Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã chọn gì khi đi ngược với hội đồng duyệt? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
09 Thg 11, 2021
Điện ẢnhChọn

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã chọn gì khi đi ngược với hội đồng duyệt?

Chúng ta có những lựa chọn gì khi ý kiến "không tuân thủ quy định của đa số"?
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã chọn gì khi đi ngược với hội đồng duyệt?

Nguồn: Vietnamnet

Mới đây, đạo diễn phim độc lập duy nhất trong hội đồng thẩm định - phân loại phim (sau đây gọi tắt là hội đồng duyệt), bà Nguyễn Hoàng Điệp đã rời khỏi hội đồng vì những “phát ngôn không phù hợp”. Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh giải thích về quyết định này: “Thành viên hội đồng có thể đưa ra nhận định khác nhau nhưng cần tuân thủ quan điểm của đại đa số.”

Nhìn vào sự việc này của hội đồng kiểm duyệt phim, chúng ta có thể rút ra được gì? Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã thực hiện những lựa chọn gì? Và những hành động đó đã có những kết quả như thế nào?

Nhưng trước hết, để hiểu về sự quan trọng của những lựa chọn này, chúng ta cần thấy được bức tranh toàn cảnh của sự việc.

Chuyện gì đã diễn ra?

Vào ngày 26/9, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã tham gia tọa đàm trực tuyến “Ai Góp Ý Giơ Tay Lên”. Với mục đích đề xuất những sửa đổi bổ sung cho Luật Điện Ảnh, cô đến với tọa đàm nhằm đưa ra góc nhìn của một thành viên trong hội đồng duyệt. Đồng thời làm rõ những bất cập của Luật Điện ảnh đang hiện hành.

Sự kiện này đã thu hút khá nhiều sự chú ý từ các ban ngành lãnh đạo và công chúng. Kéo theo đó là những tranh cãi trên các trang mạng xã hội về tính hợp lí của việc phim Vị của đạo diễn Lê Bảo bị cấm chiếu.

Cũng vào thời điểm này, cộng đồng điện ảnh Việt Nam lại một lần nữa dậy sóng vì vụ việc một thành viên của hội đồng kiểm duyệt tiết lộ nội dung phim. #ngunglamquyen được nổi lên trên các trang mạng xã hội. Là một thành viên của hội đồng kiểm duyệt, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng đã lên tiếng về vụ việc này trên trang Facebook cá nhân.

“Nếu thành viên hội đồng duyệt cứ nhìn phim như tang chứng gây án cần tiêu huỷ và nhà làm phim như tội phạm tiềm năng... Thì lấy đâu ra mà bàn chuyện minh bạch, khách quan, dân chủ, đa số phiếu nữa. Vậy đúng là chúng tôi thật sự quá nực cười mất rồi, khi tổ chức AI GÓP Ý để nói về niềm hi vọng vào một bộ luật mới tạo ra hành lang bảo vệ, nâng đỡ, tôn vinh sáng tạo!”, trích một trong những bài viết của đạo diễn về vấn đề này.

Vào ngày 26/10, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chính thức rời khỏi hội đồng kiểm duyệt và được thay thế bởi ông Đỗ Duy Anh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện Ảnh với lí do là “phát ngôn không phù hợp với quan điểm làm việc với hội đồng”.

Vậy khi đứng trước việc nhận định của bản thân không thuận theo ý kiến của số đông, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã lựa chọn gì?

Lựa chọn 1: Thuyết phục bằng lí lẽ trong nội bộ

Bộ phim Vị của đạo diễn Lê Bảo là một trong những bộ phim mà đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tham gia vào công tác kiểm duyệt. Bộ phim này, vào ngày 12/7 đã bị cấm chiếu bởi Cục Điện Ảnh bởi “cảnh khỏa thân kéo dài”.

Trong hội đồng kiểm duyệt có một quy định không cho phép các thành viên của hội đồng tiết lộ nội dung trao đổi và đánh giá cho công chúng. Chính vì quy định này, trong buổi tọa đàm “Ai Góp Ý Giơ Tay Lên”, nữ đạo diễn đã bày tỏ sự tiếc nuối:

“(Vì quy định này) nên tôi không thể tiết lộ với các bạn rằng tôi đã ghi trong phiếu đánh giá rằng phim Vị là phim có tiếng nói cá nhân độc đáo, ngôn ngữ điện ảnh ít gặp, nội dung không vi phạm luật Điện Ảnh. Phần hình ảnh khỏa thân nếu không đúng quy định thì có thể nói với nhà làm phim để họ có phương án thay đổi và chỉnh sửa…”

Sự cố gắng thuyết phục bằng lí lẽ với những thành viên hội đồng duyệt sau cánh cửa đóng kín này của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã nhận được những tín hiệu đồng ý. Một trong số đó là của chính cục trưởng Vi Kiến Thành. Thế nhưng, như kết quả đã chỉ ra, những ý kiến này cũng phải “bó tay” trước những điều luật và ý kiến của số đông còn lại.

“Thỉnh thoảng có 1 – 2 phim đáng để mổ xẻ tranh cãi thì… bị cấm. Mà em thì chẳng làm gì được cả, tranh luận ư, bảo vệ ư, cuối cùng vẫn là thiểu số… Mọi người trong Hội đồng (rất tốt và nhiều kinh nghiệm) luôn nhắc em rằng đây không phải chuyện mình bình chọn phim hay hay dở. Mà là chuyện phim có đúng luật hay không.” Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ trong bài “Điện Ảnh có Vị gì?

