Đừng gọi 5 ly cocktail này nếu không muốn "làm khổ" bartender | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Đừng gọi 5 ly cocktail này nếu không muốn "làm khổ" bartender

Danh sách order đồ uống dài dằng dặc, nhưng vẫn phải đợi vì bartender đang mải... lắc Ramos Gin Fizz.
Đừng gọi 5 ly cocktail này nếu không muốn "làm khổ" bartender

Nguồn: Shutterstock

Flavors 2024

Một tối đẹp trời, bạn cùng hội anh/chị em thân thiết dắt díu lên quán rượu thân thuộc. Bạn lách qua lối vào và khu vực quầy bar đã chật kín khách hàng để tiến tới chiếc bàn đã đặt trước.

Sau khi tất cả đã ngồi ấm chỗ và lật giở menu đôi lần, bạn dõng dạc order: “Cho em 5 shot B52, 1 Ramos Gin Fizz, 2 Mojito, 1 Bloody Mary, và 1 Pina Colada.” Bạn yên chí nhảy vào cuộc hội thoại với mọi người, không nhận ra rằng ở bên trong quầy bar, có một (vài) bartender đang “toát mồ hôi” trước những ly đồ uống mà bạn vừa gọi.

Các bartender là những người chiều khách nhất quả đất, họ sẵn sàng làm bất cứ đồ uống nào theo yêu cầu của bạn nếu như có đủ nguyên liệu. Thế nhưng, khi quán chật và khách đông, thì một số ly rượu, bao gồm những ly ở trên, có thể khiến những người đứng trong quầy xây xẩm mặt mày.

Cùng Vietcetera tìm hiểu xem chúng có những nguyên liệu gì và pha chế ra sao nhé!

1. Mojito

Thành phần: Rum trắng, đường, nước cốt chanh xanh, soda, lá bạc hà.

Mojito không quá phức tạp nhưng tốn nhiều thời gian hơn các ly cocktail thông thường. Nguyên nhân là bởi bartender sẽ phải nghiền lá bạc hà với đường hoặc syrup, rồi mới thêm rượu cùng nước cốt chanh vào bình lắc pha chế.

alt
Nguồn: Pexels/Taryn Elliott

Nước cốt chanh cũng không phải là nguyên liệu có sẵn để khi cần chỉ việc cho vào. Hầu hết các quán bar đều sẽ vắt nước cốt chanh ngay tại quầy với từng ly cocktail cần nguyên liệu này. Việc này không quá lâu bởi có dụng cụ trợ giúp, tuy nhiên lại có thể hơi bừa bộn vì nước chanh bắn ra.

Đó là chưa kể tới việc cả đường (hay là syrup) lẫn cốt chanh đều làm dính tay, gây bất tiện cho người pha chế. Cuối cùng, tất cả các nguyên liệu cần phải lắc đều thì mới ra được thành phẩm, khiến cho mojito trở thành thức uống “đáng ghét” của các bartender khi đông khách.

2. B52

Thành phần: Rượu cafe (thường là Kahlua), Baileys Irish, Grand Marnier.

Không phải máy bay thả bom - B52 là một loại cocktail trong dòng Pousse-Cafe với những ly cocktail nhiều màu, nhiều lớp. B52 có lớp đen của rượu cafe ở dưới, lớp Baileys trắng ở giữa, và trên cùng là sắc cam của Grand Marnier. Tại một số quán rượu, bartender sẽ đốt ly B52 và đưa cho bạn một ly rượu đang hừng hực cháy - một thử nghiệm vô giá, không đùa!

alt
Bartender "thổi lửa" để sáng tạo một ly B52. | Nguồn: Flavors Vietnam 2024

Trông đơn giản nhưng thực ra khá phức tạp, bởi không phải cứ rót rượu cafe vào ly shot, rót Baileys lên rượu cafe, rồi đổ Grand Marnier lên trên cùng là ra được. Để có thể ra được từng lớp, bartender sẽ phải nhớ kỹ thứ tự rót rượu vào ly, và phải rót thật cẩn thận để các thành phần nổi tách biệt thành từng lớp, chứ không lẫn vào nhau.

