Deliberate ignorance - Khi ta cần “tâm bất thính” giữa xã hội “vạn thính” | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 09, 2021
Cuộc SốngTâm Lý Học

Deliberate ignorance - Khi ta cần “tâm bất thính” giữa xã hội “vạn thính”

Cố ý thiếu hiểu biết (deliberate ignorance) giúp bạn học cách từ chối và đào thải tin tức khi tình trạng "bội thực" thông tin ngày càng phổ biến.
Deliberate ignorance - Khi ta cần “tâm bất thính” giữa xã hội “vạn thính”

HWEE @unknown_hwee cho Vietcetera

Con số ca bệnh đáng sợ và câu chuyện thương tâm cứ thế ập đến. Thay vì một cú click vội, ta lựa chọn “mắt không thấy, tim không đau” trước các tin tức đáng buồn ấy. 

Có phải bệnh dịch kéo dài đã làm não ta đình trệ, tinh thần xuống dốc và bàng quan với xã hội xung quanh? Thật ra có thể bạn chỉ đang “cố tình thiếu hiểu biết” để tự bảo vệ tinh thần của mình.  

Cố ý thiếu hiểu biết là gì?

Theo Hertwig và Engel, sự thiếu hiểu biết có chủ đích (deliberate ignorance), hay cố ý mù quáng là hiện tượng cá nhân, nhóm tập thể chọn phớt lờ thông tin hoặc ngừng tìm kiếm sự thật. Hành động được xem là có mục đích và không bị tác động bởi bên thứ ba. 

Vì sao chúng ta cố tình thiếu hiểu biết?

Nhằm lý giải hiện tượng chúng ta chọn phớt lờ thông tin hơn là đào sâu vào nó, nhà tâm lý học Gerd Gigerenzer đã đưa ra 4 nguyên do sau:

1. Né tránh sự xuất hiện của tin xấu 

Bởi nguồn tin có thể phương hại đến tâm trạng, niềm tin và sự lạc quan của bạn, đặc biệt là những vấn đề khó giải quyết hoặc có kết quả không mong muốn.

Ví dụ, xuất phát từ thực trạng ngày càng nhiều tin tức giả mạo, biến chất trên mạng, bạn chọn “cách ly” mạng xã hội để chú tâm vào các hoạt động chăm sóc bản thân khác như chăm cây, nấu ăn và chạy bộ.  

né tránh tin xấu
Bảo vệ con tim bé nhỏ trước sự tấn công của tin xấu.

2. Duy trì cảm giác ngạc nhiên và hồi hộp

Chẳng hạn như bạn quyết chờ đến ngày sinh nhật mới mở quà, thay vì hỏi bố món đồ bên trong? Đây là một cách cố ý mù quáng để thúc đẩy cảm giác hứng khởi trong lúc chờ đợi kết quả.

Não bộ chúng ta thường “ưu ái” những điều mới mẻ và hiếm gặp. Theo nghiên cứu, khi có những kích thích mới, não của chúng ta tiết ra nhiều dopamine hơn giúp tăng hưng phấn và kích hoạt sự tò mò. 

3. Nhận được sự chú ý và giúp đỡ của người khác. 

Từ việc tiếp tục thiếu hiểu biết, bạn mong chờ nhận được mối quan tâm từ gia đình, bạn bè và thậm chí người lạ một cách thụ động. Điều này xảy ra phổ biến hơn với những người thân hoặc tiếp xúc thường xuyên với bạn. 

Chẳng hạn, bạn cố ý không đặt báo thức buổi sáng chỉ vì muốn được mẹ quan tâm và gọi dậy. Hoặc bạn cố ý quên đi ngày sinh nhật của mình chỉ để chờ tín hiệu chủ động từ người yêu và bạn bè.

