Cushman & Wakefield Việt Nam: Xu hướng bất động sản thương mại sau đại dịch COVID-19 - Recap “Vietnam Innovators” tập 22 | Vietcetera
Billboard banner

Cushman & Wakefield Việt Nam: Xu hướng bất động sản thương mại sau đại dịch COVID-19 - Recap “Vietnam Innovators” tập 22

Lắng nghe ông Alex Crane - Giám đốc Điều hành Cushman & Wakefield Việt Nam, chia sẻ về cách đáp ứng những nhu cầu mới về bất động sản thương mại sau đại dịch.
Cushman & Wakefield Việt Nam: Xu hướng bất động sản thương mại sau đại dịch COVID-19 - Recap “Vietnam Innovators” tập 22

Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators” bản tiếng Anh tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators (Tiếng Việt)” tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Cushman & Wakefield là công ty quản lý bất động sản hàng đầu thế giới, có trụ sở chính tại thành phố New York. Sau hơn một thập kỷ hoạt động tại thị trường Việt Nam, công ty đã chứng kiến toàn cảnh ngành bất động sản trong nước trải qua một cuộc biến đổi lớn. Khi chính phủ đưa ra quyết định ưu tiên tỷ lệ chi trên GDP cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, điều này đã đồng thời thúc đẩy tăng trưởng các thị trường nhà ở, hậu cần, thương mại trung tâm và nhà ở cao cấp.

Đặc biệt, mọi dấu hiệu đều cho thấy thị trường bất động sản Sài Gòn đang đứng trước một thời điểm chuyển giao quan trọng. Theo nhận định của ông Alex Crane - Giám đốc Điều hành Cushman & Wakefield Việt Nam, trong lĩnh vực bất động sản thương mại tại Sài Gòn hiện nay, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào hai khu vực trung tâm mới nổi là Thành phố Thủ Đức và Thủ Thiêm. Tuy nhiên, Sài Gòn hiện vẫn chưa có một khu trung tâm văn phòng đúng nghĩa, nên việc thành lập và “đôi co” giữa hai khu vực này trong tương lai sẽ trở thành bước ngoặt của thị trường văn phòng.

Các trung tâm hậu cần tại Việt Nam cũng đã phát triển lớn mạnh trong 3-4 năm qua. Xét về tốc độ và sự tinh tế trong việc triển khai và đưa vào hoạt động các trung tâm này, các nhà quản lý và phát triển hiện đã có khả năng xây dựng cơ sở vật chất sạch sẽ hơn, trang bị công nghệ tân tiến và quản lý tốt hơn, mà quan trọng là vẫn giữ được giá cả phải chăng. Nhiều công ty đa quốc gia đang tìm cách cải thiện chuỗi cung ứng cũng đã đưa ra phản hồi tích cực đối với sự thay đổi này.

Nhanh chóng bắt kịp thay đổi

Trong lĩnh vực bất động sản thương mại cũng vậy, nhiều xu hướng thiết kế mới xuất hiện chủ yếu dựa trên nhu cầu của khách thuê quốc tế - những người có kỳ vọng cao vào không gian văn phòng, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở mọi nơi trên thế giới.

Ít nhất, nơi họ làm việc phải đảm bảo chất lượng bảo trì dự phòng hàng đầu, được trang bị hệ thống điều hòa tiết kiệm năng lượng, và phải đạt chứng nhận LEED. Ngoài ra, một xu hướng khác cũng đang nổi lên gần đây do tác động của đại dịch COVID-19, đó là đảm bảo sức khỏe toàn diện tại nơi làm việc.

Dự án OfficeHaus tại khu đô thị Celadon City được lên ý tưởng khi đại dịch bắt đầu bùng phát, là minh chứng cho thấy việc xây dựng kế hoạch hướng tới tương lai có thể giúp các nhà quản lý và phát triển nắm bắt xu hướng thời đại để dẫn trước đối thủ.

Đây không chỉ là dự án đạt chứng nhận LEED Gold cùng thiết kế kết hợp công nghệ không-tiếp-xúc, mà còn sở hữu mặt bằng lớn nhất thành phố - điều mà các công ty IT và truyền thông luôn khát khao.

Trong một thị trường cần có sự cạnh tranh khốc liệt để tìm ra những nhân tài vượt trội, việc sở hữu không gian làm việc lành mạnh và thân thiện chính là một cách để thu hút và giữ chân người lao động, đồng thời cải thiện chất lượng công việc.

Tương lai của mô hình trung tâm thương mại

Dù các văn phòng tại Việt Nam ngày càng được thiết kế xây dựng với nhiều tính năng thông minh, nhưng việc thành lập các khu trung tâm công nghệ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế vẫn là một mục tiêu lớn cần hướng tới. Nước ta hiện không những phải cạnh tranh với Malaysia, Philippines và Indonesia về chi phí hậu cần, mà vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi một số tư tưởng lạc hậu, chẳng hạn như lo ngại về tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng hoặc thiếu công nhân kỹ thuật lành nghề.

Theo Alex, đây đều là những mối lo ngại chính đáng về tương lai của trung tâm thương mại. Nếu không có khả năng kết hợp hai hình thức mua sắm và giải trí trên quy mô tương tự như Aeon Mall, trung tâm thương mại sẽ ngày càng khó cạnh tranh với các nhà bán lẻ trực tuyến trong nước, đặc biệt trong tương lai khi các đơn vị này mạo hiểm tiến tới thành lập cửa hàng ngoại tuyến.

Mặt khác, thị trường bán lẻ ở khu vực lân cận đang phát triển khá sôi động, khi nhiều cửa hàng tiện lợi và nhà hàng mở thêm chi nhánh mới. Tại Sài Gòn, các trục đường chính (chẳng hạn như đường Đồng Khởi) không phải là địa điểm lý tưởng để thử sức kinh doanh bán lẻ tại trung tâm thành phố, bởi giá thuê mặt bằng ở các khu vực này luôn ở mức cao kể cả khi vắng khách du lịch.

Trong thành phố hiện nay, vẫn tồn tại hình ảnh những cửa hàng đã ngừng kinh doanh với các tấm ván gỗ bịt kín cửa sổ trong khu nhà cũ, gây mất mỹ quan đô thị. Chỉ đến khi có một kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng hợp lý được đề xuất, thì tình trạng này mới có thể ngừng tiếp diễn.

Bài viết được chuyển ngữ bởi Thảo Vân.