Lựa chọn 2: Chỉ ra các bất cập trong hệ thống

“Trong thông tư số 12, năm 2015, ở văn bản ‘Tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi” ở mục Khỏa thân ở mức C18, có nội dung là “không chấp nhận khỏa thân toàn phần, trừ trường hợp hình ảnh khỏa thân toàn phần này phù hợp với nội dung phim,... và không có thời gian kéo dài.” Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp trích dẫn về lí do khiến Vị bị cấm chiếu.

Có thể thấy trong vấn đề của phim Vị, hội đồng duyệt phim cũng không thật sự có lựa chọn. Chính vì trong văn bản luật không có một quy định cụ thể để xác định như thế nào là một cảnh khỏa thân toàn phần “phù hợp với nội dung phim” và “không có thời gian kéo dài”. Sự mơ hồ và không rõ ràng trong các quy định, đã khiến hội đồng duyệt phải “giết nhầm hơn bỏ sót”.

Đây cũng chính là một phần nội dung của buổi tọa đàm Ai Góp Ý Giơ Tay Lên mà đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã đưa ra. Khi vấn đề đang nằm ở văn bản luật Điện ảnh mà cả hội đồng duyệt phim đang phải đi theo, có lẽ cách tốt nhất là lên tiếng về vấn đề này để các cấp lãnh đạo có thể lắng nghe và điều chỉnh.

May mắn thay, những kiến nghị của buổi tọa đàm Ai Góp Ý Giơ Tay Lên đã nhận được những phản hồi tích cực không chỉ ở những người yêu điện ảnh mà còn ở các đại biểu Quốc hội.

Cụ thể, vào phiên thảo luận sáng ngày 23/10, nhiều đại biểu đã góp ý về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Trong đó đề cập khá nhiều đến các nội dung trong kiến nghị như “cần có những mức phân loại độ tuổi cao hơn C18”, “thay đổi cơ chế tiền kiểm thành hậu kiểm”, thậm chí chính phim Vị cũng đã được nêu tên. “Nếu luật pháp cản trở hay làm hư hỏng ngành nghệ thuật này thì đó là vấn đề lớn, cần lưu ý” Chủ tịch nước nói về vấn đề này.

Lựa chọn 3: Tiếp tục đấu tranh cho những gì bạn tin tưởng ở ngoài

Cho đến nay, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp vẫn chưa lên tiếng về việc rời khỏi hội đồng duyệt. Lí do cho sự im lặng này có lẽ là việc vị đạo diễn này đang khá bận rộn với dự án “Hà Nội Mùa Đông.” Với thông điệp là In Cinema We Trust (Tin vào Điện ảnh), Hà Nội Mùa Đông là một khóa học và chương trình lưu trú để dành tìm kiếm và dành cơ hội cho các dự án phim tiềm năng.

Đạo diễn
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tại sự kiện Hà Nội Mùa Xuân năm 2015 | Nguồn: Facebook

Với mong muốn tạo ra một cộng đồng làm phim điện ảnh đoàn kết cùng nhau đi lên, có thể thấy dù đã rời hội đồng kiểm duyệt, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp vẫn tiếp tục thực hiện các dự án nhằm mục đích thúc đẩy ngành phim, nhất là ngành phim độc lập phát triển.

Độc giả có thể tìm đọc về sự kiện này tại trang Facebook Ơ Kìa We Trust, Ơ Kìa Hà Nội, Xinê HouseHà Nội Mùa Đông 2021

Kết

Về sự việc này, ông Vi Kiến Thành nói với báo chí, “Tôi là người mời Hoàng Điệp đảm nhiệm vai trò này, vì muốn có tiếng nói của một nhà làm phim độc lập trẻ trong hội đồng lần này.”

Quả thật, khi mà những chiếc ghế của hội đồng duyệt phim đang thiếu vắng đi đại diện đến từ những nhà làm phim, việc đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tham gia vào hội đồng là một điều rất cần thiết.

Đạo diễn Charlie Nguyễn nói về điều này trên tờ VTC News, “Tôi mừng vì cùng là nhà làm phim, chị Điệp sẽ thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn, trăn trở và có thể nói lên được tiếng nói của các nhà làm phim, nhà phát hành. Trong một nỗ lực nào đó, chị Điệp giống như chiếc cầu nối để giúp các nhà làm phim và các thành viên trong Hội đồng Duyệt phim hiểu, tìm được tiếng nói chung.”

Vì thế cũng dễ hiểu khi mà vừa nghe tin đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp rời khỏi chiếc ghế này, các nhà làm phim và cả những khán giả đã đồng loạt bày tỏ sự tiếc nuối cho nỗ lực tạo một chiếc cầu nối của vị đạo diễn này.

Quay lại với câu nói “Thành viên hội đồng có thể đưa ra nhận định khác nhau nhưng cần tuân thủ quan điểm của đại đa số…” đến từ ông Vi Kiến Thành.

Vậy câu hỏi đặt ra là, liệu quy chế và người vi phạm quy chế, ai mới là người cần sửa đổi?