Ghibli: “Viện bảo tàng” của những giấc mơ | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
11 Thg 08, 2021
Điện Ảnh

Ghibli: “Viện bảo tàng” của những giấc mơ

Mỗi lần xem những thước phim của Ghibli, gần như tôi luôn có cảm giác như mình đang mơ.
Ghibli: “Viện bảo tàng” của những giấc mơ

Nguồn: Phim My Neighbor Totoro (ghibli.jp)

“Bích ơi, 5 giờ rồi!”

Ngày còn bé mỗi khi nghe thấy tiếng gọi ấy của mẹ, dù đang mải chơi ở đâu, tôi cũng chạy như bay về nhà. Chiếc dép rời khỏi chân vừa “hạ cánh” tận ngoài cổng, thì tay tôi cũng vừa chạm tới chiếc remote để mở chương trình hoạt hình chiếu trên tivi.

Laputa: Lâu đài trên không, Vùng đất linh hồn, Mộ đom đóm,... - Một bộ điện ảnh dài gần 2 tiếng nhưng tôi vẫn chăm chú ngồi trước màn hình, vì chẳng biết đến khi nào đài lại chiếu lần nữa. Tôi cứ chìm trong những giấc mơ Ghibli tạo ra. Có những thứ bồng bềnh thoát khỏi thực tại, có những thứ lại “thật” đến ám ảnh.

Cảm giác thật-ảo tựa giấc mơ hoà lẫn với ký ức ấy, mãi về sau này tôi vẫn không thể tìm ở đâu, ngoài tìm về Ghibli.

Cuộc sống kỳ diệu nhờ những điều bình dị

Lúc còn nhỏ xíu tôi theo ba mẹ chuyển đến một vùng ngoại ô thành phố. Để giữ “gốc gác”, cứ mỗi dịp hè tôi sẽ lại về thăm quê. Ở đó, cứ mỗi sáng bước ra hiên nhà, tôi có thể hít một hơi thật dài thứ mùi của sương quyện lẫn với mùi của đồng lúa, nhẩn nha đi dọc con đường làng hẹp, rồi chạy theo đám con nít ra bờ đê thả diều.

Lên cấp 2, tôi không còn về quê thường xuyên nữa. Nhưng Ghibli đã gói lại hộ tôi ký ức mùa hè ấy bằng rất nhiều những câu chuyện hồn nhiên của tuổi thơ, và những cảnh vẽ thiên nhiên chi tiết đến từng ngọn cỏ.

titleThiecircn nhiecircn trong phim của hatildeng Ghibli Thiecircn nhiecircn trong phim của hatildeng Ghibli
Dù thế giới trong phim của Ghibli có ảo thì lối vẽ chi tiết bối cảnh thiên nhiên vẫn sẽ khiến chúng trở nên rất thật. | Nguồn: Phim My Neighbor Totoro, Mononoke Princess, Only Yesterday (Ghibli)

Điểm hình là “My Neighbor Totoro”. Câu chuyện là một chuỗi những sự kiện hàng ngày xoay quanh hai chị em Mei và Satsuki. Hai đứa trẻ vừa chuyển tới nơi ở mới đã gần như ngay lập tức mê ngôi nhà “đầy bồ hóng” của mình. Chúng chạy ra đồng chào hàng xóm, ra suối lấy nước, nán lại trên cầu ngắm những chú cá. Rồi hôm sau lại ra đồng hái ngô.

Cả bộ phim không có một lời dẫn truyện. Cũng không có những phân đoạn nhân vật bộc lộ suy nghĩ nội tâm. Nhưng tôi của ngày 8 tuổi, hay 12 tuổi đều không cần đến những yếu tố giải thích ấy. Miệng cứ nhoẻn cười theo từng cái nhảy cóc của Mei khi chơi một mình ngoài vườn. Theo từng tiếng mưa lộp độp trên chiếc dù khiến vị thần rừng Totoro vui sướng như một đứa trẻ.

Thế giới trong phim của Ghibli là thế, dù nó có toà lâu đài bay trên mây hay cả một vùng đất những linh hồn kỳ lạ, thì phản ứng, tương tác của các nhân vật vẫn thường rất thực. Đến mức người ta có thể tin chúng tồn tại đâu đó trong vũ trụ này.

Lớn lên, tôi vẫn biết mình sẽ không thể nhìn thấy một vị thần to lớn nào, nhưng cứ tin vào ước mơ thật to. Tôi biết sẽ không có chiếc xe buýt mèo êm ái nào có mặt ngay khi tôi cần, và đưa tôi đến bất cứ đâu, nhưng bản thân vẫn khao khát đạt được bất kỳ thứ gì mình mong ước.

