Editor's pick: Khoảnh khắc ấn tượng nhất của một kỳ World Cup | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Editor's pick: Khoảnh khắc ấn tượng nhất của một kỳ World Cup

Chúng tôi đã và sẽ luôn yêu bóng đá vì những khoảnh khắc như thế này.
Editor's pick: Khoảnh khắc ấn tượng nhất của một kỳ World Cup

Nguồn: Fauzan Saari/Unsplash.

Ngày đầu tiên của một kỳ World Cup mới, chúng tôi hỏi nhau về khoảnh khắc khiến bạn yêu cuồng nhiệt bóng đá đến vậy?

Cơ hội cuối cùng của Messi

Văn Nguyễn - A/V Producer

Ở giây phút cuối cùng trong trận chung kết World Cup 2014, Argentina đang bị Đức dẫn trước với tỉ số mong manh 0-1, Schweinsteiger (Đức) bất ngờ phạm lỗi với đối thủ ngoài vòng cấm, Argentina được hưởng quả phạt. Đứng trước quả sút phạt cách khung thành gần 30m, vẫn là Messi.

Messi đã ghi quá nhiều bàn thắng ở cự li tương tự mùa giải năm đó. Mình còn nhớ đã nhắm mắt, cầu nguyện "ông trời" cho khoảnh khắc ấy thành hiện thực. Dù biết là khó, dù biết là thử thách, nhưng nếu xảy ra, đó sẽ là một trong những khoảnh khắc siêu kinh điển của lịch sử bóng đá.

Tuy nhiên, chữ "nếu" vẫn là một từ quá xa vời, quá nặng nề, và dường như nó đã đè nặng lên đôi chân của Messi. Chứng kiến bàn thắng của tuyển Đức vào lưới Argentina đối với mình, vẫn không đau lòng bằng khoảnh khắc Messi nuối tiếc sau khi sút hỏng quả phạt ấy. Những giọt nước mắt đã rơi, những sự thất vọng không thành lời.

Thứ duy nhất mình nghe được, có lẽ là âm thanh của sự tiếc nuối. Phải một lúc sau đó, bình luận viên mới cất tiếng: "Vậy là hết thật rồi". Cúp vàng thế giới một lần nữa chạy trốn khỏi Messi.

Bàn thắng bị “cướp” của Frank Lampard

Xuân Long - Editor mục Tài chính cá nhân

Chắc cũng có nhiều người giống mình, hâm mộ một đội bóng chơi ở giải Ngoại hạng Anh nên cũng cổ vũ luôn đội tuyển Anh, và biết câu khẩu hiệu “Football’s coming home” mà người hâm mộ đội tuyển hay hô hào. Khẩu hiệu này thể hiện khao khát mang chiếc cúp Vàng thế giới về lại nước Anh - nơi khai sinh ra môn bóng đá, kể từ lần cuối cùng Anh vô địch World Cup năm 1966.

Vậy nên khoảnh khắc Lampard bị “cướp” mất bàn thắng từ cú sút xa tuyệt đẹp thật khó để nuốt trôi với mình, đặc biệt kỳ World Cup 2010 là lần cuối cùng mà “Thế hệ Vàng” của tuyển Anh thi đấu. Lúc đó Anh dù đang bị dẫn trước nhưng mới rút ngắn tỷ số xuống còn 2-1. Nếu bàn thắng đó được công nhận, kết cục trận đấu có thể sẽ khác.

Mình còn nhớ Thủ tướng Đức và Thủ tướng Anh đang cùng xem chung trận đấu đó ở Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Canada. Sau khoảnh khắc đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel thậm chí đã xin lỗi Thủ tướng Anh David Cameron.

Sau này, khi thế giới có công nghệ VAR, những tình huống như vậy gần như không thể xảy ra. Trọng tài sẽ kiểm tra kỹ và hội ý với tổ trọng tài VAR xem bóng đã qua vạch vôi hay chưa.

Vậy nên, dù bàn thắng của Lampard vào năm đó không được công nhận, mình tin sự kiện này cũng góp phần thúc đẩy công nghệ VAR được áp dụng sớm hơn, giúp tránh những sai lầm không đáng có và cuộc chơi thêm công bằng.

Cú vô-lê và ngôi sao thứ 4 trên ngực áo ở Maracana

Anh Thư - Editor mục Cuộc sống

Mình là fan hâm mộ của đội tuyển Đức từ nhỏ. Hành trình đi theo dấu chân của những cỗ xe tăng từ đó đến trước năm 2014 chứa đựng rất nhiều nuối tiếc. Đức về nhì ở World Cup 2002, Euro 2008, dừng bước tại bán kết World Cup 2006, World Cup 2010 và Euro 2012 trở thành một sự hụt hẫng và nuối tiếc trong những trận cầu lớn.

