Di cư vì biến đổi khí hậu toàn cầu: Đâu là tương lai của chúng ta? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Di cư vì biến đổi khí hậu toàn cầu: Đâu là tương lai của chúng ta?

Với con số hàng trăm triệu người mất nhà cửa do tình trạng nước biển dâng, viễn cảnh chắc chắn xảy ra trong tương lai gần là những cuộc "di tản" không có ngày trở về.
Di cư vì biến đổi khí hậu toàn cầu: Đâu là tương lai của chúng ta?

Người Pakistan di tản vì lũ lụt | Nguồn: Spiegel International

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Ngày 14/2 vừa qua, trong cuộc họp với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã đưa ra cảnh báo về tốc độ gia tăng của mực nước biển. Hiện tượng này có thể dẫn đến “một cuộc di cư hàng loạt của toàn bộ dân số theo quy mô như trong Kinh thánh.”

Cũng trong hội nghị, tổng thư ký đã cảnh báo mực nước biển dâng là một mối đe dọa lớn, gây thiệt hại cho cuộc sống, nền kinh tế và cơ sở hạ tầng. Đồng thời, điều này tạo ra “những tác động nghiêm trọng” đối với hòa bình và an ninh toàn cầu.

Tập hợp dữ liệu mới từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho thấy mực nước biển đang tăng nhanh. Cùng với đó, nhiệt độ đại dương toàn cầu cũng tăng nhanh hơn trong thế kỷ qua, so với bất kỳ thời điểm nào trong 11.000 năm qua.

2. Các chuyên gia đã cảnh báo thế nào về biến đổi khí hậu và nước biển dâng trước đó?

Trong số nhiều mối đe dọa từ biến đổi khí hậu đã được đem ra thảo luận thì mực nước biển dâng sẽ chắc chắn là một trong những ảnh hưởng lớn nhất. Những tác động này khiến hàng trăm ngàn dặm vuông của đường bờ biển không thể ở được, và có khả năng làm mất chỗ ở của hơn 100 triệu người trên toàn thế giới vào cuối thế kỷ này.

Nghiên cứu năm 2017 của Science Advances cho thấy rằng đến năm 2100, nhiệt độ sẽ tăng đến ở nhiều nơi, trong đó bao gồm một số vùng của Ấn Độ và Đông Trung Quốc. Nghiên cứu cũng chỉ ra, trong một vài giờ nhiệt độ sẽ khiến cả những người khoẻ mạnh nhất phải tử vong.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu năm 2020 của tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (Hoa Kỳ) cho biết, nhiệt độ Trái Đất trong 50 năm tới có thể sẽ tăng với mức độ lớn hơn cả 6000 năm trước cộng lại.

alt
Người dân Châu Phi mất sạch nhà cửa, tài sản sau trận lũ lụt và bắt đầu cho cuộc di cư đi tìm nguồn sống mới | Nguồn: Republic World

Khí hậu tăng khiến nước biển dâng sẽ khiến một nửa các bãi biển của thế giới có thể bị xóa sổ vào cuối thế kỷ này. Úc, Canada, Chile, Mexico, Trung Quốc và Hoa Kỳ là một trong số những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đến năm 2050, các chuyên gia dự kiến các bãi biển trên toàn cầu sẽ biến mất 13,6 - 15,2% (36.097 - 40.511km), năm 2100, dự kiến sẽ biến mất 35,7 - 49,5% (95.061 - 131.745km).

3. Di cư vì biến đổi khí hậu đã diễn ra chưa?

Biến đổi khí hậu có tác động trực tiếp và gián tiếp đến di cư và di cư bắt buộc. Thời tiết khắc nghiệt là mối nguy hiểm ngày càng tăng đối với những người phải dời đi, và có thể buộc nhiều người phải bỏ nhà cửa để tới những khu vực có môi trường sống dễ chịu hơn.

Theo báo cáo từ tổ chức Oxfam, biến đổi khí hậu đã khiến 20 triệu dân phải chuyển tới nơi ở mới mỗi năm, tương đương cứ 2 giây lại có người di cư. Biến đổi khí hậu hiện đã trở thành nguyên nhân lớn nhất khiến con người phải di cư, điều này thể hiện rõ nhất ở các quốc gia nghèo đói.

