Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: "Thỏa hiệp hay chinh phục, đó là vấn đề." | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
15 Thg 03, 2022
Điện Ảnh

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: "Thỏa hiệp hay chinh phục, đó là vấn đề."

Cũng chính nữ đạo diễn chia sẻ, “Đừng lo phim dở, cứ làm đi đã.”
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: "Thỏa hiệp hay chinh phục, đó là vấn đề."

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp.

Giữa những ngày đông Hà Nội, chúng tôi có cơ hội trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tại "nhà" của chị, Ơ Kìa Hà Nội - nơi chốn của những người yêu điện ảnh và văn chương nghệ thuật.

Chị chia sẻ về khoảng giữa của lần “Đập cánh giữa không trung” và bộ phim thứ 2 đang-bị-trì-hoãn; từ điện ảnh Việt Nam đến khu vực, về nữ quyền và cả những trăn trở khác trong cuộc sống.

Cũng từ cuộc gặp gỡ này, chúng tôi hiểu hơn về những "khủng hoảng" nội sinh mà nữ đạo diễn trải qua trong những năm gần đây. Chị giả vờ là mình ổn nhưng thực chất lại là một cuộc chạy trốn; tạm ngừng làm phim riêng để sản xuất, tổ chức các sự kiện điện ảnh, nghệ thuật và chăm sóc gia đình.

"Mình vẫn ôm kịch bản và chưa làm được phim. Đôi khi, mình tự thấy chán ghét bản thân.", chị nói về bộ phim tiếp theo của mình, “Câu chuyện buồn nhất thế gian”. Nhưng những bất ổn bên trong dường như đã đi trọn con đường, và nữ đạo diễn đang dần trở lại.

4 năm trăn trở để nhận ra vẻ đẹp của việc… làm nền

Học và làm điện ảnh ở thế hệ Nguyễn Hoàng Điệp rất khác bây giờ. Ngay thời kỳ đầu làm việc tại VietnamnetTV, chị đã chọn làm những sản phẩm có tính mới.

Khi công nghệ phát triển hơn, những người làm điện ảnh trẻ (mà chị tự gọi là “máu bùn”, PV) được tiếp thêm sức mạnh. Thành công đến với chị có vẻ nhanh hơn, nhưng chỉ là trong mắt của người khác.

“Đáng lẽ trên đà đó mình phải chạy tiếp” thì một vài chuyện khiến Nguyễn Hoàng Điệp chững lại. Chị băn khoăn giữa việc hoàn thành nghĩa vụ chăm sóc gia đình và theo đuổi đam mê. “Mình có thời gian tự oán trách bản thân, 4 năm không thoát ra được. Một sáng tỉnh dậy, mình không biết điều gì đã xảy ra, chỉ biết nó đã kéo dài 4 năm.”

alt
“Mình có thời gian tự oán trách bản thân, 4 năm không thoát ra được."

Sau này, Nguyễn Hoàng Điệp thấy quan điểm, cách nhìn trở nên khác đi so với trước đây. Những ngày còn trẻ, chị thường muốn được nổi bật ở tiền cảnh. Thời gian giúp nữ đạo diễn nhận ra vẻ đẹp có thể nằm ở khung nền (background) đã bị làm mờ. Và nếu được nhận diện trong người khác, chị muốn là màu sắc, hình ảnh hơn là chữ nghĩa.

“Bây giờ, mình thích được lẩn vào đâu đó, trở thành nền hay được tiệp màu với bức tường, cây cối. Mình không hẳn muốn biến mất nhưng lại thích thuộc về hoặc tan vào một chỗ nào đấy.”, chị giải thích thêm, “Đó không hẳn là mờ nhạt nhưng không cần quá sắc nét.”

Chính vì thế, Nguyễn Hoàng Điệp tạm lui về thực hiện các dự án điện ảnh với vai trò sản xuất, hay các sự kiện văn chương, thúc đẩy nghệ thuật phát triển bằng cách làm khác. Một trong việc làm “nền” đó là thức đẩy những người làm phim trẻ cá tính và có khát vọng.

“Mình luôn muốn thúc đẩy những người phụ nữ khác, đặt niềm tin tuyệt đối vào họ. Mình càng thiếu tự tin bao nhiêu thì càng đặt niềm tin vào người phụ nữ khác bấy nhiêu.”, nữ đạo diễn nói.

“Mình không hẳn đặt gánh nặng lên vai họ, nhưng sâu thẳm luôn muốn trải thảm lót đường, làm mọi việc cho họ tiến lên. Mình cảm thấy hạnh phúc và đúng đắn. Ai đó phản bác về họ thì mình sẽ đứng ra bảo vệ đến cùng.”

Băn khoăn giữa thỏa hiệp hay chinh phục

Nguyễn Hoàng Điệp là người làm điện ảnh với cả hai quan điểm: ngành nghề sáng tạo hoặc ngành nghề để chinh phục. Chị cũng cho rằng, nghệ thuật phải có tính mới và khó. Người làm nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng là một ảo thuật gia thực thụ.

“Bạn phải làm sao để tạo ra cái cảm xúc ở khán giả thật chính xác như bạn muốn.”, Nguyễn Hoàng Điệp nói. Đây cũng là một trong những điều khiến chị trì hoãn thực hiện bộ phim dài thứ hai của mình. Một bộ phim xoay quanh những vụ án về bạo lực tình dục.

Nguyễn Hoàng Điệp cảm thấy tuyệt vọng khi viết kịch bản từ những vụ án có thật. Tuy nhiên, nữ đạo diễn vẫn mở kịch bản ra và làm dày lên mỗi ngày. Chị đi tìm đáp án, để rồi chồng lẫn lên nhau nhiều câu hỏi về sự sống và cái chết, hủy hoại hoặc không bị hủy hoại, thế giới nội tâm của nạn nhân, kẻ thủ ác, những người thúc đẩy cho cái ác.

alt
Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, nghệ thuật phải có tính mới và khó.

