Cô đồng xem bói có gì hay mà ai cũng "đúng nhận sai cãi"? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Cô đồng xem bói có gì hay mà ai cũng "đúng nhận sai cãi"?

Bói toán sẽ không là mê tín dị đoan nếu chúng ta coi đó là lời khuyên trong cuộc sống, hay một cách giải tỏa nhu cầu tinh thần để có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Cô đồng xem bói có gì hay mà ai cũng "đúng nhận sai cãi"?

Nguồn: Tiktoker T.H

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều clip “cô đồng xem bói”, ngồi bổ cau và nói về lá số tử vi của người khác.

Người phụ nữ xuất hiện trong clip được gọi là "cô đồng T.H." Đầu năm 2021, cô này bắt đầu đăng các đoạn video hầu đồng, sau đó chia sẻ clip, phát livestream việc xem bói dưới hình thức bổ cau.

Cho đến nay, mỗi clip của người này đang thu hút hàng triệu lượt xem trên một số nền tảng, hành động bổ cau trở thành trào lưu khiến các Tiktoker đua nhau bổ hoa quả theo. Thậm chí, câu nói “đúng nhận sai cãi” còn trở thành từ khoá được sử dụng khắp nơi.

2. Vì sao clip này lan truyền nhanh trên mạng xã hội?

Vài năm trở lại đây, các hình thức bói toán và xem online đã nở rộ trên các nền tảng mạng xã hội. Không chỉ xem tử vi online, những dịch vụ khác như coi tarot, bản đồ sao, cung hoàng đạo cũng được mọi người quan tâm rất nhiều.

Nội dung của những clip này thường là tiên đoán hay đưa ra lời khuyên về công việc, tình yêu, tiền bạc hay cả các hạn xui rủi sắp đến. Chỉ cần nhấn vào một video về xem bói, thuật toán sẽ tiếp tục đề xuất nội dung tương tự như "Thông điệp tuần mới," "Vận may của người sinh năm 199x một tháng tới",...

Đối với trường hợp của cô đồng T.H, phong cách đặc trưng trong các video của cô này trên Tiktok là vừa bổ cau vừa xem bói. Kèm theo đó, "đúng nhận sai cãi" trở thành câu nói "cửa miệng" của sau mỗi lần "phán" về lá số tử vi bản mệnh.

Với tốc độ nói nhanh không vấp, giọng điệu dứt khoát, tài khoản này nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng trên nền tảng này và thu về lượt tương tác cao.

Các chuyên gia cho biết, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lưu lượng truy cập trực tuyến tăng nhanh đối với các dịch vụ tư vấn về tử vi và tâm linh. Hơn nữa, khi càng tìm xem nhiều những clip coi bói như vậy, các thuật toán của mạng xã hội như Tiktok sẽ lưu giữ bất cứ thứ gì bạn tìm kiếm hay "thả tim" trên nền tảng.

Bạn càng tìm những nội dung yêu thích, chúng sẽ càng ghi nhớ và cung cấp các video liên quan cho bạn.

3. Phản ứng của cộng đồng mạng và các bên liên quan như thế nào?

Sáng 8/2, lãnh đạo UBND thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) cho biết UBND thị xã đã giao cơ quan chuyên môn và Công an thị xã vào cuộc xác minh trường hợp này. Trong quá trình xử lý vụ việc, nếu xác định có vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có ý kiến yêu cầu gỡ bỏ những video, clip có nội dung vi phạm pháp luật liên quan đến bói toán, mê tín dị đoan của cô đồng.

Mặt khác, câu nói "đúng nhận sai cãi" hay "bổ cau" đã trở thành xu hướng gần đây, nhiều người làm sáng tạo nội dung và nghệ sĩ Việt cũng chạy theo trào lưu này. Câu nói và hành động này là "miếng hài" được họ phóng tác, lồng ghép vào nội dung của mình, mang đến nhiều tiếng cười.

Dàn Tiktoker nổi tiếng như Long Chun, Tun Phạm, Bông Tím hay diễn viên Lê Dương Bảo Lâm nhanh chóng cho ra những sản phẩm “bắt trend,” mang đến nhiều tiếng cười. Những video này chứa ý nghĩa "mỉa mai" video gốc khi cũng khai thác yếu tố lòng tin, sự yếu đuối con người để tạo nên tiếng cười giải trí cho khán giả. Đây chính là lý do giúp trend "đúng nhận sai cãi" được nhiều người đón nhận.

