Cuộc đời và nỗi cô đơn trong văn học đương đại Hàn Quốc | Vietcetera
Billboard banner

Cuộc đời và nỗi cô đơn trong văn học đương đại Hàn Quốc

Bạn đã từng có ý muốn trốn chạy khỏi thế giới? Hay đã từng lạc lõng và chẳng biết đi về đâu?
Cuộc đời và nỗi cô đơn trong văn học đương đại Hàn Quốc

Nguồn: Hân Nguyễn cho Vietcetera

Bên cạnh một mảng điện ảnh rực rỡ hay văn hoá nghệ thuật ngày càng phát triển, Hàn Quốc còn có cho mình một nền văn học đa dạng và ấn tượng không kém.

Văn học Hàn Quốc từ xưa đến nay luôn lựa chọn và khai thác những vấn đề cốt lõi của xã hội, con người. Chính vì thế, nỗi cô đơn dường như luôn là một đề tài không bao giờ cũ và luôn được kể dưới nhiều câu chuyện, góc nhìn khác nhau.

Dưới đây là 4 tác phẩm văn học Hàn Quốc viết về sự liên kết giữa con người cá nhân và thế giới. Qua đó, ta có thêm góc nhìn khác về sự cô đơn và dấn thân trong thời đại ai cũng dễ lạc lối này.

Trắng - Han Kang: Khi nhận ra mọi nỗ lực ẩn mình đều là bất khả

Trắng là hành trình suy tư (và trốn chạy) của Han Kang, với nỗi ám ảnh về màu trắng xuyên suốt. Màu trắng của tã lót. Màu trắng của sữa mẹ. Màu trắng của tuyết. Màu trắng của sương, của muối.

Nổi bật nhất trong tác phẩm là người chị có khuôn mặt trắng như bánh trăng tròn - chỉ sống hai tiếng trên đời rồi mất. Han Kang tiếp bước khắp nơi để nhìn và suy tư về màu trắng xung quanh mình. Cô quăng mình vào lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại.

Ở đó có những chuyển động của sự sống hay bất động, của cái chết và mất mát, để rồi cô nhận ra sự thật hiển nhiên: Ẩn mình trốn tránh khỏi thế gian là điều bất khả.

Trắng - Han Kang

Mọi bước chân Han Kang đi đều giúp cô tiến dần đến cột mốc thoát xác của nỗi đau và từ biệt một phần quá khứ. Đọc Trắng, ta thấy lạnh. Chẳng phải vì giọng văn mềm mại như sương của Han Kang, mà vì ý nghĩa sau những màu trắng tưởng chừng giống nhau, hóa ra lại mang những liên tưởng rất riêng.

“Chông chênh đặt một chân xuống rìa đời, không hở chút nào ý chí chen ngang, ta cất bước tiếp theo vào hư không. Chẳng phải vì chúng ta dũng cảm phi thường mà bởi làm vậy đâu còn cách nào khác.” - Trắng, Han Kang.

Một trăm cái bóng - Hwang Jung Eun: Đừng để sự tuyệt vọng và nỗi cô đơn nuốt chửng

“Khi một cái bóng sống dậy, tức là ta không thể chịu đựng thêm được nữa.”

Một trăm cái bóng là câu chuyện chứa đựng yếu tố kì ảo - làm sao cái bóng lại sống dậy được? Nhưng những gì mà biểu tượng “bóng” mang đến lại khiến tác phẩm dường như trở nên siêu thực.

Đã có những số phận nào bị lãng quên và lầm lũi sống như những cái bóng lặng câm? Hay có bao đam mê và hạnh phúc bị tuyệt vọng bóp nghẹt đến mức người ta mất đi tiếng nói và cuộc đời của mình.

Với nhịp kể chậm rãi tựa như đang thầm thì, Hwang Jung Eun đã khắc họa những gì đang bị bỏ lại trong một đời sống Hàn Quốc không ngừng chuyển động theo cách rất riêng. Những gì đang bị bỏ rơi là con người hay những căn nhà cũ? Hoặc cũng có thể là sự cô đơn lặng câm. Cả những bước chân tần ngần không biết nên bước đến đâu, bởi chẳng thể theo kịp guồng quay xã hội ngoài kia?

