Dương Tường: "Tôi đứng về phe nước mắt" | Vietcetera
Billboard banner

Dương Tường: "Tôi đứng về phe nước mắt"

“Có mọi con đường đi tới cái mới trong thi ca, miễn là mỗi con người sáng tạo phải phát quang con đường để đi tới cái mới.”
Dương Tường: "Tôi đứng về phe nước mắt"

Nguồn ảnh: Báo Thể thao Văn hoá

Hơn nửa thế kỷ cặm cụi với công việc dịch thuật, tên tuổi của Dương Tường đã gắn liền với các tiểu thuyết lớn của văn chương thế giới như: Cuốn theo chiều gió, Đồi gió hú, Anna Karenina, Kafka trên bờ biển, Chết chịu, Lolita, v.v. Ông đồng thời cũng là một trong những người chuyển dịch hai tập đầu tiên của bộ Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust.

Với sự nghiệp song hành theo lịch sử xuất bản văn học dịch, Dương Tường còn là tác giả của hơn 50 tác phẩm dịch lớn nhỏ.

Không chỉ vậy, ông còn là một nhà thơ nổi tiếng. Nhiều bài thơ tình của ông đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, thành những bài hát nổi tiếng, rất được yêu thích như bài Tình khúc 24, Dương cầm lạnh, v.v.

Cần mẫn và nghiêm túc với con chữ trong nghề dịch giả

Trong giới văn nghệ, Dương Tường ghi tên mình như một nghệ sĩ lớn với một hồn thơ đắm đuối, nhạy cảm, nhiều sáng tạo trong nghệ thuật thi ca. Còn trong dịch thuật, ông đã đưa tên mình lên hàng những dịch giả uy tín.

Trong mắt những người bạn văn chương của Dương Tường, ông là người làm việc với con chữ một cách nghiêm túc, dấn thân trọn vẹn cho sự nghiệp văn chương.

Sinh thời, ông luôn quan niệm:

Một bản dịch lý tưởng phải là một tác phẩm, trong đó dịch giả là đồng tác giả.

Chính vì thế, khi chuyển ngữ, Dương Tường luôn sống cùng nguyên tác trước rồi mới "đẻ" ra bản dịch. Trung bình, ông dành khoảng một năm để chuyển ngữ một tác phẩm.

Có những cuốn khó, thời gian để tìm tòi và dịch sẽ mất đến hai, ba năm. Trước khi dịch, ông đọc sách ít nhất hai lần, tìm hiểu tiểu sử, phong cách tác giả, vị trí của họ trong nền văn học.

Khi được hỏi rằng, có bí quyết tự học gì để trở thành một dịch giả của nhiều tác phẩm lớn hay không, Dương Tường trả lời rằng, "ngón nghề" của ông chỉ là ông không bao giờ làm những việc dễ. Ông luôn chọn làm, dịch những cuốn sách khó hơn khả năng của mình một chút.

Điều đó buộc ông luôn phải "kiễng chân lên một chút," và nhờ vào những cái kiễng chân ấy "để lớn lên." Dương Tường từng nói ông "không ăn gian của trời một ngày nào," làm việc đến khi sức cùng lực kiệt.

Sự không ăn gian đó ở Dương Tường thể hiện qua cách làm việc lặng lẽ, luôn hướng tới sự đổi mới, trong cả sự kiếm tìm những cuốn sách để dịch cũng như trong sự sáng tạo của thơ ca.

Mỗi bản dịch của ông là một tác phẩm sống, ở đó tên người dịch sóng đôi tên nhà văn là một bản vị của giá trị văn chương. Tác phẩm gốc càng khó ông càng thích thú vì thấy năng lực của mình càng được thách thức, càng có cơ hội bộc lộ và thể hiện qua con chữ tiếng Việt.

alt
Chết chịu (Céline, 2019) là tác phẩm nước ngoài lớn cuối cùng được xuất bản của dịch giả Dương Tường | Nguồn: Zing.vn

Năm 2019 trong cuộc tọa đàm về bản dịch Chết chịu (Louis-Ferdinand Céline), nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ rằng Dương Tường "ăn nằm" với nguyên tác để đẻ ra bản dịch. Có đêm đang nằm ông cũng bật dậy khi chợt nghĩ được một chữ "đắt."

