Đàm Thoại My: “Retoucher là người sáng tạo hình ảnh chứ không chỉ ngồi gia công" | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Đàm Thoại My: “Retoucher là người sáng tạo hình ảnh chứ không chỉ ngồi gia công"

Retoucher tại Việt Nam là một nghề không mới, nhưng cũng không cũ.
Đàm Thoại My: “Retoucher là người sáng tạo hình ảnh chứ không chỉ ngồi gia công"

Nguồn: Cocosin

Cocosin x Vietcetera

Ở Việt Nam, sự ra đời của hàng loạt những thương hiệu thời trang nội địa đã tạo nên đường đua không ngừng nghỉ giữa mẫu mã, chất lượng và hình ảnh trong vài năm trở lại đây. Những bộ “lookbook" thời trang ngày càng được “tút tát" chỉn chu, không chỉ đẹp mà còn có hồn và có câu chuyện hơn.

“Như một nghệ nhân cắm nên một bình hoa đẹp từ những bông hoa có sẵn, retoucher (người chỉnh sửa hình ảnh) cũng tạo nên một bộ hình hoàn mỹ từ những bức ảnh sẵn có”, Đàm Thoại My, nhà sáng lập Capas Retouch, dịch vụ và chương trình đào tạo chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp, chia sẻ. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng một retoucher phải biết dùng kỹ năng cũng như sự cảm nhận, sự sáng tạo và cái “gu" của mình để mài dũa hình ảnh và kể được một câu chuyện thời trang vừa thú vị, vừa chân thật, vừa “hợp thời".

Là một trong những retoucher nữ hiếm hoi trong ngành thời trang chuyên nghiệp tại Việt Nam, góc nhìn của Đàm Thoại My có gì khác?

alt
Nguồn: Cocosin

Chị đã bắt đầu với công việc retoucher như thế nào?

Cơ duyên của mình với lĩnh vực retouch đã bắt đầu bằng việc làm retoucher cho Zalora Việt Nam sau khi tốt nghiệp, sau đó là Leflair Việt Nam với vị trí quản lý đội ngũ retoucher. Sau một vài năm, mình tách ra làm freelancer.

Thời điểm đó khá khó khăn vì chưa ai biết mình là ai, cũng chưa có nhiều công việc để làm. Vậy nên mình làm không công một thời gian cho mọi người. Từ một vài dự án do bạn bè giới thiệu, mình đã dần được biết đến. May mắn của mình là gặp được những người bạn đồng hành hợp ý.

Mình từng nghĩ thời trang chỉ là một sở thích đơn thuần chứ không bao giờ nghĩ sẽ theo ngành này vì tiêu chuẩn ngành rất cao. Nhưng sự nỗ lực từng ngày đã giúp mình có được chỗ đứng hơn như hiện tại.

Lĩnh vực retouch tại Việt Nam có vẻ vẫn còn mới?

Retoucher tại Việt Nam là một nghề không mới, nhưng cũng không cũ. Thực tế công việc hậu kỳ đã luôn tồn tại trong mọi lĩnh vực - thời trang, làm đẹp, thương mại… nhưng cái mới nằm ở danh xưng “retoucher".

alt
Nguồn: Cocosin

Ngày trước những bộ hình không bao giờ có tên retoucher vì ở Việt Nam, nhiếp ảnh gia thường sẽ làm luôn công việc chỉnh sửa hoặc có trợ lý làm. Tuy nhiên không ai có thể ôm đồm hết mọi việc, nhất là khi ngành thời trang đang phát triển nhanh hơn cùng khối lượng công việc tăng lên.

Khi thành lập Capas Retouch, mình muốn cho mọi người biết retoucher là người sáng tạo hình ảnh chứ không chỉ ngồi gia công. Ngay cả khi đi dạy về retouch thời trang, mình cũng dạy cách để sáng tạo trong hình ảnh chứ không bao giờ dạy mọi người làm giống mình.

Đâu là những hiểu lầm chị thường nghe nhất về nghề retoucher?

Nhiều người nghĩ rằng bức ảnh được chỉnh sửa bởi người chụp sẽ đẹp hơn vì họ hiểu bức ảnh hơn. Mình từng gặp nhiều khách hàng không hài lòng khi bức ảnh được đưa cho retoucher làm. Thực tế là có những nhiếp ảnh gia đi chụp rất nhiều, không có thời gian làm và chăm chút hình ảnh.

Bên cạnh đó, cũng không nhiều người hiểu về công việc retouch, họ cho rằng đây là một công việc thiếu ổn định, từ đó đánh giá thấp những retoucher.

alt
Nguồn: Cocosin

Khi ngành công nghiệp thời trang phát triển nhanh như hiện tại thì rất cần những retoucher vì họ có kỹ năng, có sự tỉ mỉ, có gu đồng thời nắm bắt xu hướng tốt. Mình tạo ra lớp học retouch cũng để sau này mọi người có tiêu chuẩn, kỹ năng, từ đó đi lâu với nghề. Tuy vậy, lâu dài hay không cũng do mình nữa. Nếu mình không chịu trau dồi và học hỏi thêm, mình sẽ lỗi thời và dậm chân tại chỗ.

Ở nước ngoài, retoucher là một nghề lâu năm, có nhiều người làm nghề đã mấy chục năm và rất có chỗ đứng. Việt Nam thì ngược lại, nhiếp ảnh gia thì nhiều vô kể nhưng số lượng retoucher chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Là một người nữ trong ngành mà nam giới chiếm ưu thế, chị nhận thấy đâu là những lợi ích và bất lợi?

Một retoucher làm 13 - 14 tiếng một ngày là chuyện bình thường. Nhiều khi còn phải thức nguyên đêm hoặc đi chụp cả ngày mà không ăn uống gì. Vậy nên, điểm trừ ở đây chính là sức khoẻ và sức bền để theo nghề. Mình nhớ có những đợt nhà thiết kế làm ra cả trăm bộ mà chỉ có hai ngày để vừa chụp, vừa chỉnh sửa tỉ mỉ từng chi tiết cho kịp gửi sang nước ngoài.

Tuy vậy, là một người nữ, mình hiểu rất rõ về cơ thể người phụ nữ và những nét đẹp tiềm ẩn của họ. Mình cũng có sự hiểu biết sâu sắc về thời trang, cụ thể là chất liệu, phom dáng… Mọi người nhìn ảnh của mình thường thấy được sự đơn giản, nhẹ nhàng, mềm mại, tinh tế bởi mình đã đẩy nhiều tính nữ của mình vào trong đó.

Retouch dựa trên ảnh có sẵn, vậy tính sáng tạo và cá tính của retoucher thể hiện ở đâu?

Khi khách hàng giao cho mình một tấm hình thường sẽ đưa kèm “moodboard”. Mình sẽ ngồi, ngẫm nghĩ và tưởng tượng những màu sắc có trong ảnh. Mình nên thêm gì, bớt gì, đánh sáng ra sao, điều chỉnh nhiệt độ như thế nào, nên chỉnh da mẫu khô hay ướt hơn? Ánh sáng được đánh từ các hướng khác nhau đã mang đến những bức ảnh hoàn toàn khác rồi.

alt
Nguồn: Cocosin

Mình cũng thường hay ghi nhớ màu sắc của thiên nhiên, cây cỏ và sẽ “lấy” ra sử dụng khi cần. Nhiều bạn có nhắn tin cho mình, muốn học màu ảnh của mình nhưng màu sắc là cảm quan của mỗi người, không thể bắt chước được.

Tính cá biệt trong công việc có đồng điệu với phong cách thời trang thường ngày của chị?

Nhịp sống hiện đại đã quá nhanh rồi nên mình luôn muốn mặc những bộ trang phục thoải mái, vừa mặc đi làm, vừa mặc đi chơi được. Hình ảnh mình làm đơn giản và nữ tính thế nào thì bên ngoài mình y chang như vậy.

Điều gì tạo nên một retoucher thành công, cụ thể là retoucher thời trang?

Hãy là một người có tâm và có tầm. Có tâm ở đây là phải biết nâng niu tấm hình và tạo nên một tác phẩm mà chính bạn phải hài lòng. Có tầm là phải có kỹ năng và ham học hỏi. Bản thân mình đến giờ vẫn phải liên tục học những công nghệ cũng như kỹ thuật mới.

Bạn cũng cần có sự sáng tạo để “uốn nắn" hình ảnh và kể được những câu chuyện hay. Một vết nứt trên tường cũng có thể trở thành một điểm nhấn đầy tính nghệ thuật.

alt
Nguồn: Cocosin

Cuối cùng, làm thời trang thì cần có “gu". Mình phải biết hiện tại mọi người thích gì, mặc màu gì, “lookbook" hiện tại đi theo xu hướng nào. Khi làm thời trang phải biết tiết chế, không phải bỏ vào tấm hình toàn bộ kỹ năng của mình là đẹp, là giỏi. Đôi khi việc có gu có thể bù lại cho phần kỹ thuật chưa được xuất sắc.

KỂ TỪ ĐÓ là chuỗi nội dung nói về những câu chuyện trải nghiệm rất đời, rất quen thuộc với tất cả những ai là phái nữ, được hợp tác sản xuất giữa thương hiệu thời trang COCOSIN và Vietcetera với thông điệp “Embracing Women’s Confidence Through Fashion”.

COCOSIN là thương hiệu thời trang Việt Nam có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2012. Mục tiêu ra đời của COCOSIN là truyền cảm hứng và tôn vinh sự tự tin của mỗi người thông qua ngôn ngữ thời trang. Một mẫu hình phụ nữ hiện đại, tự tin, bản lĩnh là những điều mà COCOSIN luôn muốn tạo dựng cho đối tượng khách hàng.