Mỗi sản phẩm của Lenovo ra đời đều là thành quả của nhiều năm miệt mài lên ý tưởng, nghiên cứu, thiết kế, tìm nguồn cung ứng các vật liệu thô và chế tạo cho đến khi thành hình. Đó là một quá trình đòi hỏi những bộ óc tài ba nhất thiết kế ra những chiếc máy đầy đủ tính năng có thể làm thay đổi lối sống của người tiêu dùng hoặc thay đổi cách thế giới vận hành.
Từ khâu thiết kế các linh kiện riêng lẻ, lắp ráp chúng với nhau, cho đến cài đặt hệ điều hành – “bộ não” quyết định sức mạnh của thiết bị, quá trình chế tạo thiết bị điện tử là một công việc đồ sộ, cần đến các “phù thủy kỹ thuật số” với tài năng phi thường.
Kể từ khi thành lập vào năm 1984, Lenovo đã vươn lên và trở thành một doanh nghiệp dẫn đầu thị trường công nghệ, mỗi năm sản xuất hàng trăm triệu chiếc máy tính cá nhân và các thiết bị thông minh để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, Lenovo không đơn thuần là một nhà cung cấp công nghệ thông tin (IT vendor), đế chế này đã lột xác trở thành một nhà cung cấp các giải pháp và dịch vụ toàn diện. Với tầm nhìn chiến lược là đem đến “Công nghệ thông minh hơn cho tất cả mọi người” và bằng những giải pháp lớn lao và mạnh mẽ, Lenovo đã định hình lại và tái định nghĩa quá trình đổi mới sáng tạo trên khắp 180 thị trường mà công ty này đang hoạt động.
Không chỉ sở hữu bộ sưu tập các sản phẩm công nghệ đa dạng nhất thế giới, Lenovo cũng đang bứt phá trong đổi mới sáng tạo vì một tương lai kỹ thuật số bền vững và có đạo đức. Đó là tiến hành cách mạng hóa công nghệ hiện đại để biến công nghệ thành động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững, điều này hoàn toàn trái ngược với những quan niệm xưa cũ.
Hợp nhất công nghệ và phát triển bền vững
Trong suốt nhiều thập kỷ, người ta cho rằng khái niệm công nghệ bền vững là một nghịch lý hiển nhiên – hai từ “công nghệ” và “bền vững” tồn tại mâu thuẫn với nhau, đồng thời đối lập về mặt đạo đức. Khi nhân loại khám phá ra sức mạnh của công nghệ, đó là làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn, điều tất yếu là lượng rác thải nguy hiểm gia tăng trong khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên lại dần cạn kiệt.
Tuy nhiên, Lenovo đã kể một câu chuyện khác. Trong nhiều năm qua, Lenovo hợp tác với PCCW Solutions để đẩy mạnh vị thế dẫn đầu trong các giải pháp IT. Trong quá trình đa dạng hóa các dòng sản phẩm và dịch vụ, đế chế công nghệ quy mô toàn cầu này cũng đã tăng cường tham gia vào kinh tế tuần hoàn. Đây là mô hình sản xuất và tiêu thụ trong đó việc chia sẻ, cho thuê, tái sử dụng, sửa chữa, tân trang và tái chế các sản phẩm và nguyên vật liệu hiện có sẽ được thực hiện để kéo dài vòng đời của các sản phẩm càng lâu càng tốt. Lenovo đã sử dụng các nguyên liệu tái chế mới như magie, nhôm và nhựa đổ ra đại dương (ocean-bound plastic) trong quá trình chế tạo, sản xuất các sản phẩm. Trên thực tế, công ty này hiện đang sản xuất 248 sản phẩm có sử dụng nhựa tái chế vòng kín.
Đây chính là một phần trong tầm nhìn của Lenovo, hướng tới mục tiêu đạt được trạng thái net zero (mức phát thải ròng CO2 bằng không) vào năm 2050. Toàn bộ chuỗi giá trị của Lenovo chú trọng giảm thiểu phát thải khí nhà kính trên ba phương diện, đó là sử dụng các sản phẩm đã bán (đối với notebook, desktop - máy tính để bàn và server - máy chủ); các hàng hóa và dịch vụ đã mua; và quá trình vận chuyển đầu nguồn (upstream transportation).
Năm 2020, Lenovo đã đặt mục tiêu mới: giảm 92% lượng phát thải khí nhà kính, vượt xa mục tiêu giảm 40% vào năm 2010. Thông qua việc thực hiện nhiều dự án nâng cao hiệu suất năng lượng và lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo trong các nhà máy sản xuất lớn nhất của mình, Lenovo đang tạo ra những dấu mốc quan trọng trong các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu vượt trội hơn so với các công ty cùng ngành.
Năm 2021-2022, Lenovo đã công bố báo cáo tiến độ thực hiện các mục tiêu của năm 2030, trong đó lượng phát thải (trực tiếp) thuộc Phạm vi 1 và 2 theo tiêu chuẩn khí nhà kính GHG Protocol đã giảm 15%. Công ty này cũng đang tăng cường và chú trọng hợp tác với các nhà cung cấp để giảm cường độ phát thải trong toàn bộ chuỗi giá trị.
Ông Ivan Cheung, Giám đốc điều hành Lenovo khu vực châu Á – Thái Bình Dương kiêm Tổng giám đốc Lenovo khu vực Trung Á – Thái Bình Dương (CAP) cho biết: “Từ trước khi thế giới bắt đầu công cuộc ‘chuyển đổi số’, Lenovo đã nhận thức được rằng phát triển bền vững phải là trọng tâm cốt lõi trong hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài việc tuân theo các quy định của chính phủ, chúng tôi tin rằng khách hàng cũng có những kỳ vọng rất cao đối với những sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi trên hai phương diện là tính bền vững và công nghệ xanh.”
“Lenovo là hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Điều này có nghĩa là chúng tôi có tác động vô cùng lớn đối với nền kinh tế và môi trường. Chúng tôi lựa chọn nguyên vật liệu một cách cẩn thận, đồng thời tính toán đến khả năng tái chế của chúng và những yêu cầu đặt ra trong quá trình sản xuất,” ông Cheung bổ sung.
Lenovo cũng đang nghiên cứu và triển khai sử dụng các nguyên vật liệu nhằm đạt được mục tiêu hiệu suất năng lượng của desktop và server tăng thêm 50%, của Lenovo notebook và các sản phẩm Motorola là 30% vào năm 2030. Lenovo cũng đang thiết kế bao bì sản phẩm trong đó có sử dụng nhiều loại nguyên liệu bền vững hơn như tre và mía. Công ty này cũng đã phát triển phương pháp vận chuyển theo “giá và cuộn” bền vững hơn đối với các sản phẩm server, kết quả là lượng tiêu thụ bìa các tông trên mỗi giá đã giảm hơn 47kg.
Ông Cheung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo duy trì các hoạt động bền vững trên khắp các chuỗi cung ứng của Lenovo. Các chính sách và tầm nhìn về Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp (ESG) của một công ty sản xuất hoặc một nhà cung cấp là yếu tố vô cùng quan trọng mà Lenovo đã xem xét và đánh giá trước khi đưa ra quyết định hợp tác, nhằm đảm bảo rằng tất cả các đối tác đều đi chung một con đường hướng đến tương lai bền vững.
Nhắm tới thị trường châu Á - Thái Bình Dương
Là thương hiệu công nghệ hàng đầu trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, Lenovo có sức ảnh hưởng vô cùng lớn trong công cuộc phát triển kĩ thuật số tại khu vực này, thế nhưng Lenovo không hề xem đây là một sự thật hiển nhiên.
Là người chịu trách nhiệm chính ở thị trường châu Á Thái Bình Dương, ông Cheung lý giải rằng ưu thế dẫn đầu cùng với khả năng thâm nhập sâu vào thị trường đã tạo điều kiện để Lenovo hiểu rõ hơn các nhu cầu và yêu cầu của người tiêu dùng nơi đây, cũng như vai trò của Lenovo trong việc quản trị cuộc khủng hoảng khí hậu trong khu vực.
“Khu vực châu Á Thái Bình Dương đem đến nhiều cơ hội độc đáo nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho Lenovo. Khu vực này chịu ảnh hưởng nhiều nhất của của biến đổi khí hậu. Vì vậy chúng tôi hiểu rõ vai trò của mình trong việc làm thay đổi cách thức người tiêu dùng ở châu Á Thái Bình Dương thúc đẩy sự phát triển bền vững thông qua các sản phẩm mà chúng tôi tạo ra,” ông Cheung cho biết.
Theo chia sẻ của ông Cheung, tầm nhìn ESG của Lenovo cũng nhất quán với cam kết về khí hậu toàn cầu nêu ra trong Hiệp định Paris. Tuy nhiên, các thị trường khác nhau lại cần có những chiến lược khác nhau để hiện thực hóa tầm nhìn đó. Nhật Bản và Singapore đã đưa ra các bài kiểm tra và các giới hạn dấu chân carbon (carbon footprint) riêng. Trong khi đó, nước Úc lại có nguồn ngân sách tài trợ cho các công ty có các sáng kiến ESG. Đài Loan lại áp dụng một phương pháp khác để thúc đẩy các sáng kiến đổi mới liên quan đến môi trường.
Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch xanh trong lĩnh vực công nghệ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương vẫn chưa hoàn tất, anh Giáp Nguyễn, Tổng giám đốc Lenovo Việt Nam, thừa nhận. Cụ thể là thị trường này mới chỉ bắt đầu vào đà chuyển dịch. Lời cam kết đạt được mục tiêu trung hòa cacbon vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn còn bỏ ngỏ, dù vậy cam kết đó cũng đã kích thích và thúc đẩy các hành động thiết thực.
“Thời gian gần đây, Việt Nam đã chủ động trong phong trào chống biến đổi khí hậu. Là thương hiệu hàng đầu trên thị trường, chúng tôi cũng xem xét các quy định của chính phủ về đầu tư và phát triển bền vững, từ đó vạch ra các chiến lược của mình. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng Gen Z và người tiêu dùng thế hệ thiên niên kỷ trong khu vực đặc biệt quan tâm đến môi trường khi đưa ra các lựa chọn trong cuộc sống,” anh Giáp chia sẻ thêm.
Thế hệ người tiêu dùng mới ở Việt Nam đã chú ý nhiều hơn đến cuộc khủng hoảng khí hậu, họ cũng hiểu rõ các thương hiệu mà họ lựa chọn ủng hộ. Từ tìm hiểu sâu về nguồn gốc của sản phẩm cho đến tái chế bao bì sản phẩm, thế hệ trẻ đang ngày càng cam kết hơn, không chỉ “thức tỉnh” mà còn chủ động tích cực tham gia bảo vệ môi trường.
“Đây chính là lý do chúng tôi tăng cường các sáng kiến phát triển bền vững ở cấp thị trường. Dựa trên các xu hướng đã quan sát được, chúng tôi đã cho ra mắt các sản phẩm có khả năng tái chế tốt hơn và các sản phẩm được chứng nhận trung hòa cacbon như laptop Yoga Slim 9i 14-inch đẳng cấp. Với tư cách là một thương hiệu, chúng tôi muốn đáp ứng các kỳ vọng của người tiêu dùng, những người đã tin tưởng các mục tiêu phát triển bền vững của chúng tôi.”
Đổi mới sáng tạo vì một tương lai thông minh hơn
Tiếp nối thành công trong việc thực hiện các nỗ lực phát triển bền vững qua nhiều thập kỷ, Lenovo đã nhắm đến những tham vọng lớn lao hơn. Đế chế công nghệ này đang nghiên cứu và triển khai chiến lược để cung cấp các dịch vụ và chương trình hội thảo nhằm hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của khách hàng, bao gồm các dịch vụ khôi phục tài sản (ARS), đóng gói số lượng lớn (bulk packaging), và các hội thảo chuyên đề. Những hoạt động này sẽ có tác động dần dần nhưng lâu dài trong việc cắt giảm lượng phát thải cacbon trong các quá trình vận chuyển hai chiều và hệ thống bao bì sản phẩm.
Lenovo đang chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn thông qua những đổi mới sáng tạo trong chuỗi cung ứng, thiết kế sản phẩm và các dịch vụ của mình. Theo kế hoạch của Lenovo, trong vòng 3 đến 4 năm tới, 84% các sản phẩm cần sửa của thương hiệu này sẽ được sửa chữa mà không cần gửi PC đến trung tâm bảo hành, trong khi đó 76% các linh kiện PC có thể sửa chữa được gửi về các trung tâm bảo hành sẽ được sửa chữa để sử dụng trong tương lai. Một mục tiêu khác là đến năm 2026, hơn 362 nghìn tấn sản phẩm đã hết tuổi thọ của Lenovo sẽ được tái chế và tái sử dụng.
Ở một quy mô tầm cỡ hơn, gần đây gã khổng lồ công nghệ này đã hoàn thành đợt chào bán trái phiếu xanh đầu tiên nằm trong kế hoạch chào bán trái phiếu với mức hai kỳ hạn theo Quy tắc 144A/Quy định S trị giá 1.25 tỷ đô la Mỹ. Đây là trái phiếu ESG đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ và có giá trị lớn nhất trên toàn cầu tính đến thời điểm hiện tại của năm 2022. Lenovo sẽ đầu tư một số tiền tương đương với thu nhập ròng từ Trái phiếu Xanh để tài trợ hoặc tái cấp vốn cho các dự án đủ điều kiện của công ty, có thể là dự án mới hoặc hiện đang triển khai, theo khung tài chính xanh trong các lĩnh vực hiệu suất năng lượng, năng lượng tái tạo, các tòa nhà xanh, các sản phẩm phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn, các quy trình và quá trình sản xuất, và vận tải xanh (clean transportation).
Với những thành tựu đã đạt được và những tham vọng rõ ràng về tiêu chuẩn ESG, Lenovo đã và đang tiếp tục đưa các mục tiêu về môi trường và khí hậu vào trong cam kết đổi mới sáng tạo của mình, đây chính là cam kết hàng đầu của Lenovo vì một tương lai bền vững và thông minh hơn cho tất cả mọi người.