Thường thường, ông dành cả một năm hoặc hơn nữa để dịch một tác phẩm, bởi còn phải dành thời gian đọc ít nhất hai lần tác phẩm đó, tìm hiểu tiểu sử, phong cách.

Quan điểm của Dương Tường về dịch thuật luôn nhất quán. Ông cho rằng cái khó trong dịch thuật không phải là ngoại ngữ, mà nằm ở mức độ nhuần nhuyễn tiếng mẹ đẻ. Đó cũng là giá trị lớn nhất về dịch thuật mà Dương Tường đã gửi gắm và để lại cho thế hệ người trẻ sau này.

Sống với tri thức của mình và không dùng nó để phô trương

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng nhận xét Dương Tường dịch với tâm hồn nghệ sĩ, nhưng cách làm việc còn hơn cả công chức. Được biết đến nhiều trong vai trò của một dịch giả, nhưng thứ khiến ông đau đáu nhất suốt cả cuộc đời lại là thơ ca.

Dương Tường bước vào làng thơ và lập tức gây ra những tranh cãi về một thứ thơ còn xa lạ với dòng thơ chính thống. Nhưng đọc kỹ thơ Dương Tường sẽ thấy, ông đã chủ động xây dựng một ngữ hệ mới trong thi pháp.

Mục đích tối thượng của ông là cách tân trong sáng tạo ngôn ngữ. Bài thơ để ghi trên mộ chí sau này của ông chỉ duy nhất có một câu "Tôi đứng về phe nước mắt" đã phần nào nói lên điều ấy.

Nói rõ hơn về điều này, Dương Tường từng khẳng định: "Vật liệu chính của thơ tôi không phải là con chữ mà là con âm. Và nếu như những câu thơ tôi có một nghĩa nào đó thì là do các âm chữ hắt ánh lên thành một thứ cầu vồng trên mặt chữ mà thôi."

Ví dụ tiêu biểu nhất luận điểm này của ông là ở bài thơ ngắn Chợt Thu. Các âm chữ trong thơ Dương Tường đã ngân vang lên như một thứ "cầu vồng" ngũ sắc trong 5 câu thơ của một bản nhạc mới: "Chiều se sẽ hương/ Vườn se sẽ sương/ Đường se sẽ quạnh/ Trời se sẽ lạnh/ Người se sẽ buồn."

Với Dương Tường, luôn "có mọi con đường đi tới cái mới trong thi ca, miễn là mỗi con người sáng tạo phải phát quang con đường để đi tới cái mới."

Suốt 92 năm cuộc đời của mình, Dương Tường đã sống trọn với những con chữ, say đắm với tiếng Việt, giản dị, chân thành và đầy khiêm nhường.

Sự sáng tạo và lao động cần cù của ông, không chỉ ở văn chương nói riêng hay nghệ thuật nói chung, mãi là những dâu ấn đậm nét và xuất sắc, là những điểm sáng đầy trân trọng trong tiến trình nghệ thuật của nước nhà.

Ngày 24/2 vừa qua, nhà thơ, dịch giả Dương Tường đã qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi. Với những cống hiến cho văn học, ông đã được tôn vinh tại các giải thưởng về dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội.

Tháng 1/2009, dịch giả, nhà thơ Dương Tường nhận Huy chương Văn học Nghệ thuật của Chính phủ Pháp do Đại sứ Hervé Bolot trao tặng. Huy chương này là phần thưởng cho sự dấn thân của nhà thơ Dương Tường đối với việc quảng bá đa dạng văn hoá và quyết tâm làm thế giới biết đến Việt Nam, đặc biệt là tại các nước Pháp ngữ.

Xin cảm ơn ông vì tất cả những đóng góp cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam.