Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Bước tiến dài đến điện ảnh | Vietcetera
Billboard banner
05 Thg 06, 2018
Điện Ảnh

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Bước tiến dài đến điện ảnh

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh được biết đến với những phim ngắn, phim tài liệu như Chung cư của tôi, Ngọn gió về đâu và The Scent of Fish Sauce được trình chiếu tại liên hoan phim Bucheon, BFI London và Palm Springs. Năm 2018 đánh dấu bước ngoặt của anh với điện ảnh qua tác phẩm Thưa mẹ con đi.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Bước tiến dài đến điện ảnh

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Bước tiến dài đến điện ảnh

Tốt nghiệp khóa đào tạo đạo diễn từ trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh tiếp tục hoàn thành những nghiên cứu chuyên sâu theo chương trình Thạc sĩ Mỹ thuật chuyên ngành Sản xuất phim tại Đại Học Austin – Texas Mỹ. Từ năm 2010 đến nay, vị đạo diễn sinh năm 1986 này liên tục để lại dấu ấn với những tác phẩm phim tài liệu và phim ngắn của mình. Trong đó, nổi bật nhất là tác phẩm tốt nghiệp khóa học làm phim Varan 2009 – phim Chung cư của tôi và Ngọn gió về đâu.

Gần đây nhất, tác phẩm The Scent of Fish Sauce (Nước mắm, 25 phút) của anh là một trong hai đại diện của Việt Nam có mặt tại Liên hoan phim quốc tế Bucheon, tiếp đến là BFI London và Palm Springs. Bên cạnh đó, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh từng được mời tham gia hai trại sáng tác danh tiếng Berlin Talent và Tokyo Talent Campus dành cho các tài năng làm phim trẻ và đồng thời tham gia giảng dạy tại khoa sản xuất phim tại trường Đại học Hoa Sen Thành phố Hồ Chí Minh. Anh còn là tác giả của hai quyển sách về điện ảnh là Mười bí quyết hình ảnhKhi đạo diễn trẻ già dặn.


Sau một thời gian chinh chiến với các dòng phim tài liệu và phim ngắn, bước tiến tiếp theo của đạo diễn Trình Lê Minh là bộ phim điện ảnh Thưa mẹ con đi. Được biết, Thưa mẹ con đi xoay quanh câu chuyện về Văn, một thanh niên trở về Việt Nam sau nhiều năm sống ở Mỹ cùng người bạn trai Việt Kiều tên Ian, từ đó cả hai phải chống đỡ nhiều áp lực từ gia đình, điều đã đẩy Văn tới giữa hai lựa chọn ở lại Việt Nam hay quay về Mỹ. Tuy vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị bấm máy, kịch bản của Thưa mẹ con đi đã được nhận giải thưởng “Dự án phim thương mại xuất sắc” tại Gặp gỡ mùa Thu 2017.

Trong những ngày làm việc tại Toong Coworking Space, chúng tôi đã có vinh dự được trò chuyện cùng đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh về chặng đường đã qua và những điều anh ấp ủ cho dự án Thưa mẹ con đi.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh

Điều gì đã thôi thúc anh trở về làm phim tại Việt Nam?

Theo tôi, là một người làm phim, có lẽ ai cũng muốn được gắn kết với văn hóa và cội nguồn của mình. Hơn nữa, thị trường phim Việt vẫn khá non trẻ và còn nhiều đề tài để khai thác. Cộng thêm đôi mắt của một người bản địa, tôi sẽ dễ dàng lột tả chính xác những điều vốn đã quen thuộc với mình. Đó là động lực thúc đẩy tôi trở về và gây dựng sự nghiệp tại quê hương thay vì theo đuổi sự nghiệp làm phim quốc tế.

Theo anh, cái khó của người làm phim là gì? Và anh làm thế nào để giải quyết những khó khăn đó?

