Chỉ là em ăn Tết chậm hơn mọi người một chút thôi | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Chỉ là em ăn Tết chậm hơn mọi người một chút thôi

Năm đầu tiên cũng tủi thân muốn khóc.
Chỉ là em ăn Tết chậm hơn mọi người một chút thôi

Nguồn: Bobby Vu cho Vietcetera

am-bung-an-long

Năm 2018, em ở dưới quê lên Sài Gòn đi học. Trước khi đi, mẹ dặn dữ lắm, dặn nhiều nhất là lo học hành cho chăm chỉ. Em biết là mẹ lo nếu em không tập trung học thì không kiếm được việc tốt mà thoát khỏi cảnh quê. Nhưng em cứ thấy chộn rộn trong lòng. Vì nhà mình cũng không khá giả, còn em út nữa, nên cỡ 1 tháng sau, khi lịch học trống là em tranh thủ kiếm việc đi làm thêm.

Vậy mà chị biết không, tới lúc xin được việc, đi làm mới được 2 ngày là em đã muốn nghỉ liền.

Đứng cả mấy tiếng phục vụ khách, cặp giò chưa quen nên muốn rớt ra. Khách hỏi “lấy cái tẩy”, hay chị quản lý bảo “lấy cái ky” thì em cứ lóng ngóng, thiệt thà hỏi lại. Mười mấy năm trên đời, em đâu biết cái tẩy là cái ly đá, hay cái ky là cái hốt rác. Thấy anh chị, bạn bè nhiều người nhanh nhẹn, hỏi tới đâu làm nhoay nhoáy tới đó, nhìn lại mình mà thấy kém cỏi.

Nhiều hôm đi làm về lúc 11 giờ đêm, ngước lên nhìn trời mà cảm giác giấc mơ của mình cũng chỉ còn sáng lờ mờ như bầu trời đêm của Sài Gòn. Đường xá đông đúc mà mình thì lủi thủi. Nhớ nhà mà không dám gọi cho mẹ. Nhưng cái quyết tâm dù có thế nào thì ít nhất cũng phải kiếm tiền lo được cái ăn cái mặc cho bản thân đặng phụ gia đình vẫn giữ em đi tiếp.

Năm đầu tiên đó, sau mấy tháng làm lụng, em ngồi trên xe chuẩn bị về quê ăn Tết rồi thì chị quản lý gọi điện. Chị bảo em ở lại giúp chị làm thêm một chút trong Tết, tiền lương được nhân gấp đôi, gấp ba.

Người ta hay nói mấy đứa ở lại làm Tết là chỉ có ham tiền. Tết là phải về nhà đoàn viên. Nhưng em không sợ người ta chê em ham tiền, em chỉ sợ mẹ lo. Sau một hồi suy nghĩ, em quyết định xuống xe, tới chỗ làm và gọi video cho mẹ - điều mà em đã nghĩ sẽ không bao giờ làm, vì để mẹ biết thì chắc chỉ có nghỉ.

Vậy mà mẹ không nói gì, chỉ cười nhẹ gật đầu, rồi hôm sau bà lẳng lặng gửi vào cho em một chiếc thùng nho nhỏ. Mở ra thì thấy đòn bánh tét, hộp thịt kho với mấy gói bánh mứt. Toàn là những món "của nhà trồng được". Cầm quà trên tay mà mắt mũi cay xè, cứ như hơi nóng của tình thân thông qua bánh trái mà phả vào người mình.

Thế là sau đó, lần đầu tiên, em gọi điện về nhà liên tù tì mấy ngày để mọi người yên tâm rằng em ở đây vẫn “ăn Tết”. Lớn xác rồi nhưng vẫn được nhận lì xì, có khi là từ khách hàng, anh chị quản lý, có khi từ đồng nghiệp. Cầm chiếc phong bì đỏ dù chỉ có 5 ngàn, 10 ngàn thôi em cũng thấy vui râm ran, tưởng tượng mình đang bé lại. Tối làm việc xong tụi em cũng ăn tiệc tất niên, tân niên với nhau. Thậm chí, mọi người còn xúm xít nói chuyện với ba mẹ cùng em, chẳng khác gì anh em người thân.

Vui là thế, nhưng em nghĩ cái-Tết-thật-sự của em đến chậm hơn một chút so với người khác.

Sau đợt làm Tết, em để dành được một số tiền và mua quà về. Mẹ cầm chiếc áo mới em đưa lật qua lật lại, chưa kịp cười thì giọng đã chùng xuống, hỏi có đắt không con. Nhìn qua chiếc tủ đồ vẫn nguyên si những món từ năm trước của mẹ, em chỉ dám nói nó có vài trăm như hàng chợ. Thế rồi mẹ cười, ướm thử chiếc áo.

Em chợt nghĩ, mình đã có thể kiếm tiền dư dả chút đỉnh để mua những thứ đắt hơn, nhưng đắt hơn thế nào đi nữa mà mẹ không vui thì cũng chẳng còn ý nghĩa. Bởi thế, muốn kiếm tiền thì lo kiếm tiền, mẹ chẳng cấm, nhưng chỉ là đừng quên trong tiền phải có cái tình.

Năm nay đã là năm thứ 4 em làm việc tại đây. (Việc học cũng gần kết thúc). Em sẽ lại làm Tết, nhưng em biết điều đó sẽ chẳng làm mất đi hết cái khí Tết đoàn viên như người ta vẫn nói. Chỉ cần được nhìn thấy nụ cười của những người yêu thương thì lúc nào em cũng thấy “Tết”.

Tết này, có nhiều người con chẳng kịp về quê ăn Tết, nhưng đừng quên, luôn có những "Gia đình" chẳng cần phải chung một cái họ luôn sẵn sàng yêu thương và sẻ chia những lo toan cùng bạn. Cùng Manwah nói về những tình cảm đặc biệt ấy tại: https://www.facebook.com/Manwah.Taiwanese.Hotpot.GoldenGateGroup/