahn) đã chia sẻ trong video đăng tải ngày 9/11 về một trào lưu hẹn hò mới nổi tại Hàn Quốc mà cô gọi là “vô cùng điên rồ”. Theo đó, bạn có thể đến một quán bar, bật AirDrop (một tính năng chuyển dữ liệu giữa các thiết bị cùng hệ điều hành iOS) rồi chia sẻ ảnh và thông tin mạng xã hội của mình cho tất cả mọi người.

Khi đó, những ai cũng đang bật AirDrop trong quán sẽ nhận được tín hiệu trên, và chỉ cần “accept” là sẽ xem được ảnh. Nếu thấy phù hợp, họ sẽ tìm tới khu vực bạn ngồi để bắt đầu trò chuyện.

Trước đó từ tháng 9, nam ca sĩ Jung Yong Hwa (thành viên nhóm CNBLUE) từng nhắc tới phương pháp này trên chương trình “Mr. House Husband 2”. Theo anh, các ca sĩ thường trao đổi thông tin liên lạc qua AirDrop nếu tình cờ gặp nhau ở salon tóc. Đây được coi như “chiêu thức” bí mật giúp thần tượng hẹn hò - điều vốn bị công ty của họ quản lý nghiêm ngặt.

22nov2023jungyonghwa11091723jpg
Ca sĩ Jung Yong Hwa nói về phương pháp AirDrop trên show “Mr. House Husband 2”. | Nguồn: KBiz Zoom

2. Có Tinder, Bumble rồi sao vẫn phải làm cách này?

Với các ca sĩ thần tượng - những người không thể dùng Tinder hay Bumble, cách làm này giúp họ dễ dàng “trốn” công ty để tìm đối tượng tiềm năng. Nhưng với người bình thường, “hẹn hò qua AirDrop” cũng mang lại một số ưu điểm so với các app hẹn hò truyền thống.

Nhiều bình luận trong video của Steph Ahn nhận định, cách làm này giúp hạn chế đáng kể việc nhắn tin qua lại tốn thời gian. Nó cũng giúp bạn tránh các tình huống “khó đỡ” hay xảy ra khi hẹn hò online, chẳng hạn ảnh trên mạng một đằng còn dung nhan ngoài đời lại một nẻo.

Đồng tình với Steph, một người dùng TikTok khác là Joy (@annabellejoy11) nhận định phương pháp này có ưu điểm là tính chủ động của người nhận. Bạn chỉ chấp nhận xem ảnh hoặc chủ động tiếp cận đối phương nếu bạn thực sự muốn. Điều này khác với speed dating - hình thức khiến bạn phải trò chuyện với tất cả mọi người, bất kể bạn có hứng thú hay không.

3. Trào lưu này có tiềm năng “nhân rộng” hay không?

Ở Seoul có những quán bar hoặc nhà hàng được thiết kế riêng cho việc tìm kiếm và gặp gỡ các đối tượng tiềm năng. Chúng được gọi là “hunting pocha” (từ kết hợp giữa hunting - đi săn và pocha - quán rượu lều bạt kiểu truyền thống Hàn Quốc), tập trung rất nhiều ở các khu vực “ăn chơi” như Gangnam, Hongdae hay Itaewon.

Khi vào một hunting pocha, bạn sẽ thấy nhiều không gian mở và nội thất được bố trí thuận tiện cho việc giao lưu, đi lại xung quanh. Với “cơ sở vật chất” sẵn có như vậy, thì hẹn hò qua AirDrop trở thành trào lưu tại Hàn là điều hoàn toàn dễ hiểu.