Phim ngắn là bước khởi đầu lý tưởng cho những nhà làm phim trẻ, bắt đầu xây dựng tiếng nói riêng. Tuy nhiên, phim ngắn có cái khó là làm sao để kể được một câu chuyện trọn vẹn, súc tích trong một thời lượng phim giới hạn. Còn đối với phim dài, thử thách đặt ra là làm sao để người xem nán lại hơn một trăm phút chiếu và coi đến cuối bộ phim. Hiện tôi vẫn đang học cách xây dựng tình tiết phim sao cho chặt chẽ nhằm mang lại cả yếu tố giải trí lẫn ngạc nhiên cho khán giả.

Tuy nhiên, dù làm phim ngắn hay phim dài, phong cách chủ đạo của tôi vẫn là khai thác những điều nhỏ nhặt thường bị bỏ quên. Với tôi, làm phim là truyền tải câu chuyện, và truyền tải luôn cả cái nhìn của người làm phim. Ví dụ như bộ phim ngắn tốt nghiệp khóa Thạc sĩ năm 2015, The Scent of Fish Sauce, lột tả suy tư của tôi khi phải nói lời từ biệt với nước Mỹ, một nơi đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm thân thương. Nhưng đó không phải là luồng cảm xúc duy nhất mà tôi có. Bởi cũng đã từng có lúc tôi phải chào tạm biệt những điều rất đỗi quen thuộc tại Việt Nam và khăn gói đến Mỹ. Những cảm xúc đó sẽ được truyền tải thông qua Thưa mẹ con đi.

Ngoài ra, tôi cũng muốn bước ra khỏi vùng an toàn trước giờ và thử sức với những thể loại mới mẻ hơn. Thế nên, Thưa mẹ con đi sẽ được thực hiện dưới dạng phim điện ảnh tâm lý, hài về đề tài gia đình – một thể loại tôi chưa bao giờ chinh phục. Hy vọng đây sẽ là một bước tiến dài, một sự trưởng thành trên con đường sự nghiệp của mình.

“Cái khó của phim ngắn là làm sao kể một câu chuyện trọn vẹn xúc tích trong một thời lượng phim giới hạn…
“Cái khó của phim ngắn là làm sao kể một câu chuyện trọn vẹn, xúc tích trong một thời lượng phim giới hạn…

Anh có thể bật mí về thông điệp mà anh muốn truyền tải thông qua Thưa mẹ con đi được không?

Trước tiên, tôi không thực hiện bộ phim này với hy vọng sẽ mang đến cho người xem một bài học mang tầm vĩ mô hoặc khiến họ phải suy ngẫm, phân bua đúng sai gì cả. Thay vào đó, Thưa mẹ con đi chỉ đơn giản là một bộ phim gợi nhắc đôi ba điều quen thuộc mà người ta xem xong và cảm thấy đồng cảm. Hoặc hơn nữa, nếu họ nhìn thấy được câu chuyện của chính mình trong phim thì thật tuyệt vời.

…còn với phim dài thử thách đặt ra là làm sao để người xem nán lại hơn một trăm chiếu phút và coi đến cuối bộ phim” anh chia sẻ
…còn với phim dài, thử thách đặt ra là làm sao để người xem nán lại hơn một trăm chiếu phút và coi đến cuối bộ phim,” anh chia sẻ

Theo đó, thông điệp của bộ phim cũng không có gì quá cao siêu cả. Chỉ đơn giản là: cá nhân nào cũng có những kế hoạch, những hoài bão cho riêng mình. Và họ hy vọng rằng mọi thứ sẽ diễn ra theo đúng những gì mình dự kiến. Nhưng cuộc sống thì không suôn sẻ như vậy, nhất là khi còn đó những kỳ vọng từ gia đình. Ai cũng mặc định gia đình vốn là một thể thống nhất, nhưng không phải, sẽ luôn có ít nhất một cá thể trong gia đình lựa chọn cách trưởng thành không giống với bất cứ một sự kỳ vọng nào. Và khi mọi thứ bắt đầu bị đảo lộn so với dự tính ban đầu, cũng là lúc họ phải đứng giữa ngã ba đường. Hoặc là làm lại từ đầu theo đúng những kỳ vọng của gia đình. Hoặc là đi tiếp và chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Gia đình nào cũng có chuyện bi hài như thế – một sự bình dị mang đến những nụ cười và một vài giọt nước mắt.