Sở dĩ tác phẩm này bị trì hoãn còn bởi vì… khó. Theo Nguyễn Hoàng Điệp, cái khó ở đây không phải tái hiện lại hiện thực, làm cho khán giả cười hay khóc. Nữ đạo diễn muốn tạo ra cảm xúc ở khán giả thật chính xác như những gì mà chị mong muốn. “Mình cảm thấy cái sự bí bức, dùng dằng, không khóc không cười nên mình đã đi hướng đó.”

Có rất nhiều vụ án xảy ra với phụ nữ, đặc biệt là bạo lực tình dục được đăng tải trên truyền thông. Chính việc không được thỏa mãn nên công chúng mới hay thêu dệt, đưa ra những kịch bản khác nhau. Người làm phim có cách nhìn và quan điểm riêng của mình.

“Mình sẽ thỏa hiệp hay chinh phục nó mới là vấn đề.”, Nguyễn Hoàng Điệp bỏ lửng câu nói. Tuy nhiên, có lẽ chính chị đã chọn con đường chinh phục và trì hoãn thực hiện, để làm dày kịch bản và câu chuyện trong suốt những năm vừa qua.

“Có rất nhiều thứ trở nên rất khác so với cách đây 4, 5 năm trước đây, khi mình bắt đầu viết kịch bản này. Mình không vui khi mỗi năm không làm được một phim. Nhưng quả thực, mỗi thứ diễn ra đều có một cái lợi khác nhau.”

Đừng lo phim dở, cứ làm đi đã

Điện ảnh Việt Nam có một lịch sử đủ dài; có bề dày nhưng đã trở thành di sản. Nền điện ảnh nước nhà cũng không phải là mảnh đất quá nhiều tác phẩm xuất sắc, tinh hoa để thế hệ làm phim trẻ tiếp theo phải lo lắng.

“Nền điện ảnh Việt Nam chưa đủ tốt để lo lắng tìm cách vượt qua. Điện ảnh chúng ta chưa có tượng đài. Những tác phẩm tốt chỉ nằm trên đầu ngón tay.”, nữ đạo diễn nhận định.

Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, bất cứ sáng tạo hay đầu tư nào trong điện ảnh đều được xem là đáng kể vào lúc này. Chỉ cần có một kỹ năng và sự yêu thích, những người trẻ có thể tạo ra những tác phẩm đủ tốt.

Nữ đạo diễn cũng nhận định, điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới sẽ là một cuộc cách mạng, không chỉ còn ở phương thức sản xuất mà còn ở mặt phát hành. Cuộc cách mạng sẽ mang đến cho nhà làm phim những nền tảng để phát hành tác phẩm.

Những hiểu nhầm về làm điện ảnh ở Việt Nam như đắt đỏ, sự kiểm duyệt… cũng không thực sự đúng. “Nói thực ra, họ chẳng biết chuyện ấy để mà sợ. Họ chỉ cố 'drama' để kịch tính khi làm phim. Mình thấy các nhà làm phim đang khá thoải mái.”, Nguyễn Hoàng Điệp nói.

Bức tranh điện ảnh Việt Nam trong 5 tới sẽ là những gương mặt mới với những tác phẩm mới; và sẽ có nhiều nhà làm phim nữ hơn. Họ sẽ tạo nên những tác phẩm để nói về tâm trạng của họ và thế hệ họ, kể những điều rất ít người muốn và dám kể trước đây.

alt
Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, điện ảnh Việt Nam trong 5 năm sắp tới sẽ rất rộng mở.

Tuy nhiên, điện ảnh của các nước trong khu vực lại đang đi quá nhanh. “Mình từng chia sẻ về truyện Thánh Gióng. Đó là truyền thuyết dường như chỉ có của Việt Nam. Nhưng Thánh Gióng điện ảnh thuộc về các quốc gia khác.

Điện ảnh Việt Nam chưa có “cú vươn vai” nào cả. Các nước khác vươn vai xong rồi. Mình luôn đi trước họ nhưng nhanh hụt sức và khá đơn độc. Nếu chỉ nhìn từ phía Việt Nam, không phải lo lắng hay hay dở.

Nguyễn Hoàng Điệp nhận ra điều này sau khi tổ chức sự kiện điện ảnh Gặp Gỡ Mùa Đông. Đôi khi chị tự đặt quá nhiều câu hỏi, đến mức tin vào chúng. Vì thế, chị quyết định sẽ ngừng đặt câu hỏi và làm phim. “Thôi mình cứ làm phim đi đã. Khi đã dốc sức, mình sẽ có câu trả lời đối với nền điện ảnh của khu vực và thế giới.”

Bên cạnh đó, chị cũng cho rằng công chúng thưởng thức điện ảnh ngày này thông minh, sắc sảo hơn rất nhiều. “Khán giả sẽ khắt khe và đòi hỏi trước đây nhiều hơn. Họ có nhiều căn cứ hơn để so sánh. Họ cũng đòi hỏi sự thay đổi thật sự, không chỉ chất lượng và khả năng đóng gói của tác phẩm đó.”

“Ngày nay cứ bắt khán giả bao dung thì hơi quá, vì họ cần bao dung cho nhiều việc khác.”, Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ. Tuy nhiên, chị cũng nhận ra có một nhóm làm điện ảnh đang lẩn khuất trong công chúng. Họ đang dần bước ra, để nghiên cứu và theo đuổi điện ảnh, ở nhiều vị trí và vai trò khác nhau như người phê bình, biên kịch, đạo diễn.