Sự chờ đợi kéo dài cho đến năm 2014, trận chung kết World Cup giữa Đức và Argentina. Trận đấu căng thẳng kéo dài cho đến hiệp phụ. Ở phút 113, Mario Gotze trong thế không bị kèm cặp, thoải mái đỡ ngực rồi bắt vô-lê căng hạ Romero, ghi bàn duy nhất ấn định chiến thắng 1-0 cho đội tuyển Đức.

24 năm đằng đẵng chờ đợi chức vô địch World Cup thứ tư sau kể từ năm 1990 rồi cũng được khép lại. Tất cả nhường chỗ cho vầng hào quang chiến thắng khi Philipp Lahm và đồng đội của anh nâng cao chiếc cúp vàng trên sân Maracana huyền thoại.

Niềm vui, nụ cười và cả giọt nước mắt hạnh phúc đã chảy trên khuôn mặt của Thomas Mueller, Philipp Lahm, Manuel Neuer, Klose… Đó là thế hệ cầu thủ Die Mannschaft mình vô cùng yêu mến cho đến tận ngày hôm nay.

Người Hà Lan bay

Sơn Hoàng - Editor mục Tin tức

Ngày 14/06/2014, Robin Van Persie trở thành người Hà Lan bay tiếp theo. Đây không phải là một liên tưởng từ bộ phim “Cướp biển vùng Caribe”, mà để miêu tả bàn thắng của anh vào lưới Tây Ban Nha tại vòng bảng World Cup 2014.

Van Persie thoát xuống đón đường bóng dài của Daley Blind, dậm nhảy tại chỗ để đánh đầu, toàn bộ cơ thể trải ra theo phương ngang như con diều đón gió. Bóng liệng một đường cầu vồng qua đầu Casillas rồi rơi tọt vào lưới, cân bằng trận đấu và đặt tiền đề cho chiến thắng giòn giã 5-1 trước Tây Ban Nha. Bàn thắng không chỉ đẹp, mà còn có ý nghĩa lớn với đội tuyển Hà Lan. Ngay ở trận đầu tiên vòng bảng, họ đã đánh bại đương kim vô địch Tây Ban Nha.

Cú đánh đầu ấy vừa giải tỏa tâm lý và “mở bát” cho đội tuyển, vừa là một sự trả thù ngọt ngào cho thất bại 4 năm trước đó. Nó cũng là kết quả của sự luyện tập và phối hợp mà đội tuyển Hà Lan đã xây dựng trong thời gian dài. Tây Ban Nha năm đó bị loại từ vòng bảng, còn Hà Lan đánh bại Brazil để giành hạng 3.

Riêng với Persie, đây có lẽ là bàn thắng mà anh sẽ nhớ mãi. Không chỉ vì anh đã ghi nó vào lưới của đương kim vô địch trong màu áo đội tuyển, mà bởi anh đã phải chịu rất nhiều áp lực trước đó từ truyền thông và người hâm mộ. Bàn thắng “kỳ diệu” đến mức sau đó, hàng loạt meme đã ra đời để mô phỏng người Hà Lan bay Van Persie.

alt
Nguồn: Memedroid

Nỗi buồn Messi

Văn Trần - Interim Product Manager

Đa số mọi người hay nhớ về khoảnh khắc cầu thủ yêu thích ghi một bàn thắng quan trọng hoặc đội bóng yêu thích vô địch. Nhưng với mình, khoảnh khắc ám ảnh và để lại sự tiếc nuối nhất chính là khi thần tượng Messi thất bại ở trận chung kết với tuyển Đức năm 2014.

Lúc trao giải Messi đã đứng và nhìn chằm chằm vào chiếc cúp mang theo bao nhiêu sự tiếc nuối và giấc mơ lớn thêm một lần tan vỡ. Năm đó, Messi có phong độ, có may mắn, sự đoàn kết tập thể của tuyển Argentina, nhưng lại vụt mất cơ hội nâng chiếc cúp vàng ở chính những phút hiệp phụ.

alt
Nguồn: Hassan Ammar/AP

Một điều khiến cho thất bại ấy càng trở nên buồn hơn, là bởi khi đó tất cả áp lực từ truyền thông và người hâm mộ đổ dồn lên Messi. Họ nói rằng “Messi gánh cả team", “Gánh còng lưng Argentina".

Nhưng mình thấy Argentina 2014 là một tập thể tuyệt vời, chiến đấu không những cho quê hương mà còn vì chính Messi. Những người đồng đội của anh hiểu rõ điều đó, và họ muốn cùng dốc sức kề vai sát cánh bên cạnh anh vượt qua áp lực.

Năm nay có thể sẽ là lần cuối cùng Messi được đá. Mình vẫn tin Messi sẽ vẫn chiến đấu hết mình cùng với một tập thể đoàn kết như Argentina để có thể khép lại một chương vẻ vang trong sự nghiệp huyền thoại của anh.