Kiến trúc sư lỗi lạc Frank Lloyd Wright từng nhận định: “Tôi ngày càng cảm nhận được tầm quan trọng của ánh sáng trong kiến trúc, bởi nó góp phần tôn lên vẻ đẹp của cả công trình.”
Đối với các kiến trúc sư, điều chỉnh ánh sáng là khía cạnh quan trọng nhất trong thiết kế. Các công trình được thiết kế hệ thống chiếu sáng hợp lý có thể đẹp đến “khó tin”, còn nếu không, dù tòa nhà có được xây dựng cầu kỳ đến đâu thì cũng không thể hiện chính xác vẻ đẹp như mong muốn.
Được thành lập vào năm 2003 bởi David Hodkinson và Luc Lejeune với hai trụ sở chính hiện nay tại Việt Nam và Hy Lạp, “Studio Noor” là một công ty chuyên về thiết kế và kiến trúc hàng đầu, chủ yếu tập trung vào các dự án nhà hàng và khách sạn cao cấp. Theo quan điểm của David, công ty không chỉ là đối tác phụ trách thiết kế các dự án này, mà chính bản thân họ cũng là khách hàng tiềm năng của ngành công nghiệp nhà hàng - khách sạn.
Lớn lên bên người cha có chuyên môn in ấn và bản đồ học, David đã sớm nhận ra đam mê trở thành kiến trúc sư của bản thân. Các thành tích có thể kể đến của David là nhiều năm kinh nghiệm tại các công ty Glenn Howells và Architecture PLB của Vương quốc Anh, từng đạt bằng tốt nghiệp loại giỏi - chuyên ngành Kiến trúc - tại Đại học Oxford Brookes của Anh, và tiếp đó là một bằng Thạc sĩ - chuyên ngành Kiến trúc và Nội thất - tại Đại học Royal College of Arts, London.
Tuy nhiên, trước khi học lấy bằng Thạc sĩ, anh đã từng có 6-7 tháng du lịch vòng quanh Việt Nam với quyết tâm “trải nghiệm một điều gì đó mới mẻ”. Dù sau đó phải trở lại học tập tại Đại học Royal College of Arts, anh vẫn luôn hoài niệm cảm xúc tự do, tự tại và hòa nhập với cuộc sống tại Việt Nam. Và 18 năm sau đó, anh lại ở Việt Nam, mang những dự án thiết kế độc đáo của mình đến để tô điểm thêm cho vẻ đẹp của đất nước này.
Vietcetera đã có cơ hội ghé thăm Studio Noor - tọa lạc trên một trong những con đường sầm uất nhất Sài Gòn, và gặp gỡ nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc thiết kế David Hodkinson. Qua cuộc phỏng vấn, anh đã tiết lộ cho chúng tôi về cách công ty quản lý các dự án nước ngoài trong tình hình đại dịch, và vì sao việc không chú trọng vào một phong cách đặc trưng lại chính là “đặc trưng” của họ.
Nếu Studio Noor là một con người, thì người đó sẽ có những đặc điểm gì?
Trước tiên, chắc chắn sẽ là người có kinh nghiệm du lịch dày dạn. Studio Noor sẽ là kiểu người thích tận hưởng những trải nghiệm mới mẻ, luôn chuẩn bị sẵn tinh thần cho một chuyến phiêu lưu mới. Người này hẳn sẽ cố gắng hết sức để trở thành người đầu tiên được trải nghiệm các nhà hàng hoặc khu nghỉ dưỡng mới mở trong thành phố, hay bất kỳ điều gì mới mẻ và độc đáo. Đây có thể là một người đang ở độ tuổi 35-45, không quá trẻ nhưng luôn tràn đầy năng lượng để khám phá.
Thông thường, Studio Noor sẽ cân nhắc lựa chọn dự án dựa trên những tiêu chuẩn nào?
Sau 18 năm hoạt động, tôi nghĩ mọi người hiện đã hiểu rõ phong cách của công ty cũng như những dự án mà chúng tôi thực hiện - chính là mỗi công trình đều có nét khác biệt. Tôi cảm thấy, không chú trọng vào một phong cách đặc trưng lại chính là “đặc trưng” của chúng tôi. Tất nhiên, công ty có thế mạnh riêng và thường thiên về các sản phẩm nội thất theo yêu cầu, đẹp và trang nhã. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng thích những thử thách.
Một ví dụ điển hình là thiết kế cho Azerai Kê Gà Bay - khu nghỉ dưỡng tối giản và tinh tế. Chúng tôi cũng phụ trách thiết kế một khách sạn 5 sao rộng lớn cách đó không xa, với 250 phòng nghỉ cho gia đình, và so với Azerai thì dự án này có phong cách hoàn toàn khác. Với mỗi dự án khác nhau, chúng tôi lại tự thử thách bản thân với những phong cách khác nhau để có thể duy trì tính mới mẻ và độc đáo.
Thường thì chúng tôi không chủ động lựa chọn dự án, mà các dự án sẽ “tự tìm đến” chúng tôi. Và mặc dù thiên về thiết kế cho nhà hàng - khách sạn, chúng tôi cũng không dự định bỏ lỡ các cơ hội sáng tạo thú vị khác. Cũng có lúc công ty được giới thiệu đến khách hàng bởi chính những tập đoàn khách sạn lớn như Hyatt, Hilton hoặc Marriott. Trong các buổi thảo luận, chúng tôi trước tiên sẽ đưa ra đề xuất và đối tác sẽ cân nhắc xem có chấp thuận ý tưởng đó hay không.
Anh đã từng hợp tác với nhà sáng lập Adrian Zecha cho dự án Azerai Kê Gà Bay. Anh có thể chia sẻ một chút về kinh nghiệm đó không?
Ian Schrager và Adrian Zecha chính là hai người chủ khách sạn mà tôi vẫn luôn ao ước được cùng bắt tay hợp tác. Về Adrian Zecha, ông là nhà sáng lập các thương hiệu Aman, Regent International Hotels, GHM, và Azerai - đều là những khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp được ưa chuộng, và cá nhân tôi luôn đánh giá cao thiết kế của các công trình này.
Được hợp tác cùng Adrian Zecha chính là một niềm vinh hạnh. Với dự án này, tôi mới chỉ gặp Adrian vài lần tại Singapore và Việt Nam để thảo luận về chi tiết thiết kế. Dù không trực tiếp tham gia vào quá trình triển khai dự án, nhưng ông có một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và hợp tác vô cùng chặt chẽ cùng chúng tôi. Studio Noor đã từng tham gia vào dự án La Residence trước khi được đổi tên chính thức thành Azerai, và đó chính là lý do họ quyết định tiếp tục hợp tác với chúng tôi.
Một điều duy nhất khiến chúng tôi thất vọng chính là tình hình đại dịch bùng nổ hiện nay. Nếu không có biến cố này, có lẽ khu nghỉ dưỡng Azerai Kê Gà Bay đã được chính thức khai trương từ 6-7 tháng trước.
Làm cách nào để quản lý đội ngũ nhân viên và những dự án rải rác khắp toàn cầu trong khi việc đi lại hiện vẫn còn hạn chế?
Phương thức quản lý của chúng tôi, thật ra là do luyện tập mà thành, tôi nghĩ vậy. Công ty hiện có trụ sở tại Sài Gòn và quá trình thiết kế cũng diễn ra chủ yếu ở đây. Còn Athens, Hy Lạp là nơi đối tác kinh doanh của tôi đặt trụ sở, nhờ đó mà công ty có thể phát triển hoạt động kinh doanh tại châu Âu. Có thể thấy, việc hợp tác với đối tác nước ngoài trong khi bản thân đang ở Việt Nam cũng không phải là trải nghiệm gì đó quá mới lạ.
Dù có nhiều dự án khác tại nước ngoài như Peru và Ả-rập Xê-út, chúng tôi vẫn luôn chú trọng vào việc tạo ra mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với khách hàng, từ đó hình thành lòng thấu hiểu và niềm tin để tạo nên sự khác biệt lớn. Chúng tôi không nhất thiết phải gặp trực tiếp khách hàng để thảo luận, mà đã dần thích nghi với các ứng dụng họp trực tuyến như Zoom. Mối quan hệ hợp tác này thường dựa trên quy tắc: chúng tôi đưa ra ý tưởng, sau đó mở lòng đón nhận ý kiến của tất cả mọi người.
Dù được dự đoán sẽ trở thành xu hướng thiết kế mới, nhưng ý tưởng tái thiết thích ứng có hơi “lý tưởng” quá không, và vì sao vẫn chưa thể áp dụng tại Việt Nam?
Theo tôi, đây là một ý tưởng tuyệt vời, và có thể được áp dụng hiệu quả với một số dạng tòa nhà hoặc dự án nhất định. Thông thường đối với thiết kế quán bar và nhà hàng, sáng tạo dựa trên một không gian có sẵn sẽ dễ dàng hơn xây dựng một khuôn viên hoàn toàn mới, tuy nhiên phương pháp này lại khó có thể áp dụng trong thiết kế khách sạn.
Có thể lấy ví dụ từ một dự án tại Myanmar - công trình khách sạn được xây dựng dựa trên khuôn viên của một phòng giao dịch cũ từ những năm 1920, tuy nhiên vẫn giữ được những đồ nội thất và tấm bình phong cổ để công ty có thể nắm rõ ý tưởng và đề xuất thiết kế. Chúng tôi lấy cảm hứng từ chính những tấm bình phong đó để thiết kế phòng tắm, ngoài ra cũng sử dụng làm vách ngăn trong khu vực văn phòng. Dù độc đáo và hấp dẫn đến vậy, nhưng những chi tiết đó đòi hỏi công sức bỏ ra rất lớn, vừa thách thức lại vừa tốn kém.
Chúng tôi vẫn luôn muốn triển khai những dự án tương tự tại Việt Nam, nhưng có vẻ các công trình di sản trong nước vẫn chưa được chú ý đúng mực. Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy tâm lý này đang thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, và mong là sẽ được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam.