Đến khi ước mơ làm đau chính mình, tôi lại tìm đến Totoro để nghe lời thì thầm. Rằng sẽ luôn có những bất ngờ nhỏ trong cuộc sống bình thường, như cách vị thần này lấy đi chiếc dù nhưng không quên trao lại cho Satsuki một gói hạt giống thay lời cảm ơn. Rằng “hãy cứ cười thật lớn, rồi thứ làm mình sợ sẽ biến mất” như cách Mei, Satsuki cùng bố đã cười để đuổi lũ bồ hóng bay đi.

titleTotoro ĐIều kỳ diệu trong những điều bigravenh dị Totoro tặng goacutei hạt giống cho hai chị em Hai chị em gặp chiếc xe buyacutet megraveo Bố Mei Satsuki cugraveng cười để đuổi bồ hoacuteng đi
Dù lớn lên và không còn nhìn thấy những vị thần, thế giới được dẫn dắt bởi sự tò mò và tiếng cười vẫn còn mãi trong ký ức. Như thế có lẽ đã là diệu kỳ. | Nguồn: Phim My Neighbor Totoro (Ghibli)

Ngày tôi biết ba mẹ mình sẽ không thể tiếp tục ở bên nhau, việc về lại thăm quê luôn tặng kèm cho tôi một nỗi sợ phải gặp lại họ hàng. Nhưng khi bước ra hiên nhà, sau một hơi hít thật sâu thứ mùi của sương quyện lẫn với mùi của đồng lúa, tôi bất giác cười vì bắt gặp “Mei” và “Satsuki” chạy trên đường làng. Cuộc sống phức tạp lên trong thế giới của người lớn, nhưng có những điều bình dị vẫn cứ thế diễn ra.

Hạnh phúc không bao giờ đứng yên

Nếu tôi hỏi lại mình lúc 8 tuổi “Đâu là ngày hạnh phúc nhất?”, có lẽ câu trả lời bật ra ngay lập tức sẽ là “ngày sinh nhật”. Vì đơn giản đó là lúc là tôi được ăn bánh kem, một thứ không bao giờ xuất hiện trong nhà vào ngày thường.

Ấn tượng với thứ bánh Tây mềm mịn ấy bao nhiêu, tôi càng ngạc nhiên bấy nhiêu khi gia đình của cô bé Takeo trong phim Only Yesterday háo hức với một trái dứa bố mang về. Từ các chị gái, đến bà và mẹ đều trầm trồ vì hình thù của loại quả nhiệt đới. Họ thậm chí còn quyết định phải chờ tìm ra cách đúng để bổ trái dứa thì mới ăn. Hạnh phúc hẳn là cảm giác được ăn ngon.

titleGhibli Phim Only Yesterday Gia đigravenh cugraveng bổ dứa
Chỉ cần nghĩ rằng mình sẽ được ăn ngon thôi là đã ngập tràn hạnh phúc. | Nguồn: Phim Only Yesterday (Ghibli)

Lên 9 tuổi, 10 tuổi, rồi 11 tuổi, tôi không có thêm dịp tổ chức sinh nhật nào nữa. Chiếc bánh kem cũng không xuất hiện lần 2. Tới một ngày lật lại cuốn album ảnh, tôi mới để ý thấy nụ cười của mẹ vô tình lọt vào một khung hình, nơi bà đứng từ xa nhìn chúng tôi cắt bánh. Bao nhiêu thắc mắc trẻ con rằng tại sao chỉ mừng sinh nhật năm 8 tuổi bỗng chốc tan đi.

Đến lúc này tôi mới hiểu tại sao khi Takeo lớn lên và nhắc về những kỷ niệm hờn dỗi thuở bé, cô chỉ còn cười nheo mắt. Cô không trách mẹ tại sao không mua cho mình chiếc túi đang mốt, mà chỉ cho cô dùng lại đồ cũ của chị gái. Cô không bận lòng chuyện mình từng phải nhận một vết tay ửng đỏ trên má vì mè nheo. Hạnh phúc có lẽ là cảm giác nhận ra mình được yêu, dù muộn màng.

Lớn lên một chút, khi các mối gắn kết không còn xoay quanh gia đình nữa, chữ “yêu” lại bắt đầu mang một dáng hình mới. Tâm hồn thiếu nữ của tôi nhạy cảm với những thứ lãng mạn dù chỉ mới chớm nở, giống như buổi trưa hè chú bé Tom đèo Kiki chạy xuống con dốc để thử chiếc xe đạp chong chóng. Như buổi tối Seiji kéo đàn violin còn Shizuku ngân vang bài hát Country Road. Tình yêu của họ cứ lấp lánh giấc mơ của tuổi trẻ. Hạnh phúc có lẽ là yêu, là còn hy vọng.

titleGhibli Ước mơ vagrave tigravenh yecircu tuổi trẻ Những ước mơ vagrave tigravenh yecircu của tuổi trẻ
Người trẻ trong phim của Ghibi gần như luôn mang theo ước mơ và nuôi dưỡng tình yêu trong sáng. | Nguồn: Phim Kiki's Delivery Service, From Up On Poppy Hill, Whisper of the Heart (Ghibli)

Thế nhưng, đôi khi hiện thực có thể tàn khốc đến mức dập tắt ngay thứ lấp lánh kia.

