Gặp gỡ 50 doanh nghiệp đầu tư ESG Việt Nam | Vietcetera
Billboard banner
18 Thg 05, 2023
Cuộc SốngĐời sống

Gặp gỡ 50 doanh nghiệp đầu tư ESG Việt Nam

Vietcetera Media và Raise Partners tổ chức Buổi gặp gỡ 50 doanh nghiệp ESG Việt Nam, thảo luận về thách thức biến đổi khí hậu và kết nối doanh nghiệp với những cơ hội kinh doanh bền vững tại Việt Nam.
Gặp gỡ 50 doanh nghiệp đầu tư ESG Việt Nam

Phong trào bền vững tại Việt Nam yêu cầu sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư và người dân | Nguồn: Shutterstock

RAISE x Vietcetera

Hiện nay, phát triển bền vững đã trở thành ưu tiên hàng đầu và là xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Tuy nhiên, bền vững và "xanh hoá" là một quá trình lâu dài và thử thách, đòi hỏi nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của nhiều bên cùng một nguồn tài chính và công nghệ lớn. Chung tay với cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để hiện thực hoá được cam kết này, Việt Nam bắt đầu vạch ra những chính sách giảm khí thải CO2 cụ thế cho từng lĩnh vực khác nhau.

Trước bối cảnh đó, Vietcetera Media và Raise Partners tổ chức Buổi gặp gỡ 50 doanh nghiệp ESG Việt Nam. Diễn ra vào hai ngày 31/5 và 1/6 tại khách sạn New World Saigon Hotel (Thành phố Hồ Chí Minh), buổi gặp gỡ quy tụ hơn 50 doanh nghiệp và hơn 400 khách mời bao gồm các nhà lãnh đạo đa quốc gia đến từ nhiều ngành nghề khác nhau.

Buổi gặp gỡ nhằm giúp các doanh nghiệp kết nối và khám phá những cơ hội kinh doanh bền vững tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ họ đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) quốc tế và mang đến cơ hội tài chính bền vững.

alt
Buổi gặp gỡ 50 doanh nghiệp ESG Việt Nam diễn ra vào hai ngày 31/5 và 1/6 tại khách sạn New World Saigon (Thành phố Hồ Chí Minh), quy tụ hơn 50 doanh nghiệp và hơn 400 khách mời.

Diễn giả góp mặt trong buổi gặp gỡ là những chuyên gia và lãnh đạo của các tập đoàn đa quốc gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong số đó, có những cái tên nổi bật như ông Craig Martin (Chủ tịch Dynam Capital), bà Hà Đỗ (Lãnh đạo ESG tại KPMG Việt Nam và Cambodia) và ông Tim Evans (Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam).

Họ sẽ cùng nhau chia sẻ và thảo luận về nhiều vấn đề xoay quanh ESG, như nông nghiệp bền vững và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, khu vực tư nhân ở Việt Nam đang đối mặt với những thách thức và cơ hội nào, và kinh doanh có trách nhiệm đóng góp như thế nào vào việc mở ra những cơ hội bao trùm cho lực lượng lao động Việt Nam.

Định hướng của Việt Nam để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050

alt
Việt Nam đặt mục tiêu "xanh hoá" hệ thống giao thông, bắt đầu với bước triển khai phương tiện giao thông công cộng chạy bằng điện. | Nguồn: Shutterstock

Việt Nam là một nước vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nhiên liệu than đá. Vì vậy việc Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 trong Buổi gặp gỡ COP26 đã gây bất ngờ cho cộng đồng quốc tế. Nhiều chuyên gia kinh tế và khí hậu cho rằng đây là một bước tiến "tham vọng", nhưng điều này cũng cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sau khi đưa ra cam kết, chính phủ đã khẩn trương bắt tay vào cụ thể hoá những mục tiêu bền vững. Gần đây, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) do Bộ Công Thương xây dựng đã được phê duyệt vào ngày 15/5/2023. Quy hoạch này định hướng đến năm 2050 sẽ tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5% và dự kiến đến năm 2030 sẽ hình thành hai trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng.

Ngoài ra, vào tháng 11/2022, Việt Nam cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác Chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP). Trên nền tảng hợp tác này, JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam.

Tháng 4 vừa qua, tại Hội nghị Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Lộ trình đến thành công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng với Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đặt ra tại Chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050.

alt
Kể cả với kịch bản tươi sáng nhất Việt Nam cũng sẽ chỉ hoàn thành nửa chặng đường tới phát thải cacbon ròng bằng "0" vào năm 2050. | Nguồn: Shutterstock

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, tăng trưởng xanh "không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới". Quá trình chuyển đổi xanh sẽ tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho lực lượng lao động trẻ.

Tuy nhiên, dù có triển khai thành công những mục tiêu trên thì Việt Nam cũng khó đạt được kết quả mong muốn. Theo báo cáo của McKinsey & Company, xét đến mức khí thải nhà kính có xu hướng tăng và việc thiếu hụt nguồn vốn để triển khai các chính sách xanh ở cấp địa phương và các ngành nghề, kể cả với kịch bản tươi sáng nhất Việt Nam cũng sẽ chỉ hoàn thành nửa chặng đường tới phát thải cacbon ròng bằng "0" vào năm 2050.

Lời kêu gọi hành động

Phong trào phát triển bền vững tại Việt Nam đòi hỏi sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư và người dân. Chỉ khi doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng chung tay, đất nước mới có thể đẩy nhanh tiến độ hiện thực hoá nền kinh tế carbon thấp và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

alt
Tuabin gió phát điện ở Phan Rí, Bình Thuận, Việt Nam. | Nguồn: Shutterstock

Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital, đơn vị quản lý Quỹ Vietnam Holding Limited, cho biết: "Một lĩnh vực không thể không nhắc đến khi nói về ESG ở Việt Nam là năng lượng sạch. Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển năng lượng gió và năng lượng mặt trời, với công suất khoảng 1000 gigawatts trên lý thuyết. Thực tế, Việt Nam đã thu hút được một nguồn vốn đầu tư khổng lồ vào lĩnh vực năng lượng tái tạo chỉ trong khoảng bảy năm qua."

Nhưng ông Craig cũng cho biết các nhà đầu tư "không thích sự bất định". Việt Nam cần đề ra những quy định cụ thể cho những mục tiêu năng lượng sạch nếu muốn thuyết phục các nhà đầu tư.

"Các nhà đầu tư rất quan tâm đến tính rõ ràng trong quy định, khung giá, hạn ngạch cho từng loại năng lượng tái tạo. Một khi đã có khung quy định rõ ràng, việc phát điện từ năng lượng tái tạo cho hộ gia đình, doanh nghiệp và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu tới các nước khác trong khu vực ASEAN sẽ dễ dàng hơn."

Theo ông Trương Minh Đạt, CEO của BenKon, doanh nghiệp và các nhà đầu tư ESG cần có sự thống nhất với nhau, đặc biệt là khi đại dịch đã thay đổi cách doanh nghiệp tư nhân nhìn nhận tính bền vững. "Các doanh nghiệp đã nhìn ra tầm quan trọng khi đặt khi đặt tính bền vững và con người làm trung tâm của bất kỳ kế hoạch và hoạt động nào."

alt
Tăng trưởng xanh "không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới". | Nguồn: Shutterstock

Các yếu tố ESG sẽ sớm được các doanh nghiệp tư nhân áp dụng vào hoạt động kinh doanh bền vững, mang lại tăng trưởng và lợi nhuận mà ít để lại tác động tới môi trường.

Trên thực tế, đánh giá vòng đời sản phẩm (life cycle assessments - LCA) sẽ sớm trở thành một trong những yêu cầu quan trọng nhất nếu các công ty muốn gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. LCA là phương pháp phân tích được sử dụng để đánh giá tất cả các tác động môi trường liên quan đến mọi giai đoạn của vòng đời sản phẩm, từ khai thác nguyên liệu thô đến giai đoạn chế biến, sản xuất, phân phối, sử dụng, thải bỏ hay tái sử dụng.

Bicky Nguyễn, đồng sáng lập Cricket One cho biết: "Tôi tin rằng chúng ta đang chuyển hướng sang các hoạt động kinh doanh bền vững. Về mặt đầu tư, tìm kiếm cơ hội rót vốn vào các doanh nghiệp đề cao ESG sẽ mang đến lợi nhuận an toàn hơn cho các nhà đầu tư."

Chuyển đổi xanh là nền tảng phát triển một tương lai thịnh vượng, mạnh mẽ để có thể ứng phó với các thách thức từ môi trường, xã hội và kinh tế. Từ đó mang đến một cuộc sống lâu dài và tốt đẹp cho mọi người.

Buổi gặp gỡ 50 doanh nghiệp đầu tư ESG 2023

Thời gian: 31/5/2023 - 1/6/ 2023
Địa điểm: New World Saigon Hotel

Mua vé tại đây. Nhập mã ESG20 để được giảm 20%.

Cảm ơn Dynam Capital, Vietnam Holding (Nhà tài trợ Vàng), KPMG Vietnam, HSBC Vietnam, DEEP C Industrial Zone (Nhà tài trợ Bạc), Australian DFAT, The Kingdom of the Netherlands Consulate, Raise Partners, The Embassy of Belgium in Vietnam (Partners), New World Saigon Hotel (Tài trợ địa điểm) và AmCham, AusCham, EuroCham, BeluxCham, HKBAV (Tài trợ truyền thông) đã hỗ trợ Vietcetera tổ chức buổi gặp gỡ.

Chuyển ngữ bởi Bích Trâm