Dịch vụ tích xanh thu phí mới của Meta nói gì về danh tính trên mạng? | Vietcetera
Billboard banner

Dịch vụ tích xanh thu phí mới của Meta nói gì về danh tính trên mạng?

Tích xanh mới của Meta có một số sự khác biệt so với tích xanh cũ. Hãy cùng chờ đợi xem những sự khác biệt đó có đáng để ta mở hầu bao.
Dịch vụ tích xanh thu phí mới của Meta nói gì về danh tính trên mạng?

Nguồn: Meta

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Mới đây, Meta thông báo rằng người dùng Facebook và Instagram sẽ có thể trả phí để nhận tích xanh nhằm xác minh tài khoản chính chủ. Dịch vụ này tên là Meta Verified, có giá 11.99 USD cho người dùng trên nền tảng web, và 14.99 USD trên nền tảng iOS và Android. Những cá nhân đã có tích xanh từ trước sẽ không bị ảnh hưởng bởi dịch vụ này.

Ngoài việc trả phí, người dùng sẽ phải cung cấp giấy tờ định danh như căn cước công dân hay hộ chiếu. Ở thời điểm hiện tại, dịch vụ này đang chạy thử nghiệm tại Úc và New Zealand.

2. Trả tiền chỉ để lấy một cái dấu màu xanh thôi sao?

Trong thông báo chính thức của Facebook cũng như của CEO Meta, dịch vụ Meta Verified hướng tới việc tăng cường bảo mật, giám sát tài khoản, và tăng độ nhận diện trên các nền tảng mạng xã hội của Meta. Cả hai thông báo đều đặc biệt nhấn mạnh vào khía cạnh bảo mật tài khoản và chống giả mạo danh tính.

Theo đó, Meta sẽ tăng cường giám sát tài khoản của những người trả phí để phòng ngừa những cá nhân mạo danh. Bên cạnh đó, người dùng sẽ được tiếp cận trực tiếp với bộ phận chăm sóc khách hàng của nền tảng Facebook hoặc Instagram khi họ gặp khó khăn với ứng dụng, thay vì phải tự mày mò trong phần trợ giúp.

Ngoài ra, những tài khoản chính chủ sẽ được cải thiện khả năng nhận diện trong phần bình luận, thanh tìm kiếm, hay là mục đề xuất. Meta cũng “úp mở” về “những tính năng đặc biệt để bạn thể hiện bản thân mình theo cách riêng” dành cho những ai sẵn sàng mở hầu bao. Tuy nhiên, công ty chưa cung cấp thông tin chi tiết về những tính năng này.

3. Ngoài trả phí, tích xanh mới khác gì tính xanh cũ?

28feb2023image20230228143656295png
Các bước đăng ký Meta Verified. | Nguồn: Meta

Trước khi ra mắt Meta Verified, người dùng phải đáp ứng một số tiêu chí để có thể có tích xanh, khi ấy là miễn phí. Bên cạnh việc cung cấp giấy tờ tùy thân để định danh, cá nhân muốn có tích xanh sẽ phải cung cấp được bằng chứng cho thấy mình là người của công chúng.

Cần lưu ý thêm rằng phiên bản tích xanh cũ chỉ dành cho những người nổi tiếng, và Meta có những tiêu chí rõ ràng để đo lường mức độ nổi tiếng của một người nhằm trao tích cho họ. Như vậy, phiên bản cũ tập trung vào việc nhấn mạnh sự nổi tiếng của các KOL ở nhiều mức độ khác nhau, hơn là thể hiện việc một cá nhân sở hữu tài khoản.

Meta Verified thì dành cho tất cả mọi người, hay nói cách khác là bất cứ ai sẵn sàng trả tiền và cung cấp giấy tờ tùy thân cho Meta. Ngoài những việc này, người dùng phải có độ tuổi từ 18 trở lên, và tài khoản của họ phải có lịch sử đăng bài trong quá khứ.

4. Người dùng điện thoại phải trả nhiều hơn vì “chiến tranh lạnh” giữa Meta và Apple?

Việc khách hàng sử dụng iOS phải trả phí cao hơn là bởi tất cả các nhà phát triển phần mềm, ứng dụng điện thoại đều phải trả mức phí 30% cho Apple và Google Play khi khách hàng của họ mua sản ứng dụng hay thực hiện giao dịch bên trong/thông qua ứng dụng. Nhưng nếu theo dõi các phát ngôn của Apple nhắm tới Meta và ngược lại, ta nhận ra rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Từ tháng 10 năm ngoái, nhiều kênh truyền thông đưa tin về mối quan hệ “bằng mặt nhưng không bằng lòng” giữa Meta và Apple. Đây không chỉ là sự bất đồng về chính sách và cách tiếp cận thị trường giữa hai công ty, mà phần nào đó còn là vấn đề giữa Mark Zuckerberg và Timothy D. Cook.

28feb20234abba5530df64e199f7c48ca26988d20jpg
Mark và Tim, từ bạn thành thù vì những bất đồng. | Nguồn: Slate và Getty Images

Nguồn cơn của sự việc này bắt nguồn từ năm 2021, khi Apple và nhiều đơn vị khác chỉ trích Meta (khi ấy vẫn tên là Facebook) vì đã để lọt thông tin cá nhân của hơn 50 triệu người dùng cho Cambridge Analytica mà không hề có sự đồng thuận.

Cũng trong năm 2021, Apple ra chính sách mới cho phép người dùng lựa chọn đồng ý hoặc không đồng ý để các ứng dụng như Facebook theo dõi hành vi của mình. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động quảng cáo của Meta, vốn chiếm phần lớn trong doanh thu của công ty.

5. Các mạng xã hội đang làm gì để xác thực danh tính người dùng?

Facebook và Instagram không phải là những nền tảng đầu tiên áp dụng tích xanh trả phí. Twitter cũng đã làm việc này từ cuối năm ngoái, tuy nhiên dịch vụ định danh trả phí của Twitter đã bị hủy do đặt điều kiện quá dễ dàng khiến nhiều người dùng tích xanh để giả mạo người nổi tiếng hay thậm chí là các công ty, nhãn hàng. Elon Musk và đội ngũ của ông đã phải mất thêm thời gian để chỉnh sửa dịch vụ trước khi cho ra mắt cộng đồng Twitter một lần nữa.

Việc xác thực danh tính trên mạng xã hội rất quan trọng, nhất là khi công nghệ cho phép người ta làm giả danh một cách dễ dàng. Trường hợp của Twitter đã cho ta thấy rằng việc định danh cá nhân trên mạng khó hơn so với tưởng tượng. Rao bán hàng triệu chiếc tích xanh một cách lười biếng không phải là giải pháp.

Trong quá khứ, Mark Zuckerberg từng làm dậy sóng mạng xã hội vì tuyên bố sẽ bắt tất cả người dùng phải dùng một tài khoản xác thực duy nhất, đồng thời xóa tất cả những tài khoản mang danh tính ảo. Elon Musk cũng nổi tiếng cương quyết trong việc gạch bỏ các tài khoản giả mạo và những tài khoản tự động trên Twitter.