Tôi nhớ mãi cảm giác buồn lạ lùng khi xem tới cảnh mưa sao băng, nơi Howl của ngày vẫn còn là một pháp sư tập sự đã trao trái tim mình cho một vì sao rơi. Việc sống với trái tim đặt ngoài thân xác giúp Howl có sức mạnh điều khiển cả một toà lâu đài khổng lồ luôn di chuyển. Anh còn tạo ra cho mình nhiều danh phận đủ để sống tự do. Howl tựa như bao người lớn trên đời này đang cố tách bạch con tim và lý trí để tránh cuộc mâu thuẫn muôn thuở giữa ước mơ và thực tại.

Chỉ sau này khi anh gặp được Sophie, người con gái chân thành anh biết mình sẽ phải bảo vệ, Howl mới quyết định chọn lấy một danh phận. Anh lao vào cuộc chiến với mong muốn chấm dứt nó, rồi trở về với một cơ thể vô hồn. Đến cuối cùng, để sống, Howl vẫn cần một trái tim.

- Anh thấy như có thứ gì đó đè lên ngực mình.

- Trái tim là một gánh nặng lớn mà.

Sophie nói rồi đặt trái tim của anh nhập về lại với thân xác.

Hạnh phúc có chăng là đi tìm và tìm thấy thứ mình muốn bảo vệ. Không cần biết đó là gì, một khi đã đặt toàn tâm vào nó, thì gánh nặng sẽ luôn đi đôi.

Và như thế, thế giới của Ghibli cứ đan vào cuộc sống thực của những đứa trẻ không ngừng lớn. Khi bé chúng đuổi theo niềm vui. Lớn lên, đối mặt với hiện thực phức tạp, chúng lại liên tục định nghĩa hạnh phúc. Dù là trường hợp nào, cũng sẽ có một bộ phim của Ghibli giúp người xem sống thêm một cuộc đời khác và tự mình đi tìm những điều đó.

Hãy cứ sống

“Gió nổi lên rồi… Phải cố gắng mà sống.” (The wind is rising… We must try to live.)

Có những lúc chìm trong đại dương đen, tự hỏi về ý nghĩa cuộc đời, tôi lại thấy mình không thể hiểu nổi câu nói đó trong The Wind Rises. Tại sao người ta vẫn sống khi cuộc đời đầy những bất công và đau khổ như thế.

Kỳ lạ là, ngay cả đạo diễn Hayao Miyazaki cũng từng chia sẻ trong một thước phim tài liệu rằng làm phim khiến ông khốn khổ (suffering). Nhưng ông vẫn làm sau nhiều lần tuyên bố nghỉ hưu. Đến cái tuổi càng phải chứng kiến nhiều người xung quanh mình qua đời, thì tác phẩm của ông dường như lại càng nói nhiều hơn về việc sống. “How Do You Live?” - Người hâm mộ trên toàn cầu vẫn chờ đợi ông hoàn thành dự án có thể là cuối cùng đó của đời mình.

Có chăng sống là cùng giúp nhau hoàn thành hành trình trưởng thành, mà ở đó sống về bản chất chỉ là thở. Giống như Chihiro, để các linh hồn không phát hiện mình đến từ thế giới người sống, cô phải căng má, trợn mắt, bịt lấy mũi, để không một hơi thở nào thoát ra. Những điều phức tạp khác trên đời chỉ là phần 'bonus' khiến ta bận rộn. Thế nên nếu có thấy khó khăn, chỉ cần dừng lại đôi chút rồi đi tiếp.

Cứ sống, vì “gió” mạnh tạo nên những biến cố ở thời nào cũng có. Không ai được chọn gia đình, được chọn thời đại mình sinh ra, nhưng lúc nào cũng có thể chọn trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân.

Với bộ phim mới nhất dùng phong cách vẽ 3D CG của Ghibli, nhiều người hâm mộ lo lắng về tương lai của hãng phim. Nhưng tôi nghĩ dù Goro Miyazaki có không tiếp quản Ghibli với phong cách vẽ của cha, thì linh hồn của một Ghibli đã từng là tuổi thơ của hàng triệu đứa trẻ sẽ được hồi sinh ở một thực thể nào đó khác. Với sự kiện bảo tàng Ghibli gây quỹ cộng đồng thành công chỉ sau 24h hồi cuối tháng 7 vừa qua, tôi nghĩ mình có lý do chính đáng để tin vào điều đó.

Còn lúc này, dù không ai gọi tôi về nhà lúc 5 giờ chiều nữa, tôi vẫn thường chọn cho mình một khung giờ và đến thăm lại viện bảo tàng của mình qua những thước phim 2 tiếng.