Dahmer - Lại thêm một series về sát nhân hàng loạt nữa, liệu có cần thiết? | Vietcetera
Billboard banner
08 Thg 10, 2022
Sáng TạoĐiện Ảnh

Dahmer - Lại thêm một series về sát nhân hàng loạt nữa, liệu có cần thiết?

Giữa hàng ngàn những series về sát nhân hàng loạt khác nhau, Dahmer hứa hẹn sẽ trở thành một series về "góc nhìn của những nạn nhân." Liệu Dahmer có làm được điều đó?
Dahmer - Lại thêm một series về sát nhân hàng loạt nữa, liệu có cần thiết?

Nguồn: Netflix

Mới đây, Netflix đã cho ra mắt DAHMER - Monster: The Jeffrey Dahmer Story, một TV series tái hiện lại cuộc đời của một trong những sát nhân hàng loạt khét tiếng nhất nước Mỹ. Với hơn 192.6 triệu giờ xem chỉ sau một tuần ra mắt, Dahmer đã nhanh chóng trở thành một trong những series thành công nhất của Netflix vào năm nay.

Nhận được nhiều đánh giá trái chiều đến từ những nhà phê bình và đạt số điểm trung bình trên hai nền tảng Rotten Tomatoes (53%) và Metacritic (45/100), Dahmer đặt ra một dấu hỏi lớn về sự cần thiết của một series tái hiện lại những vụ án kinh hoàng với những nạn nhân và nỗi đau mất mát rất thật.

Một series về sát nhân hàng loạt nữa - Liệu có cần thiết?

Những vụ án có thật là một đề tài chưa bao giờ lỗi thời dành cho các bộ phim điện ảnh và TV series. Sự ra đời của Netflix và binge-watching đã cho phép những chi tiết man rợ của một vụ án mạng hay một sát nhân hàng loạt được lan truyền và tiêu thụ cực kì nhanh chóng.

Đi kèm với sự thịnh hành đó, đề tài dễ gây tranh cãi này tất nhiên cũng sẽ nhận được ngày càng nhiều ánh mắt dò xét đến từ những nhà phê bình lẫn khán giả. Câu hỏi chính được đặt ra là: ”Liệu chúng ta có cần thêm những TV series để đem sự chú ý đến một kẻ sát nhân, và khơi dậy lại nỗi đau mất mát của gia đình nạn nhân hay không?”

Là lần thứ 3 câu chuyện về tên sát nhân Jeffrey Dahmer được kể trên màn ảnh trong vòng 20 năm qua, Dahmer được Ryan Murphy hứa hẹn sẽ trở thành một góc nhìn hoàn toàn mới về câu chuyện, được kể chủ yếu qua góc nhìn của những nạn nhân.

Xuyên suốt bộ phim, khán giả có thể dễ dàng nhìn ra được nỗ lực của Ryan Murphy trong việc hiện thực hóa lời hứa này. Đặc biệt là ở tập 6, nơi chúng ta chứng kiến sự ra đời của Tony Hughes, một nạn nhân của Jeffrey Dahmer.

15 phút đầu của tập Silenced là 15 phút chúng ta chứng kiến sự lớn lên và theo đuổi giấc mơ làm người mẫu của một người điếc. 15 phút ấy là 15 phút khán giả được hiểu và kết nối với một con người thật sự tồn tại thật sự tồn tại thay vì chỉ là một cái tên trong danh sách những nạn nhân của Jeffrey Dahmer.

alt
Diễn viên Rodney Burford trong vai Tony Hughes (phải) | Nguồn: Netflix

Để rồi khi tên sát nhân ấy bước vào khung hình, ta có thể thật sự cảm nhận được nỗi kinh hoàng khi nhận ra những gì sẽ xảy đến với Tony Hughes. Nỗi đau mất mát của gia đình Hughes cũng từ đó trở nên dễ đồng cảm hơn bao giờ hết, khi chính chúng ta cũng đã có cơ hội để kết nối với Tony như cách gia đình anh đã kết nối với anh.

Đáng tiếc thay, đây gần như là tập phim duy nhất mà ta kết nối được với những nạn nhân của Jeffrey trước khi họ trở thành một cái xác không hồn. Sự thiếu trung thành trong cách kể chuyện đã khiến Dahmer trở thành một TV series chứa đầy những mâu thuẫn về thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải và chính bản chất của bộ phim này.

Làm phim về nạn nhân, nhưng không hỏi ý kiến nạn nhân

Để hiểu được những ảnh hưởng mà một bộ phim như Dahmer có thể gây ra cho những gia đình của nạn nhân, ta cần đặt bản thân vào góc nhìn của họ.