Ở Facebook, câu nói “đúng nhận sai cãi" cũng được nhiều người dùng hay các fanpage sử dụng đăng trong các dòng trạng thái, được thay đổi đa dạng theo sở thích cá nhân. Google Trends thậm chí còn ghi nhận lượng tìm kiếm thông tin lớn xoay quanh cụm từ khóa này, có thời điểm đạt đỉnh 100 (giá trị tìm kiếm cao nhất cho một cụm từ).

4. Tại sao người ta có xu hướng đi xem bói đầu năm và tin vào bói toán?

Xem bói không xa lạ với người dân Việt Nam. Hoạt động này càng diễn ra nhiều hơn vào dịp đầu năm. Không riêng người lớn tuổi, giới trẻ hiện nay ngày càng thích đi xem bói. Với nhiều người trẻ, xem bói là cách giúp giải tỏa áp lực tâm lý và lấy lại sự tự tin trong cuộc sống. Ngay cả khi kết quả không chính xác, họ vẫn thấy tinh thần ổn hơn.

Có nhiều nguyên nhân khiến việc xem bói ngày nay được đón nhận và trở nên phổ biến. Đầu tiên là tính hiếu kỳ, tò mò thử xem có đúng với mình không. Thứ hai, người trẻ ngày nay cần nhiều hơn những liều thuốc trấn an tinh thần trong thời đại nhiều biến động và không biết tin vào đâu.

alt
Nguồn: Allure

Nhiều người nhìn nhận việc xem bói như liều thuốc trấn an tinh thần, đặc biệt là trong dịp năm cũ qua, năm mới tới. Những thông tin người xem tiếp nhận được sử dụng với mục đích tham khảo, đôi khi là sử dụng để soi chiếu lại những sự kiện đã, đang và sẽ xảy ra trong cuộc sống.

Hơn nữa, nhiều thầy bói hay dự đoán việc xấu xảy ra trong tương lai cho khách hàng của mình. Bộ não con người lại thường ghi nhớ rất lâu những điều không hay, chi tiết đáng sợ, ma mị nên khi nhận những thông tin không tốt, khách hàng rất dễ bị ám ảnh. Sự hoang mang và yếu đuối dễ khiến người ta càng tìm đến những câu chuyện và lời khuyên tâm linh.

5. Kinh doanh tâm linh ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra như thế nào?

Các hình thức kinh doanh mang dấu ấn của tâm linh ngày nay không đơn thuần chỉ là đi lễ Đền thờ hay Chùa nữa. Ngày nay, với một thiết bị được kết nối mạng, chỉ cần gõ những từ khóa như, xem bói online, xem tử vi, xem tarot… hàng trăm trang quảng cáo xem bói hiện ra, thu hút nhiều người.

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện rất nhiều lời quảng cáo xem bói miễn phí nếu hữu duyên hoặc bán các vật dụng liên quan đến cầu tài lộc. Nhiều người còn quay livestream để thu hút người xem trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau.

Đặc biệt, thời điểm đầu năm mới gần đây thường là thời điểm "hái ra tiền" của các dịch vụ coi bói online. Mức giá được công khai dao động từ 300.000 - 500.000đ/ khách, chỉ cần gửi ngày tháng năm sinh và ảnh chân dung chưa qua chỉnh sửa, từ đó thầy sẽ phán qua mạng. Không chỉ xem bói qua hình thức livestream, nhiều người còn xem bói qua điện thoại, nhắn tin Zalo.

Ngoài ra, có những trường hợp việc hành nghề mê tín, dị đoan còn đi kèm với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, người nào đó nói ra thông tin về bói toán, tướng số thiếu cơ sở khoa học khiến đối phương lo sợ đến mức phải đặt tiền để "hóa giải" thì đó là dấu hiệu lừa đảo.

Bói toán sẽ không là mê tín dị đoan nếu chúng ta coi đó là lời khuyên để tham khảo, hay một cách giải tỏa nhu cầu tinh thần để có thêm niềm tin vào cuộc sống.

Hãy luôn tỉnh táo và đặt ra những giới hạn cho mình, bởi hậu quả sẽ không chỉ là sự mất mát về thời gian và tiền bạc, mà còn dễ khiến bạn trở thành nạn nhân của lừa đảo tiền bạc, lợi dụng niềm tin để kiếm chác.