22nov2023samgeoripochasel2jpg
Một “hunting pocha” ở Hongdae, Seoul. | Nguồn: Seoulistic

Theo Steph, phương pháp này khó phát huy hiệu quả ở nơi khác, bởi có quá nhiều “kẻ rùng rợn” sẽ bám theo bạn. Dù vậy theo Inside Hook, hình thức này đã xuất hiện tại Mỹ từ năm 2022, đặc biệt trên máy bay - môi trường không thể dùng internet. Vì vậy, việc “thả thính” qua AirDrop vừa giúp bạn làm quen nhiều người mới, lại vừa là hình thức “giết thời gian” hiệu quả.

Tuy nhiên đã có không ít sự cố xảy ra liên quan đến việc hành khách chia sẻ nội dung nhạy cảm qua AirDrop. Trong một số trường hợp, điều này vi phạm quy tắc an toàn bay, có thể khiến cả chuyến bay bị hoãn gây thiệt hại không nhỏ.

4. Mặt trái của hình thức hẹn hò này?

Việc chia sẻ hình ảnh và thông tin cá nhân qua AirDrop có những nguy cơ tiềm tàng nhất định. Bạn có thể bị người lạ bám theo, hoặc sử dụng hình ảnh và thông tin của mình vào nhiều mục đích nguy hiểm khác.

Và giống như trường hợp trên máy bay, không phải ai cũng dùng AirDrop để chia sẻ những nội dung trong sạch. Theo Forbes, chức năng này có thể là nền tảng hoàn hảo để thực hiện hành vi quấy rối tình dục, dù chỉ bằng hình ảnh.

22nov2023screenshot20231122103508jpg
AirDrop có thể là công cụ hoàn hảo cho hành vi quấy rối tình dục bằng hình ảnh. | Nguồn: The Points Guy

Cũng theo Steph chia sẻ, trào lưu hẹn hò này có thể nguy hiểm với người nước ngoài tại Hàn Quốc. Bởi một bộ phận nam giới nước này “bị ám ảnh” với phụ nữ nước ngoài, và chủ động tới các quán bar để nhắm tới nhóm phụ nữ trên. Điều này không chỉ xảy ra ở Hàn, mà có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Nhiều bình luận ở video của cô cũng cho rằng cách làm này “nông cạn”, bởi nó khiến bạn chỉ tập trung vào ngoại hình đối phương. Quả thực trong bối cảnh như vậy, bạn có khá ít dữ liệu để tìm hiểu trước về đối tượng. Song đối với Hàn Quốc, đất nước nổi tiếng với văn hóa làm việc áp lực cao, người trẻ vốn không có nhiều thời gian thì có lẽ đây là nhược điểm họ có thể chấp nhận.

5. Những trào lưu hẹn hò kỳ lạ khác trong thời đại kỹ thuật số?

Voice-fishing: Hành vi sử dụng giọng giả nhằm hấp dẫn crush trên app hẹn hò. Trào lưu ra đời sau khi các app trên có thêm tính năng ghi âm giọng nói để gửi cho các đối tượng tiềm năng.

Tương tự catfishing (hành vi dùng tài khoản ảo để che giấu con người thật của bạn), voice-fishing nhằm giảm thiểu khả năng bị từ chối do nói giọng địa phương. Bạn có thể dễ dàng làm việc này bằng những phần mềm chỉnh sửa giọng nói. Thậm chí một số app hẹn hò còn tích hợp sẵn tính năng này.

Lazy booty call: Hành vi đăng tải những hình ảnh nhạy cảm lên story trên Instagram, nhưng để ở chế độ close friends (chỉ một số bạn bè xem được). Người ta có thể sử dụng chế độ này để “tập hợp” những người họ muốn làm tình một đêm, và đăng ảnh nhạy cảm để “phát tín hiệu” cho việc đó.

Sở dĩ trào lưu này có tên “lazy” vì bạn chỉ cần đăng một story cho nhóm người này xem được, thay vì phải gửi hình tới từng người một. Cách làm này có phần hiệu quả vì đánh vào trí tò mò của người xem, tuy nhiên nó có thể mang lại cảm xúc không mấy dễ chịu cho họ.