Xuyên suốt 5 tập phim đầu, chúng ta chứng kiến Jeffrey Dahmer lớn lên và những sự kiện dẫn hắn đến việc trở thành một sát nhân. Những nạn nhân xuất hiện ở 5 tập phim này dường như chỉ được xem là công cụ để bộ phim nói về những vấn đề lớn hơn của xã hội chứ không phải một con người thật sự đã từng có một cuộc sống riêng.

Ngay cả ở kết thúc của tập 6, hình ảnh đọng lại ở người xem không phải là nỗi đau khôn cùng của gia đình Tony Hughes, càng không phải những ước mơ vụn vỡ của một con người đầy hoài bão. Chúng ta kết thúc tập 6 với hình ảnh một tảng thịt từ cơ thể. Tony Hughes được Jeffrey Dahmer chế biến và đưa vào miệng. Ý nghĩa của hình ảnh này không thể không hiển nhiên hơn: Sử dụng nạn nhân như một công cụ để làm nổi bật lên sự đáng kinh tởm của Jeffrey Dahmer.

alt
Diên viên Evan Peters trong vai Jeffrey Dahmer | Nguồn: Netflix

Ngay sau khi bộ phim ra mắt, Rita Isbell, người thân của Errol Lindsey, một nạn nhân của Jeffrey, đã lên tiếng về cách mà cô được khắc họa khi lên phim.

“Tóc của cô ấy (diễn viên) giống tôi, cô ấy mặc đồ giống tôi. Đó là vì sao tôi cảm thấy như chúng đang khiến tôi sống lại những khoảnh khắc đó… Tôi chưa bao giờ được liên hệ bởi những người làm show. Tôi cảm thấy như Netflix nên hỏi ý kiến chúng tôi về việc làm bộ phim. Họ không hỏi gì cả. Họ chỉ cứ thế mà thực hiện bộ phim.”

Dahmer được quảng cáo như bộ phim chú trọng “góc nhìn của nạn nhân.” Thế nhưng kì lạ thay, góc nhìn thật sự của những nạn nhân trực tiếp bị ảnh hưởng bởi Jeffrey Dahmer lại không hề được để tâm đến.

Những thông điệp xã hội bề mặt

Câu chuyện của Jeffrey Dahmer không phải là một câu chuyện về một tên sát nhân hàng loạt thông minh và nham hiểm. Đây là một câu chuyện về một tên sát nhân liên tục có thể trốn thoát khỏi vòng pháp luật vì những bất công xã hội Mỹ.

Ryan Murphy nhận ra điều này, và ông cũng đã có những nỗ lực để làm nổi bật những bất công ấy lên trong bộ phim . Tuy nhiên cách truyền tải các vấn đề xã hội của Dahmer dường như chỉ dừng lại ở những yếu tố câu chuyện rất bề mặt và nói lên những điều mà gần như khán giả quan tâm đến vấn đề này.

Dahmer chỉ trích cách làm việc của sở cảnh sát Milwaukee, cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp lẫn thái độ phân biệt người đồng tính và da màu của những cảnh sát này một cách rất rõ ràng. Bộ phim còn dành một sự chú tâm đặc biệt đến cộng đồng da màu bị ảnh hưởng bởi Jeffrey Dahmer và cho khán giả thấy được cách mà họ bị đối xử bất công.

Tất nhiên đây là một điều tốt, nhưng chưa đủ. Những vấn đề xã hội này được đơn giản hóa thành “một con sâu làm rầu nồi canh,” đổ lỗi cho một vài cá nhân chứ không tìm hiểu và truyền tải những vấn đề sâu hơn trong hệ thống đã cho phép những vụ việc này xảy ra.

Kết

Nhìn chung, Dahmer là một TV series đang cố làm quá nhiều thứ cùng một lúc. Trong 10 tập phim, Dahmer đã làm tốt trong việc khám phá những gì đang xảy ra bên trong Dahmer. Tuy nhiên, như đã nói, “liệu điều đó có cần thiết khi chúng lại một lần nữa khơi dậy nỗi đau của những nạn nhân?”

Dahmer lên án rất nhiều về cách mà tội ác của Jeffrey Dahmer và nỗi đau của gia đình nạn nhân đã trở thành một thứ công cụ để kiếm tiền bởi các nhà xuất bản nhà làm phim. Thế nhưng khi nhìn lại chính TV Series, ta lại không hề thấy được sự khác biệt giữa Dahmer với những gì mà nó chỉ trích.