Được biết, Thưa mẹ con đi còn khai thác mảng đề tài đồng tính. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về khía cạnh này?

Tuy rằng những năm gần đây, mọi người đã dần có cái nhìn thiện cảm hơn với cộng đồng LGBT tại Việt Nam, nhưng khi liên quan đến gia đình, quan hệ đồng tính vẫn khá nhạy cảm vì nó liên quan đến các truyền thống, văn hóa. Vì vậy, chúng tôi chọn cách kết hợp hai thể loại hài và tình cảm để dung hòa giữa vấn đề gia đình và quan hệ đồng tính.

Chúng tôi hy vọng rằng phim mình làm ra phần nào gạt bỏ được cái nhìn sai lệnh, những quan niệm tiêu cực về cộng đồng LGBT bằng cách tập trung lột tả sự khó khăn của nhân vật chính khi phải đưa ra quyết định, tiếp tục mắc kẹt với áp lực gia đình hay truy cầu hạnh phúc cho bản thân.

“Ai cũng mặc định gia đình vốn là một thể thống nhất nhưng không phải sẽ luôn có ít nhất một cá thể trong gia đình lựa chọn cách trưởng thành không giống với bất cứ một sự kỳ vọng nào” đạo diễn chia sẻ quan điểm
“Ai cũng mặc định gia đình vốn là một thể thống nhất, nhưng không phải, sẽ luôn có ít nhất một cá thể trong gia đình lựa chọn cách trưởng thành không giống với bất cứ một sự kỳ vọng nào,” đạo diễn chia sẻ quan điểm

Anh có dự định sẽ giới thiệu bộ phim đến với cộng đồng quốc tế không?

Đó cũng là một phần của mục tiêu chúng tôi đặt ra. Trước mắt sẽ là gởi tới người yêu phim trong nước, và sau đó là giới thiệu phim tại các liên hoan phim quốc tế. Tôi tin rằng, Thưa mẹ con đi là bộ phim mang bối cảnh Việt nhưng đề tài gia đình thì là mối quan tâm của toàn cầu. Tôi hy vọng khán giả nước ngoài sau khi xem phim vừa khám phá được một số điều thú vị về văn hóa Việt Nam, vừa cảm thấy đồng cảm với đề tài gia đình. Với tôi, liên hoan phim không chỉ là nơi để trình chiếu tác phẩm và nhận xét đánh giá chuyên môn, đó còn là dịp để kết nối với các nhà sản xuất và đầu tư phim. Đồng thời cũng là lúc để cập nhật những xu hướng làm phim mới nhất.

Theo anh, điện ảnh Việt Nam những năm gần đây có gì nổi bật?

Điện ảnh Việt Nam vẫn đang phát triển và học hỏi từng ngày. Tuy nhiên, không chỉ đơn giản là góc quay đẹp, các nhà làm phim còn cần phải chú trọng vào cả ngôn ngữ điện ảnh, cách xây dựng cốt truyện và chuyển thể thành kịch bản. Theo tôi, điện ảnh nước nhà vẫn còn chưa có sự đầu tư đúng mức vào kịch bản.