Một trăm cái bóng - Hwang Jung Eun

Cuộc sống trong trung tâm thương mại xập xệ, không theo kịp sự phát triển của thành phố được tác giả miêu tả qua sự rệu rã và lặng im của những người nơi đây. Eun Gyo và Mu Jae là hai người trẻ mang trong mình giấc mơ rất bình thường - sống một đời bình thường.

Họ đều đã nghe về câu chuyện những cái bóng sống dậy. Có những người đã không bao giờ nói một câu nào nữa. Nhưng trong sự u ám vẫn luôn thường trực khắp cả truyện, hai người trẻ tuổi đã can đảm nắm lấy tay nhau, từ đó vượt qua sự sống dậy của bóng đêm.

Đừng để nỗi cô đơn và bóng đêm nuốt chửng bạn, bởi sức mạnh của những kết nối xung quanh luôn là nguồn năng lượng cộng hưởng rất to lớn.

Trộm - Kim Ryeo Ryeong: Sự cô đơn thầm kín trong lòng thiếu niên trưởng thành

Trộm cho ta thấy những góc khuất tâm lí của những thiếu niên đang tuổi trưởng thành, vốn được vây lại vì không thể kiểm soát bản thân, để rồi làm tổn thương người khác và cả chính mình.

Trộm - Kim Ryeo Ryeong

Một cậu học sinh có đôi tay nhanh nhẹn không thể kiểm soát, vậy nên cứ đi trộm đồ như một thói quen khó bỏ. Một cô bé đã quá tuổi ngây thơ và cũng chưa đủ trưởng thành để bao dung, mở lòng với bố mình. Và cả một học sinh gương mẫu loay hoay tìm câu trả lời mình là ai và nên trở thành gì. Tất cả đều có ở bản thân những chiếc gai trong lòng.

Với quá trình tháo gỡ chẳng hề dễ dàng, bởi biết chấp nhận và vượt qua vốn là một bài học khó. Trong lòng mỗi người đều có một chiếc gai, liệu bạn đã đủ can đảm nhổ nó ra để thấy thanh thản hơn?

Cô gà mái xổng chuồng - Hwang Sun-mi: Khát khao tự do khiến bạn trở nên khác biệt

Đây là một cuốn sách được bộ giáo dục Hàn Quốc khuyến đọc, không chỉ bởi văn phong gần gũi giản dị hay câu chuyện dễ tiếp cận và nhiều tầng ý nghĩa, mà còn về một nghị lực phi thường mà chắc hẳn ai cũng sẽ được truyền cảm hứng.

Mầm Lá là một cô gà công nghiệp, nhưng cô luôn mong muốn được ấp một quả trứng, có một chú gà con của riêng mình. Cô khát khao làm mẹ và đồng thời cũng khát khao tự do. Điều đó khiến cô thêm hi vọng vào cuộc sống. Nhưng đồng thời, nó cũng làm Mầm Lá loay hoay trong hụt hẫng và cô đơn khi ở cạnh những cô gà công nghiệp khác.

Cô gà mái xổng chuồng - Hwang Sun-mi

Khi khát khao đủ lớn để biến thành hành động thì sự phi thường sẽ xảy ra. Sau lúc bị bệnh và quá đau buồn, cô không thể đẻ trứng được nữa. Mầm Lá bị vứt vào hố dành cho những con gà chết, nhưng đó mới chỉ là khởi đầu.

Cô đã rời khỏi cái lồng sắt để đến dưới những tán hoa Mimisa. Cô chiến thắng mụ Chồn luôn dòm ngó những con mồi béo bở. Cô đã được ấp trứng và con của cô đã cất cánh bay lên bầu trời cao rộng. Mầm Lá đã luôn sống mà chẳng phí hoài một phút giây, và hơn cả là giữ gìn tình yêu của một người mẹ đến trọn đời.

Đây là một câu chuyện phù hợp với mọi lứa tuổi bởi văn phong quá đỗi dung dị, dễ đọc. Nhưng nội dung truyền tải lại phi thường và đầy cảm hứng.