Hiện nay, biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng rõ rệt tại nhiều nước như Guatemala. Hàng trăm ngàn người Guatemala đã đi về phương Bắc, tìm tới Hoa Kỳ trong những năm qua. Giờ đây, dưới ảnh hưởng của sự khô hạn, lụt lội, đói ăn nối nhau không ngừng, những người còn lại cũng bắt đầu phải rời đi.

Theo dự báo hiện tại, hơn 200 triệu người có thể sẽ phải di dời trên khắp thế giới vào năm 2030, do nhiều yếu tố bao gồm khủng hoảng khí hậu. Hầu hết trong số họ có khả năng ở lại trong biên giới quốc gia của mình, nhưng tác động sẽ rất lớn.

Giám đốc điều hành của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế - David Miliband cảnh báo rằng, các nước nghèo cần nhiều quỹ hơn để tự bảo vệ mình khỏi tác động của thời tiết khắc nghiệt, giúp ngăn chặn việc người dân buộc phải chạy trốn.

4. Đại di cư vì biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến an ninh xã hội như nào?

Di cư trong nước sẽ là gánh nặng tài chính cho các chính phủ. Những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là người nghèo, người yếu thế và đặc biệt là phụ nữ.

Có một xu hướng rõ ràng là trên khắp thế giới, khi người ta thiếu thức ăn và bỏ việc đồng áng, họ bị thu hút về phía các đô thị vốn đang ngày một trở nên quá đông đúc.

alt
Một khu dân cư bị ngập lụt ở Sindh, Pakistan tháng 1/2023 | Nguồn: Getty Images

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu về di cư cảnh báo rằng chính ở các thành phố này, những làn sóng người mới đến gây sức ép lên cơ sở hạ tầng, tài nguyên và các dịch vụ. Từ đó, mọi căng thẳng trầm trọng nhất trong xã hội sẽ bộc lộ.

Ngoài ra, mất cân bằng trong phân bố thực phẩm cũng xoáy sâu thêm sự phụ thuộc vào những nguồn cung vốn đã chịu nhiều khó khăn, đồng thời làm tăng giá cả nông nghiệp. Những người di cư phải tập trung sống trong những khu ổ chuột thiếu nước và điện, nơi họ dễ bị tổn thương nếu gặp lụt lội hoặc các thảm họa khác.

Cuối cùng, các khu ổ chuột cũng sẽ tiếp sức cho chủ nghĩa cực đoan và hỗn loạn trong xã hội. Năm 2023, El Nino được dự đoán đang quay trở lại với nhiều hình thái bất thường hơn, tình hình biến đổi khí hậu cũng đang diễn biến ngày một nghiêm trọng trên Trái đất.

Với con số hàng trăm triệu người mất nhà cửa do tình trạng nước biển dâng, một viễn cảnh chắc chắn xảy ra trong tương lai gần - đó là những cuộc "di tản" không có ngày trở về.

5. Việt Nam đang đối mặt với tình trạng di cư do biến đổi khí hậu ra sao?

Việt Nam thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ lụt, mưa bão, hạn hán và nước biển dâng. Những điều kiện môi trường bất lợi chắc chắn gây ảnh hưởng đến những hình thái di cư trên khắp đất nước.

Kịch bản xấu nhất cho thấy trong 30 năm tới, biến đổi khí hậu sẽ gây ra xáo trộn quan trọng trong mô hình di cư của quốc gia, khiến 3.1 triệu người Việt phải rời quê hương đến các vùng khác tìm sinh kế, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng nông nghiệp trù phú nhất trên Trái đất, cung cấp một lượng lớn gạo, tôm, trái cây cho Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, 18 triệu cư dân sống ở đây cũng là những người dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu.

alt
Ngập úng nghiêm trọng ở Cần Thơ năm 2018 ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân | Nguồn: Lao Động

Hàng loạt tác động được chỉ ra ở khu vực Tây Nam Bộ trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, như bờ biển sạt lở khiến nhà cửa bị nước nuốt chửng, một số nơi vành đai ven biển mất sâu đến 100m chỉ trong một năm.

Cùng với đó, hàng trăm ngàn hộ dân bị ảnh hưởng do nước biển xâm nhập đất liền, trong khi số khác do hạn hán - một xu hướng vừa do biến đổi khí hậu, vừa do các con đập xây trên thượng nguồn sông Mekong.

Trước những thực trạng đáng báo động và đáng buồn như vậy, tìm ra giải pháp và thực hiện chúng là rất cần thiết để Việt Nam có được sự phát triển bền vững trước những tác động của biến đổi khí hậu và cuộc đại di cư.