Chuyển giờ học chính có ý nghĩa gì khi vẫn phải học thêm? | Vietcetera
Billboard banner
24 Thg 10, 2022
Cuộc SốngĐời sốngNhật Ký

Chuyển giờ học chính có ý nghĩa gì khi vẫn phải học thêm?

Dường như trường học ngày xưa vừa cho tôi bao kỷ niệm tuổi mới lớn đẹp đẽ, vừa tàn phá sức khỏe của tôi.
Chuyển giờ học chính có ý nghĩa gì khi vẫn phải học thêm?

Nguồn: Long Vũ

12 năm học phổ thông, tôi là học sinh gương mẫu. Ngoài chuyện sơ vin, áo trắng cho vào trong quần, tôi còn luôn đến trường trước 7 giờ sáng. Tấm ảnh trên tối và rung vì được tôi chụp lúc 6h45 sáng mùa đông, khi trời chưa kịp có nắng, ngày tôi học cấp 3.

Những đứa trẻ nghiêm túc như vậy thường hoặc là bị bắt nạt, hoặc là đi làm sao đỏ. Tôi bị bắt nạt trước, sau đó được bổ nhiệm làm sao đỏ và bí thư lớp. Những ngày tháng đi học tưởng là dễ chịu đối với người học trò có quyền được phạt những người học trò khác, nhưng ngày tôi ngồi ghế nhà trường vẫn đầy áp lực.

Sinh ra trong một gia đình “có trên có dưới,” thực tế là tôi sợ kỷ luật chứ không hề thích nghi tuyệt đối với nó. Vào tiết 1 lúc 7 giờ sáng là một cơn ác mộng đối với mọi học sinh, tôi không phải ngoại lệ. Và nay, khi giờ đó đã được đẩy muộn thêm nửa tiếng thành 7h30, tôi muốn chúc mừng các em học sinh.

Tôi biết có nhiều kiểu cách học sinh “lách luật” để bảo toàn sức khoẻ, như xin cáo ốm để được nằm ngủ ở phòng y tế tiết đầu tiên, hoặc ngủ gật trong những tiết học phụ. Tôi quá “hèn” để làm những điều đó và vui vì lứa sau được đi đường thẳng, chứ không đi lòng vòng chỉ để đỡ mệt.

Dường như trường học ngày xưa vừa cho tôi bao kỷ niệm tuổi mới lớn đẹp đẽ, vừa tàn phá sức khỏe của tôi. Tôi thường xuyên đến trường trong bộ dạng mắt đỏ hoe và thâm quầng vì thiếu ngủ, song thầy cô lại coi đó như một sự gương mẫu mà cán bộ lớp nên có. Nhẽ ra sức khoẻ không nên là thứ người dạy và người học nên thoả hiệp, và sự mệt mỏi không nên được coi như một phẩm cách cao đẹp.

Hơn nửa thập kỷ kể từ ngày tốt nghiệp phổ thông, các nhà làm chính sách giáo dục mới lắng nghe tiếng nói và sức khoẻ của học sinh. Nhưng dịch giờ học tiết 1 từ 7h đến 7h30 mới chỉ giải quyết được bề mặt của giờ giấc, cùng tác động của nó tới học sinh. Chúng ta đều biết phải kết thúc giấc ngủ quan trọng nhất trong ngày quá sớm sẽ gây ra nhiều hậu quả, nhưng bắt đầu giấc ngủ này quá muộn cũng gây hao mòn sức lực, mà chẳng ai quan tâm đến.

Chuyển giờ vào học không có nhiều nghĩa lý nếu học sinh vẫn phải đi học thêm ngoài giờ, về nhà muộn màng, ăn tối và vệ sinh cá nhân vào lúc nửa đêm. Đó từng là thời gian biểu của lứa chúng tôi ngày đi học cấp 2, cấp 3. Buổi sáng, chúng tôi học chính khoá. Chiều, chúng tôi học đội tuyển, thể dục, và làm các hoạt động ngoại khoá. Buổi tối, chúng tôi mài nốt đũng quần ở lớp luyện thi đại học hoặc luyện văn bằng ngoại ngữ để du học.

24 giờ dường như là không đủ để người học trò Việt Nam làm kịp bài tập về nhà, nâng cao “văn hoá đọc,” phụ giúp gia đình nấu nướng, giặt giũ, hay ít nhất là chỉ thư giãn để tái sản xuất sức lao động cho ngày hôm sau. Các chuyên gia đã bàn nhiều về việc học sinh bố trí thời gian biểu như thế nào cho hiệu quả, nhưng điều họ không bàn đến là người học trò có được dạy về sự tự do và chủ động để tự quản lý thời gian của mình hay không, và chúng có biết tự chăm sóc chính mình?

Trên internet những ngày qua cũng có nhiều bình luận không đồng tình với giờ vào học mới lúc 7 rưỡi sáng. Họ cho rằng, học sinh nên làm quen với phép tắc kỷ luật kiểu quân đội để sau này có đức tính cần cù và kỷ luật thép “như người Nhật.” Còn tôi thì thấy, kỷ luật nằm ở chuyện một người có đúng giờ theo đúng cam kết với người khác hay không, bất kể deadline, lịch học hoặc lịch làm rơi vào ban sáng, chiều nay tối.

Như vậy, câu chuyện đổi giờ học thực tế không chỉ là giờ giấc hay thời gian biểu. Bức tranh rộng hơn, chúng ta cần bàn đến việc nhà trường cần làm gì để thế hệ tương lai biết trân trọng thời gian và sức khoẻ của chính mình và của người khác. Những lớp học thêm bổ trợ cho lớp chính, vốn ăn sâu vào văn hoá giáo dục của chúng ta, đã tạo ra nhiều ngoại lệ không đẹp: học trò có thể đánh đổi sức khoẻ của mình chỉ để thi vượt cấp.

Ngoại lệ đó sau này có thể dẫn đến sự tiếp diễn của một “nền văn hoá hối hả” (hustle culture), trong đó sự thành công “bóc sức” quan trọng hơn là việc ta có thể sống lành mạnh và hạnh phúc. Câu chuyện cần phải bàn thảo xa hơn: học sách vở bao nhiêu là đủ, và học ở cơ thể mình bao nhiêu là thiếu?