Có thật sự đường là “kẻ thù” của làn da? | Vietcetera
Billboard banner

Có thật sự đường là “kẻ thù” của làn da?

Oan ức quá, bao nhiêu thứ có thể làm da xấu đi, vậy nhưng cần tìm một kẻ "thủ ác", thì đó lại chính là… đường!
Có thật sự đường là “kẻ thù” của làn da?

Nguồn: Unsplash

Nếu bây giờ bạn lên Google để tra cứu đường và làn da thì đến 99% bài viết sẽ liệt kê ra hàng loạt những tác hại. Nào là ăn đường nhiều nổi mụn, nhanh lão hóa, da dễ dị ứng… Thế nhưng có bao giờ bạn tự hỏi liệu đường có phải là "con cừu đen", kẻ luôn bị mang ra để lý giải cho những vấn đề mình gặp phải.

Bài viết này sẽ giúp chúng ta đi trên con đường ngọt ngào để hiểu hơn về hợp chất này. Từ đó, ta có thể hảo ngọt một cách có ý thức hơn và nhìn ra những nguyên nhân khác khiến làn da hay đỏng đảnh.

Có phải loại đường nào cũng không tốt cho da?

Theo các nhà khoa học, có ba loại phân tử đường và (không may là) chúng đều có tác dụng bất lợi đối với cơ thể nếu sử dụng với lượng quá nhiều. Đầu tiên là đường Glucose (thường có trong bánh mì và tinh bột nói chung), chúng được cơ thể chuyển hóa nhanh nhất, điều đó có nghĩa là nó làm tăng lượng đường trong máu.

Đường fructose (có nguồn gốc từ mía, củ cải đường và ngô, hay còn gọi là "đường trái cây") ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu nhưng có liên quan đến việc tăng cân và mất cân bằng nội tiết tố vì nó phải được chuyển hóa ở gan. Và cuối cùng là Sucrose (đường trắng) là sự kết hợp của cả fructose và glucose là thứ quen thuộc mà hầu hết chúng ta dùng hằng ngày.

alt
Đường từ các loại trái cây sẽ tốt cho sức khỏe khi nạp vào lượng vừa phải | Nguồn: Unsplash

Ở đây, có hai thứ chúng ta cần hiểu rõ. Theo chuyên gia dinh dưỡng và huấn luyện viên thực phẩm Anupama Menon giải thích thì nếu nạp đường từ các nguồn từ nhiên như trái cây (táo, dứa), mía, mật ong… với một số lượng vừa phải thì ít có tác dụng phụ cho cơ thể. Những loại thực phẩm này không chỉ có đường mà còn khoáng chất, giúp bổ sung các enzym cho cơ thể hoạt động khỏe mạnh. Bác sĩ Harold Lancer (bác sĩ da liễu của Kim Kardashian, Beyoncé) cũng nhấn mạnh rằng bạn phải chú ý đến chỉ số đường huyết của thực phẩm (glycemic index).

Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp sẽ quản lý việc sản xuất insulin, điều này sẽ làm chậm quá trình tăng đường huyết. Ví dụ dưa hấu có chỉ số cao trong khi kiwi, quả việt quất và quả mâm xôi có chỉ số thấp hơn.

alt
Đường trong táo thì tốt nhưng đường trong bánh táo thì có thể nên cân nhắc lại bạn nhé | Nguồn: Unsplash

Kế đến, thứ thật sự có hại cho làn da là các loại thực phẩm được thêm đường tinh luyện (rất nhiều calories nhưng không hề có chất dinh dưỡng nào đi kèm). Bởi bản thân nhiều loại thực phẩm đã có đường sẵn (ví dụ bánh mì), nay lại thêm đường (để ăn ngon miệng hơn) nên trở thành dư thừa. Chính những cách nạp này mới khiến đường trở thành “tội đồ” cho làn da.

Về mặt nạp vào cơ thể thì có vẻ như đường thường đóng vai phản diện. Nhưng nếu sử dụng mục đích ngoài da thì chúng xứng đáng nhận vai thiên thần. Đường là chất giữ ẩm tự nhiên, nghĩa là nó hút độ ẩm từ môi trường vào da. Vì vậy, khi bạn thoa các sản phẩm có đường hoặc các dẫn xuất của đường, chúng thực sự sẽ giúp cấp nước cho làn da của bạn và giữ độ ẩm bên trong.

Những “tòng phạm” khác bên cạnh đường

Có lẽ bạn thường mua trà sữa theo kiểu “cho ít đường, 30% đường…”. Chúng ta có thể cảm nhận và ước chừng thế nào là quá ngọt. Đây cũng là lý do vì sao đường hay bị nhớ mặt gọi tên trong những nguyên nhân làm da xấu đi. Nhưng trong một loại thức ăn có nhiều thành phần khác, và chúng cũng có hại cho làn da không kém nhưng chúng ta lại vô tình lờ đi. Chẳng nói đâu xa, một cốc trà sữa có thể giảm đường nhưng thành phần nhiều lại là sữa bò hoặc bột sữa. Những thành phần này cũng gây hại cho da như dị ứng, mụn nội tiết.

alt
Nhiều thành phần khác cũng gây hại do da không thua gì đường | Nguồn: Unsplash

Theo bác sĩ da liễu Joshua Zeichner, các loại thực phẩm bản thân chúng có chỉ số đường huyết cao, chẳng hạn như bánh mì trắng, mì ống trắng và khoai tây, có thể tàn phá làn da của bạn. Thực phẩm có chỉ số đường huyết cao không chỉ gây nổi mụn mà còn có thể liên quan đến tình trạng lão hóa sớm. Nhưng vấn đề là chính chúng ta chủ động nạp những loại thực phẩm giàu đường này vào cơ thể với số lượng lớn. Vậy hóa ra, đường vẫn “vô tội” cho đến khi chúng ta tự ăn quá nhiều.

alt
Thừa đường không chỉ bởi thực phẩm mà còn ở số lượng mà chúng ta nạp chúng | Nguồn: Unsplash

Bên cạnh đó, lỗi còn nằm ở nhiều nhà sản xuất cố ý ngụy trang đường với nhiều "nhân dạng" khác nhau. Chẳng hạn đường có thể đứng sau những tên kết thúc bằng “ose” hoặc các thành phần sử dụng bất kỳ từ nào sau đây: syrup, chất cô đặc, mật ong hoặc mật hoa. Chính sự mù mờ này làm chúng ta lầm tưởng rằng mình nạp ít đường nhưng thực tế thì trái ngược. Ngày nay, bạn sẽ tìm thấy đường dưới hơn 50 tên thành phần khác nhau.

Chất làm ngọt nhân tạo có làm hại da không?

Bác sĩ Vishakha Shivdasani, chuyên gia dinh dưỡng và bệnh lối sống cho biết, việc sử dụng lâu dài các chất thay thế đường tự nhiên hoặc đã qua chế biến cũng có thể làm thay đổi vị giác của bạn. “Vì chúng ngọt hơn đường thông thường nên những người sử dụng chúng trong thời gian dài có xu hướng thấy trái cây và rau quả không ngon miệng. Sự phụ thuộc của bạn vào vị ngọt tăng lên”. Trong khi đó, bác sĩ Hadley King giải thích, ngay cả những thực phẩm được làm ngọt nhân tạo, chẳng hạn như nước ngọt, nước sốt mì ống và nước trái cây, cũng có thể gây ra vấn đề cho làn da của bạn. "Chất làm ngọt nhân tạo đã được chứng minh là có thể ảnh hưởng đến hormone của chúng ta giống như đường, do đó chúng cũng có thể góp phần gây ra mụn trứng cá".

Làm sao để vừa hảo ngọt mà vẫn đẹp da?

Nhiều người đang tiến dần đế cách ly đường khỏi đời sống. Thế nhưng, chúng ta nên hiểu rằng bản thân hoàn toàn có thể ăn những thực phẩm có vị ngọt và đồng thời vẫn có làn da khỏe mạnh. Đó là khi ta nạp vào cơ thể có chừng mừng những thực phẩm chứa đường từ thiên nhiên như đã nêu ở đầu bài. Nếu cắt tất cả lượng đường nạp vào cơ thể thì có lẽ chúng ta sẽ “ngủm củ tỏi” trước khi nhận ra là da mình đang đẹp lên hay không.

Theo bác sĩ da liễu Jamuna Pai thì mức đường thấp có thể làm cho não thiếu năng lượng, dẫn đến sự mất tập trung và mệt mỏi. Việc cắt giảm đường đang chỉ đích danh các loại đường được thêm vào mà thôi (Added sugar). Theo WEBMD cho biết một số chuyên gia còn khuyến nghị lượng đường thêm vào mỗi ngày chỉ nên là 9 thìa cà phê (38 gam) với nam và 6 thìa cà phê (25 gam) đối với nữ.

alt
Một làn da đẹp là sự tổng hòa nhiều yếu tố, nếu chỉ "xử tội" đường mà không quan tâm yếu tố khác thì da cũng khó đẹp lên | Nguồn: Unsplash

Kế đến, chuyện đẹp da đẹp dáng không chỉ được quyết định bởi việc bạn có ăn ngọt hay không. Dư đường tuy là một nguyên nhân khiến da xấu đi, nhưng cắt giảm đường cũng chỉ một trong các cách khiến da đẹp lên. Trong mọi trường hợp, làn da đẹp được tạo thành thành từ sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm di truyền, cách chăm sóc da cũng như các yếu tố môi trường và lối sống.

Khi được hỏi về danh sách “kẻ thù” cho làn da, bác sĩ Harold Lancer xếp các loại độc tố môi trường như không khí và tia cực tím vị trí đầu tiên. Kế đến là thực phẩm gây nguy hiểm, yếu tố căng thẳng ở vị trí thứ ba, thiếu ngủ ở vị trí thứ tư và các thói quen chăm sóc da ở cuối cùng. Vậy nên, để sở hữu làn da đẹp, chúng ta đừng chỉ nên săm soi quá nhiều vào đường mà cần đặt thêm nhiều câu hỏi khác để xây dựng một quy trình toàn diện hơn để chăm sóc làn da và cơ thể.