Vì sao anh chọn theo đuổi ngành này, hơn nữa còn luôn gắng sức tạo ra những dự án với nét khác biệt “vượt trội”?
Kinh doanh là một mặt, nhưng tôi thật sự muốn dành nhiều thời gian để hoàn thiện dự án một cách chuẩn xác và đáng tự hào nhất, cũng như để đảm bảo công trình có thể vận hành đúng như trên thiết kế, thay vì cứ phải sửa đi sửa lại.
Tôi luôn muốn cả công ty có thể tự hào về một công trình hoàn chỉnh. Ví dụ như Azerai - dự án này là sự kết hợp của nhiều kinh nghiệm đúc kết trong suốt 18 năm theo đuổi nghề, được thiết kế nhằm chú trọng vào trải nghiệm của khách hàng, dù không quá rõ ràng nhưng vẫn là một sản phẩm mà chúng tôi vô cùng tự hào vì đã hoàn thành xuất sắc.
Khi mọi người xung quanh cho rằng ý tưởng của anh không khả thi, anh sẽ làm thế nào?
Thật ra, cá nhân tôi sẽ không chấp nhận câu trả lời “không”, vì chúng tôi hiểu rất rõ từng đường đi nước bước của bản thân. Công việc kinh doanh của chúng tôi chủ yếu xoay quanh lĩnh vực thiết kế nội thất, nhưng để hoàn thành một cách chuẩn xác thì chúng tôi bắt buộc phải hiểu rõ mọi khía cạnh - từ kết cấu tổng quan đến những chi tiết như lắp đặt điều hòa. Nếu tự nhận thấy có thể tìm ra một giải pháp thiết kế khác, thì bản thân tôi sẽ cùng cả đội cố gắng thực hiện bằng được ý tưởng đó.
Chúng tôi đã từng thực hiện dự án Mojo Cafe thuộc khách sạn Sheraton trên đường Đồng Khởi. Không gian thiết kế tại đây vô cùng nhỏ, chỉ rộng 6 mét vuông với 3 tầng lầu. Vốn dĩ chúng tôi định xây thêm gác lửng, nhưng nếu làm vậy sẽ cần một dạng cấu trúc nhất định. Người kỹ sư kết cấu đầu tiên mà chúng tôi làm việc cùng đã nghĩ đến giải pháp xây thêm cột nhà, nhưng việc này sẽ làm giảm diện tích không gian xuống rất nhiều so với hiện tại.
Thời điểm đó, tôi cảm thấy mình nên hợp tác với một kỹ sư kết cấu khác có quan điểm khác biệt và tư duy “phiêu lưu” hơn. Và với sự góp mặt của “nhân tố” mới, chúng tôi đã xây thêm một gác lửng dạng treo, được gắn với tấm phiến sàn của tầng trên nên không cần cột đỡ bên dưới. Theo tôi, giải pháp này không chỉ hiệu quả hơn nhiều mà còn tiết kiệm rất nhiều không gian. Do đó, khi chúng tôi biết mình có khả năng thực hiện một ý tưởng khả thi hơn trước đó thì sẽ theo đuổi nó đến cùng.
Anh có thể chia sẻ một chút về những dự án đang trong quá trình triển khai?
Trong kỳ nghỉ năm 2000, tôi từng cùng gia đình đi du lịch và ở tại khu nghỉ dưỡng The Furama Resort Đà Nẵng. Đây cũng chính là khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên tại Việt Nam - với chỉ hơn 200 phòng nghỉ và được xây dựng vô cùng hoàn chỉnh. Tuy nhiên, công trình chưa bao giờ được cải tạo suốt từ năm 2000 đến nay, nên vào năm ngoái, họ đã ngỏ ý muốn hợp tác với chúng tôi trong dự án cải tạo. Cả tôi lẫn đội ngũ Studio Noor đều vô cùng phấn khích với việc thực hiện dự án này.
Bên cạnh đó, tập đoàn Novaland cũng có rất nhiều công trình khách sạn đang được triển khai. Chúng tôi hiện đang tham gia vào 2 dự án khách sạn Movenpick Novaworld Phan Thiết và Avani Cam Ranh Resort & Villas, dự kiến khai trương vào năm 2022. Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các dự án mà chúng tôi thực hiện đều ở Việt Nam.
Ngày nay, các dự án khách sạn và khu nghỉ dưỡng đang nhanh chóng được nhiều tập đoàn triển khai. Trong bối cảnh toàn thế giới vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn và khủng hoảng, lượng người du lịch giảm xuống, thì việc triển khai xây dựng khách sạn trong thời điểm này lại vô cùng đáng để cân nhắc do lượng khách chắc chắn sẽ tăng lên sau đó.
Dù hiện đang trong thời kỳ đại dịch, tôi vẫn cảm thấy may mắn vì có thể tận hưởng trọn vẹn cuộc sống tại Việt Nam, và tôi nghĩ đội ngũ nhân viên của Studio Noor cũng có chung cảm xúc ấy.