Một phương pháp để giải quyết tạm thời sự đầu tư thiếu hụt này là làm phim Việt hóa (phim remake). Tuy là được làm lại dựa trên những kịch bản đã được công nhận, nhưng nếu chỉ sao chép toàn bộ kịch bản gốc thì cũng sẽ rất khó để chạm đến người xem bởi sự thiếu tương đồng trong những quan niệm, giá trị văn hóa. Muốn thành công, các nhà làm phim Việt phải chịu khó lồng ghép những giá trị truyền thống cũng như biến tấu để bối cảnh trong phim phù hợp với sự phát triển của xã hội Việt Nam. Ví dụ tiêu biểu là sự thành công của những bộ phim như Em là bà nội của anh và Tháng năm rực rỡ.

Theo đạo diễn “điện ảnh nước nhà vẫn còn chưa có sự đầu tư đúng mức vào kịch bản”
Theo đạo diễn, “điện ảnh nước nhà vẫn còn chưa có sự đầu tư đúng mức vào kịch bản.”

Ở một khía cạnh khác, tôi hy vọng các nhà làm phim tương lai có thể chuyên môn hóa thể loại phim. Muốn vậy, trước hết họ phải nắm được những điểm đặc trưng của thể loại phim mà họ theo đuổi. Nắm vững nền tảng cốt lõi là một yếu tố quan trọng giúp định hướng và khai phá sự sáng tạo.

Với tư cách là một giảng viên, anh có lời khuyên nào dành cho những nhà làm phim trẻ tại Việt Nam không?

Tôi hy vọng khi các bạn quyết định theo đuổi con đường làm phim vì các bạn thật sự tâm huyết với nó. Nghề làm phim là một nghề mang tính thách thức, bởi nó là một hình thức nghệ thuật đòi hỏi cả kỹ năng hợp tác và đầu óc kinh doanh. Người làm phim không phải là một nghệ sĩ độc lập, họ cần phải có sự hỗ trợ và hợp tác của cả một tập thể. Đồng thời, họ cũng phải có đầu óc chiến lược để tìm kiếm nguồn đầu tư và duy trì tài chính ổn định cho các dự án của mình.

Riêng về mảng kỹ thuật làm phim, hãy xem thật nhiều phim để học hỏi và mở mang kiến thức. Có thể thời gian đầu bạn sẽ cảm thấy hoang mang không biết phải định hướng phong cách như thế nào, nhưng đừng nản lòng vì một khi bạn có đủ kinh nghiệm sống, bạn sẽ nghiệm ra.

“Nghề làm phim là một nghề mang tính thách thức bởi nó là một hình thức nghệ thuật đòi hỏi cả kỹ năng hợp tác và đầu óc kinh doanh” – đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh
“Nghề làm phim là một nghề mang tính thách thức, bởi nó là một hình thức nghệ thuật đòi hỏi cả kỹ năng hợp tác và đầu óc kinh doanh,” – đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh

Anh có thể bật mí về những bộ phim Việt Nam mà anh thích được không?

Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng và Bao giờ cho đến tháng Mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh là hai trong số những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Nếu có dịp, các bạn hãy xem để hiểu thêm về điện ảnh nước nhà.

Cuối cùng, chúng tôi nên trò chuyện cùng ai tiếp theo?

Leon Lê, diễn viên gốc Việt duy nhất của sân khấu nhạc kịch Broadway, cũng là diễn viên châu Á duy nhất trong vở nhạc kịch bom tấn Spiderman: Turn off the dark với vai trò diễn viên dự bị. Leon Lê hiện tại đang quay về Việt Nam để làm phim. Nhân vật thứ hai là anh John Huy Trần, một vũ công chuyên nghiệp Canada gốc Việt. Chắc hẳn anh đã quá quen thuộc với khán giả qua vai trò giám khảo, biên đạo và cố vấn cho nhiều chương trình tài năng tại Việt Nam.

Xem thêm:

[Bài viết] Chuyện của Robin & Cako: Việt Nam – Điểm hội tụ của sáng tạo

[Bài viết] Phim ngắn “First Generation” – Thân phận Việt kiều dưới góc nhìn của những người trẻ