Vì sao ta lại thích chơi khăm người khác? | Vietcetera
Billboard banner
30 Thg 03, 2022
Cuộc SốngTâm Lý HọcBổ Não

Vì sao ta lại thích chơi khăm người khác?

Cảm giác thích thú khi thấy người khác “lọt hố” trò chơi khăm của mình từ đâu mà có?
Vì sao ta lại thích chơi khăm người khác?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Lại sắp đến ngày Cá tháng Tư - thời điểm nhiều người “sống trong sợ hãi”, bật chế độ cảnh giác cả ngày vì sợ sẽ bị ai đó chơi khăm. Có hẳn tên gọi riêng cho nỗi sợ này là sugrophobia, hay chứng sợ bị lừa.

Ở thái cực ngược lại, có người háo hức lên kế hoạch kỹ càng cho một pha chơi khăm hoàn hảo, “đánh bẫy” được nhiều người nhất có thể. Có điều gì ở những trò chơi khăm này khiến thế giới phải dành hẳn một ngày cho chúng? Vì sao cảm giác nhìn người khác “sa hố” trò đùa của mình lại thích thú đến vậy?

Chơi khăm là cách thể hiện ưu thế trước thiếu sót của người khác

Theo nhà triết học người Anh Thomas Hobbes, chúng ta cười nhạo trước khuyết điểm hoặc xui xẻo của người khác vì nó giúp ta khẳng định ưu thế của chính mình. Và chơi khăm chính là chiến lược hoàn hảo để “khui” ra sự thiếu sót và vụng về của người khác.

Khác với truyện tranh hay phim hài, chủ thể của các trò chơi khăm là người thật, việc thật. Vì vậy, bạn sẽ cần thời gian để lên kịch bản hoàn hảo cho một pha chơi khăm - đây chính là yếu tố khiến nó thú vị hơn. Khi thấy người khác “lọt hố” trò đùa của mình, não bộ sản sinh ra dopamine khiến ta thấy dễ chịu vì đã thành công khiến người khác lộ ra khuyết điểm.

30mar2022intext1jpg
Khi thành công khiến người khác "lọt hố" trò chơi khăm, dopamine tiết ra làm ta thấy dễ chịu.

“Hài hước không hẳn là một hình thức gây hấn, mà nó giống tâm lý vượt trội nhiều hơn. Do đó, tiếng cười từ những trò đùa cũng khiến ta cảm thấy tốt hơn so với người bị đùa”, chuyên gia xã hội học Giselinde Kuipers chia sẻ trên Salon.

Người mê chơi khăm có lượng testosterone cao hơn

Chúng ta có lẽ đều từng gặp một người thích trêu người khác đến phát khóc. Nạn nhân càng tức giận, người trêu càng thấy thú vị và buồn cười. Nguyên nhân có thể do họ có lượng testosterone - một hormone sinh dục ở cả hai giới - cao hơn bình thường.

Một thí nghiệm của Đại học Michigan (Mỹ) cũng đã chứng minh điều này. Trong thí nghiệm, 78 người tham gia được kiểm tra lượng testosterone trong nước bọt. Sau đó họ thực hiện loạt nhiệm vụ trên máy tính, mà kết quả sẽ cho ra gương mặt vui vẻ, giận dữ hoặc không có gương mặt nào.

Kết quả cho thấy những người có lượng testosterone cao ghi nhớ và hoàn thành rất nhanh những nhiệm vụ cho kết quả gương mặt giận dữ, trong khi người có testosterone thấp thì không. Kết quả này không phụ thuộc vào giới tính của họ.

Theo giáo sư tâm lý Oliver Schultheiss, người có lượng testosterone cao thường là dấu hiệu sinh học của nhu cầu quyền lực, vì vậy họ thích làm điều khiến người khác giận dữ và sợ hãi. Họ cũng thường là người ưa mạo hiểm, tìm thấy niềm vui ở các hành vi “liều lĩnh” như chọc tức người khác bằng nhiều cách khác nhau.

Chơi khăm là cách thể hiện sự tin tưởng

Hồi nhỏ bạn có từng bị trêu, nhưng rồi lại được an ủi là “họ quý con nên họ mới trêu”? Lời nói đó thực ra hoàn toàn có cơ sở.

Theo chia sẻ của giáo sư tâm lý Jacob Teeny trên Everyday Psychology, chơi khăm là một kiểu gây hấn vô hại (play-fighting). Đây là hình thức tương tác xã hội phổ biến ở các loài có vú, trong đó hai cá thể “đánh” nhau nhưng không gây hại lẫn nhau. Do đó, chơi khăm là phương pháp thử phản ứng của người khác một cách lành tính.

Nói cách khác, bạn phải thân thiết và tin tưởng với ai ở một mức độ nhất định mới “dám” chơi khăm người đó. Vì bạn biết chắc chắn họ sẽ không hiểu lầm trò đùa của mình.

30mar2022intext2jpg
Ta thường chơi khăm người ta thấy tin tưởng và yêu quý.

Điều này đúng cả với những màn chơi khăm quy mô lớn (như camera giấu kín), mà “nạn nhân” không quen biết người “đầu têu”. Các “nạn nhân” có thể bực mình ban đầu, nhưng khi nhận ra tính vô hại của trò đùa, họ ghi nhận nó như một trải nghiệm hài hước có tính kết nối cộng đồng.

Chơi khăm cũng cần đúng mực

“Vui thôi chứ đừng vui quá”, chơi khăm cũng cần phải có chừng mực để nó không biến thành trò đùa ác ý.

Một trò chơi khăm thú vị luôn mang lại kết quả vô hại và khiến các bên đều vui vẻ. Bởi sau cùng thì mục đích của chơi khăm là gây cười, xả stress và tạo bầu không khí thân thiện, xóa nhòa khoảng cách giữa các bên.

Ngược lại, chơi khăm sẽ biến thành đùa ác nếu nó khiến “nạn nhân” cảm thấy bị xúc phạm hoặc sợ hãi. Điển hình là những trò đùa liên quan đến khuyết điểm ngoại hình, sắc tộc hoặc văn hóa rất dễ dẫn tới hệ quả này.

Một trường hợp khác là bản thân trò chơi khăm gây ra hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn nói đùa trên máy bay có bom. Đừng bao giờ dại thử chơi khăm cách này, vì bạn sẽ lọt ngay vào danh sách đen của hãng hàng không chỉ trong vài nốt nhạc.