Khi đã nhớ thứ tự nguyên liệu và nắm được cách rót đúng (qua những lần thử và sai), thì bartender có thể làm một ly B52 khá nhanh. Nhưng nếu tình huống là 5 ly B52 trong một buổi tối đông khách, khả năng cao là bartender đã kịp… giấu nhẹm tiếng thở dài sau nụ cười khi nhận yêu cầu của bạn.

Ngoài B52, còn rất nhiều loại Pousse-Cafe khác phức tạp hơn, với 4, 5, 6, thậm chí 7 lớp khác nhau trong cùng một ly. Bạn không sai khi muốn uống Pousse-Cafe, nhưng nếu thương quán, đừng gọi những ly này khi đông khách!

3. Ramos Gin Fizz

Thành phần: Gin, nước đường, kem sữa béo (heavy cream), nước cốt chanh vàng, nước cốt chanh xanh, nước hoa cam, lòng trắng trứng, soda lạnh.

Khi Ramos Gin Fizz ra đời tại New Orleans vào khoảng cuối thế kỷ 19, ly cocktail này nhanh chóng gây ấn tượng không chỉ bởi mùi vị, mà còn bởi hình dáng bắt mắt của lớp foam cao vượt lên cả miệng cốc.

11jun202420220301ramosfizzsmalljpg
Ramos Gin Fizz và lớp foam cao đặc trưng. | Nguồn: Drunkard's Almanac

Ramos Gin Fizz cũng là đồ uống rèn “thể lực” cho các bartender, bởi để có được lớp foam đặc trưng, thường thì những người pha chế sẽ phải lắc bình liên tục trong khoảng 12 tới 15 phút, khiến tổng thời gian pha ly cocktail này có thể lên tới 20 phút. Tưởng ngắn mà lại rất dài - cứ hỏi anh bartender mới lắc xong ly Ramos Gin Fizz thì sẽ rõ.

Ngày nay, nhiều nhà pha chế đã chỉ ra rằng không cần phải lắc lâu tới vậy mới ra được thành phẩm. Bí quyết của lớp foam cao thực ra nằm ở độ lạnh, chứ không phải thời gian lắc. Nhưng kể cả thế thì ly cocktail này vẫn tốn kha khá thời gian để làm lạnh bình trước khi lắc, hay làm lạnh ly cocktail trước khi rót soda để đẩy foam lên.

Đó là chưa kể tới việc bartender phải tách lòng trắng trứng - một việc vừa tốn thời gian, vừa cần phải khéo léo. Lại còn bẩn tay nữa!

4. Bloody Mary

Thành phần: Vodka, sốt ớt Tabasco, sốt BBQ, muối, hạt tiêu xay, ớt bột, nước cà chua, nước chanh, cần tây.

Nếu phải mô tả ly rượu này bằng một từ, chắc hẳn hầu hết bartender sẽ thốt lên: lích kích. Một ly cocktail có cả tương ớt, sốt thịt, nước cà chua, và các kiểu gia vị nấu ăn. Không rõ là đang uống rượu hay là đang ăn súp đây?

alt
Xin giới thiệu với quý bạn và các vị những nguyên liệu làm súp... à nhầm làm cocktail! | Nguồn: Liquor.com / Tim Nusog

Bloody Mary là một trong những đồ uống trong danh sách “kị dơ” của các bartender, trước tiên là bởi công thức rối rắm và nhiều nguyên liệu không phải lúc nào cũng có sẵn ở quầy pha chế. Điều này khiến cho quá trình làm đồ uống trở nên phức tạp hơn và tốn nhiều thời gian hơn.

Đó là chưa kể tới việc Bloody Mary phải pha với kỹ thuật roll. Nếu shake là lắc, stir là khuấy, thì roll là rót hỗn hợp các thành phần qua lại giữa hai shaker. Kỹ thuật này đòi hỏi sự khéo léo - không ai muốn đổ những thứ trong shaker khi đang roll, nhất là khi chúng gồm toàn những thứ đậm mùi, đậm vị như Tabasco hay sốt BBQ.