4. Công cụ để đạt được cán cân công lý và không thiên vị 

Cũng như nữ thần Lady Justice bịt mắt để đảm bảo tính công bằng, chúng ta cố ý thiếu hiểu biết là để ngăn cách với các tác nhân gây nhiễu bên ngoài và bảo vệ quyết định sáng suốt. 

Trong nhiều phiên xét xử, bồi thẩm đoàn được đề xuất nên bỏ ngoài lịch sử phạm tội và thân nhân của phạm nhân để đảm bảo phán quyết công bằng. Hoặc việc rọc phách thông tin của thí sinh cũng là một hình thức cố tình thiếu hiểu biết để đảm bảo người chấm chỉ dựa trên năng lực của thí sinh.

Sự cố ý thiếu hiểu biết có thể là con dao hai lưỡi 

Việc không nắm bắt hoặc cố ý bỏ mặc thông tin đôi khi sẽ gây hại cho bản thân và cả cộng đồng. 

Giống như thức ăn nhanh, ý kiến phiến diện và tin tức biến chất thường cho cảm giác “ngon miệng”, dễ gây nghiện. Do đó, sự cố ý thiếu hiểu biết này có thể ngăn ta tò mò và tìm hiểu thông tin có lợi, hoặc dành thời gian suy ngẫm để thấu đáo sự việc.

Chẳng hạn, bạn cố ý ngó lơ kiến thức về bản dạng giới và giữ chặt niềm tin rằng con người sinh ra chỉ là nam hoặc nữ. Niềm tin “đóng băng” này có thể gây ra định kiến giới và cái nhìn sai lệch về cộng động LGBT+. 

Tuy nhiên, nếu chúng ta nhận thức và vận dụng sự mù quáng phù hợp hoàn cảnh, nó có thể trở thành “tấm chắn" bảo vệ tinh thần. 

Tránh khỏi sự đố kỵ

Theo Smith và Kim, đố kỵ là “sự khó chịu, bức bối đặc trưng bởi cảm giác thấp kém, thù địch và oán giận gây ra, xuất phát từ mong muốn được giống ai đó hoặc có đặc điểm của một người”. Về cơ bản, sự ghen tị bắt nguồn từ sự so sánh đối chiếu và không bằng lòng với thực tại.  

Để ngăn cản lòng đố kỵ, bạn có thể vận dụng cố ý mù quáng theo 2 cách:

  • Nếu dự cảm được mình sẽ ghen tị với thành tích của ai đó hoặc những gì họ sở hữu, chúng ta có thể ngừng nghe ngóng thông tin về họ và tập trung vào cuộc sống mình hơn.  
  • Ngược lại, nếu bạn là đối tượng bị đố kỵ, việc bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, nói xấu sau lưng sẽ giữ bạn không bị chệch hướng theo dư luận và giữ được hành động lý trí. 
lòng đố kỵ
Lòng đố kỵ nảy sinh từ sự so sánh xã hội khập khiễng.

Chống lại tin giả 

Vào năm 2018, một cuộc điều tra đã phát hiện ra thông tin sai lệch lan truyền nhanh chóng và rộng rãi hơn so với nguồn chính thống trên mạng xã hội. Các bài báo giật gân, mô típ “cải lương” thường đánh động mạnh mẽ đến cảm xúc người đọc và thu hút lượng lớn dư luận, bất chấp sự thật là gì. 

Mỗi ngày, chúng ta phải “tiêu hoá” một lượng tin tức khổng lồ chỉ cần vài cú lướt. Việc thiếu hiểu biết có chủ đích sẽ giúp xây dựng một hàng rào nhận thức, bảo vệ chúng ta khỏi sự quá tải của thông tin. Để vận dụng điều này, bạn hãy thử:

  • Chậm lại vài nhịp và suy xét xem có nên tiếp tục đọc nội dung đó không
  • Cố định lịch lướt mạng, đọc tin tức mỗi ngày theo một khung giờ và lượng thời gian cụ thể
  • Tối giản cách bạn tiêu thụ thông tin