Đối với một số quầy bar hoạt động cả ngày và bán cả đồ ăn, thì Bloody Mary là thức uống vào ban ngày, nhất là những bữa brunch - bữa ăn “sáng muộn, trưa sớm.” Khi đó, tại quầy thường sẽ có sẵn những nguyên liệu này, vì đằng nào chúng cũng dùng trong các món ăn. Vì thế, việc gọi Bloody Mary vào buổi tối sẽ khiến người pha chế phải chui vào kho và lôi ra rất nhiều nguyên liệu mà họ chỉ vừa mới cất đi một tiếng trước.

Nhưng điều kinh khủng hơn việc pha một ly Bloody Mary là công đoạn dọn dẹp và rửa dụng cụ. Người pha chế phải tốn thêm nhiều thời gian để đảm bảo rằng dụng cụ pha chế hoàn toàn sạch sẽ và không còn mùi vị của ly “súp” này, bằng không thì tất cả những ly rượu người đó pha sau Bloody Mary sẽ thoang thoảng vị ớt và se sẽ vị tiêu.

5. Pina Colada

Thành phần: Rum trắng, kem dừa, nước ép dứa

Chỉ có ba thành phần nhưng Pina Colada là một trong những thức uống đáng ghét nhất trong giới bartender. Nguyên nhân là bởi ly cocktail này cần sử dụng máy xay để trộn tất cả các nguyên liệu vào với nhau. Thế nên Pina Colada cũng tốn nhiều thời gian của bartender hơn.

alt
Nguồn: Pexels/Shameel mukkath

Pha thì không khó, nhưng cơn ác mộng nằm ở khâu dọn dẹp. Với thành phần kem và việc sử dụng máy xay, việc pha chế có thể khá bừa bộn, và người pha chế sẽ phải rửa máy xay sau khi hoàn thành.

Mặt khác, nhiều bartender coi Pina Colada là một thức uống kiểu “đá xay thêm rum” chứ không phải là cocktail. Đó là chưa kể tới việc không phải quầy bar nào cũng có sẵn kem dừa.


Thưởng thức có trách nhiệm, 18+.
Không chia sẻ nội dung này cho người dưới 18 tuổi.

Flavors Vietnam, chuỗi sự kiện thường niên do Vietcetera cùng Mastercard đồng tổ chức, đã chính thức trở lại trong năm 2024. Kéo dài trong 5 tháng, Flavors Vietnam 2024 vẫn tiếp nối sứ mệnh vinh danh ngành F&B Việt Nam với thông điệp “Ẩm thực là để sẻ chia.”

Năm nay, Flavors Vietnam bắt tay với World Class Cocktail Festival của Diageo để khởi động chuỗi sự kiện Tuần Lễ Quán Bar. Diễn ra từ ngày 01/07-14/07 tại gần 50 quán bar tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Tuần Lễ Quán Bar 2024 hứa hẹn sẽ mang lại những trải nghiệm độc đáo cho các tín đồ yêu cocktail từ Bắc vào Nam.

Nhằm lan toả tinh thần “Bùng nổ hương vị mỗi lần nâng ly”, Tuần Lễ Quán Bar thiết kế riêng chương trình Bar Walk với 5 lộ trình khám phá các quán bar chỉ trong vài bước chân. Đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức thực đơn cocktail đặc biệt mùa Flavors tại mỗi quán bar và tận hưởng những ưu đãi độc quyền dành cho chủ thẻ Mastercard.

Đặc biệt cảm ơn các Nhà Tài Trợ và Đối Tác của Flavors Vietnam 2024: Mastercard, Diageo (Công ty sở hữu các thương hiệu Johnnie Walker, Don Julio, The Singleton, Tanqueray, Ron Zacapa, Bulleit và Ketel One), KamereoInSpace Creative.

Tìm hiểu thêm về Tuần Lễ Quán Bar 2024 tại đây.